Cứ đến mồng 5 Tết Nguyên Đán lại nhớ tiền nhân. Là ông cha ta. Là Quang Trung Nguyễn Huệ. Là những người áo vải đã làm nên lịch sử, đã bảo tồn dân tộc, giống nòi trước họa xâm lăng của ngoại bang hơn 200 năm trước mà không hề tiếc máu xương của mình.
Thuở nhỏ, mới cắp sách tới trường, trong tim đã vang vọng những câu thơ:
Mồng năm Tết, trận thắng to
Gió reo còn vẳng tiếng hò ba quân.
Hằng năm giỗ trận tưng bừng
Nhớ ngày chiến thắng vang lừng núi sông.
Noi gương chiến đấu anh hùng
Quang Trung sống mãi trong lòng chúng ta.
Và tôi biết Quang Trung Nguyễn Huệ, biết trận đại phá quân Thanh, biết để rồi nhớ, để khắc cốt ghi tâm có lẽ từ những câu thơ giản dị đó. Lớn lên một chút, được đọc trong sử sách càng hiểu thêm về người anh hùng áo vải cờ đào qua những câu thơ nôm thật dân dã do chính Ngài viết:
Đánh cho để dài tóc
Đánh cho để đen răng
Đánh cho nó chích luân bất phản
Đánh cho nó phiến giáp bất hoàn
Đánh cho sử tri nam quốc anh hùng chi hữu chủ.
Những câu thơ như thế đi vào lòng người hơn bất cứ một bài học lịch sử dài dòng hay một bài học đạo đức sáo rỗng về lòng yêu nước và tự hào dân tộc. Bài thơ theo thể lục bát ở trên là của nữ sĩ Hằng Phương, được đưa vào sách Tập đọc lớp Hai suốt mấy chục năm qua, nhưng không hiểu vì lí do gì mà các tác giả soạn sách lại loại nó khỏi chương trình cải cách Tiểu học năm 2001 ? Còn những câu thơ bất hủ ấy của Quang Trung Nguyễn Huệ - những câu thơ hội tụ hào khí dân tộc sao không được dạy cho học trò ?
Lại nhớ tháng 7 năm ngoái, nếu không có phản ứng mạnh mẽ của dư luận thì những câu thơ của Hồ Chí Minh ca ngợi Quang Trung Nguyễn Huệ khắc trên tấm bia đặt tại đền thờ vua Quang Trung trên núi Dũng Quyết ở thành phố Vinh (Nghệ An), sẽ bị đục bỏ chỉ vì đó là lời yêu nước chống Tàu của Bác. Rồi cả tấm bia khắc công trạng của vua Quang Trung cũng chung số phận, vì đó là công trạng chống Tàu.
Ôi, “dân ta phải biết sử ta” như Bác Hồ đã dạy. Biết để mà tự hào, biết để mà hun đúc lòng yêu nước, để giữ cho mạch ngầm truyền thống trong dòng chảy bốn ngàn năm không dứt, để dân tộc Việt Nam cất cánh bay lên, bay lên từ mùa xuân con rồng này.
Mồng 5 Tết Nhâm Thìn
Nguyễn Duy Xuân