Cái anh Sầm Đức Xương thế mà nổi tiếng-nổi tiếng xấu! Thời gian qua ai chẳng biết vụ bê bối tình dục ở một trường tỉnh Hà Giang bị phơi bầy trên báo chí, cuối cùng thì thủ phạm hiệu trưởng Sầm Đức Xương phải ngồi bóc lịch 9 năm. Thật đáng đời!
Vụ án khép lại, báo chí vừa ngơi tiếng, thì tắp lự văn học cất giọng. Mới rồi tôi vào hiệu sách của Nhà xuất bản Văn học ở phố Nguyễn Trường Tộ, Hà Nội, thấy bầy bán một cuốn mới toe, bìa bắt mắt, tựa khá gợi “Đánh đu cùng số phận”. Đọc, thấy đích thị hiện ra bóng dáng anh hiệu trưởng họ Sầm kia dưới cái tên khác: hiệu trưởng Dương Tiến, mà tác giả, nhà văn Phạm Quang Đẩu quyết định rằng tòa án lương tâm mới là nơi phán quyết công bằng nhất, đích đáng nhất! Tác phẩm thêm một lần dóng lên hồi chuông báo động về một thực trạng đạo đức xã hội xuống cấp, một bộ phận quan chức sống gấp, tha hóa, giả dối phạm vào đạo đức nhân phẩm đang nhơn nhơn ngoài vòng pháp luật.
Trước hết tôi thấy cách viết của tác giả quả hấp dẫn, gần 300 trang sách đọc được một lèo. Hấp dẫn trước hết bởi sự mới trong cách thể hiện. Ba nhân vật chính: Phan Lãng(giáo sư); Diệu Thúy(cô con ông chủ tịch huyện) và Dương Tiến(hiệu trưởng) đều xưng “tôi”. Tiểu thuyết có một nhân vật xưng “tôi” từ đầu chí cuối là chuyện thường gặp lâu nay, nhưng cả ba nhân vật đều xưng “tôi”, thì mới thấy có ở cuốn này. Cách viết này dễ thể hiện suy nghĩ nội tâm, liên tưởng, kết nối hành động các tuyến nhân vật, song không gây cho người đọc cảm giác bị rối, lẫn người nọ sang người kia, thì quả là cao tay. Bố cục tiểu thuyết chặt chẽ, không thừa, không thiếu đối với các nhân vật chính, cả với nhân vật phụ, tình huống xảy ra theo lẽ tự nhiên, không khiên cưỡng, đó cũng là điểm mạnh của tác phẩm.
Tôi không phải nhà phê bình văn học, chỉ là người mắc chứng “nghiền” sách văn học, tình cờ có trong tay cuốn sách mô tả thói dâm tà của những kẻ như Sầm Đức Xương, nên dưới đây cũng có mấy lời lạm bàn xung quanh chuyện…tình dục.
Hiện Quốc hội đang họp và đúng lúc này lại xì ra mấy vụ chân dài bán dâm cho đại gia cả ngàn đô mỗi lần đi khách. Tại nghị trường vừa qua nóng lên ý kiến kẻ bán dâm bị bắt đi phục hồi nhân phẩm, bị trương lên mặt báo, vậy kẻ mua dâm có nên chỉ “phạt cho tồn tại” như vẫn làm hay không? Không chỉ lần họp này Quốc hội mới bàn chuyện “đời thường” ấy, mà tôi nhớ không nhầm thì từ nhiều năm về trước, nhiều khóa Quốc hội cũng đã sới lên chuyện nên xử lý kẻ mua dâm, ruốt cục vẫn chưa ngã ngũ. Lại trên báo mạng mới đây, có ông bác sĩ công khai viết bài cho rằng: đàn ông mua dâm là chuyện thường tình, để giải quyết “xì-trét”, đỡ mụ mẫm đầu óc trong các trường hợp vợ già mãn kinh, vợ chết chưa có “tập 2”, vợ đẻ chưa “khô lò”, v.v…Lập tức có rất nhiều comment, xem ra số lượng người ủng hộ và phản đối vẫn là 50/50.
Tình dục là bản năng và là đặc ân của con người. Tôi nhớ, họa sĩ Trung Hoa danh tiếng Tề Bạch Thạch có một câu bàn về sexy khá xác đáng: yêu không có tình dục thì khô, lạm dụng quá thì thô. Như vậy giới hạn giữa “khô” và “thô” là rất mong manh. Cuốn sách của nhà văn Phạm Quang Đẩu đề cập tới cái “mong manh” đó. Nhân vật hiệu trưởng Dương Tiến đã ở tuổi sắp hưu, có thành tích cống hiến, vợ đẹp con khôn, bỗng một ngày kia chậc lưỡi ham vui. Mà thiên hạ thời nay đàn ông đi làm cái chuyện ấy cũng như ra chợ mua mớ rau, con cá chứ có gì đáng nói, đáng lưu tâm. Rồi lặp đi lặp lại cũng thành quen, tình dục cũng như ma túy đã bập vào là nghiện, nghiện rồi khó cai, cai rồi dễ tái nghiện, khó bỏ dứt điểm. Và một khi làm việc gì đã thành thói quen dẫu có là việc trái luân thường đạo lý lương tâm vẫn chẳng gợn cắn rứt. Ông thầy hiệu trưởng ham vui ấy đã vượt khỏi lằn ranh “mong manh” kia tự lúc nào, đến nỗi mắt bị quáng “nhìn các nữ sinh với con mắt của con dê cụ sáng sáng kiểm duyệt cả đàn trước khi ra đồng gặm cỏ”. Cũng vì ham vui mà hiệu trưởng còn kéo theo cả những quan chức quen biết ở địa phương cho có hội thuyền, tất nhiên còn vì mục đích vụ lợi, lấy tiền chùa đãi đằng nhau, nhờ vả làm ăn với nhau. Giữa đạo đức và phi đạo đức, giữa tuân thủ và không tuân thủ pháp luật đều rất mong manh. Nhân vật giáo sư Phan Lãng được coi như “trọng tài” chuyên thổi còi phạt việt vị các vị hay “bỏ cơm ăn phở” kia. Nhưng ẩn chứa phía sau nhân vật còn là dụng tâm của người viết: một hình mẫu không hoàn thiện “bị khuyết tật trong con người đàn ông”. Đây cũng là nhân vật lấy lại sự cân bằng, khi trong truyện có cả một seri các nhân vật tiêu cực ăn chơi đàng điếm. Ông giáo sư có cái nhìn tuy không hợp thời về tình yêu, tình dục, nhưng luôn tuân thủ cái đạo lý muôn đời là tình yêu không thể là món hàng mua bán, đổi chác, không thể đồng nhất với chuyện sexy bừa bãi. Có hai quan chức “tay nhúng chàm” bị lôi ra ánh sáng của tòa án lương tâm, là tiến sĩ Huy Tuấn trong diện luân chuyển về địa phương để chờ đề bạt lên cấp cao hơn, và ông chủ tịch huyện Đằng, vốn là học trò của Dương Tiến. Vụ xì-căng-đan tình dục hé lộ từ sự việc Diệu Thúy, con gái chủ tịch Đằng phẫn chí bỏ nhà đi bụi vì quá đỗi thất vọng, phẫn uất khi biết bố có quan hệ “bóc bánh trả tiền” với một số bạn của cô trong trường. Rồi cô sa vào lầu xanh trong phút chốc do sự nông nổi của mình. Để rồi vị giáo sư ngu ngơ việc đời lại phải bất đắc dĩ đóng vai “thám tử”, đi điều tra nguyên nhân làm điếm của cô. Điểm nhấn của tác phẩm, cũng là sự kết thúc tuy có phần bạo liệt, đau xót nhưng vẫn thấm đẫm tính nhân văn. Dương Tiến vì tủi hổ mà đâm đầu xuống sông tự vẫn và Diệu Thúy thì dính bản án tử hình treo lơ lửng do đã nhiễm HIV và trở thành con nuôi ông giáo sư.
Tình yêu- tình dục là chuyện muôn thuở của con người, có biết bao tác phẩm văn học đông tây kim cổ đã đề cập tới. Cuốn Đánh đu cùng số phận của Phạm Quang Đẩu thêm một lần mạnh dạn đi vào đề tài “cổ xưa” ấy, mà vẫn thấy cái mới, tính thời sự nóng hổi về quan niệm đạo đức, lối sống cho mọi lứa tuổi, nghề nghiệp, tầng lớp của ngày hôm nay. Đấy cũng chính là một thành công mới của tác giả.
Hà Nội 15-6-2012
--------------------------
Ảnh theo bài: Bìa cuốn sách