Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Nhà thơ Hải Như: Tôi học Bác Hồ cách làm người

Vũ Đảm thực hiện
Thứ hai ngày 18 tháng 6 năm 2012 9:46 PM
NVTPHCM- Nhà thơ Hải Như tên thật là Vũ Như Hải tham gia cách mạng trước năm 1945 trong Hội Truyền bá quốc ngữ ở Hà Nội. Năm 1946, ông vào quân đội, tham gia lớp đào tạo báo chí cách mạng đầu tiên mang tên Huỳnh Thúc Kháng ở chiến khu Việt Bắc. Sau đó, ông lần lượt công tác ở các báo Sông Lô, Vệ quốc quân, Cứu quốc và báo Giác Ngộ. Năm nay ông đã bước vào tuổi 89 và hiện đang sinh sống tại TPHCM. Chúng tôi trò chuyện với ông về những bài thơ mà ông viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh.
 
* Thưa nhà thơ Hải Như, nói đến cuộc đời thơ ca của ông, không thể không nói đến mảng thơ viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh, cho đến nay ông đã sáng tác được bao nhiêu bài thơ về Người?
- Tôi đã viết được 41 bài thơ về con người Hồ Chí Minh, một vĩ nhân nhưng rất con người Việt Nam.
* Trước ông đã có nhiều nhà thơ nổi tiếng viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông là người đi sau, ông không sợ cái bóng của họ trùm lên mình?
- Không, bởi tôi chọn cho mình một lối đi riêng, tôi viết về con người Hồ Chí Minh chứ không viết về lãnh tụ Hồ Chí Minh. Trong bài thơ Một lối đi riêng viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh, tôi cũng đã viết:
Bác không muốn giẫm lên mọi đường mòn có sẵn
Khi đích đã nhắm rồi
Người luôn luôn tạo cho mình: Một lối đi riêng.
             (Tháng 1 năm 1970)
* Quả là viết về Bác Hồ, ông đã chọn cho mình một cách viết riêng, ngay như viết về đôi dép cao su của Bác, nhà thơ Tố Hữu cũng đã viết nhưng ông đã phát hiện ra ở Người không chỉ là sự giản dị mà còn là sự nhân văn:
- Bác Hồ đi dép lốp cao su
Đâu chỉ vì giản dị
Mà vì lẽ cao hơn
...
Khi trái đất này còn những trẻ em
Chưa có đủ giày đi
...
(Đâu chỉ vì giản dị, 1970)
Chủ tịch Hồ Chí Minh làm cách mạng chỉ với ham muốn: “Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. Khi đồng bào đang bị đói, Người đã nhịn bữa để nhường gạo cho dân thì việc Người đi dép lốp vì nhiều trẻ em chưa có giày đi cũng là điều dễ hiểu. Tôi viết những câu thơ này, không chỉ vì sự giản dị, nhân văn của Bác Hồ mà còn gửi gắm cả nỗi niềm mong sao trẻ em luôn được người lớn quan tâm một cách thiết thực như Bác chứ không chỉ là hô to khẩu hiệu: “Trẻ em là tương lai của đất nước”.
* Bài thơ đầu tiên ông viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Chúng cháu canh giấc Bác ngủ, Bác Hồ ơi!”, được ông sáng tác sau 5 ngày Bác mất. Bài thơ đã được đăng trên báo Nhân dân ngày 20-9-1969 làm lay động bao lòng người. Sau đó Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trường Chinh đã đọc bài thơ và lấy bút gạch chân 16 câu tâm đắc và nhận xét: Bài thơ “Bác ơi!” của nhà thơ Tố Hữu sáng tác cùng thời điểm là bài thơ con khóc cha, còn bài thơ “Chúng cháu canh giấc Bác ngủ, Bác Hồ ơi” của Hải Như là bài thơ quần chúng khóc lãnh tụ. Khi đó, ông cảm nhận thế nào về lời nhận định của ông Trường Chinh?
- Mỗi người đều có cách cảm thụ, thẩm mỹ riêng về một tác phẩm văn học. Khi đó tôi không mấy quan tâm đến lời nhận xét về nội dung bài thơ của Chủ tịch Trường Chinh mà thấy rất cảm động vì ông Trường Chinh, một chính khách tuy rất bận việc quốc gia đại sự vẫn dành thời gian để đọc thơ, không những đọc mà còn suy ngẫm kỹ càng. Đó là một hành động rất văn hóa của một nhà văn hóa lớn Trường Chinh.
* Nghe nói ngày nay, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An cũng hay đọc thơ của ông viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh?
- Ông Nguyễn Văn An cũng là một chính khách yêu văn chương. Những tác phẩm mà tôi tặng, ông ấy đều đọc và có nhiều chia sẻ với tác giả. Mỗi khi có dịp ra Hà Nội, gặp ông Nguyễn Văn An, chúng tôi lại đàm đạo về tư tưởng và con người Hồ Chí Minh.
* Bài thơ nào của ông viết về Bác Hồ mà ông Nguyễn Văn An thích đọc, thưa ông?
- Ông Nguyễn Văn An tâm đắc với bài thơ Người sau không bị khuất:
Bác Hồ đứng
Người sau không bị khuất
Ta đứng (thường quên)
Che lấp…
Bạn mình!
(Tháng 10 năm 1970)
* Ông không chỉ có sự quan sát tinh tế, Bác Hồ đứng không che khuất người xung quanh mà ông còn cảnh tỉnh chính mình khi đứng thường che lấp bạn mình. 40 năm rồi, nhưng thưa ông, xem ra bây giờ “ta” vẫn hay che lấp bạn mình, thậm chí nhiều hơn?
- Đó là một nỗi buồn nhưng không đáng sợ bằng điều mà trước lúc ra đi Bác đã căn dặn và tôi cũng đã chuyển tải vào thơ mình:
...
Không đáng sợ kẻ thù trước mặt
Sợ nhất
Kẻ thù ẩn náu trong ta!
             (Không đáng sợ kẻ thù trước mặt, 1970)
* Vâng, kẻ thù ẩn náu trong ta bao giờ cũng nguy hiểm, đáng sợ hơn nhiều kẻ thù bên ngoài. Theo ông làm thế nào để ta thắng được kẻ thù trong ta?
- Nhà Phật cho rằng trong mỗi chúng ta đều có cái thiện và cái ác, cái ác chính là kẻ thù trong ta. Vậy nên làm cho cái thiện trong mỗi chúng ta lấn át, diệt được cái ác chính là ta đã thắng được kẻ thù trong ta.
Nhà triết gia cho rằng trong mỗi người đều có hai phần: Con và Người. Phần Con là bản năng, mang nhiều dục vọng, là kẻ thù tiềm ẩn trong ta. Phần Người là văn hóa, mang chở cái thiện, tính nhân văn. Vậy nên làm cho phần Người trong mỗi chúng ta lớn hơn phần Con, ấy là ta đã chiến thắng được kẻ thù trong ta.
* Ông học gì ở Bác Hồ?
- Tôi học ở Bác Hồ cách làm người chứ không học làm lãnh tụ.

Theo SGGP
Cóp từ NhavantpHCM
Ảnh: Nhà thơ Hải Như và Trần Nhương chụp lưu niệm nhân dịp anh ra Hà Nội 4-2012