Tây Nguyên thì phải có voi, thậm chí, phải có nhiều voi. Nhưng thời gian qua, nạn phá rừng và săn bắt dữ quá, khiến đàn voi chả còn mấy, thế thì du lịch cái nỗi gì. Mà phàm việc phát triển kinh tế, tăng GDP là phải chú trọng cái anh du lịch.
Suy đi tính lại, tôi nghĩ ra diệu kế, lập dự án mua voi ngoại về cho Tây Nguyên. Nói thật là tôi học mẹo của ông chủ Tập đoàn Than Khoáng sản đấy. Mỗi đợt chỉ dăm bảy trăm con, thì chả mấy chốc, đàn voi sẽ tăng lên vài ba nghìn con. Tây Nguyên nhan nhản những voi ngoại là voi ngoại. Cả thế giới sẽ đổ xô về du lịch sinh thái, tiền thu về như lá rừng, có bốc ra mà sưởi cũng chẳng hết.
Chuyện kín thế, mà không hiểu sao thằng bạn lại biết, bèn hỏi:
- Voi nhiều lấy gì chăn? Vả, giống này tinh ranh, nhạy cảm lắm, chẳng may phật ý, nó lồng lên thì quét sạch cả Tây Nguyên.
Tôi biến báo:
- Trước đây, kháng chiến gian khổ, Tây Nguyên đã vì cả nước, bây giờ hòa bình thì cả nước phải vì Tây Nguyên. Các tỉnh, thành góp công góp của vào mà nuôi voi. Đó là cái lẽ ở đời, mà cũng là một luận cứ đề ra dự án khả thi. Được chăm bẵm, voi sẽ sinh sôi đông đàn dài lũ, từng đàn, từng đàn sẽ tràn ra cả nước. Nước ta cũng sẽ có thương hiệu triệu voi như ai.
Nghe tôi tính vậy, nó tư lự bảo:
- Khéo mà trăm voi dân cũng chẳng được bát nước xáo, coi chừng kẻo họa voi rầy! Mà nay mai cái tập đoàn của ông Khiến ông Khiển gì đấy phun bùn đỏ ngập Tây Nguyên thì voi sống thế nào.
Chợt nghe, tôi chưng hửng, cái đồ phá đám, nếu có quyền sinh quyền sát trong tay, tôi sẽ cho nó nát như bã mía. Dự án buôn voi mà được khả thi, mình cũng kiếm được chút đỉnh. Tiếc thế!
Nó lại lèo thêm:
- Rồi người đời còn chửi cho là cái đồ rước voi rầy mả tổ, tiếng để đời.Tiến thoái lưỡng nan, xôi hỏng bỏng không như bỡn.
Tuyên Quang, ngày 18 tháng 5 năm 2009
V.X.T