Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Thái Bình, đất đã gọi tên…

Hoàng Linh
Thứ ba ngày 29 tháng 5 năm 2012 6:49 PM

Theo chương trình đi thực tế được Tổng Biên tập cho phép, chúng tôi hành quân đến quê hương năm tấn một thời. Vợ chồng anh Nguyễn Trọng Thắng, phóng viên thường trú lọ mọ ra tận cửa ngõ thành phố Thái Bình đón đoàn, vừa gặp đã xuýt xoa: Đường sá xa xôi, đoàn có vất vả lắm không?.
 
Điểm đầu tiên đến là chùa Keo. Ngôi chùa này nghe tiếng đã lâu, nhưng chúng tôi chưa có dịp đến tham quan, nên trong lòng không khỏi háo hức. Vừa bước chân qua cổng chùa, Cụ Nhương (Phòng Phóng viên thường gọi nhà văn, nhà báo, họa sĩ Trần Nhương bằng cái danh xưng âu yếm như vậy) trầm trồ: Ái chà chà, một kiến trúc thuần Việt đẹp mê hồn!.... Anh Thắng vừa dẫn đoàn vào, vừa giảng giải về lịch sử và những nét đặc biệt của ngôi chùa. Tôi thầm nghĩ: Bác này nếu không làm báo chắc chắn làm hướng dẫn viên du lịch.
Chùa Keo là tên dân gian đặt cho vì chùa làm trên đất làng Keo, chứ tên chữ là Thần Quang Tự được hình thành vào thời nhà Lý, do Thiền sư Không Lộ, pháp danh Thông Huyền dựng nên từ năm 1016. Trải qua biến thiên lịch sử, đến năm 1611 ngôi chùa bị trận hồng thủy cuốn phăng mất. Lúc bấy giờ có vị Quận công Hoàng Nhân Dũng đứng ra quyên góp xây dựng lại chùa. Phải mất 19 năm ròng, ông mới quyên góp đủ, bản thân ông cũng đóng góp nhiều tiền của, đất đai… Ngôi chùa được khánh thành vào tháng 11 năm 1632 và tồn tại cho đến ngày nay. Anh Thắng chỉ cho xem một cây si được trồng vào chiếc cối đá cũ ngay trong sân chùa, nhưng dường như nó không chịu được sự chật hẹp, nên rễ cây òa hết ra ngoài, cắm sâu vào lòng đất, ôm trọn và nâng bổng chiếc cối đá lên khỏi mặt đất chừng 20 cm. Cụ Nhương cho rằng, đây là biểu tượng của ý chí và khát khao của con người, bèn quay cờ-líp đưa ngay lên mạng (xem trannhuong.com). Chùa Keo đẹp nhất là gác chuông. Các nhiếp ảnh gia đến đây ai cũng phải giơ máy chụp hình. Anh Thắng chỉ cho chúng tôi chiếc giếng nước được lát xung quanh bằng những chiếc cối đá thủng đáy. Anh bảo: Đấy là những chiếc cối dùng giã gạo nuôi thợ xây chùa. Giã nhiều đến mức thủng trôn, người ta dùng xếp quây quanh giếng....
 
Quy hoạch du lịch sinh thái Cồn Vành.
Gần trưa, đoàn chúng tôi về đến nhà hàng của Cty CP Thương mại và Xây dựng Đại Dương. Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Đặng Văn Khiêm đã chuẩn bị sẵn bữa thịnh soạn. Anh Thắng giới thiệu, đây là một trong những doanh nghiệp xuất sắc của tỉnh, có nhiều đóng góp cho nông dân, mỗi năm tiêu thụ hàng vạn tấn thóc, mua cả năm báo tặng cho nhiều cơ sở Hội. Bữa cơm trưa ngon và đầm ấm. Cơm nước xong, đoàn chúng tôi lại lên đường, trực chỉ Tiền Hải thẳng tiến.
Lãnh đạo huyện Tiền Hải tiếp đón đoàn chúng tôi thân tình, cởi mở và đưa đi tham quan Khu du lịch sinh thái Cồn Vành. Lãnh đạo huyện thông báo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Xuyên đang tức tốc đánh ô-tô từ Điện Biên về để kịp chiều tối mời cơm chiêu đãi đoàn. Các anh cho biết, Tiền Hải là huyện ven biển của tỉnh Thái Bình, có vị trí chiến lược quan trọng về chính trị, kinh tế, an ninh, quốc phòng ở vùng duyên hải Vịnh Bắc Bộ. Với 23 km bờ biển, Tiền Hải có thế mạnh về nuôi trồng thủy sản và du lịch biển. Tuy nhiên, tiềm năng du lịch vẫn chưa được khai thác hết. Những năm gần đây, nghề nuôi tôm sú và nuôi ngao phát triển khá mạnh, sản lượng xuất khẩu năm sau cao hơn năm trước. Năm 2011, kinh tế đạt kết quả tốt, tổng giá trị đạt trên 3.000 tỉ đồng. Trong đó, sản xuất nông, thủy sản đạt trên 1.000 tỉ đồng; sản xuất công nghiệp - xây dựng đạt trên 1.600 tỉ đồng; thương mại - dịch vụ đạt trên 500 tỉ đồng. Tiền Hải còn có nhiều mỏ khí đốt khá lớn. Đây cũng là điều kiện quan trọng để địa phương phát triển sản xuất công nghiệp...
Bãi biển Cồn Vành, là điểm du lịch lí tưởng với bãi cát mịn, thoai thoải, chạy dài mấy cây số trước rừng phi lao chắn sóng xanh rì. Hiện Cồn Vành vẫn rất hoang sơ, chưa được đầu tư hạ tầng. Tỉnh cũng đã quy hoạch Cồn Vành thành khu Resort (du lịch sinh thái), nhưng mới ở giai đoạn kêu gọi đầu tư. Chúng tôi dừng chân bên cánh rừng phi lao rộng 35 ha do vợ chồng anh Long và chị Mí bỏ vốn ra trồng từ năm 2001, trên chiều dài 4 km ven bờ biển Cồn Vành. Nhờ cánh rừng này, toàn bộ vùng.
đất bồi ven biển được bảo vệ trước sự đe dọa của sóng và bão biển. Hiện cũng chưa có chính sách gì đối với cánh rừng và người trồng rừng nên anh chị Long, Mý vẫn lầm lũi chăm nom, bảo vệ rừng trong tình cảnh không có nguồn thu. Thế mới biết, ở đời còn nhiều người tốt, dám dấn thân cho những mục đích cao cả hơn là của cải, vật chất.
Ngày thứ hai, đi thăm đền Đồng Bằng trên đất An Lễ, huyện Quỳnh Phụ; đến thăm và chào lãnh đạo huyện Hưng Hà; tham quan đền thờ Đức Tổ họ Trần Việt Nam; thăm và dâng hương quần thể di tích lăng, mộ và đền thờ các vị vua, quan nhà Trần. Đền Đồng Bằng còn gọi là đền Đức Vua, được xây dựng từ đời Hùng Vương thứ 18 trên khuôn viên rộng, kiến trúc đẹp, vừa linh thiêng khó có nơi nào sánh kịp. Anh Thắng dẫn đoàn vào hậu cung (cung cấm) thắp hương và chiêm ngưỡng chiếc giếng cổ, nghe nói nước giếng thiêng lắm, có thể chữa khỏi bệnh cho những người thành tâm.
Chủ tịch UBND huyện Hưng Hà Nguyễn Hồng Chuyên tiếp chúng tôi. Anh cho biết, huyện là một trong những vùng đất cổ xưa nhất. Thế mạnh của Hưng Hà là làng nghề và cụm công nghiệp. Ở đây có nghề dệt khăn bông nổi tiếng, không những tiêu thụ trong nước, mà còn xuất khẩu. Ngoài nghề dệt, Hưng Hà còn sản xuất đồ gỗ cao cấp nổi tiếng. Sản lượng lúa ở đây được đánh giá là huyện có năng suất cao nhất tỉnh, bình quân 132,2 tạ/ha/năm. Vụ Đông huyện chỉ đạo bà con phát triển cây đậu tương, với năng suất và chất lượng cao, trừ chi phí bà con thu về khoảng 800.000 đồng/sào. Ngoài đậu tương còn có ngô, khoai lang, đặc biệt giống khoai lang Tây Đô là đặc sản của Hưng Hà...
Chia tay với UBND huyện, chúng tôi tiếp tục hành trình đến đền thờ Đức Tổ họ Trần Việt Nam, tham quan quần thể di tích lăng, mộ và đền thờ các vị vua, quan nhà Trần. Đền thờ Đức Tổ họ Trần Việt Nam mới được xây dựng hoành tráng, uy nghi trên khuôn viên rộng rãi, tại thôn Phương La, xã Thái Phương, huyện Hưng Hà.
Điểm đến cuối cùng của hành trình là quần thể lăng - mộ - đền thờ các vị vua, quan nhà Trần. Đây là quần thể di tích lịch sử, văn hóa đồ sộ, trên diện tích 5.175 m2 xây dựng công phu, uy nghi bề thế toạ lạc giữa trung tâm xã Tiến Đức được chia thành: Không gian hành lễ, không gian nội tự đền, không gian vườn cây xanh... Toà hậu cung có kết cấu chữ đinh, gồm hai toà tám gian, trên diện tích 359 m2, tôn vinh vẻ uy linh với hệ thống rồng đá được chạm trổ tinh vi, sống động... Đây là điểm nhấn trong quy hoạch phát triển du lịch văn hóa tâm linh của huyện Hưng Hà.
Chuyến dã ngoại Thái Bình không những cho các phóng viên chúng tôi nhiều kỉ niệm khó quên, mà còn tiếp thêm nhiều kiến thức về lịch sử, văn hóa của một vùng quê lúa giàu truyền thống của vùng Đồng bằng Bắc Bộ
Ghi chép: Hoàng Linh