ĐỘT PHÁ TRONG THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT TRUNG ƯƠNG 4 VỀ CHỈNH ĐỐN ĐẢNG:
Hai “căn bệnh” nhức nhối hiện nay là giàu bất thường và chạy chức, chạy quyền.
Nghị quyết Trung ương 4 có tầm quan trọng đặc biệt đối với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Vì thế để đạt được kết quả như mong muốn, việc triển khai thực hiện nghị quyết cần phải có những sự đột phá trong cách làm. Pháp Luật TP.HCM đã có cuộc trao đổi với nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Cán bộ TP.HCM Nguyễn Sỹ Nồng xoay quanh vấn đề này.
Ông Nguyễn Sỹ Nồng nói: “Phải tạo ra một không khí thật sự cởi mở, dân chủ để cán bộ, đảng viên và người dân góp ý thật cho Đảng. Và chỉ khi có được tiếng nói thật ấy thì Đảng mới biết rõ cán bộ, đảng viên hiện nay có những “bệnh” gì, “bệnh” đến độ nào và có cách chữa trị cho hợp lý”.
Tạo cơ chế để nghe tiếng nói thật
. Theo ông, làm sao để có được tiếng nói thật ấy, khi tiếng nói thẳng, nói thật thường không dễ được chấp nhận?
+ Điều quan trọng là phải tạo ra cơ chế để người ta thật tình với Đảng. Chẳng hạn, trong quy định lấy ý kiến góp ý cho lãnh đạo yêu cầu phải ghi rõ: ai góp ý kiến và góp ý kiến cho ai. Góp ý kiến cụ thể cho ai thì được nhưng còn yêu cầu ghi rõ “ai góp ý” thì vô tình đã tạo ra ngay cho người ta tâm lý lo ngại. Mà đã lo ngại thì làm sao mà dám nói thật đây?
Một điều hết sức đáng phải suy nghĩ là tại sao lại có hiện tượng người về hưu thì mới dám nói mạnh, nói thẳng, nói thật, còn những ai đang còn làm việc thì ít khi dám phê bình, góp ý cấp trên? Nhiều người lý giải đó là do tâm lý sợ mất ghế của những người đương chức nhưng cái gì sâu xa bên trong đã tạo nên tâm lý ấy thì chưa được nhìn nhận một cách thấu đáo để khắc phục tình trạng này. Cơ chế bổ nhiệm, bố trí cán bộ, đánh giá cán bộ của mình hiện nay đã thật sự minh bạch và dân chủ để người ta không sợ “đấu tranh thì tránh đâu” chưa? Chúng ta đã có cơ chế hữu hiệu để bảo vệ người dám nói thẳng, nói thật chưa? Đó mới là điều phải suy nghĩ về mặt dài lâu.
. Vậy muốn người ta nói thẳng, nói thật với Đảng thì phải có cách làm cụ thể nào?
+ Nói chung chung thì dễ lắm! Nhưng cứ nhận những góp ý như thế thì rất khó tìm ra hướng cụ thể để xử lý. Theo tôi, phải tiến hành thực hiện các cuộc điều tra xã hội học một cách chính xác, khách quan, độc lập về các “căn bệnh” hiện nay trong cán bộ, đảng viên ở từng cấp. Sau đó nhờ chuyên gia đánh giá, phân tích để có những hướng xử lý cho phù hợp.
Điều quan trọng nhất là ta phải tiến hành làm thật và huy động cho bằng được sức mạnh của toàn xã hội vào công tác xây dựng và chỉnh đốn lại Đảng.
Bắt mạch “bệnh giàu bất thường”
. Theo ông, những “căn bệnh” nào nóng nhất hiện nay mà Đảng cần phải tiến hành điều tra bắt mạch ngay?
+ “Bệnh” trong cán bộ, đảng viên hiện nay nhiều lắm. Tôi nghĩ từng phạm vi, tổ chức mà định ra các loại “bệnh” của mình để tiến hành điều tra về tình trạng và mức độ như thế nào. Nhưng có những “căn bệnh” hiện nay cần phải điều tra ngay. Thứ nhất là “bệnh giàu bất thường” của cán bộ, đảng viên, nhất là lực lượng lãnh đạo các cấp. Thứ hai là “bệnh chạy chức, chạy quyền”. Đây là hai vấn đề gây nhức nhối trong dư luận hiện nay và gây ra những hậu quả khôn lường cho sự lãnh đạo của Đảng.
. Nếu bắt mạch “bệnh giàu bất thường” ở cán bộ lãnh đạo thì phải điều tra ở những khía cạnh nào?
+ Thứ nhất, cần phải xem dư luận xã hội hiện nay đang nói gì về cán bộ lãnh đạo giàu bất thường của chúng ta. Phải nghe dân mình nói gì về chuyện ông quan nào có đất đai ở dự án này, dự án kia; biệt thự này, biệt thự kia và các sân sau của họ như thế nào… Sau đó phải kiểm tra mối quan hệ giữa quan chức cấp cao và các đại gia kinh tế đang có dư luận. Không chỉ là quan hệ với các đại gia trong nước mà còn với các đại gia nước ngoài. Chúng ta có thấy lạ kỳ không khi làm chính trị ở nước ta mà lại giàu có quá mức? Cái này nếu không kịp thời có hướng xử lý, sau này sẽ vô cùng nguy hiểm.
Trên hai cơ sở này tiến hành xác minh những cán bộ có dấu hiệu giàu bất thường. Sau đó cho cán bộ có dư luận giải trình. Với những trường hợp có dấu hiệu quá bất thường thì cần phải làm mạnh tay hơn với sự vào cuộc của các cơ quan có thẩm quyền.
Xử thật nặng để bêu gương
. Còn với “bệnh chạy chức, chạy quyền” thì sao thưa ông?
Một số loại “bệnh” đã được Bác Hồ và Đảng cảnh báo từ rất sớm. Đó là: Bệnh ba hoa, địa phương, ham danh vị, thiếu kỷ luật, cẩu thả, xa rời quần chúng, chủ quan, hình thức, ích kỷ, lười biếng, tham lam; bệnh tự cao tự đại, ưa người ta nịnh mình; bệnh hữu danh vô thực, kéo bè kéo cánh, bệnh tị nạnh, bệnh xu nịnh,…
+ Dư luận hiện nay cũng nhức nhối với chuyện “chạy chức, chạy quyền”, đến độ có “bảng giá” luôn cho từng vị trí, cấp bậc. Nghe vừa đau, vừa hổ thẹn cho công tác tổ chức của ta. Tại sao một vấn đề quá nguy hiểm cho cả hệ thống như vậy mà ta không quyết liệt để ngăn chặn?
Chắc chắn là không dễ nhưng ta có thực sự quyết liệt làm chưa khi điều đó nằm ngay trong hệ thống của mình? Vậy chuyện này diễn ra tập trung ở đâu? Cán bộ quyền lực nào có thể thực hiện chuyện này? Ai chạy? Chạy ai? Và ai dẫn dắt? Chạy bằng những hình thức nào? Ta phải tiến hành điều tra càng sớm càng tốt. Chí ít là để biết dư luận hiện nay cho rằng ông này, bà kia đang là “đầu nậu” chạy chức, chạy quyền cái đã. Trên cơ sở đó tiến hành điều tra thêm. Những cá nhân nào có dấu hiệu rõ ràng phải tiến hành xử lý thật nặng để bêu gương.
Còn về lâu dài, để giải quyết căn cơ công tác cán bộ thì phải tiến hành đổi mới công tác tuyển dụng, đào tạo, quy hoạch. Song song với việc loại bỏ “bệnh chạy chức, chạy quyền” thì ta sẽ có cán bộ tốt cho hệ thống của mình.