( Hay là sự ăn cắp thô bạo và trắng trợn )
Những năm gần đây, hành vi sao chép, đạo văn trên báo chí và các ấn phẩm khá phổ biến ở nhiều nơi, làm những người cầm bút chân chính không khỏi phiền lòng.
Vừa qua, tình cờ xem cuốn sách “ Hỏi đáp về Nghề truyền thống Việt Nam”, của tác giả Hồ Châu, do Nhà xuất bản Thời Đại phát hành quý 4 năm 2010, thì tôi lại thấy rất nhiều trang chép nguyên văn từ cuốn khảo cứu “ Nghề cổ đất Việt ” của tôi, do Nhà xuất bản Văn Hóa Thông Tin, phát hành quý 4 năm 2007.
Hơn 150 trang, trong tổng số 172 trang của cuốn “ Hỏi đáp về Nghề truyền thống Việt Nam ” của Hồ Châu, là trích và chép nguyên văn từ cuốn “ Nghề cổ đất Việt ” 604 trang của tôi. Tệ hại hơn, là chép nguyên văn từ dấu chấm, dấu phảy. Tôi không thể trích ra để so sánh, vì nó quá nhiều, hầu như toàn bộ cuốn sách đó. Có một số trang, tác giả Hồ Châu cắt xén, đổi dòng, đổi đoạn để cho khác chút ít với cuốn sách của tôi.
Xin thưa, cuốn khảo cứu “ Nghề cổ đất Việt ” ( 2007) của tôi là tái bản bổ sung từ những cuốn khảo cứu mà tôi đã xuất bản trước đó, như cuốn “ Nghề đẹp tỉnh Bắc”(1981), cuốn “ Nghề cổ nước Việt”(2001, tái bản 2002)( Ghi chú: những cuốn sách này tôi đã đăng ký bản quyền với Trung tâm bản quyền Hội Nhà Văn Việt Nam ) và là tập hợp từ những bài viết của tôi đã in liên tục trên tạp chí “ Tri thức trẻ”, từ số 92(12-2002) đến số 167(1-2006). Các báo Lao Động, Văn Hóa, Hà Nội Mới...đã đăng bài giới thiệu về các cuốn sách trên. Báo Văn Nghệ Trẻ, số 13( 595) ra ngày 30-3-2008 có bài phỏng vấn vì sao tôi viết nghiên cứu nghề thủ công cổ truyền. Không rõ, tác giả Hồ Châu có đọc những thông tin đó không, sao tùy tiện làm một việc thiếu văn hóa như vậy? Một số bạn viết nhận định, đấy là hành vi ăn cắp, đạo văn thô bạo và trắng trợn của tác giả
Hồ Châu.
Tôi rất mong nhận được ý kiến của Nhà xuất bản Thời Đại và tác giả Hồ Châu. Kính mong Trung tâm bản quyền Hội Nhà Văn bảo vệ quyền lợi giúp tôi.
VŨ TỪ TRANG