Trang chủ » Trần Nhương giới thiệu

CHÙM TRUYỆN NGẮN CỦA BÃO VŨ

Bão Vũ
Thứ sáu ngày 24 tháng 4 năm 2009 8:19 PM
 
TN.c : Đã lâu rồi Bão Vũ không xuất hiện trên trannhuong.com. Cứ ngỡ nhà văn của đất Hải Tần Phòng Thủ đang bận luyện văn lực trong một thạch động ở Đồ Sơn, hôm qua Nhương tôi nhớ cố tri, gọi, thì được Bão Vũ cho biết chuyện phi lý: Từ khi có trang mới trannhuong.com, BV không vào được. Chẳng biết có sự quan tâm của hacker nào không mà nhiều bạn văn ở Hải Phòng cũng không vào được TN.c. Thỉnh thoảng BV cứ phải tìm về trang web TN.c.vn cũ để nhìn lại những bài xưa cho đỡ nhớ. Nghe mà đau hết cả cõi lòng. Hôm nay tôi nhận được chùm truyện của ông bạn già. Trannhuong.com giới thiệu chùm truyện ngăn này trong chuyên mục vừa khai trương Trần Nhương giới thiệu 



Màu nước giếng cổ
 

( Trích từ Miên Giang )
Tôi không có ý làm văn, mà chỉ viết lại câu chuyện này theo những gì tôi nghe được.
Sông Sương chảy qua phía Nam thị trấn Đông Môn. Chỉ là hình một vết nứt li ti vô danh trên bản đồ hệ thống sông ngòi trong sách địa lý, nhưng sông Sương cũng đãi hết mọi thứ cả quý báu lẫn cặn bã của bao nhiêu đời thuộc lưu vực của nó, không thua kém những đại giang nổi tiếng. Mãi sau này tôi mới nhận ra cái điều khôi hài ấy. Còn khi đó, tôi là gã thanh niên hơn hai mươi tuổi, rời trường đại học xây dựng đến thị trấn của một vùng đất cổ có nghề gốm sứ nổi danh một thời.
Ông Khoái là họa viên sơ cấp từ thời Pháp, là cán bộ lưu dung, một tay chơi già cổ lỗ, thuộc hết mọi chuyện lạ của cái thị trấn bé bằng bàn tay này. Ông Khoái có vẻ thích tôi ngay từ hôm mới gặp. Ông bảo tôi :“ Rồi cậu sẽ thấy, chẳng chơi được với ai ở đây đâu. Rặt một lũ ngợm. Nếu không có cách gì thì cậu sẽ chết vì chán.” Tôi hỏi : “Bác bảo có cách gì để không chết vì buồn chán ?” - “Có khối cách. Nhưng trước hết phải biết về những người ở đây”. ý ông là những người tiêu biểu, chứ sức đâu mà biết về mấy vạn chúng sinh ở đất này. Thỉnh thoảng ông Khoái kể cho tôi nghe một nhân vật.
- Nhà lão Hư ở cuối dãy phố Khách này, cậu biết chứ ? - Ông Khoái vừa mài thỏi mực tàu để can bản vẽ kỹ thuật, vừa kể cho tôi nghe chuyện lão Hư:…
Lão Hư có người cháu nội là họa sĩ làm ở xưởng tạo mẫu của Xí nghiệp Gốm sứ Sương Giang. Tôi có quen biết người họa sĩ này do nghề nghiệp của chúng tôi gần nhau. Những phần khuất của câu chuyện, ông Khoái không biết, người họa sĩ kể cho tôi nghe.
Tôi cũng đã đến thăm người họa sĩ. Cơ ngơi của lão Hư là một kiểu nhà cổ của những dòng họ danh giá giàu có thời xưa. Toà ngang dãy dọc, tầng tầng lớp lớp. Tài sản như núi từ mấy đời trước truyền lại, đến lão Hư thì bị phá tán hết. “Toạ thực sơn băng” mà. Của cải tưởng mấy đời sau ăn cũng không hết, nhưng cuối cùng chỉ còn cái xác nhà nát. Vì rượu, vì cái máu giang hồ bất tử, lang thang chơi bời của lão Hư, người kế nghiệp đời thứ mười dòng họ Dương.  Lão Hư nổi danh khắp vùng quanh Sương Giang vì thói chơi ngông khi còn là một công tử con ông chủ xưởng cưa Dương Gia.
Cậu Hư có riêng một du thuyền, chở đầy rượu ngon thả trôi quanh năm trên sông Sương. Trên thuyền của cậu Hư toàn những tay chơi rách trời rơi xuống, đêm ngày say khướt hát xướng với đám nhà trò con hát. Dọc sông Sương cho đến cửa sông Thái Bình, chiếc du thuyền có cánh buồm màu nâu non của cậu Hư đi đến đâu là nơi ấy vui như hội. Thuyền đậu lại bến nào, cậu Hư cũng dựng rạp diễn trò miễn phí cho dân chúng. Những người bất đắc chí, những kẻ lập dị xuống thuyền, cậu Hư hậu đãi tất. Có lần, chủ khách lăn lóc trên sạp thuyền qua đêm, khăn áo đẫm sương, sáng ra mới nhìn rõ mặt nhau. Chủ thuyền hỏi một người mặt trắng, dáng nho nhã nằm cạnh mình:
- Xin hỏi khí không phải, quý bằng hữu là ai vậy ?
- Dạ. Tôi là Văn Sinh học trò thành Nam, hỏng thi về qua thấy thuyền vui, xuống xin chén rượu giải sầu”
Cậu Hư vỗ vai thân mật :
- Học hành thi cử làm gì cho khổ. Đỗ đạt thì mũ cao áo dài vào luồn ra cúi, vinh mà nhục. Trượt thì hận trời giận thân, đời khinh chê. Sao không cứ chơi cho sướng.
 Văn Sinh gật gù ngẫm nghĩ. Chủ thuyền lại quay sang hỏi một người mặt đen có râu quai nón đang gối đầu lên đùi mình. Người này ngồi dậy dụi mắt, rồi chỉ mấy gã hình dung cổ quái nằm cạnh, đao kiếm cồm cộm trong bọc :
- Đình Lực này làm nghề buôn không vốn trên vùng Ba Bể, nghe danh cậu Hư họ Dương trên Sương Giang là người hào phóng, nên cùng mấy anh em rủ nhau đến nghe hát nhờ.
Cậu Hư bật cười ha hả:
- Hay lắm. Người ta vẫn gọi các bác là “quan”. Thuyền này có duyên mới được các quan bác ghé thăm. Đám đạo tặc xưa đi cướp thường bôi nhọ nồi lên mặt, xưng là “quan” và bắt các nạn nhân cũng phải gọi họ như vậy. Có lẽ vì họ thèm khát được làm quan, hay muốn làm cho hành vi cướp đoạt trở nên hợp pháp chăng ?
Cậu Hư sai làm cơm rượu trọng đãi cả bọn.
Thuyền cậu Hư trôi vô định, nhiều lần giạt sang tận Trung Quốc, kết giao với dân giang hồ quanh vùng Vân Nam .
*
 Về già, lão Hư thường ngồi hàng giờ trước một chiếc bình sứ cổ đặt giữa nhà, ngắm nghía, mơ mơ màng màng, nửa thức nửa ngủ. Chiếc bình là của gia bảo truyền lại từ những đời trước. Bình sứ Trung Hoa cổ, vai bình đề hàng chữ Đại Minh Thành Hoá niên chế, tức là bình được chế tạo vào đời Minh Hiếu Tông - Chu Kiến Thâm (1465 - 1488) , có kích thước phi thường, người đứng kiễng chân giơ tay với cũng chưa tới miệng bình. Bình cổ mà cao như thế là cực hiếm, trong thiên hạ khó có cái thứ hai. Loạn thiên loạn thế, binh lửa can qua, báu vật kỳ vĩ lại dễ vỡ như vậy làm sao tồn tại được.
Dưới đáy bình có khoan một lỗ bằng đồng xu, chắc người chế bình phòng lụt lội nước dâng đẩy bình trôi nổi va đập vỡ mất, vì bình ấy chỉ để ngắm chứ chẳng thể đựng gì được.
Lão Hư coi chiếc bình như vật tổ. Lão bảo đó là bảo vật “trấn trạch”, đem lại yên ổn cho gia tộc. Người thông hiểu tập quán nhân gian thì nói:
- Sách cổ dạy: Vật trấn trạch phải là thạch khuyển hoang viên, tức là chó đá chôn ở vườn hoang, nhờ pháp sư cao thủ làm lễ rước về. Hoặc là một ống tiêu bằng trúc treo ngược trên vách. Có khi là một thanh cổ kiếm. Có nơi là tượng Quan Vũ. Chẳng thấy ai nói đến trấn trạch bằng bình sứ.
Lão Hư bác bỏ ý kiến đó, bảo:
- Cụ thân sinh tôi truyền lại rằng : “Bình” là “Bình ổn”, “Bình yên”, “Bình hòa”. Gặp tai ương mà “Bình tâm” thì có thể chuyển họa thành phúc. Gia trạch được thế là đại cát.”
Thật ra, tra tự vị thì chữ “Bình” chỉ cái lọ miệng nhỏ bụng phình để đựng chất lỏng, viết ra khác hẳn với chữ “Bình” trong “Bình ổn”, “Bình yên”... Chỉ là đồng âm dị nghĩa. Nhưng một anh thợ mộc phất thành ông chủ như cụ tổ họ Dương mà nghị luận được như thế cũng là khá lắm.
Tuy vậy, nếu chiếc bình không được một cụ từ đời nào đó trước lão Hư, gắn chặt với nền nhà bằng đinh đồng lớn chẻ đuôi cá xuyên qua lỗ đáy bình, trám kỹ bằng vữa trộn mật, thì cũng bị lão bán đi từ lâu rồi.
 Cụ tổ lão Hư xưa làm nghề buôn gỗ. Bây giờ vẫn còn dấu tích xưởng cưa Dương Gia bên bờ sông Sương cuối thị trấn, vẫn là đất họ Dương, nhưng nhà xưởng tiêu điều, cỏ gianh ngập đầu. Thuở thịnh vượng, có lần cụ tổ ngược lên phía Bắc tìm mua bằng được chiếc bình hiếm ấy của người Tàu, đóng cũi chèn rơm cho lên bè xuôi sông Cái, vòng vèo qua hàng chục ghềnh thác hiểm trở của hệ thống Lục Đầu giang. Bao nhiêu lần phải tốn kém cho các quan binh trấn giữ các bến. Mấy phen, các cao thủ áp tải phải so côn đọ kiếm với bọn thủy khấu để giữ chiếc bình. Mất ba tháng ròng, chiếc bè chở bình mới về đến sông Sương rồi cập bến gỗ nhà họ Dương.
Cụ tổ cho nâng gian giữa ngôi nhà gỗ lim năm gian thành mái chồng diêm sơn son thiếp vàng để đặt chiếc bình quý. Cụ là người nghĩ ra chuyện tìm mua chiếc bình lớn làm vật trấn trạch. Cụ cho làm bức đại tự đề “Trấn trạch đại bình” treo ở xà ngang.
Một ông bạn thân, là người học hành uyên bác và phóng túng thì nói cho cụ thêm đắc ý :
- Chẳng cứ là “Thạch khuyển hoang viên”, “Cổ kiếm” hay “Nghịch trúc tiêu”. Vật trấn trạch có thể là thứ độc đáo. Đắc dụng đệ nhất là cổ vật. Lấy “Tứ chuẩn” của nghề chơi đồ cổ mà định giá trị thì là : Cổ, Linh, Tinh, Quái. Bình này hội đủ tứ chuẩn. Chỉ riêng cái vĩ đại của nó cũng chiếm nhị chuẩn là Linh và Quái rồi. Sự to lớn dị thường chính là Quái. Linh khí thời cổ ắt còn lẩn khuất đâu đó trong lòng bình, ấy là Linh . Về cái chuẩn Cổ thì đã hẳn. Tuy chẳng phải là đồ thời Ân, Thương, Chu, nhưng cái dáng vĩ đại đã làm cho bình có ngôi vị độc tôn. Cho dù là Tần, Hán hay Đường, Tống nhưng chỉ là đồ mọn thì cũng không bằng sự kỳ vĩ của Minh, Thanh hậu thế. Còn về sự Tinh thì những nét vẽ thủ công trên thân bình và chất men vỏ bình khiến cho người kỹ tính nhất cũng phải thừa nhận là tinh vi tuyệt xảo.    
Thân bình dáng thon, men nền màu ánh xám chì trong suốt, có sách gọi là “Cố tỉnh thủy tinh” - Màu của nước giếng cũ, vì nhìn có độ thâm trầm như nhìn qua làn nước giếng cổ, là loại men cực hiếm. Dân chơi đồ cổ gọi tục là men “trứng ung”, lấy màu vỏ trứng gà ung làm tên. Không rỡ ràng như men Xêlađông đời Tống nhưng có sức hấp dẫn kỳ lạ. Còn sang hơn cả men “Vũ quá thiên thanh”, thứ men quý đời Đường mang màu trời sau cơn mưa.
“Trứng ung, nội cung cũng hiếm”. Tìm trong cung vua cũng ít thấy loại đồ sứ có màu men này. Trên thân bình vẽ cảnh sơn thủy; có một tòa cổ tự lầu gác san sát trên đỉnh cao sơn mờ ảo. Xa xa là trường giang cuồn cuộn, mây núi trùng điệp. Hình vẽ theo phép phối cảnh đẳng trắc kết hợp tẩu mã họa đồ.
Lão Hư ngồi mê mẩn hàng giờ, nhập định, du hồn vào trong cảnh vẽ trên thân bình. Lão nói rằng đã trở lại được một nơi rất thú vị mà lão từng đi qua. Thời kỳ lang bạt ở Giang Tô - Trung quốc, lão đã đến ngọn núi này, ngôi chùa này, nhưng lúc ấy phong cảnh hoang vu không một bóng người. Còn bây giờ có lần ảo du vào chiếc bình, lão đã được tiếp kiến vị sư già đầu trọc mặc cà sa đứng giữa sân chùa như trong hình vẽ.
Lão Hư kể cho nhiều người nghe về những chuyến đi vào trong cảnh vẽ trên chiếc bình cổ, như câu chuyện bịa đặt :
- Tôi leo lên theo các bậc đá này. Mệt bở hơi tai, phải bám vào những cành cây ven đường mà nhấc từng buớc một. - Lão chỉ vào hình vẽ trên bình: - Đến chỗ này, tôi trượt chân, suýt lăn xuống vực, may bám được chùm rễ cây này đây. Rồi cũng đến được cổng chùa. Chính là cái cổng này, trên đề ba chữ Huyền Không Tự. ấy là sau khi tiếp kiến hoà thượng trụ trì, lão Hư mới biết được những chữ này. Đó là dạng chữ giáp cốt viết trên mai rùa, xương thú thời thượng cổ, bây giờ ngay ở Trung Quốc cũng ít người đọc được; chỉ có những pháp sư tinh thông các bi ký, thư tịch cổ, chuyên thảo bùa chú mới biết. Sau, có một ông già người Tầu bán thuốc rong qua nhà, lão Hư nhờ đọc thì đúng là ba chữ Huyền Không Tự.
- Tôi kéo dây chuông gọi. - Lão Hư kể - Một tiểu hòa thượng ra chắp tay chào, dẫn vào chùa. Vị hoà thượng trụ trì xưng pháp danh là Giác Mộng Dương Chu vồn vã mời tôi vào trai phòng, tiếp trà rồi nói : “ Lão ni cũng họ Dương, có duyên với Dương thí chủ từ tiền kiếp. Lão ni mong đợi thí chủ đã mười năm nay. Đợi, chỉ để nói một điều.”
Lão Hư nhấp chung trà nóng, hương vị trà thanh cao làm lão như nửa say nửa tỉnh. Xong tuần trà, Dương hòa thượng ghé tai lão Hư nói nhỏ câu gì đó, rồi lạnh lùng bỏ lên gác, để mặc khách ngồi thừ ra. Đến khi có tiếng chuông vang lên, lão Hư chợt tỉnh, vẫn thấy mình ngồi trước chiếc bình.
Lão Hư không cho ai biết vị hòa thượng họ Dương đã nói gì với lão. Cái pháp danh Giác Mộng Dương Chu ấy gợi cho những người am tường Hán học, tinh thông Đường thi, nhớ đến bài tứ tuyệt “Khiển hoài” của Đỗ Mục, có những câu: “... Lạc phách giang hồ tải tửu hành... Thập niên nhất giác Dương Châu mộng...” -   ( Chở rượu đi khắp sông hồ như kẻ mất hồn... Mười năm mới tỉnh giấc mộng Châu Dương ) .
Lão Hư, ngoài mỹ tửu, mỹ nữ và những quân bài ra, cũng được học vài chữ Hán, nhưng mù tịt về thơ Đường, chẳng biết Đỗ Phủ, Đỗ Mục là ai. Vậy mà không hiểu sao lão lại kể ra được những điều ấy. Chẳng lẽ lão đã thật sự trải qua cuộc vân du vào thế giới lạ lùng của chiếc bình cổ?
Không rõ Giác-Mộng-Dương-Chu thiền sư đã nói gì với lão Hư. Chỉ biết sau đó lão không đặt chân đến chốn thanh lâu tửu điếm và không đánh bạc nữa. Hàng ngày lão chỉ luẩn quẩn quanh chiếc bình cổ, miệng lầm bầm như kẻ mất hồn.
Lão Hư dặn lại con cháu, nếu lão chết thì cho xác vào chiếc bình mà chôn. Làm sao để thân hình lão lọt qua miệng bình thì lão không biết.
Nhưng lão Hư lại rất sợ chết. Biết rằng chẳng thể trốn được cái sự tự nhiên đó nhưng lão vẫn khiếp hãi. Lão nghĩ ra cách tập chết. Lão cho đóng một cỗ quan tài gỗ tốt để trong phòng ngủ, thỉnh thoảng chui vào nằm thử một đêm cho quen cái cảm giác bị nhét vào một cái hòm gỗ kín.
Vậy mà lão lại sống rất dai. Một trăm linh ba tuổi vẫn chưa chết.
Thói quen với cái chết và tuổi già làm lão Hư mê mụ. Đến nỗi lão tưởng mình đã chết rồi và đang sống trong thế giới của những người chết. Ra đường, lão tò mò nhìn chằm chằm những nguời quen, ghé sát tận mặt người ta, hỏi : “Ông đấy à? Xuống đây hồi nào vậy? Đã qua nơi luyện ngục chưa?” - “Mày đấy ư, cháu ? Còn trẻ thế mà đã chết. Mẹ mày trên ấy thế nào? ” -       “ Này, khoản nợ trên trần ngày trước bây giờ xuống đây, ta tính sao? ” Trông lão như yêu tinh với khuôn mặt biến dạng vì tuổi tác, bộ da quá nhiều nếp nhăn và cặp mắt trong suốt như không có con ngươi, có thể nhìn sâu vào khoang sọ.
Nhiều ngưòi ở Sương Giang đã từng trông thấy lão già kỳ dị đó trên đường phố. Lão vật vờ, thiểu não với chiếc áo pađơsuy màu cứt ngựa rách mướp và chiếc mũ phớt thủng giữa đỉnh đầu lộ ra mảng sọ hói đỏ hỏn, trông như một con chim già trụi lông. Lão bới đám rau diếp người ta đổ bên cổng chợ, vừa lựa những cây rau còn có thể ăn được, vừa lầm bầm chửi:
- Mẹ cái lũ ngu, rau ngon thế mà đổ đi.
Cháu nội lão Hư, họa sĩ của Xí nghiệp sứ Sương Giang, kể :
- Tôi rất mê chất men “ Cố tỉnh thủy tinh” của chiếc bình, muốn tìm cách phục chế loại men cổ này. Ông cụ bảo tôi là kẻ có chí, khả dĩ làm rạng rỡ dòng họ Dương. Cụ sẽ lấy vàng cất trong bình ra, cho tôi một ít để mở lò sứ riêng. Sương Giang vốn có nghề làm đồ sứ từ lâu đời. Tôi bực mình bảo:   “ Ông cứ để vàng làm lộ phí đến chùa Huyền Không Tự thăm cái lão hòa thượng Dương Chu của ông. Việc lò sứ, mặc xác cháu”. Ông cụ lồng lên chửi tôi là đồ mạt hạng, đồ tiểu nhân khí đoản, không phải là trai họ Dương.
- “ ...Ông cụ ngồi suốt ngày bên chiếc bình đến mụ mẫm cả người. Một đêm có trăng, cụ mò đến bên giường lay tôi dậy, thì thào : “Tới giờ linh rồi. Dậy, ông lấy vàng cho mà lập nghiệp.”
“Tôi kéo chăn trùm kín đầu, ngáy thật to. Biết tôi vờ ngủ, ông cụ chửi :
- “Con mẹ mày, ngu như chó ấy. Vàng giúi vào tay mà không biết nắm lấy thì là thằng mất trí. Mà đã mất trí thì còn nuôi chí cái chó gì nữa.”
“Tôi sôi máu, định chồm dậy cự lại, nhưng nghĩ thương ông cụ. Tôi cũng từng có những ý nghĩ lạ lùng khi ngắm chiếc bình.
“... Chiếc bình cao gần ba thước tây, đường kính chỗ lớn nhất gần sáu mươi phân. Một khối lạnh lẽo như xác chết một người khổng lồ đứng hoá thạch cô độc giữa gian nhà cổ có tầng mái chồng diêm, giống gác chuông.”
“ Mỗi khi nhìn chiếc bình, tôi lại coi đó là một khoảng trống rỗng được xác định bởi lớp vỏ dễ vỡ, thông giao với thế giới trống không vô cùng vô tận ngoài bình, lan rộng đến tận những vì sao xa tít trong vũ trụ. Đáy bình sâu như giếng chẳng thể thay đổi khí trong lòng bình dễ dàng, nghĩa là đã có biết bao nhiêu lớp không khí của những thời đại được chứa trong lòng bình rồi, như đã nén lại thành chất rắn lạnh buốt.
“ Chiếc bình gợi cho người ta những suy tưởng như vậy thì cũng đáng được coi là linh vật lắm.
- “...Ông tôi đã nhìn thấy vàng trong bình. - Nguời họa sĩ buồn rầu kể tiếp - Một đêm có trăng, ông bắc ghế trèo lên cao nhìn vào lòng bình. Trăng lọt qua lỗ ngói vỡ, chiếu xuống miệng bình rọi đến tận đáy. Trên lớp bụi xám và chân hương thắp từ bao đời ném xuống, có hai hình tròn sáng lóe phản chiếu ánh trăng. Nhìn kỹ là hai đĩnh vàng ròng cổ loại mười lượng lộ ra trong số nhiều đĩnh vàng nằm dưới đáy bình. Chắc một cụ tổ nào đời trước dư dật, để lại cho con cháu bằng cách ấy. Một ông lão hơn trăm tuổi đã từng đi vào một bức tranh hoang đường thì có thể nhìn thấy nhiều thứ khác mà chúng ta không thể thấy. Tôi ngáp dài khi nghe ông tôi kể thế. ”  
- “... Đêm ấy, ông cụ chồng ba chiếc ghế đẩu và dùng một dụng cụ giống như cái kéo hái quả trên cây cao, gắn lên đầu ngọn sào dài để gắp vàng dưới đáy bình. Buổi chiều ông đã uống thật say sau khi tự chửi mình là ngu dốt vì tự dưng lại bỏ rượu. Cả chuyện đánh bạc nữa; ông sẽ có vàng để tiếp tục uống rượu, đánh bạc. Cho nó sướng. Việc chó gì phải bỏ những thú vui mình thích. Đời ngắn như giấc mộng Dương Châu ấy”. Ông đã được nghe người ta giảng cho nghe bài thơ “Khiển hoài” của Đỗ Mục .”
“Ông cụ hăm hở với việc tìm vàng trong bình. Chả lẽ những lời răn giới của hòa thượng Giác Mộng Dương Châu, nếu có, về sự phù du của kiếp người trong cõi tục, chỉ là nước đổ đầu vịt. Chả lẽ ông tôi bỏ những lạc thú trước kia chỉ vì cạn tiền.”
“...Ông cụ xếp chồng ba chiếc ghế, run rẩy trèo đến được miệng bình. Chồng ghế bỗng ngất ngư rồi đổ sập. Ông cụ chới với đu bám vào miệng bình làm chiếc bình đổ theo, vỡ làm mấy mảnh lớn. Chiếc đinh đồng và lớp vữa trộn mật lâu ngày đã mục. Một mảnh bình vỡ sắc như kiếm cứa ngang cổ ông cụ. Sáng ra, con cháu biết thì người đã chết, bình đã tan. Những mảnh bình vỡ lẫn trong vũng máu lũ lụt.”
“ Trong bình có bộ xương của một con chuột rất lớn. Bộ xương chuột không nguyên vẹn, bị cụt cả bốn chân và đuôi. Suy diễn ra thì con vật khốn khổ tình cờ rơi vào bình, không thoát được, đói quá phải tự ăn bốn chân và cả cái đuôi của mình trước khi chết.”     
- “... Giá như ông tôi đừng tham vàng đến mê mụ đi như thế. - Người hoạ sĩ ân hận - Không, đáng lẽ tôi cũng phải tham vàng đến phát điên lên, tôi sẽ bật dậy khi nghe nói đến vàng. Tôi sẽ xăng xái phụ giúp ông cụ. Đáng lẽ vàng phải làm tôi tối tăm mắt mũi, cố tranh lấy phần gắp những đĩnh vàng ra, thì đâu đến nỗi. Thật tiếc cái bình.
Mà trong ấy có vàng bạc quái gì đâu, hai vật hình tròn sáng lóe hình hai đĩnh vàng ròng chỉ là cặp mắt kính lão của một cụ nào đó đời trước chắc cũng tò mò leo lên miệng bình nhìn xuống, đánh rơi.”
Người nhà đem những mảnh vỡ của chiếc bình ghép lại bằng sơn ta, bao bọc lấy thi thể của lão Hư, trám miệng bình rồi đem chôn. Lão Hư đã toại nguyện vì được táng trong chiếc bình quý. Còn người cháu họa sĩ thì hy vọng linh hồn ông nội sẽ phiêu giạt đến ngôi chùa cổ trong thế giới hư ảo vẽ trên chiếc bình. Ông cụ sẽ được siêu thoát.
Có ba ông lão lạ mặt từ nơi xa đến đưa tang lão Hư. Người nhà không ai biết họ là ai. Một ông quắc thước người đầy sẹo, có lẽ xưa từng sống kiếp giang hồ ngang dọc. Một ông dáng nho nhã, chắc là một văn nhân. Và một vị hoà thượng râu tóc trắng như cước. Cả ba không nói gì, lặng lẽ theo cỗ quan tài trong có chiếc bình cổ chứa thi hài lão Hư đến nơi mai táng. Nhưng khi người nhà mời ba người dự tiệc tang thì không ai thấy họ đâu.
 Người họa sĩ giấu bặt chuyện mai táng khác thường của ông nội. Anh ta biết rằng đối với những đồ sứ cổ quý hiếm, hậu thế coi những mảnh vỡ cũng có giá trị lớn. Vậy mà ba năm sau, một đồng nghiệp gốm sứ của anh đi tu nghiệp ở Trung Quốc về kể rằng, đã nhìn thấy trong nhà một phú thương ở Giang Tô có chiếc đại bình hệt như chiếc bình của nhà lão Hư ngày trước. Chiếc bình cũng đã bị vỡ, các mảnh được ghép lại rất công phu. Điều kỳ lạ là gần đáy bình có một mảnh vỡ nhỏ hình tam giác bị khuyết được gắn lại bằng một miếng sứ mới, lạc sắc men. Chính là mảnh bình người hoạ sĩ giữ lại để nghiên cứu chất men “Cố tỉnh thủy tinh”. Tra cứu các sách địa dư, được biết Giang Tô ngày nay, xưa kia thuộc đất Dương Châu.
Ngôi mộ của lão Hư xây gạch chỉ, bề mặt ốp những viên gốm, không có dấu hiệu bị xâm phạm, suy suyển. Có nên khai quật mộ ông nội lên để xác minh? Họa sĩ nghĩ mãi rồi quyết định cứ để yên. Bình sinh ông cụ là tay phóng đãng. Cho dù có kẻ manh tâm đào mả đem cái bình vỡ về Dương Châu thì cũng là toại cái thú giang hồ của cụ. Hồn cụ sẽ vẫn lẩn khuất trong chiếc bình cũ của mình nơi viễn xứ.
Thì cứ để cụ yên giấc mộng Dương Châu.
Nghĩ thế, nhưng họa sĩ vẫn tự dằn vặt mãi không thôi. Anh đã nghiên cứu chất men “Cố tỉnh thủy tinh” rất công phu và có vẻ như đã có kết quả. Trong số những mẫu thể nghiệm của họa sĩ có chiếc nậm quả bầu nhỏ mang hình một con chuột không chân, không đuôi; miệng nậm là miệng chuột há ra một cách tuyệt vọng, cũng giống một nụ cười ma quái. Chiếc nậm có màu men xám chì sâu thăm thẳm như màu nước giếng cổ nơi vườn hoang. Nhưng dưới lớp men chủ ấy lại có những vết xước màu huyết điệt trông như những sợi lông chuột vấy máu. Màu huyết điệt ấy tán sắc làm lớp men chủ đổi sang màu nâu nhạt. Không hiểu họa sĩ đã cố ý làm biến sắc chất men “Cố tỉnh thủy tinh” hay đó là do “phốt” chế tác.
Không ai biết điều đó vì họa sĩ quá lao tâm khổ trí cho cái thứ men “trứng ung” ấy nên đã bị chứng lú lẫn, cứ nhớ nhớ quên quên, hỏi gì cũng gật gật đầu ngẫm nghĩ một lúc, rồi lắc.
 
                                                                                                  B.V.
 
 
 Một trời quan tái
 

Tôi uống cả em và uống cả
Một trời quan tái, mấy cho say

Nguyễn Bính
                
Chuyện này ở vào thời cách đây chưa xa lắm, nhưng cũng đủ thời gian để một đứa trẻ trở thành người lớn và hiểu được mọi điều… Người đọc có thể cho rằng nhân vật chính của truyện - Nhà Thơ, là một thi sĩ tên tuổi, ai cũng biết. Tuy nhiên không phải truyện viết về ông với những gì ông đã trải.
B.V.
1.
Đã từ rất lâu Nhà Thơ mới lại được say như thế này. Say tự nhiên không bị ép phải uống, không vì nể nang mà say miễn cưỡng. Cũng không phải tình cờ có được một cơ hội nạp năng lượng miễn phí nên tranh thủ say. Một người hâm mộ quen thuộc mời ông. Tên tuổi anh ta không có ý nghĩa gì cả nên cứ tạm gọi là anh Đời Sống vì anh ta là cán bộ đời sống của Công ty sản xuất vật liệu xây dựng. Cái công ty ấy có rất nhiều công nhân lao động thủ công, những người văn hoá thấp không hiểu nhiều về cách tính toán các tiêu chuẩn định suất theo những chế độ quy định phức tạp. Anh chàng Đời Sống có thể xà xẻo được kha khá do sự ít hiểu biết của những người công nhân, nên anh ta sống rất phong lưu.
Với chức trách chăm lo đời sống tổng hợp gồm cả tinh thần lẫn vật chất cho rất nhiều người, anh Đời Sống cũng chăm đọc sách báo, tập tành chút thơ phú để góp vui cho những hội nghị. Anh ta thường xuống các xí nghiệp sản xuất thực phẩm để giao dịch nên quen biết rộng.
Chiều nay anh ta kiếm được ít lòng lợn ngoài tiêu chuẩn ở xí nghiệp giết mổ gia súc. Nhà Thơ và anh Đời Sống uống rượu.
Họ quen biết nhau từ lâu nay. Nhà Thơ thì tặc lưỡi hạ cố chơi với anh Đời Sống để thỉnh thoảng có rượu uống và có một kẻ đối ẩm hình người hẳn hoi chứ không phải chỉ là một cái chai. Kể ra thi nhân cũng có thể đối ẩm với một cái chai lắm chứ. Là độc ẩm .
Để rồi ta sẽ cùng nhau
Rót đau lòng ấy vào đau lòng này.
 Một bạn thơ của ông ngày xưa đã viết thế. Nếu lý sự như anh chàng Đời Sống kia thì cũng có thể hiểu là cái chai đang rót nỗi đau lòng vào người uống. Nhưng đó là khi có thể tự kiếm được rượu và món nhắm. Còn bây giờ thì nhà thơ túng lắm.
Anh Đời Sống hâm mộ Nhà Thơ và chơi với ông do thói vụ lợi cố hữu của mình. Anh thấy được lãi nhiều khi quan hệ với Nhà Thơ. Những câu thơ của ông đã giúp anh tán được kha khá những cô công nhân đóng gạch, đập đá. Những cô gái lam lũ tưởng chừng đã trộn lẫn tuổi trẻ và sắc đẹp, nếu có, với vôi cát; tâm hồn đã chai sạn như sỏi đá; vậy mà cũng khóc nức lên khi nghe một câu thơ tình ngày xưa; dù câu thơ được ngâm nga từ cái miệng rượu thịt của anh Đời Sống.
Có những dị nghị về tác phong, lối sống của Nhà Thơ. Chỉ vì cái tật ông thức khi người ta ngủ, buồn khi người ta vui và im lặng khi tập thể sôi nổi phấn khích. Ngày xưa Nhà Thơ từng giao du với những người có lối sống phóng túng, có lúc quan hệ với những kẻ khả nghi, vô chính trị, nên bây giờ người ta nghi rằng có thể trong ý thức ông vẫn chưa tẩy sạch được những thói tật của lối sống cũ. Người ta kính ông từ xa, kính và chờn chợn với sự phòng ngừa như sợ bị liên quan, bị lây nhiễm. Tới gần ông thường là người có trách nhiệm và có bản lĩnh vững vàng như thứ kim loại không thể rỉ. Những người này, tiếp xúc với ông vì công việc chung hoặc nhiệm vụ riêng.
Trong số những người gần ông có cả những kẻ tò mò hoặc dốt nát, liều lĩnh, bất cần mọi hậu quả, như anh chàng Đời Sống. Anh ta công khai thân mật với Nhà Thơ và luôn cho mọi người biết ông ta là bạn mình. “Cánh nghệ sĩ chúng tớ có nhiều tật đấy nhưng dù gì thì gì, mọi người vẫn phải công nhận là chúng tớ cũng có lắm tài…”. Anh ta thường gộp mình với Nhà Thơ như vậy, để làm nhoà đi cái tật tơ hào các tiêu chuẩn vật chất của công nhân và gây tai họa cho đám đàn bà con gái.
 
2.
 
Chuyện vợ con của Nhà Thơ cũng giống như nhiều đồng đạo của ông, là nỗi buồn muôn đời của các thi nhân. Ông yêu những thiếu nữ mà ông không thể chung sống với họ được. Ông có nhiều mối tình đơn phương và có cả những chuyện tình hoang tưởng ông thêu dệt. Trong những chuyện tình tự tạo đó, dù Nhà Thơ có thể nghĩ ra những điều có lợi cho mình, nhưng rồi cuối cùng người thất bại, rủi ro luôn là ông.
Một chuyện tình bâng quơ như sương khói. Có một thiếu phụ đứng tuổi đã có chồng, thương mến ông, chăm sóc tinh tế chu đáo khi ông cơ nhỡ. Với ông, người đó là một Quý Nhân đệ nhất thiên hạ, và ông than không được là bậc đế vương để có thể đem viên ngọc thuộc hàng quốc bảo giá liên thành, có giá trị bằng nhiều thành trì, đổi lấy Nàng. Chuyện ấy không mấy người biết rõ. Chỉ những kẻ mọt sách có đời sống nội tâm phức tạp mới lờ mờ cảm thấy.      
Khi ở vào cái tuổi mà ngay cả những lãng tử bạt mạng nhất cũng thấy ớn lạnh, phải tính chuyện gia thất thì ông vẫn cô độc.
Có một nỗi ân hận lớn dày vò ông. Ông từng có một đứa con trai. Người đàn bà đã bỏ thằng bé lại cho ông, không có gì đáng nói và chẳng hề gây đau khổ cho Nhà Thơ như những thiếu nữ trong thơ ông. Chính ông đã tự làm khổ mình vì đã để mất thằng bé trong một cơn say. Trong những giấc mơ, ông chạy điên cuồng trên đường phố nhà cửa san sát, đông đặc những người, xe cộ như mắc cửi. Nhưng tất cả người xe nhà cửa đều không có màu sắc, đều lờ đờ chuyển động và câm lặng. Ông chạy ngược chiều với dòng người xe như con cá đơn độc bơi rẽ nước, miệng gào tên đứa con trai. Và thật khủng khiếp khi ông nhận ra tiếng gào của mình cũng vô thanh. Ông sợ hãi nghĩ rằng ở một ngõ tối nào gần đấy, con trai ông cũng khóc thét gọi bố bằng tiếng kêu vô thanh.
Có phải đó là sự trừng phạt của số mệnh, hay là cái nghiệp Thơ. Ông tự hỏi nhiều lần như vậy. Và có lần trong thơ, ông từng kêu lên rằng, “ Giời bắt tôi làm thi sĩ ” , như một kẻ hiền lương mà phải chịu một kiếp nạn ghê gớm.
Nhưng trong thâm tâm, ông thừa biết rằng, bao nhiêu công hầu khanh tướng lúc tàn cuộc truy hoan, tỉnh rượu, chợt nhận ra sự vô nghĩa của lầu vàng điện ngọc và cuộc sống vương giả phù phiếm, đã thèm khát được mang cái kiếp nạn ấy. “Lão ta”, tạm cụ thể hoá một vị đế vương nào đó, lão ta không thể cùng lúc ngủ trên hai cái “giường thất bảo quây màn bát tiên”; không thể ăn một lúc hai bữa đại yến ( Có những gã quý tộc trong bữa tiệc liên miên vô tận đã phải móc họng cho nôn ra hết rượu thịt để có thể ăn tiếp những cao lương mỹ vị. Đó là cuộc yến ẩm hành xác ). Lão ta cũng không thể đi một lúc hai cỗ xe tứ mã nạm vàng khảm bạc; và nhất là… cùng lúc lão không thể làm tình với nhiều mỹ nữ. Rồi khi chết đi, lão chẳng để lại gì cả ngoài cái hầm mộ chứa xác, cho dù đó là một lăng tẩm. Nhưng ngay cả những lăng tẩm nguy nga đồ sộ ấy, hậu thế cũng rất có thể chỉ khen nhà kiến trúc vô danh đã xây dựng nên.
Các “lão” đương đại cũng thế thôi. Ông bật cười nghĩ rằng, cho dù có thể cùng một lúc giữ nhiều chức vụ cao trong cơ quan, nhưng lão chẳng thể đi một lúc hai chiếc commăngca U-oát, hay trong một bữa có thể ăn cả con lợn với toàn bộ cỗ lòng của nó.
Có lão đã dùng quyền lực thu nạp các văn nhân để phục dịch mình như đám gia nô. Lão muốn hưởng cái khoái của kẻ chế ngự được cả thi ca. Nhưng lão cũng biết rằng dù vậy, mình vẫn không phải là văn nhân. Cũng như lão không thể múa hát như những ca công đang mua vui cho lão. Người ta đã truyền miệng một truyện hài hước do những người đi công tác bên nước bạn đem về, kể rằng, con vẹt không biết hát cười, không biết chào hỏi như những con vẹt khác thì lại có giá cao hơn tất cả, vì nó là sếp của những con vẹt biết hát cười kia.  
Không ít lão, cả cổ lẫn kim, đã thử làm văn nhân để được biết đến nỗi đau thiêng liêng sâu thẳm và sự thăng thoát thần thánh của công việc sáng tạo mà Thượng đế chỉ ban cho Con Người để xác định đẳng cấp vượt trên mọi loài. Nhưng các lão đã không được “ Giời bắt làm thi sĩ ”. Lão chỉ có thể bắt đám thuộc hạ công nhận lão là thi sĩ; bắt đám văn nhân phi nhân cách dưới quyền đề tựa, bình luận suy tôn những bài thơ của lão. ấy là khi lão còn quyền uy. Mà ngay ở thời thịnh trị của mình, lão cũng nghe thấy đâu đó có kẻ nói vụng: “Thơ của thủ trưởng đem dùng cho lúa thì tăng sản lượng phải biết”. Đấy là cách nói thô, xỏ xiên . Còn theo lối văn hoa: “ Quạ cứ tưởng vặt lông sơn ca dán lên mình là hót hay được.”
Những lão có quyền sinh quyền sát đã phải tìm cách khống chế cả ý nghĩ trong những cái đầu ngang ngạnh, kết hợp với những trừng phạt thực tế làm cho lũ bất trị ấy sống dở chết dở. Còn những lão được Giời cho thêm làm thi sĩ thì sẽ là một bất hạnh nhân đôi đối với lão và đám người dưới quyền. Lão sẽ lẫn lộn tất cả và làm rối tung mọi chuyện.
Một lão thuộc hàng thủ trưởng đưa cho Nhà Thơ tờ giấy, như đưa một văn bản quan trọng cho cấp dưới :
- Này Nhà Thơ, mai có cái hội nghị tổng kết công tác sản xuất vật liệu xây dựng. Tớ làm một bài thơ đọc cho nó văn nghệ. ưu tiên chú xem trước.
- Anh làm thơ tình ? – Nhà Thơ ngạc nhiên hỏi.
- ờ. Chả lẽ chỉ mình chú làm được thơ tình. Nghe nhá:
Yêu em cô gái nung vôi
Trên tay em một bông hoa tươi vàng
Hoa ơi hoa chính là nàng
Nàng ơi nàng cũng chính là bông hoa
Lão ngân nga ngâm những câu đã nhập tâm được gọi là thơ ấy, rồi đắc chí hỏi Nhà Thơ :
- Hoa là người. Người là hoa. Thua gì thơ của các chú ngày xưa. Chịu không ?
- Chịu. - Nhà Thơ gật gù . Ông trả lão mảnh giấy và cố ghìm một câu bình có thể làm cho người viết ra cái thứ thơ ấy sẽ phải tức chết đi. Ông giữ câu bình lại vì thấy dù sao lão ta cũng đã viết rất nắn nót những câu chữ kia trên một tờ giấy trắng tinh phẳng phiu bằng cái bút máy Kim tinh còn rất mới đang cài trên túi ngực như một đồ trang sức.
Nhưng hôm sau ông lại tự rủa rằng mình hèn, đã không thốt ra câu bình phẩm độc địa ấy, vì lão ta đã làm bẩn một tờ giấy trắng rất hiếm cái bút máy Trung Quốc, loại bút tốt nhất thời đó. 
               
3.
 
Mấy hôm nay ông tạm trú ở nhà anh chàng Đời Sống theo lời mời khẩn khoản :
- Bác đến với em. Nhà em với lũ trẻ về quê ăn cưới mấy ngày. ở một mình, em đến hỏng hẳn mất. Đành rằng em cũng chẳng phải là loại bé ngoan, nhưng em cũng muốn giữ gìn lại tý chút cho sạch sẽ cái chức Công đoàn bộ phận.
Ông thử đem nỗi buồn dai dẳng của mình đặt cạnh sự thô lỗ tục trần của gã Đời Sống như cách chữa mẹo cho một chứng nan y. Biết đâu cái thô tục của Đời Sống sẽ làm ông nhận ra sự vô nghĩa của nỗi buồn thi nhân, ông sẽ tự bẻ gẫy được mình. Biết đâu ông sẽ hoà đồng với lớp người như gã Đời Sống này. Ông tưởng thế, và ông đã phải trả giá cho ý tưởng đó.  
Ông rời nhà vài ngày để tìm lại cái thú lang bạt một thời. Như đi ở ẩn. Xưa có một thi sĩ nghèo phải đổi ngôi nhà nơi đô hội về chốn thôn dã, đã nói khi được bạn gọi là ẩn sĩ, rằng: Chẳng có bậc đế vương nào vời, chẳng kẻ u mê nào đến nhờ vén hộ mây mù, thì ẩn với ai cơ chứ?.
Còn một nguyên cớ nữa. Nhà Thơ đi ẩn vì ông biết có một cuộc tập huấn nghiệp vụ gì đó về văn hoá cơ sở ở ngôi trường gần nhà ông. Thế nào cũng sẽ có người trong đám học viên tìm đến ông để bàn luận văn thơ, tìm hiểu về ông, để sau đấy nói rằng đã từng gặp và trao đổi về thơ với Nhà Thơ. Ông phải tránh chuyện đó. Trong một câu thơ của ông từ thuở trước, Nhà Thơ đã từng ngông ngạo viết rằng, những kẻ vô tình vô nghĩa nhan nhản quanh ông thường làm khổ ông, xin họ đừng đến nhà ông; hãy cứ để cái thềm đất ngôi nhà tranh của ông được nguyên sắc rêu xanh.
Cho dù ông đã sống thú vị với nỗi cô độc, sự thú vị bất đắc dĩ, thì không phải lúc nào ngồi uống rượu với chính mình, nhắm rượu với nỗi cô đơn, cũng dễ chịu. Cái lạnh cuối mùa xuân đem nỗi buồn xưa trở về có thể giết chết một người đa cảm. Vì vậy Nhà Thơ phải đi trốn sự cô độc.
4.
Các văn nghệ sĩ, dù chuyên nghiệp hay nghiệp dư, ở các cơ quan công sở thường được nhắc nhở về tư cách, phong cách sống và làm việc. Nhưng Nhà Thơ vẫn thường uống say, dù chỉ là những cơn say suông, có khi còn say cương, chưa đến độ say mà làm ra vẻ say. Nhiều lần vậy thành một thứ tự kỷ ám thị, không đáng say cũng thành say thật. Cũng như lúc này có người rất tỉnh táo trước cuộc sống thực với những hình thù góc cạnh khắc khổ cụ thể, vậy mà vẫn say mê những bài thơ tình cũ của ông.
Bây giờ thực phẩm, vải may áo quần và cả những nhiên liệu hạ cấp dùng để đun bếp đều được phân chia chi li tỷ mỉ theo những thang bậc với các quy định rắc rối, khó nhớ. Nhưng thơ thì không có tiêu chuẩn gì cả, tuỳ thích. Ai cũng có thể làm thơ và đọc thơ. Chỉ có điều những bài thơ tình thì hiếm, hiếm hơn cả những vật phẩm cao cấp chỉ được phân phối theo những tiêu chuẩn đặc biệt do người có chức trách phê duyệt bằng những chữ ký đặc biệt .
Những bài thơ ngày trước của Nhà Thơ được người ta chép tay, chuyền cho nhau và dĩ nhiên có những câu chữ bị viết khác đi. Nhiều bài thất bản, sai hỏng cả ý tứ; vậy mà người ta vẫn say mê đọc. Đọc, cười mủm mỉm thích thú, hay mắt rơm rơm, ngậm ngùi bâng khuâng. Rồi trích dẫn vào những bức thư tình để tán tỉnh nhau. Nhà Thơ có khi tận mắt thấy thơ mình bị biến dạng như thế nào. Ông không vui, không buồn về chuyện đó. Những bài thơ ấy, khi thăng thoát khỏi tâm hồn ông, đã có một đời sống riêng, chúng lang thang trong cuộc sống với đủ các công dụng khác nhau, và chúng đã thuộc về một kiếp nào rồi.
Thế nhưng hồn của những bài thơ ấy vẫn thường trở về với ông.
 
Cô lái đò ngang ấy nhìn ông rất nhanh bằng cặp mắt đen dài. Ông nhìn lại với cái nhìn đắm say của thi sĩ trước một mỹ nhân. Cứ cho là mỹ nhân đi dù cô ta đội tấm khăn vuông đen cũ bạc chỉ để lộ phần gò má phớt hồng tái vì gió bấc. Có thể sau lớp vải đen là cặp môi hơi dầy, là hàm răng không trật tự lắm, thậm chí có thể vổ nữa. Nhưng với ông là rất đẹp. Thân hình cô cân đối, hông nở, ngực đầy đặn, thắt đáy lưng ong. Có lẽ do ngày ngày cô chèo thuyền, giống như những cô gái con nhà giàu ở các đô thị thường tập thể thao cho thân hình hấp dẫn.
Mặt sông rộng mịt mờ khói sóng, buồn như quá khứ, như hiện tại. Nuớc sông soi hình cô gái chèo thuyền uyển chuyển nhịp nhàng in trên nền trời xám. Ông cúi mình đưa tay xuống nước vớt cái bóng chim xinh đẹp đang đập cánh đang bay lượn ấy. Nước sông như nước đá nhức buốt những ngón tay.
- Ông cẩn thận kẻo ngã. Sông rộng, nước lạnh… mà nhà em cũng không thạo bơi lội lắm.
Giọng nói thô nặng của nhà đò cảnh cáo người khách quá giang bất cẩn. Nhưng Nhà Thơ vẫn nghe ra là êm dịu của sự quý mến ân cần .
Nhà Thơ thấy mình ngã xuống sông, chết đuối trong làn nước băng giá. Biết ông là một thi sĩ tài hoa, cô lái đò vô cùng thương tiếc. Cô dựng một thảo am bên bờ sông, ngày ngày hương khói thờ ông. Rồi, vào những đêm đông có trăng, hồn ông hiện về tình tự với cô. Như một truyện thần quái.
Xưa, ông đã từng đỗ Thám hoa, hoá thành bướm làm phò mã xứ Điệp Quốc. Ông cũng đã từng là anh lái đò nghèo kiết, yêu cô gái chăn tằm dệt lụa mà chiều chiều anh vẫn chèo thuyền chở sang bãi hái dâu. Anh lái đò có chí học hành, thi đỗ Trạng nguyên, vinh quy, đem võng đào rước cô gái hái dâu xinh đẹp trong một đám cưới linh đình .
 Cô lái đò lí nhí cảm ơn ông vì những đồng xu trả tiền đò nhiều hơn bình thường. Cô không hề biết đó là những đồng tiền cuối cùng trong túi nhà thơ, là bữa chiều nay của ông. Giá như có được chín quan tiền ngày xưa, đủ để sắm chiếc thuyền mới, ta cũng tặng em luôn. Ông nhớ tới bài thơ về anh lái đò ấy.
Trên bờ đê, gió tốc tấm áo dạ sờn, Nhà Thơ quay lại nhìn. Con đò nhỏ xíu dưới bến như trong tranh thủy mặc. Cô lái đò vẫn chống sào đứng lặng. Cô đứng nhìn theo Nhà Thơ, hay là chỉ đứng chờ người khách khác sang bên kia sông? Không biết. Nhưng như thế cũng đủ để thành một chuyện tình.
Khách quá giang và cô lái đò đã hẹn thề với nhau trong sự im lặng. Chỉ vì cái nhìn ngoái lại ấy mà cô đã chờ ông suốt ba năm. Một thời gian rất dài của đời con gái thời ấy. Nhưng rồi mặt sông thì rộng vắng quá, bến thì hoang vu quá mà gió lạnh thì nhiều, chẳng hương sắc nào còn giữ được mãi. Cô lái đò không thể chờ đợi thêm nữa. Cô đã rời bỏ con thuyền, bỏ cả dòng sông. Ông tưởng tượng thế và tự hứa, ba năm sau sẽ trở lại bến đò ấy để được đau khổ.
Ông trở lại, dòng sông vẫn thế. Mặt nước rộng mịt mờ khói sóng, buồn như quá khứ, như hiện tại. Nền trời xám in hình xuống mặt nước băng giá vắng ngắt không còn bóng chim nhịp nhàng đập cánh .
Lão lái đò chít mảnh khăn vuông quàng xuống má như đàn bà, miệng bỏm bẻm nhai trầu. Lão nhổ quết trầu xuống sông rồi trả lời khách:
- Cái con bé Giang ấy à. Nó đi lấy chồng rồi. Mới cưới tháng trước xong. Con bé số may. Quá lứa, nhưng vớ được thằng chồng khá ra phết. Hắn là thợ đóng cối độc nhất vùng này, quanh năm không hết việc, dư sức nuôi vợ con.
    5.
 Hồn trinh của người thiếu nữ qua đời vào một buổi sáng không gian toàn một màu trắng tang tóc, có biết bài thơ viết về nàng đã làm bao nhiêu trinh nữ Hà thành rơi lệ? Mà hồi đó Hà nội có bao nhiêu cô gái chưa chồng thì cũng gần như có bấy nhiêu trinh nữ, chứ không như bây giờ.
Đêm hôm ấy mưa. Anh chàng thất tình một mình đi quanh hồ Gươm tưởng nhớ tới người trinh nữ ấy. Anh vơ vẩn như một bóng ma trong bóng tối của những vòm cây, anh thấy mình bị đêm đen nuốt chửng. Có lẽ anh cũng muốn được vùi chôn xuống huyệt mộ cùng với người tình bạc mệnh Anh chới với đưa hai tay lần tìm trong bóng tối. Anh đã nắm vào một bàn tay giá lạnh khác. Lại chính là bàn tay của anh.
Sự nhớ thương là biểu hiện siêu việt của não bộ con người. Loài vật cũng bâng khuâng ngơ ngẩn khi một con trong đôi bị mất đi. Có vẻ như chúng cũng có cái sự nhớ thương đau buồn ấy. Nhưng thật ra đó là thói quen sinh vật, là do sự mách bảo của các giác quan để trở thành khả năng sinh tồn và duy trì nòi giống. Nhà Thơ biết rằng sự nhớ thương của con người được khám phá từ lâu, là đặc ân của tự nhiên dành riêng cho con người .
Nhớ thương người xa lạ thì lại là những người ở đẳng cấp khác, có thể là cao hơn chăng. Nhà Thơ có lần thương nhớ một thiếu nữ có cuộc hôn nhân bất hạnh. Cô gái lấy chồng nhưng vẫn không nguôi nhớ thương người tình của mình. Cô viết một bài thơ rất buồn nói đến con đường cát trắng xa hút dưới rặng cây phong Nhà Thơ đã đi qua và bến sông giữa bầu trời chiều lạnh vắng bóng mây mà Nhà Thơ một mình đứng ngóng đò. Cái bệnh đa tình tự lấy dây buộc mình đã khiến Nhà Thơ nghĩ rằng nàng chính là một người tình của ông trong số những người tình thoảng qua trên con đường tha hương vô tận .
Nhưng cho đến bây giờ, Nhà Thơ cũng như người đời vẫn không biết tác giả của những câu thơ đẫm nước mắt ấy là ai.
 6.
 Làm sao có thể trở lại được khu vườn ngát hương hoa cam của chị em cô bé sống ngoài bãi sông ngày xưa. Cô bé em xinh xắn được người ta gán với ông thời thơ ấu thành một đôi đẹp. Làm sao có thể về lại ngôi nhà tranh cũ có khu vườn cam để uống thứ rượu nếp ngọt nhà nấu, để được sức thứ nước hoa tự trưng cất bằng những bông hoa cam rụng đầy vườn, thứ nước hoa mà họ đã đắc chí bảo nhau rằng: Nước hoa trên tỉnh cũng không bằng.
Nhà Thơ đã tìm được đến ngôi nhà của cô bé giờ đã là thiếu nữ sống một mình. Cũng có khu vườn cam trắng xoá hoa rụng, đầy gió và ánh trăng như khu vườn xưa. Nhà Thơ chấm dứt kiếp lưu đầy. Họ kết vợ chồng. Ngày ngày chồng cất rượu cho vợ đem bán chợ quê. Người thiên hạ say thứ rượu thơm ngon của cặp vợ chồng tài tử giai nhân ấy. Còn hai người thì say nhau trong khu vườn tiên giới đầy hoa và rượu. Tưởng chừng Nhà Thơ đã có ít nhất một lần được mãn nguyện trong chuyện tình duyên. Thế nhưng cũng lại vẫn là chuyện mộng mị.
Ông cứ lang thang trong cõi mơ như thế. Như ngày trước ông thường mê mụ trong những tiệm hút.
7.
- Uống đi. Kệ đời . - Anh chàng Đời Sống đụng chén rượu của mình vào chiếc chén của Nhà Thơ vẫn để trên vành mâm nhôm bẹp méo, làm sánh ra một ít rượu.
- Thì uống. Kệ đời! - Nhà Thơ nhắc lại cái câu kệ đời từ xưa, lâu lắm không mấy ai dùng, nghe lại cũng hay.
“Kệ đời! ” Nhưng mà đời thì kệ được, chứ tình thì không thể mặc kệ. Một nỗi nhớ nữa lại đến .
Nhà Thơ nói như ngâm một đoạn thơ không vần :
- Có một người con gái ở chốn kinh kỳ ngày xưa vẫn đứng trên vọng lâu bồn chồn vén tua rèm ngóng đợi ta. Vào cái chiều giữa miền sơn cước ấy, ta đã uống cạn Nàng cùng với bầu trời quan tái trong cốc rượu đắng tha hương.
- A, thế là thi sĩ nhà ta đã uống Rượu- Em, loại rượu ngâm Em. Như rượu rắn ấy.- Tay Đời Sống cười to, cái cười ngây ngây của gã say dốt nát.
- Chú mày khá. Cổ nhân ví người đẹp như độc xà, như hồ ly tinh, nên mới làm khuynh thành, vong quốc. Cứ cho là thế đi, thì bao nhiêu bậc đế vương, hào kiệt trong thiên hạ và cả ta nữa sẽ vẫn cứ đem ngôi báu và sự nghiệp đặt dưới chân người đẹp.
- Bác đọc thơ đi. Uống rượu nghe thơ mới hay. - Anh chàng Đời Sống lắc lư cái đầu cắt ngắn rẽ ngôi rất quê, kiểu đầu an toàn, không bị phê bình trong các cuộc kiểm điểm. - Đọc cái bài gì mà cứ cánh buồm, cánh buồm… ấy. Đúng là lúc đó bác say quá nên nhìn nhập nhoè những cánh buồm nâu lúc tản ra, lúc chập vào nhau. Cứ cánh buồm, cánh buồm… mãi như là líu lưỡi không nói được một lần: Cánh buồm… Cánh cánh… buồm… - Chính gã Đời Sống lại lắp bắp.
Nhà Thơ gục đầu cười trong cổ họng. Ông quên chuyện đó rồi. Cũng có thể sự bí tắc đã kiến ông có câu thơ để đời như vậy.
- Nhưng mà bác bợm lắm. - Gã Đời Sống gật gù, nhấp nháy cặp mắt đỏ rượu. Gã tự cho mình có quyền sàm sỡ với Nhà Thơ cho dù tên tuổi ông được ghi vào những cuốn sách văn học sử của nước nhà. – Bố bợm lắm. Bố cứ ngơ ngơ ngẩn ngẩn, say say tỉnh tỉnh như thế mà từ các em ngày xưa cho đến các em ngày nay cứ xin chết vì bố. Còn bây giờ, dù không có em út nào, nhưng có rượu ngon nhắm tốt, sao bố không đọc thơ?
- Không. Kẻo sau chú mày lại bảo là thơ của ta chỉ để nhắm rượu.
- Thế thì phí rượu quá.
- Cái gì? - Nhà Thơ đã buồn đến ngưỡng bực dọc - Chú mày tiếc rượu đãi ta ư? Sao không nghĩ rằng, đọc thơ lúc này là phí cả thơ của ta.
Họ vốn không thể là tri âm tri kỷ. Còn bây giờ, một cái chai rỗng nằm lăn lóc trên chiếu, chai thứ hai đã vơi già nửa.
- Thơ thì quý hiếm quái gì. Bây giờ ai mà chả làm được thơ. Cứ có rượu là có thơ. - Gã Đời Sống say hẳn.
- Có rượu là có thằng say rượu vô tri giác. - Nhà Thơ dằn giọng như nói ra một lời phỉ báng. Và chính tim ông cũng nhói đau vì lời phỉ báng ấy. Ông đã đánh mất đứa con trai tội nghiệp trong cơn say vô tri giác.
- Lý Bạch đấy thôi. - Gã Đời Sống ngất ngư nói một câu ôn hoà cuối cùng. - Bác có biết không, hôm lâu em đọc báo thấy người ta viết, vua gì… đời nhà Đường bên Trung Quốc cho Lý Bạch uống rượu ngon là ông ta có ngay một lúc mấy bài thơ nịnh vợ vua.
- Trong hàng tỷ gã say rượu mới có một Lý Bạch. Có ba bài tụng phi “Thanh bình điệu” vì Dương Quý Phi là một trong tứ đại mỹ nhân Trung Hoa, chứ không phải vì rượu của Đường Minh Hoàng. Bỏ ra chút bạc vụn thì thiếu gì mỹ tửu Bồ đào Tây lương châu, Hoàng hoa, Uất kim hương.
Nhà thơ đã từng vào Nam ra Bắc; đã chịu đói rét tủi nhục, từng đọc thơ trừ bữa; tá túc bạn bè cả thân lẫn sơ cho đến khi người ta không chịu được nữa. Nhưng bây giờ lại là lúc ông không chịu nổi dù một hạt bụi chạm vào nhân phẩm.
- Chú mày hãy nhớ, ta nhắc lại, trong một tỷ gã say rượu mới có một Lý Bạch. Cái đám còn lại ấy là một - tỷ - trừ - một con lợn.
- Gì thì cũng là một tên… một tên… trong bài báo ấy gọi là gì nhỉ? à tửu nô, phục vụ bọn vua quan phong kiến bóc lột nhân dân. Phải, gì thì cũng chỉ là một tên tửu nô mà thôi. - Gã Đời Sống phủ phục xuống chiếu nôn oẹ.
Nhà thơ đứng dậy, bỏ đi. Lúc này ông lại không thấy giận gã Đời Sống nữa, nhưng ông cần phải đi.
Nỗi cô đơn từ tiền kiếp lại hành hạ. Ông lại phải đi.
 8.
 Đã ngoài Tết rồi mà trời vẫn tiết đại hàn. Chiều lạnh quá. Chiếc mũ lông bịt tai kiểu bộ đội biên phòng bỏ đâu mất. Mớ tóc cắt ngắn không làm ấm được cái đầu đang ngứa ran lên. Tấm áo bông xanh Tàu, manh áo ngự hàn của hàn sĩ, đã bạc phếch mỏng tang và đứt những cúc phía dưới, không sao khép vạt lại được cứ phần phật trong gió như cánh buồm. Lại cánh buồm, cánh buồm…
Bến đò chiều, mặt sông rộng vắng tanh, nếu viết ra thì câu này cũ như một đoạn tả cảnh trong tiểu thuyết của những văn sĩ thời xưa. Nhưng đúng là ông đang đứng trên một bến đò vào buổi chiều trời lạnh, nhìn mặt sông rộng vắng tanh.
Nhà Thơ chợt nghĩ đến một điều. Cảnh vật, tình người vẫn như ngàn năm trước, nhưng thi ca sẽ phải biểu hiện khác trước, cho dù có những ràng buộc của thói tục của những thế lực phi văn hóa. Không, ngay từ ngày đó, Nhà Thơ đã không bằng lòng với nhiều bài thơ của mình. Ông không muốn chúng, những bài thơ ấy, chỉ là những câu chuyện kể bằng văn vần, cho dù là những câu chuyện từng làm nhiều cô gái phải khóc nức nở, và đến bây giờ người đời vẫn còn yêu thích. Nếu có kiếp sau, ta sẽ làm cho những bài thơ ấy mang một hình thức khác, sắc thái khác. Chúng sẽ vẫn giữ hương sắc cánh đồng thơ riêng của ta - Nhà Thơ nghĩ - nhưng ta sẽ sử dụng những từ ngữ và những ý tứ bất ngờ, chới với khiến cho mọi dự cảm bén nhạy nhất cũng không thể tiên lượng được. Nó sẽ khóc cho những nỗi đau, cười nhạo sự giả trá. Nó sẽ tạo một xung cảm làm trái tim vô thức nhất cũng bỗng dưng thắt lại trong niềm hoan hỷ và đau đớn.
Đúng là cô lái đò ấy đi lấy chồng rồi. Chỉ tiếc là cô đã không lấy một thày ký quèn nào đó để chiều chiều, trong căn buồng tối ở một ngõ hẻm trên phố, cô ngồi nhớ về dòng sông rộng và người đã nặng thề với cô. Hay ít ra, cô lấy một ông sếp ga xe lửa đã luống tuổi, goá vợ, để ngày ngày cô nhìn lên cửa sổ những toa tàu dõi tìm hình ảnh của người khách giang hồ ngày trước. Đằng này cô lại lấy một thằng cha đóng cối suốt ngày gánh đồ nghề tong tả khắp chốn, miệng rao ông ổng: “Cối… cối ơ…”. Chẳng thơ mộng chút nào.
Nhà Thơ nhìn quanh cái bến hoang vắng và hồi tưởng - Hôm ấy ta ăn mặc như thế nào nhỉ? à, áo ba-đờ-suy bằng dạ Mông Tự. Còn cô lái đò, áo nâu bạc, ngoài khoác chiếc áo sợi đan hình quả trám đã sờn, nhưng trong cùng là cái cổ yếm mới nhuộm điều sáng rực màu trời buổi sớm, cuốn hút mắt người làm thơ đa tình. Mặt sóng màu thủy ngân bạc xỉn và bầu trời mây xám lẫn vào nhau. Cô lái chèo đò, hai cánh tay đập cánh bay trên cái nền trời nước ấy.
Được rồi, ta sẽ có một bài thơ khác về Nàng, ở kiếp sau. Nàng còn trẻ quá mà ta thì đơn thân độc mã kiệt sức trên đoạn cuối chặng đường thiên lý cực nhọc với một túi thơ nặng, cũ kỹ và nỗi chán chường.
Cơn gió lạnh buốt. Nhà Thơ say quá rồi. Toàn thân ông tê lịm đi nhưng có một luồng hơi ấm lan toả dần trong đầu, rồi khắp cơ thể dần nóng rực lên như một sự thăng hoa.
Con ngựa thơ già có cánh và người kỵ sĩ già từng làm náo động trường thơ một thời, gục xuống bờ sông xưa.
Cô bé lái đò đưa thuyền sang bến, thấy một người nằm trên cát ướt. Dáng nằm không bình thường. Cô bé bước vội lên bờ cát. Người đàn ông đứng tuổi, tóc ngắn, da ngăm ngăm, chân đi dép cao su đen, thân thể cóng lạnh.
- Giời ơi, bác Nhà Thơ! Cô bé hốt hoảng lay gọi ông. Bác Nhà Thơ uống rượu, bị cảm gió rồi. Cô lái đò tu tu khóc:
- Bác ơi, phiên chợ trước, bác còn qua đò cháu. Đến giữa sông, bác đọc cho cháu nghe bài thơ về cô lái đò. Thơ của bác hay thế. Nếu chẳng may, phải chuyện rủi ro gì thì xin cho cháu chịu thay, để bác được tiếp tục làm thơ nữa.
9.
 Từ trên rất cao, nơi có những đám mây lạnh xám vẩn vơ như sương khói, Nhà Thơ nhìn thấy thân mình nằm trên cát ướt và cô bé lái đò đang vừa khóc vừa vơ cỏ khô nhóm lửa sưởi cho ông. Được rồi, em bé ạ. Ta vẫn sống để làm thơ cho em, cho những cô gái đáng yêu như em…
Người con gái ở lầu hoa chốn kinh kỳ ngày xưa vẫn bồn chồn vén tua rèm cửa vọng lâu ngóng chờ ta. Một buổi chiều sơn cước buồn như chiều nay, ta đã viết lên nền trời xám bảy chữ : Vạn lý tương tư vũ trụ tình... rồi uống cạn Nàng cùng với bầu trời quan tái trong cốc rượu đắng tha hương.
Em xuống biển, ta về trời
Cánh buồm ơi, cánh buồm ơi, cánh buồm…
Không có thời gian, không gian, không có một chế ngự của thế tục hay thiên nhiên… Ông bay trong cõi mịt mùng với nỗi hân hoan của sự giải thoát và của những bài thơ ông sẽ viết ở một kiếp khác.
                                                                           Thành Tô - Cuối năm Nhâm Ngọ
                                                                                                 B.V.
 
 Hương Cảng lạnh lẽo

Chiếc xe tay han rỉ như mớ sắt vụn chạy lạch xạch trên mặt đường rải đá. Trên xe, Dương Đình Mại thu mình trong tấm áo bông chần cũ. Khí lạnh như băng khối trong vắt đúc liền với cảnh vật bất động của con phố cổ vắng tanh làm những ngọn đèn đường như sáng hơn, ánh đèn màu trong các nhà hàng rực rỡ hơn. Người ta chúi cả vào các sòng bạc, tiệm nhảy để tránh rét. Mùa đông Hương Cảng giá lạnh hơn nhiều lần cái rét đại hàn ở quê nhà. Ông Mại đã đến đất này vài lần vào mùa đông, nhưng chưa gặp giá rét ghê gớm như năm nay. Tấm áo trên mình mỏng quá. Dương Đình Mại run lên cầm cập nhớ những chiếc áo ngự hàn trong chiếc tủ gỗ lim lớn ở nhà mình. Các loại áo len, áo bông chần dày, áo dạ Mông Tự, áo da lót nỉ của Mỹ, có cả chiếc áo lông cáo nữa. Chiếc áo lông cáo xám ấy, ông mua chính ở Hương Cảng này trong một chuyến buôn, dường như ngay ở Hà Nội cũng không mấy ai có chiếc áo như thế. Rồi còn các loại mũ ấm, khăn phu-la, găng tay, giày, bít tất... Ông nhớ ánh lửa trong cái lò sưởi ốp đá cẩm thạch xây theo kiểu Tây ở phòng khách, và hơi nóng rực của chiếc hỏa lò cổ bằng đồng ông mua ở Thượng Hải, thứ dùng trong nội cung của các hoàng đế Trung Hoa. Ông nhớ những chăn êm đệm ấm và cả cô nàng hầu mũm mĩm. Dương Đình Mại mỉm cười thú vị. Bỏ đằng sau những ấm áp tiện nghi để co ro trong tấm áo bông mỏng sờn giữa trời rét cắt da nơi đất khách như một kẻ tha phương cầu thực, vậy mà ông ta mỉm cười sung sướng như một người đang rất hạnh phúc.
Dương Đình Mại phải khoác lên mình chiếc áo bông tã của kẻ khốn cùng mạt hạng để bảo vệ cái túi bí mật giữa lần bông chần và lớp vải lót chiếc áo đang khoác có khoản tiền rất lớn, thừa để ông có thể ngồi trong chiếc xe hơi thượng hạng ấm áp và quấn mình trong những chiếc áo lông bọc da đắt tiền khiến những kẻ giàu sang ở xứ này phải ghen tị.
- Đây là khách sạn Hoàng Hương, thưa tiên sinh. - Gã phu xe thở hồng hộc, miệng phả khói như một con ngựa. Ông Mại có thể hiểu được những tiếng Hán đơn giản ấy. Ông lập cập xuống xe khòng lưng như một kẻ ốm yếu khốn khổ, lập cập móc những đồng tiền lẻ nhàu nát run rẩy đưa cho gã phu xe. Ông làm thế để trọn vẹn một vai diễn là kẻ nghèo khổ, cho an toàn ở cái nới đầy dãy những quân trộm cướp. Hàm răng ông cũng lập cập, không sao nói nổi câu “hảo lớ” để cám ơn và chào gã phu xe. Dương Đình Mại đứng trước khách sạn Hoàng Hương cúi xuống nắn bóp cặp đầu gối tê dại một lúc rồi đẩy hai cánh cửa gỗ sơn đỏ lồng kính, bước vào gian tiền sảnh. Một khách sạn tồi tàn với những đồ gỗ cũ kỹ ám khói bụi. Sau quầy giao dịch là một lão già gầy quắt đeo kính, mặc áo bông xanh, cái đầu nhỏ tí đội chiếc mũ vải thêu hình cái đấu, kiểu mũ từ thời nhà Thanh. Lão già nở nụ cười cầu tài, thả ra tràng Hán ngữ. Một câu chào và hỏi xem khách cần gì. Ông Mại chỉ hiểu mỗi câu nỉ hảo. “ Tôi là người Việt” - Ông Mại chỉ vào ngực mình nói một câu bảo bối trong số vài câu tiếng Hoa học thuộc lòng dùng cho những cuộc mua bán. Lão già tươi cười bảo, lão là chủ khách sạn, piết lói thành thạo tiếng Annam vì đã ở bên đó ba năm. - Lão giơ ba ngón tay phụ họa cho cách lói tiếng Anlam thành thạo của mình. Ông Mại hỏi:
- Có ông khách người Việt, trông cao lớn đi cùng với một phụ nữ trẻ cũng người Việt đến ở đây không?  
- Ồ có, có mà... - Lão già sốt sắng. - Ông khách Annam có dáng của bậc quý nhân. Người đàn bà đi cùng thì đẹp lắm. Họ thuê phòng trên tầng ba. Nhưng bây giờ ra ngoài, chưa về.
Dương Đình Mại ngồi xuống chiếc ghế tựa cao. Chiếc ghế gỗ cứng lạnh như đá, khiến ông phải đứng ngay dậy. Lão chủ khách sạn là kẻ hay chuyện, nhiều lời.
- Ông khách người Việt trông có quý tướng, người Đông phương mà cao lớn đường bệ như người Tây. Cô gái đẹp như một đại mỹ nhân, luôn đi bên cạnh chăm sóc ông ấy. Trông ông ta có vẻ là người sa cơ lỡ vận nhưng lại rất hào phóng, luôn nhắc cô gái không lấy lại tiền lẻ khi thanh toán.
Dương Đình Mại mỉm cười. Chuyện đúng như ông dự liệu. Ông đã cố ý chậm một tuần lễ mới đến đây, đúng lúc người ta cần một cứu tinh. Dương Đình Mại nhớ lại lúc bảo vợ mở két lấy tiền cho mình. Món tiền lớn đến nỗi bà vợ sửng sốt, tưởng nghe lầm, rồi bà cau có, - Lần trước, ông đi hầu bài Hoàng thượng hơn tháng, tiêu hết khoản tiền bán cái đồn điền ở Lạng Sơn. Bây giờ lại lấy thêm tiền nữa thì chỉ còn cách bán cái hãng nước mắm ở Hải Phòng đi. Ông Mại cau mặt. Đàn bà biết gì. Chuyến này tôi buôn lớn. Bà vợ lầu bầu: Buôn gì vào lúc thời thế nhộn nhạo đảo điên. Đến buôn thóc lúa là thức dùng hàng ngày mà còn bị cướp, bị tịch thu. Cứ thủ ít tiền vàng rồi về cái trại ở quê ngoại cày cấy, giữ lấy thân, là chắc hơn cả. Bà đặt gói tiền lên bàn, rồi quay mặt đi, bật khóc. Khoản tiền lớn quá, bà xót của. Dương Đình Mại mủi lòng. Tôi đã tính rồi. Thủ vàng mà yên à ? Tháng trước lão Chánh Hàm bị cướp đến tận giường kề dao vào cổ bắt nộp hết vàng bạc. Rồi xót của, đi báo quan phải lo lót tốn thêm. Sau, bọn kia biết, quay lại cắt cổ cả hai bố con. Đấy. Dương Đình Mại này đã có cách rồi. Không những giữ được của cải, mạng sống mà còn vinh hiển giàu sang hơn mấy mươi lần bây giờ.  
Chính vì mục đích vinh hiển giàu sang ấy mà bây giờ Dương Đình Mại chịu rét run cầm cập trong cái khách sạn tồi tàn, ở nơi đầy rẫy những trộm cướp và bọn cờ bạc bịp này. Lão chủ khách sạn vẫn luôn miệng:
 - Ông khách ấy như là người cao sang bị thất thế. Ba hôm nay chưa đưa tiền ăn. Chắc hết tiền. Nghĩ cũng ái ngại. Nhưng, không trả tiền thì cũng đành phải xử sự như luật định. Kinh doanh mà. Người Việt các ông kinh doanh không thạo bằng người Hán chúng tôi. Người Việt chỉ... - Lão già không tìm được câu chữ, phải huơ hai tay trên đầu theo một thế võ loạn đả hay biểu thị sự quấy đảo gì đó. Dương Đình Mại bật cười. Lão Chiệc này nếu biết ta đang buôn mặt hàng gì thì lão sẽ phải ngả cả mũ lẫn nón phủ phục dưới chân ta. Ông Mại lật mấy tờ báo cũ trên quầy nhìn lướt.                               
- Quý khách người Việt đã về rồi. - Lão già hấp háy nhìn qua những ô kính cửa cáu bẩn, mỉm cười, không giấu vẻ giễu cợt. Dương Đình Mại vội ra mở cửa cúi rạp trước người đàn ông cao lớn đang bước vào tiền sảnh cùng với cô gái trẻ đẹp đi bên bám vào cánh tay ông ta.
- Kính chúc hoàng thượng khang an... Xin chào cô.
Người đàn ông nhìn Dương Đình Mại, mắt ánh lên mừng rỡ nhưng nụ cười thì buồn thiu:
- Thôi mà. Chừ ta đã là một phế đế, ông dùng nghi thức vua tôi làm chi, kẻo ông chủ nợ kia lại nghĩ chúng ta là những kẻ lừa đảo đang diễn comédie của Molière (*) về một trò bịp bợm.
- Với thần, hoàng thượng mãi mãi là hoàng đế. Còn lão già keo bẩn kia... - Ông Mại trở lại quầy giao dịch, lật nhanh một tờ báo cũ nhàu nát trong tập báo trước mặt lão chủ khách sạn, chỉ vào tấm ảnh Phế đế nước Nam đang bắt tay một vị thượng quan của chính phủ Trung Hoa:
- Nhìn cho rõ, đây là hoàng đế nước Việt, ngài gặp hạn như vua Phổ Nghi của các người nên mới đến tá túc ở cái quán trọ bẩn thỉu này. Đừng vì thế mà xem thường, rồi sau lại ân hận. Còn khoản tiền nợ, ta sẽ trả không thiếu một cắc, lại thưởng thêm, nếu lão biết lễ phép.
Lão già sửng sốt nhìn bức ảnh trên tờ báo bị dầu mỡ loang một góc, rồi nhìn ông khách người Việt đang ở trọ quán của lão. Vị Phế đế xua tay:
- Thôi, thôi mà... nói thế mần chi, ông Mại. Ta lên phòng trên, hỉ.
Họ bước lên chiếc cầu thang gỗ đen sỉn, để lão chủ khách sạn đứng há hốc miệng bên quầy giao dịch.
Căn phòng ngủ tồi tàn ở tầng áp mái. Nét mặt tươi đẹp của cô gái nổi bật trong khung cảnh âm u, như làm căn phòng sáng lên. Phế đế cũng nhận thấy thế. Ông nói với Dương Đình Mại, mắt vẫn đăm đắm nhìn cô gái: - Cô Lý đi cùng ta từ Hà Nội đến đây. Nếu không có cô ấy thì ta đã chết vì giá lạnh.
- Thưa, các ông Lưu Đắc Trương, Lưu Bá Đạc có hay đến đây hầu hoàng thượng không ạ ? - Ông Mại hỏi, thăm dò về những đối thủ của mình. Vị Phế đế cười nhạt:
- Khi ở Trùng Khánh, họ chăm đến với ta lắm. Còn bây giờ thì... cũng như những kẻ từng thân cận với ta, họ đã biết ta sẽ mãi là một thứ dân, chả sơ múi gì nữa.
 - Hai ông họ Lưu ấy khá giả hơn thần nhiều mà lại tệ như vậy. Thế còn Mai Văn Hám, ông ta có đến chu tất cho hoàng thượng không ạ ?
 Vị phế đế lắc đầu. Căn phòng không có lò sưởi, lạnh lẽo. Cô Lý ngồi nép bên cạnh phế đế, để nguyên áo khoác, đôi chân vẫn khẽ run. Dương Đình Mại nhìn lướt nhanh đôi chân ấy. Ông đã quá quen thuộc đôi chân đẹp sau lớp vải quần bằng dạ mỏng kia. Phố Khâm Thiên... Đàn trống sênh phách... ánh đèn dầu lạc hư ảo với làn khói Phù Dung tiên tử. Những cuộc hát thâu đêm, gối chăn nhàu nhĩ... Cô Ba đó ơi... Gió lạnh cái đêm đông trường... Nửa chăn nửa chiếu... nửa giường cô để chờ ai... Và những tiệm Dancing Mondial, Tabarin... Đèn màu nháy giật. Nhạc xập xình. Cái eo thon, cặp giò gợi tình kia. Điệu valse da diết với bản One day ... Còn nhớ khi xưa đôi ta thề nguyền cùng nhau dưới ánh trăng thâu... Có nhớ câu em khuyên rằng, đường đời đừng có quên nhau?...
- Thần biết bệ hạ đang gặp khó nơi đất khách này, nên vội thu xếp sang hầu...
Phế đế cười buồn, ngắt lời Dương Đình Mại:
- Chẳng cần đến sự thông minh của ông mới nhận ra được điều ấy. Người ngoài còn biết về ta hơn thế. Vừa rồi, đi ngoài đường lạnh quá, chúng ta tạt vào một tiệm nhảy. Tiệm nhỏ, xoàng thôi, vậy mà khi ta vừa bỏ áo khoác ngoài tìm đến một bàn ở góc khuất thì dàn nhạc vội dừng bản nhạc đang chơi, rồi trang trọng cử bản Valse Royale - Vũ điệu Nghênh giá mà trong các vũ hội cung đình Tây phương vẫn tấu lên khi có nhà vua đến dự. Gã chủ tiệm nhảy cúi rạp đầu nói lời kính mừng bằng tiếng Pháp khiến ta cảm động vô cùng, nhưng ngay sau đấy chợt hiểu ra rằng, gã ấy thừa biết ta đã là một phế đế, vì mấy ngày nay báo chí loan tin và ảnh về cuộc công cán của ta ở Hương Cảng này chỉ với cương vị cố vấn. Gã muốn nhắc ta rằng dù thế nào cũng vẫn phải hào phóng hư một hoàng đế. Nhưng túi ta không một xu. Mọi chi tiêu đều bằng tiền bán nữ trang của cô Lý. Chúng ta vẫn đứng lên gượng nhảy cho hết điệu valse nghênh giá. Khi ra về cô Lý đã phải trả một số tiền lớn cho chai rượu sâm-panh Pháp và điệu nhảy Nghênh giá. Lại còn khoản puốcboa cho dàn nhạc nữa chứ.
Cái giọng nói Huế nguyên chất cao sang, âm vang rồi tắt trong những góc khuất của căn phòng ám khói. Phế đế nhìn ánh sáng mờ từ cái chao đèn bằng lụa thêu treo trên tường... Cái tiệm nhảy tồi tàn ấy... Lý ơi, ta buồn quá. Hãy nhảy Valse- slow cho ta tựa đầu vào vai em một lúc để giấu những giọt nước mắt tủi nhục... mà sao dàn nhạc chơi bài Valse Royale lại đong đưa réo rắt như giễu cợt.
Lại nhớ đêm giao thừa ở Hà Nội. Cũng rất lạnh làm ta hồi tưởng những mùa đông ở Pháp. Ta đã kêu lên với Lý: “ Buồn quá Lý ơi...” Lý đưa ta đi dạo quanh hồ Gươm cho khuây khỏa. Người đi đón giao thừa hái lộc đông như kiến, nhưng chẳng ai biết ta là ai, dù ta không cần giả trang như một hoàng đế vi hành đêm giao thừa xem thần dân của mình đón xuân. Ta đã là một thường dân, còn ai cần biết ta nữa. Cố đô Thăng Long... Những triều đại huy hoàng rồi tàn lụi. Đền Ngọc Sơn. Cầu Thê Húc. Trấn Ba Đình. Tháp Bút. Đứng dưới chân tượng vua Lê, ta nhớ đến câu thơ: Hưng vong biết chửa người thiên cổ? Tiếng cuốc năm canh bóng nguyệt tà... Ta nhờ Lý đốt cho thẻ hương. Ta hướng về phương Nam bái vọng... Ta khóc cho cơ nghiệp các tiên vương đã tiêu tan vì ta, một kẻ có thừa những kiến thức làm vua học được ở phương Tây mà không chăn nổi đám dân khốn khổ ở cái xứ Annam nghèo hèn của mình. Ta đã nói với Lý hôm sửa soạn hành trang ra phi trường: “Nếu các người không cần có một ông vua nữa thì ta ra đi cho các người hả lòng. Nhưng, để rồi xem bọn cu-li pooc-tê (bốc vác), phu mỏ than cùng với đám thợ cày, thợ cấy, và lũ buôn thúng bán mẹt sẽ cai quản đất nước này ra sao”.    
Ba người ngồi im lặng. Những bóng người trên vách gỗ bất động như những hình vẽ. Rồi Dương Đình Mại rụt rè lấy trong áo ra gói tiền lớn kính cẩn đặt trước mặt Phế đế :
- Thần có chút... lòng thành. Xin bệ hạ và cô Lý dọn đến một khách sạn tốt hơn. Bệ hạ không nên kham khổ. Đất Hương Cảng này có những sòng bạc trứ danh, bệ hạ nên đến những nơi ấy tiêu khiển.
Phế đế không để ý gói tiền, ngài khẽ lắc đầu, rầu rĩ :
- Ta lại thấy thích cái khách sạn này. Mà phòng ngủ này có vẻ rộng hơn căn phòng của ta trong trường Lycée Condoreet ở Paris trước kia. Ta sẽ không quên lòng trung nghĩa của ông. Chỉ tiếc ta không giữ được cơ nghiệp để có thể đền đáp những người như ông. Với ta, giữ được mạng sống là may lắm rồi. Xưa, vua Lu-y XVI và vợ đã phải lên máy chém của quân cách mạng.
Dương Đình Mại lấy giọng chân thành khuyên Phế đế :
- Chuyện thăng trầm là lẽ tự nhiên. Nhưng thần vẫn tin sẽ có ngày hoàng thượng tái ngự ngai vàng. Vì người Tây vẫn ủng hộ ngài.
- Ta cũng mong thế. Mà thôi, muộn rồi, ông về đi, mai đến đây ăn cơm trưa với ta. Cô Lý tiễn ông Mại, tiện thể xuống thanh toán nợ khách sạn.
Hai người xuống cầu thang. Đến nơi khuất ánh đèn, như không kìm nổi, Dương Đình Mại kéo cô Lý đến sau chậu cây cảnh, run rẩy ôm xiết lấy thân hình ấm mềm của cô vũ nữ ngày xưa từng là của ông. “Tôi lạnh quá Lý ơi. Lạnh từ trong lạnh ra...” Lý hốt hoảng gỡ tay người tình cũ, nghiêm giọng:
- Ông cố quên chuyện giăng gió của chúng ta trước kia. Bây giờ là việc làm ăn hệ trọng, sinh tử. Em biết ông sang đây cũng vì việc lớn ấy. Cũng như em đã bỏ ông đốc-tờ đi theo hoàng thượng vì có chủ ý như ông. Bây giờ, em với ông nếu có còn chút tình cũ thì hãy ủng hộ cho nhau.
 Dương Đình Mại thở dài, ông nói với Lý như trách móc mà vẫn lưu luyến, rằng ông đành chịu thua vị phế đế đào hoa. Nhưng rồi đây Lý sẽ là thứ phi... là Bắc cung nương nương gì đấy. Lý trẻ đẹp, sẽ được sủng ái hơn cả chính cung Hoàng hậu. Khi ấy Lý có thể quên những người từng đàn ca với Lý ở xóm Khâm Thiên, quên hết cả những kẻ từng quay cuồng với Lý trên sàn nhảy. Nhưng xin hãy nhớ đến Mại này. Lý hãy nhắc hoàng thượng hộ một tiếng nếu chẳng may ngài quên tôi... Những lời thống thiết như ca cải lương làm cô vũ nữ cảm động. Cô nói với ông Mại :
- Em quyết thay đổi số phận. Em là một con bé nhà quê lên tỉnh làm kỹ nữ, sau là gái nhảy, được ông thương yêu cưu mang mấy năm, rồi được một ông đốc-tờ cưới làm vợ. Tuy cũng là hơn người nhưng chưa mãn nguyện. Em có số quý nhân, sẽ làm phi tần của bậc đế vương nên đã lọt vào mắt hoàng thượng khi ngài ra Bắc làm cố vấn cho chính phủ lâm thời. Em đã tình nguyện đi theo hoàng thượng dù gian nan nguy hiểm. Bây giờ, nếu còn thương em thì xin ông giúp em thực hiện ước nguyện.
Họ chia tay nhau với nỗi an ủi là hai người cùng có một hy vọng lớn lao như nhau. Trưa hôm sau, Phế đế và cô Lý chờ Dương Đình Mại đến ăn cơm, nhưng mãi không thấy ông ta đến. Những ngày sau, họ cũng không gặp lại ông Mại nữa. Lý bồn chồn, không hiểu tại sao. Ông Mại đâu phải là một nghĩa sĩ xuất hiện lúc nguy cấp để cứu giá rồi biến mất, không cần ban ơ
Việc thương thuyết giữa phái đoàn của Phế đế với phía Pháp về chủ quyền của nước Việt không có kết quả. Tiền phụ cấp của chính phủ lâm thời cho chuyến công du đối với Phế đế chẳng thấm vào đâu. Khoản tiền lớn của Dương Đình Mại đã tiêu tán hết trong các sòng bạc, đem lại cho phế đế tiếng thơm về một vị hoàng đế hào hoa, một đệ nhất tài tử môn mạt chược.        
Ba năm sau, Phế đế được người Pháp ủng hộ lên làm quốc trưởng. Chính phủ mà ông từng làm cố vấn đã rút lên chiến khu. Quốc trưởng thành lập một nội các mới.
Bà vợ Dương Đình Mại bặt tin chồng mấy năm nay, ngỡ phu quân của mình là bậc đại trượng phu có chí lớn nên xem nhẹ chuyện thê nhi. Bà vội sai thằng con trai dò tìm trên báo về nội các mới của quốc trưởng. Hơn mười Bộ được thành lập với một danh sách dài những Thủ tướng, Tổng trưởng, Thứ trưởng, Quốc vụ khanh, Tổng Giám đốc Nha... - Con xem thủ tướng hay phó thủ tướng có phải là cậu nhà mình không ? - Thằng con lầu bầu: Mợ chỉ mơ hão. Quốc trưởng kiêm luôn chức đó rồi. Phó cũng không là cậu. - Thế Tổng trưởng Bộ Kinh tế Kế hoạch? Cậu mày giỏi trù liệu kế sách lắm. - Không phải cậu. Là một ông họ Trần. - Xem Bộ Nội vụ ấy. Cậu mày rất tài việc sắp đặt bố trí. - Thưa mợ, đó là ông Vũ Ngọc Trản ạ (Thằng con khúc khích cười) - Thế thì Tổng trưởng Tài chính phải là cậu. Kinh doanh tiền bạc không ai bằng cậu mày. - A, cậu đổi tên là Tấn Tài rồi, vì ông này cũng họ Dương. ( Thằng con đùa cợt bà mẹ ham hố) . - Nếu thế, chắc chắn là Bộ Thương mại rồi, vì cậu mày là nhà buôn có tài. - Nhưng Bộ Thương mại lại do một ông họ Hoàng đảm trách. Bộ Nông nghiệp cũng không có tên Dương Đình Mại dù ông ta cũng là một điền chủ nổi tiếng. Bà Mại ôm mặt òa khóc, xót xa như khi đưa tiền để chồng đi buôn chuyến lớn lao cuối cùng ấy.
 Cô Lý đã là thứ phi, tuy vẫn còn vương vấn với người tình cũ nhưng không biết ông Mại ở đâu để tiến cử. Có lần, Lý khẽ nhắc Quốc trưởng về cái người đã vượt qua gió tuyết băng giá đem tiền đến cứu nguy cho ngài nơi đất khách. Quốc trưởng thần người ngẫm nghĩ. Mại nào nhỉ ? Hồi ấy có nhiều người chu cấp cho ta, nhớ sao hết được. Những kẻ ấy, bây chừ ở nơi mô ? Mà nhớ đến họ làm chi. Họ là bọn chăn Rồng, những kẻ buôn vua. Thời nào mà chả có. Rất nhiều, như loài ký sinh trùng, lăng xăng quanh các bậc đế vương.
Cái đêm Hương Cảng giá lạnh ấy, từ khách sạn Hoàng Hương ra, ông Mại gọi một chiếc xe tay. Gã phu xe lực lưỡng, râu quai nón kéo chiếc xe lao băng băng đến nỗi gió vù vù bên tai ông Mại. Chiếc xe chạy về phía bến cảng vắng vẻ. Hầy à, sao cái nị lại đi lối này? Gã phu xe cười hiền lành: Lối lày gần hơn à, lại tránh hớng gió Pắc, lể tiên sinh lỡ lạnh mà !...
Sáng hôm sau, phu quét đường thấy một người đàn ông chừng bốn mươi tuổi, phương phi, rõ là có quý tướng, bị lột trần nằm trong đống rác, cặp mắt dại đờ mở trừng trừng nhìn lên trời. Không ai biết đó là Dương Đình Mại, một doanh nhân cự phách của Annam. Cô Lý không biết chuyện bi đát đó để tìm đến rỏ lên thi thể người tình bất hạnh của mình những giọt nước mắt thương xót. Nhưng lúc gần sáng, trời đổi gió Nam đem theo mưa, một cơn mưa lớn chỉ rơi trong phạm vi khu cảng. Toàn thân người đàn ông nằm trong đống rác đẫm ướt nước mắt của trời. Cơn mây mưa ấy bay đến từ phương Nam. Như trong bài thơ về cái chết của một người tha hương.
... Chỉ có đám mây đen từ quê nhà bay tới...
 Nhận ra anh và khóc thương anh... ( ** )
 
__________________________________________________
(*) Hài kịch của Mô-li-e. ( Vị Phế đế học ở Pháp từ nhỏ ).
(**) Truyện này được viết theo một số sử liệu về vị vua cuối cùng của triều Nguyễn .