Vụ cưỡng chế đất ở ba xã Phụng Công, Xuân Quan, Cửu Cao thuộc huyện Văn Giang do UBND tỉnh Hưng Yên chỉ đạo ngày 24/4/2012, có phải để đánh dấu son trong lịch sử Đảng bộ Hưng Yên chăng?. Vụ việc này đã gây bức xúc nhiều tầng lớp nhân dân trong nước và trên thế giới. Vụ cưỡng chế đất trái pháp luật theo kiểu xã hội đen... và qua những lời lẽ bài báo cáo của ông Nguyễn Khắc Hào với thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong phiên giao ban trực tuyến ngày 2/5/2012.
Trong vụ việc này, người mà được nhắc đến nhiều nhất có lẽ là ông Nguyễn Khắc Hào, phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Hưng Yên. Trong phiên giao ban trực tuyến ngày 2/5/2012, ông Nguyễn Khắc Hào đã báo cáo với thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng với giọng điệu hào sảng như vừa lập được một chiến tích hiển hách. Trong báo cáo có những câu:
“...Việc cưỡng chế tiến hành đúng trình tự pháp luật”, rồi: “...Không xảy ra thương vong”, “vụ việc này có sự móc nối chặt chẽ với những phần tử chống đối nước ngoài...”.
Thực tế đã chứng minh ông Hào đã báo cáo láo, đồng nghĩa với việc ông Hào đã nói dối Thủ tướng Chính phủ. Việc này khép vào tội danh gì? Ngày xưa những hạ thần nào mà giám nói dối vua thì phạm tội Khi quân lập tức bị xử trảm! (chém đầu). Còn ngày nay tội nói dối thủ tướng chắc không bị chém đầu, thì chí ít phải chặt tay (vì viết báo cáo) hoặc cắt lưỡi (để khỏi uốn lưỡi nói dối).
Chiểu theo 19 điều cấm đảng viên không được làm thì qua báo cáo của ông Nguyễn Khắc Hào đã vi phạm vào điều 3,4 và điều 8:
- Viết bài, cho đăng tải tin, bài sai sự thật, vu cáo, bịa đặt hoặc qui kết về tội danh (điều 3)
- Lợi dụng việc phát ngôn, nhân danh việc phản ánh, góp ý với đảng để đả kích vu cáo, xúc phạm, nhận xét, đánh giá tùy tiện đối với người khác. (điều 4)
- Quan liêu, thiếu trách nhiệm, bao che, báo cáo sai sự thật (điều 8). Như vụ ở Văn Giang.
Theo báo cáo của ông Hào thì vụ Văn Giang
“...có phần tử tiêu cực, bất mãn, phản động trong nước và nước ngoài..”. Xin hỏi ông Hào đó là ai? Ai bất mãn, tên là gì? Bọn phản động nào? Trong tay có một lực lượng chuyên chính như vậy lẽ nào ông Hào và chính quyền Hưng Yên không tìm được ra được những kẻ đó là ai? Có lẽ không thể tìm ra được những phần tử như đã nêu, nên ông Hào và chính quyền Hưng Yên đã “vơ đũa cả nắm” “bắt nhầm hơn bỏ sót) và hệ quả là hai nhà báo Nguyễn Ngọc Năm và Hán Phi Long (phóng viên VOV Đài tiếng nói Việt Nam) trở thành nạn nhân, bị hành hung và bắt giữ!
Thực tế cho thấy chính những nhóm người được hưởng lợi từ dự án này mới là những kẻ bất mãn. Bất mãn vì “khó nuốt” được đất của dân ba xã Phụng Công, Xuân Quan, Cửu Cao. Họ cố nuốt miếng mồi ngon nhưng đã bị sự phản đối dữ dội của những người dân ba xã này từ nhiều năm nay.
Trước khi vụ việc này xảy ra, ông Hào và các cộng sự của mình chắc chắn đã được học tập Nghị quyết TW4 khóa XI về “Một số vấn đề bức xúc về xây dựng Đảng hiện nay”. Liệu ông Hào sẽ viết bản tự kiểm điểm về mình như thế nào?
Nhân đây cũng xin sơ lược “trích ngang” tiểu sử và những “thành tích” của ông Hào trên quan trường để bạn đọc rộng đường suy xét.
Ông Nguyễn Khắc Hào, sinh ngày 12/5/1955 tại xã Minh Hoàng, huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên. Từng tốt nghiệp khoa ngữ văn - Đại học sư phạm Hà Nội. Sau đó về làm giáo viên văn trường cấp III thị xã Hưng Yên, làm bí thư đoàn trường, rồi hiệu phó, hiệu trưởng tại trường này. Năm 1997, Hưng Yên tái lập tỉnh, năm 1998 “vọt” lên làm hiệu trưởng trường Cao đẳng sư phạm Hưng Yên. Trong thời gian làm hiệu trường ở đây đã xảy ra nhiều lùm xùm, bê bối. Mặc dù vậy, 3 năm sau ông Hào vẫn “ngoi” lên chức Giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo tỉnh Hưng Yên. Thời gian làm giám đốc sở này từ 2005-2006, ông Hào đã bị nhiều đơn thư tố giác của các giáo viên về việc sử dụng tiền bồi dưỡng giờ dạy của giáo viên, chi thoáng vung phí tiền nhà nước trong tiếp khách, mua sắm đồ dùng học tập rởm, việc cấp bằng tốt nghiệp PTTH sai qui định . Báo Văn nghệ trẻ số ra ngày 18/12/2005 có đăng bài tố cáo ông Hào, nhưng không hiểu vì sao số báo này ở Hưng Yên không xuất hiện trong 10 ngày mới phát hành. Người ta đồn rằng vợ ông Hào đã đặt mua hết.
Một trong nhiều bài báo phản ánh những việc làm tiêu cực của ông Hào khi đang là Giám đốc sở dục đào tạo Hưng Yên.(Ảnh chụp từ báo văn nghệ trẻ số 51(473) ra ngày 18/12/2005)
Báo Lao động cũng có loạt bài phản ánh về những sai phạm của ông Hào
(Ảnh chụp Báo lao động số 246 ra ngày 8/9/2006)
Sau vụ việc này ông Hào bị “giáng chức” và đi “ở ẩn”- về làm Bí thư huyện ủy Ân Thi. Tuy nhiên sau thời gian “ở ẩn” này con đường quan trường của ông Hào tiến lên vùn vụt, mặc dù trước khi được bầu vào thường vụ tỉnh Ủy , ông Hào xuýt trượt tỉnh ủy viên vì phiếu thăm dò ở cơ quan khối dân chính đảng thấp nhất.
Điều đặc biệt nữa là ông Hào không phải là nhà báo, không công tác ở bất cứ cơ quan báo chí nào, vậy mà năm 2005 ông Hào được Hội nhà báo Việt Nam công nhận là Hội viên Hội nhà báo Việt Nam.
“mác” Hội viên Hội Nhà báo Việt Nam được in trên bìa 4 tập thơ Đêm bé nằm mơ- Tập thơ thiếu nhi. Nhà xuất bản giáo dục năm 2005.
Trong các lãnh đạo ở Hưng Yên, có lẽ ông Hào là người thành đạt “danh giá”nhất, cứ như đã được mặc định vậy: Nhà giáo ưu tú, nhà thơ, nhà báo rồi thạc sĩ, Tiến sĩ, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh. Cứ đà này ông Hào sẽ lên tận Trung ương ? Chắc chắn điều này đã nằm trong “lộ trình” và được ông “lập trình” kỹ lưỡng, và vụ việc ở Văn Giang là một “cửa ải” lớn nhất mà ông phải vượt qua.
Ở Hưng Yên người ta bảo: Ông Hào muốn gì được đấy, có lẽ ở Hưng Yên chưa có sếp nào được đi thăm thú nước ngoài nhiều như sếp Hào (hàng chục nước). Người ta đồn vì ông Hào có ô dù từ trung ương đến địa phương, lại có nhiều tiền.
Năm 2011, khi ông đang giữ chức Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh như hiện nay, Báo Văn Nghệ trẻ và một số tờ báo khác đang loạt bài điều tra về một số tiêu cực trong việc xây dựng bệnh viện phụ sản Hưng Yên, việc đấu thầu giá thuốc, thiết bị y tế. Trong đó có nêu việc ông Hào đã ký một số quyết định, văn bản sai qui định. Nhưng không biết ông Hào can thiệp bằng cách nào mà số báo trước đề phần cuối bài (đón đọc số báo tiếp theo), nhưng số báo sau đã không đăng tiếp bài viết phản ánh về vụ việc này nữa.
Người dân Hưng Yên có câu “Đâu có Hào chỗ nào cũng lọt”, nhưng có một cửa mà đến giờ ông Hào vẫn “chưa lọt” đó là cửa vào Hội nhà văn Việt Nam. Trong hơn 500 hồ sơ của các tác giả xin kết nạp vào Hội nhà văn Việt Nam có hồ sơ của tác giả Nguyễn Khắc Hào, vậy mà đến nay đã hơn 10 năm hồ sơ của ông Hào vẫn chưa được xét.
Mới hay các nhà văn chúng ta tinh tường lắm chứ, Ban chấp hành Hội nhà văn khóa VII, VIII tinh tường lắm chứ, nếu không bây giờ phải lấy tay che mặt vì hội viên của mình.
Tiền mua được quyền chứ dễ gì mua được thẻ Hội viên Hội nhà văn...
Ôhô! Hỡi ông xu, ông Hào.