(Dân Việt) - May mà lúc đó chúng tôi đội mũ bảo hiểm... cả hai liên tiếp nhận những cú đánh bằng dùi cui chí tử nhắm vào đầu từ những người xưng là lực lượng cưỡng chế của huyện Văn Giang và tỉnh Hưng Yên.
Trao đổi với phóng viên NTNN chiều 8.5, 2 nhà báo Ngọc Năm, Phi Long - nhân vật trong clip được tung trên mạng xác nhận: “Clip đó phản ánh đúng sự thật, hoàn toàn đúng như những gì đã xảy ra với chúng tôi vào buổi sáng 24.4, không có sự dàn dựng hay giả tạo nào trong đó cả”.
Trước đó, ngay sau khi vụ cưỡng chế tại xã Xuân Quan, Văn Giang (Hưng Yên) diễn ra hôm 24.4, trên mạng Internet lan truyền một clip về cảnh 2 thanh niên mặc áo sơ mi, đội mũ bảo hiểm bị những người mặc thường phục đeo băng đỏ và cả những người sắc phục công an đánh, đấm, đá liên tiếp.
2 người bị đánh trong clip này chính là nhà báo của Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) đang tác nghiệp, là anh Nguyễn Ngọc Năm - Trưởng phòng Phóng viên Trung tâm tin VOV và anh Hán Phi Long – phóng viên của phòng.
Hai nhà báo Nguyễn Ngọc Năm và Hán Phi Long trong buổi trao đổi với phóng viên báo NTNN.
Bị đánh dã man
Nhà báo Hán Phi Long - người bị hành hung trước tiên và chịu hậu quả nặng nề hơn, kể lại về buổi sáng kinh hoàng đó: Khi tôi được người dân đưa về trạm xá, máu đang chảy đầy mặt. Nhân viên y tế xác định tôi bị rách môi ngoài, giập môi trong, vùng mặt phù nề với kích thước 4x4cm, ngực phải đau tức.
“May mà lúc đó cả hai chúng tôi đều đội mũ bảo hiểm, nếu không không biết hậu quả sẽ ra sao khi cả hai đều phải liên tiếp nhận những cú đánh bằng dùi cui chí tử nhắm vào đầu từ những người xưng là lực lượng cưỡng chế của huyện Văn Giang và tỉnh Hưng Yên”.
Nhà báo Nguyễn Ngọc Năm cho biết: “Sáng 24.4, tôi và nhà báo Phi Long được cử đến hiện trường nắm bắt thông tin, tuyên truyền đúng định hướng. Cả hai tới Nhà văn hóa thôn 1, xã Xuân Quan khoảng 9 giờ sáng.
Đang đứng tại hành lang nhà văn hóa thôn 1, tôi bỗng thấy một nhóm cảnh sát và người mặc thường phục đeo băng đỏ đi vào nghĩa trang liệt sĩ và nhảy qua hàng rào nghĩa trang để sang khu vực Nhà văn hóa thôn. Lúc đó tôi nhìn thấy phóng viên Hán Phi Long đội mũ bảo hiểm đang đứng trên bờ móng Nhà văn hóa thôn, tay cầm máy ảnh”.
“Hội Nhà báo vừa nhận được công văn của Liên chi Hội Nhà báo Đài Tiếng nói Việt Nam và của hai nhà báo về vụ việc này. Với tư cách là cơ quan bảo vệ quyền lợi của các hội viên, Hội Nhà báo sẽ gửi công văn tới các cơ quan chức năng liên quan yêu cầu điều tra xác minh làm rõ nội dung tường trình của hai nhà báo trên”.
Ông Hà Minh Huệ - Phó Chủ tịch Hội Nhà báo VN trả lời NTNN chiều 8.5.
Theo nhà báo Ngọc Năm: “Đi đầu nhóm cưỡng chế là 2 công an. Họ đến bên nhà báo Phi Long hỏi gì đó, rồi ngay lập tức xốc nách Long về sát chân tường nghĩa trang liệt sĩ. Liền đó, một người đeo băng đỏ giật máy ảnh của Long; khoảng gần chục người dùng dùi cui, gậy vụt vào người; liên tiếp đấm đá anh Long rất mạnh.
Thấy vậy, tôi đứng trong hành lang Nhà văn hóa thôn, dùng điện thoại để quay làm bằng chứng. Nhưng chỉ được khoảng 10 giây, tôi thấy Long ôm bụng gục xuống. Theo phản xạ tự nhiên, tôi chạy lại phía lực lượng cưỡng chế và hét lên nhiều lần:
“Chúng tôi là nhà báo, sao các anh lại đánh chúng tôi? Chúng tôi là nhà báo đang làm nhiệm vụ, không được đánh”. Nhưng họ không những không nghe, mà còn vặn 2 tay tôi về phía sau, dùng gậy, dùi cui đánh vào người, đấm đá vào mặt, vào ngực tôi.
Lúc đó tôi lại tiếp tục hét lên nhiều lần: “Tôi là nhà báo, sao lại đánh tôi?”. Tôi bị mấy người vặn tay về phía sau, dẫn giải về trước cửa nghĩa trang liệt sĩ và tiếp tục đánh hội đồng. Một công an nói lớn: “Đừng đánh vào mặt nó”… rồi tôi bị còng tay số 8, mũ bảo hiểm rơi mất lúc nào không biết…
Còng tay tôi xong, một trung úy (cao, béo) và một thiếu úy (thấp, gầy) áp giải tôi đi theo hướng cánh đồng đang bị cưỡng chế, chờ xe thùng tới chở về trụ sở công an huyện… Sau này tôi được biết, Phi Long bị đánh đau, được mấy người can và khi tôi xuất hiện thì họ bỏ Long lại để tấn công tôi, nên Phi Long chạy thoát vào một nhà vệ sinh gần đấy với nhiều vết sưng tím trên mặt và vệt máu loang cả ra quần áo. Tôi nhờ một phụ nữ lấy điện thoại ra và nói cho Long biết: “Anh bị bắt về Công an huyện Văn Giang. Em về đây đi”.
Sau khi về tới trụ sở Công an huyện, khi nhận ra 2 anh là nhà báo đang tác nghiệp, lực lượng chức năng của huyện Văn Giang đã lấy lời khai ban đầu của hai anh, cho anh Long kiểm tra thương tích, lập biên bản kiểm thể và sau đó cho cả hai về.
“Tại trụ sở Công an huyện Văn Giang, tôi đã viết một đơn tường trình sự việc gửi Giám đốc Công an tỉnh Hưng Yên. Tôi đã gửi trực tiếp đơn này cho cán bộ công an lấy lời khai của tôi là thiếu tá Tiến (Đội trưởng Đội trọng án – Công an tỉnh Hưng Yên).
Tuy nhiên, đến 26.4, tôi gọi điện cho đại tá Nguyễn Huy Ngạn – Giám đốc Công an tỉnh Hưng Yên thì ông Ngạn cho biết vẫn chưa nhận được đơn của chúng tôi. Ngày 2.5, tôi lại viết tiếp một đơn khác, gửi theo đường chuyển phát nhanh cho ông Ngạn.
Ngày 3.5, lãnh đạo VOV cũng làm công văn gửi cho ông Ngạn để yêu cầu trả lời vụ việc. Nhưng, cho tới thời điểm này (8.5), đã nửa tháng trôi qua, chúng tôi vẫn chưa nhận được bất cứ hồi âm nào từ phía công an cũng như lãnh đạo tỉnh Hưng Yên” - nhà báo Ngọc Năm bức xúc.
Hải Phong - Hữu Danh
Nguồn: