Trang chủ » Trần Nhương giới thiệu

LỬA ĐẮNG - chương 4

Nguyễn Bắc Sơn
Thứ năm ngày 30 tháng 4 năm 2009 9:08 PM
Chương bốn
 
Nhiều ngày sau buổi giao ban báo chí, Triển vẫn thấy ấm lòng khi nghĩ tới bạn bè đồng nghiệp. Những tiếng vỗ tay chân tình nồng nhiệt. Gương mặt đẫm nước mắt của Nhâm. Ông Thụ với mấy câu ngắn gọn. Mấy bài viết của báo bạn…. Và cái cô phóng viên nào định phỏng vấn mình thế nhỉ?
Anh tự dặn mình, đấy là chỗ đông người cuối cùng tham dự. Chả nên để mọi người sợ hãi khi bất chợt trông thấy mình. Rồi việc của anh cũng cuốn đi trong bề bộn thông tin bài vở quan trọng và không quan trọng khác. Anh không ngượng ngùng, xấu hổ vì bộ mặt sần sẹo của mình. Nhưng bắt gặp những cái nhìn ái ngại của các cộng sự, phóng viên, Triển cũng chạnh lòng. Họ nói với mình nhưng mắt cứ nhìn đi đâu.
Không tham gia bất cứ cuộc họp nào, ngoài cơ quan, hoá ra lại nhàn nhã. Nó chiếm tới nửa thời gian công việc chứ không ít, mà những cái ấy, xem ra vô bổ nhiều. Thành ra Triển có nhiều thời gian cho công việc. Bây giờ anh không còn phải đánh vật như dạo mới cầm trịch tờ báo. Anh có nhiều thời gian góp ý kiến, sửa chữa bài cho anh em hơn, nhất là chỉ đạo họ làm những chủ đề, những “bài đinh”. Bây giờ, Thời luận có nhiều chủ đề hay, nhiều “bài đinh” hơn, “bài đinh” sắc sảo hơn, lượng phát hành tăng vọt lên. Uy tín Thời luận trong giới báo chí từ sau vụ anh bị hại mỗi ngày một tăng. Không phải nhờ vụ ấy, mà là từ vụ ấy, anh có điều kiện đầu tư chiều sâu cho tờ báo. Phóng viên bảo nhau: “Tổng biên tập duyệt bài kĩ quá.” Đã có bài đổ. Đã có người phải viết lại rồi. Anh yêu cầu họ tìm cho đủ chứng cứ thuyết phục. Anh góp ý cho từng tít bài, khoanh một đoạn trong bài đưa ra làm “cửa sổ” bài báo. Đoạn mở dẫn đặt trước bài, tự tay anh viết cho họ, làm bài báo hấp dẫn hẳn lên. Có những bài anh chăm chút kĩ lưỡng và tính toán cẩn thận thời điểm tung ra, nhờ những thông tin quý báu anh thu thập được qua một kênh riêng, trong mối quan hệ bè bạn trên Trung ương.
Việc thông tin với mọi người ngoài toà soạn đều qua điện thoại và thư điện tử. Anh cũng không dự những cuộc giao lưu, gặp gỡ, thù tạc, và những cuộc tiếp khách, chiêu đãi. Vì thế, chỉ những ai cần mình và những người bạn bè thân thiết đến, anh mới gặp. 
Một hôm, Nhâm thông báo, nhóm bạn đại học làm báo sẽ đến nhà thăm. Một cuộc gặp gỡ như thế, lẽ thường là chủ nhà phải mời cơm thân mật rồi. Triển bảo vợ đi chợ chuẩn bị cho bữa ăn thì Mai bảo: “Gớm, cách rách lắm. Tôi mua thức ăn sẵn thôi….- Ngừng một tí như lưỡng lự, rồi cô cũng nói cái điều mà Triển không ngờ, – mà tôi không ở nhà tiếp khách đâu đấy”.
Triển nghĩ, ít ra thì cô ta cũng phải giữ thể diện với bạn bè mình chứ. Thế này là tuyên bố công khai li thân rồi còn gì. Anh bảo: “Thôi được, cô không phải mua bán gì cả, bận đi đâu thì cứ đi!” Không muốn để chị em cơ quan biết chuyện gia đình mình, anh điện cho Nhâm: “Vợ mình đi vắng, chuẩn bị giúp mình bữa tối nhé!” Chiều, anh về sớm dọn dẹp cửa nhà thì thấy một cô gái cao dong dỏng, gương mặt bầu bầu, đường nét hài hoà cân đối, đôi mắt to tròn, tóc ngắn bấm chuông.
- Em là Phong chỗ chị Nhâm. Thủ trưởng sai em đến giúp anh chuẩn bị tiếp khách.
Cô gái chỉ nhìn anh từ xa, lúc vừa bấm chuông xong. Từ đó hoàn toàn chăm chú vào công việc, làm như không thấy mặt đầy sẹo của anh. Chỉ một thoáng, bát đĩa trong tủ bếp, đã đặt ra bàn, tráng nước sôi. Cô bỏ từng túi thức ăn sẵn ra, sắp vào đĩa. Xếp mấy chai bia, lon nước ngọt ngay ngắn. Trước khi chào ra về cô nói:
- Đã có lần em gọi điện thoại, định hẹn phỏng vấn anh, nhưng chỉ gặp cháu Minh.
- Thế à? Cảm ơn cô!
Anh trả lời, dửng dưng. Tự nhiên ác cảm với những cô gái nhan sắc.
Ba người bạn hẹn nhau đến cùng lúc. Mọi người rửa tay rồi vào mâm. Một người hỏi:
- Vợ con đâu cả mà không ra ngồi cùng cho vui?
- Cháu Minh đi học thêm. Vợ bận việc vợ. Ta ngồi với nhau càng thoải mái.
Nhâm nhận xét:
- Nhà cửa không có gì thay đổi. Nhưng tờ báo của ông thì thay đổi nhiều. Khởi sắc hẳn lên.
Nhâm tránh không nhắc đến ý, nó khởi sắc từ ngày bạn gặp hạn.
- Nể thật đấy. Chắc ông chỉnh cán, rèn quân ghê lắm phải không? - Ông bạn này vốn là cán bộ quân đội đi học nên mới có lối nói ấy.
- Chuyện, tôi giã từ tất cả các cuộc họp hành, giao đãi nên có điều kiện chăm chút đến bài vở hơn các ông các bà.
- Này, thế vụ của cậu, bên ông Truân chịu bó tay à?
Triển không trả lời. Một người thủng thẳng:
- Thiếu gì vụ bó tay. Có khi bó cả chân chưa chừng! Đích thực là maphia rồi. Báo chí đã cảnh báo rồi, cấm có nghe. Cứ già mồm bảo, ở ta không có maphia, không thất nghiệp, không mãi dâm, không xã hội đen, không ma tuý học đường…. Bây giờ mới trắng mắt ra. Cái lối tư duy gì mà lạ thế không biết. Các cậu nhớ có lần ông Thụ đã bảo, ta không nói báo chí là cơ quan quyền lực thứ tư, nhưng các đồng chí phải khẳng định rằng, khi ta nói được tiếng nói của chân lí, của sự thật, có nghĩa là ta có trong tay sức mạnh to lớn, chả khác gì một thứ quyền lực vô biên, kẻ xấu nào cũng phải nể sợ.
- Ừ thì nó sợ ta nên nó mới tìm cách cắn trộm ta. Các cơ quan quyền lực không bảo vệ được ta thì ta chịu thiệt. Làm báo thời bình mà cũng nguy hiểm thì quá dở.
Hai người đàn ông cứ đối đáp với nhau như thế. Triển ngồi yên.
… Hôm còn ở bệnh viện, nghe người công an hỏi, Triển nói một thôi một hồi:
- Tôi chẳng phải nghĩ ngợi gì cả. Tôi chẳng nghi ngờ ai cả. Tôi sống thế nào, tôi biết chứ. Không buôn bán, không đầu cơ, không cổ đông, cổ tây gì. Quan hệ của tôi là quan hệ với bạn đọc. Không ân oán giang hồ ai, không có chuyện tư thù được.
Các đồng chí đừng hỏi tôi những câu như thế! Thời luận chống tiêu cực, chống tham nhũng thì, kẻ thù của Thời luận là những kẻ tiêu cực, những kẻ tham nhũng. Những kẻ đó, nếu không có gan trực tiếp gây tội ác, thì những thế lực đứng sau nó tổ chức thực hiện. Các đồng chí nên suy nghĩ theo hướng ấy, điều tra theo hướng ấy. Gặp tôi chỉ mất thì giờ vô ích thôi.
Người công an bất lực chào ra về. Ngay khi vụ việc xảy ra, Giám đốc đã chỉ thị phải bằng mọi cách tìm ra thủ phạm. Trên ban Tư tưởng Văn hoá Trung ương, bộ Văn hoá Thông tin, hội Nhà báo Việt Nam, cơ quan chủ quản đều có văn bản đề nghị tích cực điều tra. Nhưng mọi việc vẫn không nhúc nhích. Người sĩ quan này không muốn gặp Triển tí nào. Ngượng. Cứ nghĩ đến anh, đã thấy đau đớn, ái ngại rồi.
Cuộc gặp lại bạn bè đồng nghiệp lần giao ban cuối cùng ấy, với Triển đáng giá hơn cả. Nhưng về đến nhà thì ngán ngẩm vô cùng. Từ ngày xảy ra vụ việc, chưa bao giờ bốn mắt vợ chồng gặp nhau. Mai sợ nhìn mặt chồng.
Đã từ lâu, trước cả việc này, trước cả những cú điện thoại nặc danh đe doạ, Mai đã cãi nhau với chồng một trận kịch liệt: “Tại anh cứ chọc ngoáy chuyện thiên hạ, nên nó mới ghét. Thử hỏi, anh đi đầu trong đấu tranh chống tiêu cực tham nhũng, liệu tiêu cực, tham nhũng có giảm hay vẫn tăng?” Đến cái vụ chồng bị nạn, Mai càng được thể: “Đã bảo mà. Có nghe đâu. Chỉ thiệt thân thôi. Chẳng ma nào bảo vệ. Báo chí ồn lên một dạo thế thôi, ăn thua gì?”
Thật ra, Mai đã chán chồng, rồi mới chán công việc của chồng. Nó ngược với quá trình Mai đến với anh: yêu những bài báo rồi mới yêu người viết những bài báo ấy. Mấy năm nay, từ ngày Triển lên phó, rồi tổng biên tập, lại từ khi báo ra các ngày chẵn trong tuần, đến khi ra hằng ngày, quả thật anh không mở mắt ra được. Vợ chồng sống với nhau ngần ấy năm như nhà Triển, những cái không hay, cái dở, cái xấu đã bộc lộ hết ra rồi. Giỏi ra thì còn cái nghĩa, cái kính, cái thương, còn trách nhiệm với nhau. Nhất là trách nhiệm với con. Đến cái nước ghét công việc của chồng, thì ghét luôn cả người rồi còn gì? Đến mặt còn chả dám nhìn thì còn nói gì đến chuyện khác?
Chuyện chăn gối, chỉ còn là những kỉ niệm xa xôi. Hôm Triển từ bệnh viện về, trong bữa ăn, Mai bảo chồng: “Anh nên làm việc ở nhà thôi”. Thật ra chị định nói “Anh nên nghỉ ở nhà”. Triển trợn mắt: “Làm sao phải làm việc ở nhà?” Con gái thấy bố mẹ nói bằng cái giọng gây sự, liền chen vào: “Thôi, bố mẹ ăn cơm xong hãy trao đổi”. Nhưng họ cũng không trao đổi tiếp. Mỗi người cứ theo mạch suy nghĩ của mình. Khi cần mới nói một câu, như ra tuyên bố vậy. Trong thâm tâm, Mai cho rằng chồng không nên chưng bộ mặt gớm ghiếc này ra trước thiên hạ. Phụ nữ mẫn cảm hình thức, nhan sắc hơn nam giới chăng? Chả phải! Mẫn cảm với hình thức nhan sắc của mình, chứ của người khác thì cơn cớ gì? Hay sợ, xấu chàng hổ ai…?
Mà đây là cái xấu đẹp, cái xấu anh hùng chứ đâu phải một việc xấu?
……………
Câu chuyện bạn bè vô tình khuấy lên ý nghĩ cam chịu ở Triển. “Chỉ thiệt thân thôi… Báo chí ồn lên một dạo thế thôi, ăn thua gì.” Điều ấy thì cô ta nói đúng.
 Một trong hai ông kể chuyến đi công tác nước ngoài của mình, vô tình cũng làm anh chạnh lòng. Họ có những tập đoàn kinh tế mạnh, như ta đang làm, nhưng họ còn có những tập đoàn báo chí nữa kia. Tớ đã lên sân thượng trụ sở trung tâm tập đoàn ấy. Đấy cũng là sân bay trực thăng. Bạn mời mấy người lên máy bay bay thị sát một vòng trên thành phố. Các phóng viên truyền hình có thể ngay lập tức bay đến nơi có sự cố tác nghiệp hoặc quay từ trên cao, hoặc đổ bộ xuống nơi đang xẩy ra vụ việc. Là tập đoàn báo chí, nhưng họ kinh doanh cả nhà đất, có cổ phần lớn trong nhiều công ty khác, nghĩa là, có quyền làm mọi chuyện pháp luật không cấm. Mà nó xây dựng mới ghê chứ, đường sá mới khiếp chứ. Một bến xe của tỉnh mà to như nhà ga sân bay quốc tế của mình, cứ tầng tầng lớp lớp, hoành tráng vô cùng. Còn ăn chơi nhảy múa của họ ấy à? Ối giời….
Có lẽ vì có Nhâm ngồi đấy nên anh bạn dừng lại, không kể tiếp. Những chuyện trên trời dưới biển ấy, Triển không tham gia vào. Bây giờ có điều kiện đi nước ngoài, thậm chí đưa cả gia đình đi thì anh lại chịu. Các báo đều lần lượt tổ chức cho phóng viên thay nhau đi tham quan, hết nước gần đến nước xa. Cứ đọc lướt trên báo bạn cũng thấy họ đi những đâu. Sang cả Pháp, Ý xem giải bóng đá thế giới, đua ô tô, mô tô v.v… để viết bài. Triển chúi mũi vào bài vở nên khâu đối ngoại, các quan hệ liên kết, tổ chức nghỉ mát, tham quan, du lịch anh không thực hiện được. Anh Phó Tổng biên tập thường trực còn tự ti, không dám vượt ra ngoài cái bóng của Triển. Thấy các báo mở ra nhiều hoạt động ngoài nghiệp vụ, nhiều lần muốn nói với Triển nhưng lại ngại. Biết rằng Tổng biên tập chỉ có thể ngồi nhà chỉ đạo chứ không thể tham gia bất kì việc gì ngoài toà soạn, nhất là không thể đi đâu xa nên nghĩ đi nghĩ lại, lại thôi. Ngay đến cho anh em thay nhau đi nghỉ hè cũng không nỡ thực hiện.
Câu chuyện của bạn, vô tình làm Triển nhìn lại công việc của mình. Uy tín của Thời luận lên cao, quảng cáo càng nhiều, số lượng phát hành càng lớn, tiền thưởng năng suất anh em khá hẳn lên. Nhưng cơ quan không tổ chức hoạt động tập thể gì. Quỹ phúc lợi chỉ biết thưởng dịp lễ tết. Cán bộ phóng viên đành đi ké với báo bạn. Ai cũng nhận ra điều không bình thường ấy, nhưng không ai nỡ nói ra. Họ biết, anh đã phải gánh chịu tai hoạ thay cho họ, phải gánh tai hoạ ấy suốt đời. Họ nghĩ, bất kể một lời kêu ca phàn nàn dù là nhẹ nhàng, xa xôi đến đâu cũng là bất nhẫn.
 Họ ngạc nhiên thấy trong cuộc họp giao ban đầu tuần sau đó, ngoài công tác nghiệp vụ, Triển đưa ra hai việc, anh yêu cầu Phó Tổng biên tập thường trực chủ động trong các hoạt động đối ngoại mà anh phác ra những nét chính. Thứ hai là lập ngay kế hoạch tổ chức cho cán bộ phóng viên tham quan nước ngoài, trước hết là Trung Quốc, các nước ASEAN, dưới hình thức du lịch là đơn giản nhất. Phương châm là toà soạn và cá nhân cùng góp kinh phí, tỉ lệ 50/50. Nhà báo đi là phải viết bài. Bài được dùng, mức nhuận bút sẽ gấp ba mức bình thường.
Không khí như oà vỡ ra bởi tiếng vỗ tay, tiếng hoan hô, tiếng nói cười rôm rả. Triển về phòng ngay nên không nghe được những lời bàn tán của anh chị em.
Anh ngồi thừ ra. Nhớ hồi tốt nghiệp, do học giỏi, luận văn tốt nghiệp xuất sắc nên được giữ lại làm cán bộ giảng dạy. Nhưng anh xin đi làm báo để được đi đây đi đó. Bây giờ như chim gãy cánh, tự cầm tù mình trong công việc. Mới đầu, công việc cuốn hút, chưa làm sao. Nhưng làm việc liền tù tì, không ngơi không nghỉ lại khác. Người ta chia thời gian làm việc thành tuần là theo một chu kì sức khoẻ. Chúa cho ngày nghỉ cuối tuần là để phục hồi sức khoẻ, bắt đầu một chu kì mới. Người ta nghỉ ngơi, thư giãn, giải trí, đi lễ nhà thờ… Thế mới gọi là Chúa nhật – ngày của Chúa chứ. (Chả biết vì sao người ta gọi chệch đi là chủ nhật). Bây giờ không những được nghỉ chủ nhật, mà còn nghỉ cả thứ bẩy. Ở nhiều nước phát triển còn được nghỉ thêm một buổi chiều thứ sáu nữa.
Triển không có việc gì khác ngoài duyệt bài, chữa bài, theo dõi báo bạn, đọc sách nên anh không còn biết đến ngày nghỉ thứ bẩy, chủ nhật. Lại còn những ngày lễ cộng với ngày nghỉ dịp quốc tế lao động, quốc khánh và tết nguyên đán nữa chứ. Cứ dài đằng đẵng như mãi không qua đi một ngày. Không nghỉ cũng không biết làm gì ngoài công việc. Mà nghỉ càng không biết làm gì ngoài công việc nên càng bí bách. Có những người, ngày nào cũng phải ra khỏi nhà mới yên. Triển từ nhà chui vào ô tô, đến cơ quan lại chui ra, lên phòng làm việc. Thì có khác gì những người suốt ngày ru rú trong nhà.
Đã nhiều lần anh rơi vào tình trạng bứt rứt rất kì quặc. Khó chịu đấy mà không biết khó chịu cái gì? Tức tối lắm mà không biết tức tối với ai. Nếu điên được thì đã cào cấu, cắn xé, đập phá, la hét, chửi bới cũng hạ hoả. Anh không điên. Mà người điên thì cũng chỉ điên từng cơn thôi. Triển trong tình trạng bực bội, bức bối, bí bách, bấn loạn thường xuyên mới khổ.
Đợt đầu anh chị em đi về với bao chuyện lạ và vui, khen chê đủ điều, ai cũng hăm hở viết. Triển xem những tập ảnh của họ. Cũng chả thể nào thay thế cho một chuyến đi. Mấy tay nam giới còn kể, họ bày bán công khai các thứ thuốc kích dục dùng cho sinh hoạt nam nữ trong trường hợp “kim đồng hồ” cứ ì ra ở vạch sáu rưỡi. Lại còn bán hai thứ “của quý” của đàn ông, đàn bà, dành cho những người độc thân. Trông cứ như thật. Chỉ cần lắp bốn thỏi pin vào là hoạt động theo đúng chức năng trời sinh ra. Họ tếu táo kể, tranh cãi, tán phét mãi ra. Không ai biết bộ mặt khó đăm đăm của Triển nghĩ gì. Nào họ có nhìn vào mặt anh đâu mà biết.
Triển chả còn niềm vui gì ngoài công việc. Anh như không còn được hưởng thụ gì ngoài xem TV. Không thể mang cái mặt này đến nhà hát, rạp chiếu phim. Lắm lúc bồn chồn rã rượi, muốn cậu lái xe đưa đi mát xa hay tẩm quất cũng không dám. Cửa kính xe hàng ghế sau cũng đã dán cho kính tối lại, chỉ mình nhìn thấy thiên hạ, chứ thiên hạ không thấy mình. Nhiều khi, màn hình hiện lên cảnh ái ân làm anh cũng nổi hứng lên một lúc, nhưng đành cắn răng chịu đựng. Không nhẽ mua đầu đĩa và mấy đĩa hình nhảm nhí về xem để có hứng tự thoả mãn mình. Đọc sách tình dục học, anh cũng biết có chuyện ấy đấy. Nhưng mình thì không làm được. Nó kỳ cục lắm. Nghe các cậu ấy miêu tả cái của phụ nữ bày bán trong tủ kính, Triển không thể hình dung nổi, nó có thể giúp mình giải toả bức xúc sinh lí. Chẳng lẽ từ nay đến già, không còn biết mùi đàn bà nữa hay sao?
Anh biết trong Sài Gòn vẫn có loại mát xa tại nhà. Các kĩ thuật viên nữ đăng ảnh, điện thoại của mình trên báo, trong mục Người tìm việc, và nói rõ không phục vụ nam giới. Nhưng nhiều khi nam giới gọi, họ vẫn đến, làm cả mát xa đích thực và mát xa không đích thực, từ A đến Z. Mình chỉ cần trùm kín mặt lại như các chiến binh Hamát là được chứ gì. Ác thật. Ngoài này vẫn chưa có, nếu có, mình cũng dùng dịch vụ này cho xong việc. Hằng ngày, chỉ khi nào con gái đi học về, bố con nói chuyện Triển mới vui được một lúc. Nhưng ăn xong, nó lên phòng nó, anh lại lọt thỏm vào cuộc sống của người độc thân.