Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Sự thật từ một câu nói

Đàm Quỳnh Ngọc
Thứ bẩy ngày 5 tháng 5 năm 2012 7:23 AM
 
Tản văn- Đàm Quỳnh Ngọc
Trong cuộc hội nghị các nhà doanh nghiệp, doanh nhân trẻ biết làm giàu cho quê hương, tạo công ăn việc làm cho hàng trăm người lao động có cuộc sống ổn định. Vào giờ giải lao, có nhà doanh nhân còn rất trẻ, nước da nâu, đôi mắt sáng cương nghị, nụ cười tươi đã nhận ra tôi là người có tên nhiều trên báo chí, nên “phỏng vấn”:
-Động cơ nào giúp chị có nghị lực, mục đích vươn lên từ cuộc sống bần hàn của một gia đình nghèo, để có cuộc sống, nghề nghiệp thanh cao hôm nay?
Thấy tôi im lặng, nhà doanh nhân cười nói: “Chắc chị sẽ trả lời rằng, từ nghị lực của bản thân, thương cha mẹ ăn đói, mặc rách nhường cơm sẻ áo cho con nên chị quyết tâm học tập để đạt được thành tích con nhà nghèo học giỏi…?”
Tôi bật cười, nói: “ Anh quen nhiều câu trả lời như thế rồi sao? Với tôi không phải vậy. Tôi phải cám ơn một con người” “Sao? Chị có số đỏ gặp nhà đầu tư nào đó hào phóng có công nuôi chị ăn học nên người? Biết đâu người ấy bây giờ là… phu quân của chị?” “ Không phải như vậy, tất cả chỉ từ câu nói của một con người đã “giúp” tôi có nghị lực, quyết tâm, làm nên bước ngoặt cả cuộc đời cho đến ngày hôm nay. Kết thúc cuộc họp, tôi sẽ kể anh nghe”
Sáng hôm sau, tôi và doanh nhân trẻ vào quán cà phê theo lời hẹn, tôi cho anh doanh nhân xem rất nhiều ảnh đen trắng ghi hình ảnh một cô bé gầy gò, mặc bộ quần áo công nhân với chiếc cuốc, đứng trên quả đồi cao ở miền núi bị đốt cháy nham nhở. Đó, cô bé trong ảnh là tôi đấy, tôi nói và kể:
“ Ngày đang học cấp ba trường huyện, là học sinh giỏi văn, đọc nhiều sách, tôi có  ước mơ hoài bão như lời kêu gọi: “ Đi đâu thanh niên có, đâu khó có thanh niên”. Tốt nghiệp phổ thông trung học, tôi tình nguyện đi xây dựng vùng kinh tế mới ở miền tây xứ nghệ. Nơi đang có nhiều vùng đồi núi hoang hoá, sẽ tiến hành khai phá trồng chè, cao su, cây ăn quả…thành lập nông trường trong tương lai. Ước mơ của tuổi trẻ đẹp lắm, những câu hát hò, những bàn tay cùng thề thốt, những nụ cười…Cuộc sống mới nhẹ nhàng và tươi tắn làm sao, chỉ biết nhìn về phía trước để cùng tiến bước.
Nhưng rồi lòng hăm hở, náo nức, lòng tin của tôi bị xẹp xuống, xẹp như sức khoẻ của tuổi trẻ bị tụt hạng vì phải đối đầu với miếng cơm manh áo hàng ngày quá nghèo khổ, công việc nặng nề. Cơm áo không “ngang tầm” với cuộc sống của công việc đào rừng hàng ngày. Chúng tôi đói. Đói vàng mắt, hát hò, ngâm thơ, kể chuyện trong sinh hoạt đoàn chỉ làm…đói thêm. Cuộc sống vậy, nhưng ngày ấy(cuối năm tám mươi) dù dói khổ, chúng tôi vẫn có niềm tin mạnh liệt ở cuộc đời. Những lời nói hoa mỹ của cán bộ làm công tác đoàn khiến chúng tôi tưởng mình là: “người hùng”của nông trường mai sau, cuộc đời toàn màu hồng:“ Đồi núi hoang hoá kia, sau này có trở thành nông trương trù phú hay không, điều đó phụ thuộc vào nhát cuốc khai hoang đầu tiên của các đồng chí, và mãi mãi đi vào lịch sử của nông trường…”. Ôi chao, ngày ấy chỉ cần lời nói cũng là động lực khiến chúng tôi tin tưởng, hăm hở, hăm hở vào mỗi ban mai vào rừng khai hoang, gieo hạt, trồng cây. Trước mắt vẫn chưa có gì, nhưng đều hướng về ngày mai với nụ cười, che dấu  bụng đói rỗng, nước da xanh, và sức khoẻ giảm sút thảm hại.
Rồi đến một ngày, cuối năm tám chín, đầu chín mươi, trong buổi sinh hoạt đoàn có cấp trên về dự, thăm hỏi cuộc sống của tuổi trẻ như thế nào? Ăn uống ra sao? Có đủ đảm bảo sức khoẻ cho công việc hàng ngày không?
Tất cả im lìm, đưa mắt nhìn nhau e ngại. Tại sao lại không dám nói đúng sự thật về cuộc sống của thanh niên nơi rừng thiêng nước độc này? Nói đúng sự thật thì có gì mà sợ! Tôi đã xung phong, hăng hái nói vô tư, nói đúng sự thật về cuộc sống của hàng trăm thanh niên đã tình nguyện đến với rừng hoang dã. Chế độ ăn uống kham khổ, công việc nặng nề không đủ năng lượng để tái sinh sản xuất, như thế có phải là bóc lột hay không?
Và điều bất ngờ nhất, khi vị cấp trên về rồi, vị lãnh đạo, quản lý thanh niên nơi rừng hoang đã trả lời căng thẳng nặng nề về những vấn đề tôi nêu ra, và cuối cùng kết luận: “Có tài giỏi thì đã vào đại học hết rồi, còn lại ngu dốt, cam phận lên rừng hoang thì lo đào đất, cất gỗ đi, còn đòi hỏi nỗi gì”
Lời phỉ báng của vị kia đối với hàng trăm thanh niên, đang ngồi ngoan ngoãn, khiến không khí trầm lặng càng u uất hơn. Tôi yên lặng, miệng há ra, tương lai, niềm tin với cuộc đời trong tôi vụt tắt. Lời nói hứa hẹn của các vị năm trước với chúng tôi ngày tuyển đội viên lên rừng chỉ là hão huyền, dối trá mà thôi? Vị trí, chỗ đứng của chúng tôi trong xã hội đã được xếp đặt thật rồi sao?  Thân phận trâu bò, ăn no, vác nặng mãi mãi thế này ư?
Tôi ngồi im rất lâu, rất lâu cho đến kết thúc buổi họp, hình như có ai đó nhắc tôi về ngủ, hình như có tiếng cười hả hê của vị lãnh đạo khi không có ai phản ứng lời: “phỉ báng” của ông.
Những ngày sau đó, lên rừng, hoặc trong giấc ngủ, lúc nào tôi cũng nghe câu nói: “Tài giỏi thì đã vào đại học, ngu dốt mới lên rừng, lo đào đất, cất gỗ đi…”
Lòng đầy quyết tâm, tôi làm hồ sơ thi đại học.
Không cho đi thi, tôi bỏ trốn, để lại giấy xin phép.
Vậy mà vẫn có giấy báo tôi đào ngũ gửi về địa phương, cho rằng không biết tôi đi đâu?!
Thi đại học xong, tôi quay về đơn vị, cam phận: “ Đào đất cất gỗ” như vị lãnh đạo kia đã nói. Nhưng đâu có được, tôi bị đình chỉ công tác, chế độ ăn cơm ngày hai bữa với nước mắm và canh rau muống thường ngày, giờ chỉ còn ăn cháo ngày hai bát cháo trắng với muối.
Người tôi tong teo như người tù, mà có lẽ chế độ người tù bây giờ không đến nỗi như tôi ngày ấy. Tôi đã đi tham quan qua nhiều nhà tù, thấy họ béo tốt như những người bình thường không phải…đi tù vậy.
Một tháng sau ngày thi đại học, tôi biết mình đã thi đỗ, có giấy triệu tập vào học ở trường do tôi chọn và thi. Đơn vị quản lý tôi nơi rừng hoang không cho đi học, vì tôi đang thời kỳ bị…“kỷ luật.”
Nhà trường đã lên tiếng vì quyền lợi của sinh viên. Có vị lãnh đạo của tỉnh nhà  năm ấy cũng có tiếng nói cho quyền lợi hợp pháp, nguyện vọng chính đáng đi học của tôi. Và cuối cùng tôi cũng đã được đi học, chậm mất 3 tháng theo ngày khai giảng của trường. Ban tổ chức nhà trường thông cảm, động viên tôi rất nhiều trong những ngày tôi học tập.
Chuyện ngày xưa giờ đã trở thành kỷ niệm, con người “cho” câu nói đó “rất thật” với “bản chất” của chủ trương của một tổ chức ngày ấy dành cho lớp thanh niên không vào được đại học có việc làm ở rừng núi. Câu nói đó đã làm tôi “đổi đời”, có suy nghĩ khác, không còn bị mê muội vì cuộc sống màu hồng đầy ảo tưởng ở rừng hoang. Con người lãnh đạo của ngày ấy giờ cũng đã trở thành “người của một thời”. Thời bây giờ khác. Tôi có vị trí, vai trò của một con người chân chính, biết và hiểu rõ giá trị của bản thân mình đang tồn tại. Tôi tin tưởng và ủng hộ ước mơ hoài bão của tuổi trẻ. Tuổi trẻ sẽ làm được nhiều điều hơn nữa nếu có sự quan tâm, động viên đúng lúc. Thi thoảng gặp lại “người của một thời” tôi đều cám ơn và nói cũng rất thật lòng “Nếu như không có “câu nói để đời” ấy, thì chắc gì tôi đã hiểu rõ hết vấn đề khai hoang nơi rừng núi, để quyết tâm phấn đấu có được ngày hôm nay”.

4-2012
Đàm Quỳnh Ngọc
     Hội Văn học Nghệ Thuật Nghệ An- số 6 Đào Tấn- TP Vinh-