Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

NGÂN VANG MỘT ĐIỆU HUÊ TÌNH

Quỳnh Trâm
Chủ nhật ngày 8 tháng 1 năm 2012 7:49 PM

TIÊU TƯƠNG XANH

Tên sông hoá đá*
Dòng hoá cỏ *
Tình yêu hoá tiếng đàn !
Điệu hát hoá Trương Chi !
Cổ tích lao xao
Sóng vỗ
Người đi
Ai đưa tiễn
Biệt ly
Sầu lưu luyến
Dao cau ngọt mắt người lúng liếng
Dìm con thuyền chết đáy dòng Tương !
Bờ lau than khóc giọt sương
Giọt sương than khóc âm - dương cách vời
Biền biệt đất
Biền biệt trời
Chỉ còn tiếng hát nuôi người trần gian !**
Con thuyền khóc với Tương Giang
Tương Giang khóc với cây đàn buông giây
Mái chèo cót két đâu đây
Vi vu tiếng sáo đêm gầy vừng trăng !
Lặng thầm
Tôi với dòng sông
Khăn mỏ quạ
Áo ba tầm
Tay níu…
Lý lới ơi !
Tình ai dan díu
Bến Trương Chi ngơ ngẩn điệu huê tình ?
Cỏ Tương Giang bồng bềnh
Xanh huyền thoại tên sông thành kiếp đá*
Xanh mái chèo khua về hai ngả
Xanh hồn quan họ ** khúc chia ly !
                  Hà Nội 7-7-2008
             NGUYỄN LÂM CẨN

* Sông Tương (Tương Giang, Tiêu Tương), nơi có huyền thoại Trương Chi nay đã bị bồi lấp. Nhờ có truyện Trương Chi nên tên sông hoá thành bất tử
(Các địa danh bảo tồn nhờ có văn hoá)

LỜI BÌNH CỦA QUỲNH TRÂM

(Kính tặng nhà thơ Nguyễn Lâm Cẩn đôi dòng cảm nhận về bài thơ "Tiêu Tương xanh)
 Khúc Trương Chi "Tiêu Tương xanh" của nhà thơ Nguyễn Lâm Cẩn là một sự sáng tạo độc đáo, từ tứ thơ đến nghệ thuật. Trong bài thơ, không có từ ngữ nào là không ẩn chứa những ý nghĩa rất sâu lắng. Mỗi khổ thơ đều gợi những bất ngờ thích thú và đầy cảm xúc!
 Khổ thơ thứ nhất: Một quy luật của cuộc đời được khái quát qua những hình tượng thơ đầy màu sắc và âm thanh, cứ hun hút vào cõi lòng:
Tên sông hoá đá*
Dòng hoá cỏ *
Tình yêu hoá tiếng đàn !
Điệu hát hoá Trương Chi !
 Thật tuyệt vời sự phát hiện này! Đúng là tình yêu đã cho tiếng đàn bay lên! Nếu không có tình yêu cháy bỏng thì sao có được âm thanh huyền diệu ấy! Và điệu hát bài ca đã làm nên một tên tuổi nghệ sĩ cho muôn đời. Từ đó, tất cả những gì gắn bó với tình yêu ấy, với con người ấy, cũng trở thành bất tử, vì thế "Tên sông hóa đá - Dòng hóa cỏ"! Cho nên tưởng ngược đời mà lại không ngược chút nào: "Điệu hát hóa Trương Chi"!
 Khổ thơ thứ hai day dứt và luyến lưu trong hồi ức về thời xa xưa:
Cổ tích lao xao
Sóng vỗ
Người đi
Ai đưa tiễn
Biệt ly
Sầu lưu luyến
Dao cau ngọt mắt người lúng liếng
Dìm con thuyền chết đáy dòng Tương !
 Ôi đôi mắt như dao cau lúng liếng trái tim người, sóng mắt làm thuyền ai ngập chìm trong biển tình chết lặng! "Người đi - Ai đưa tiễn - Biệt ly..." Âm điệu câu thơ như sóng vỗ bờ, từng nhịp ru hoài ru mãi vào hồn người muôn thuở...
 Và thật bất ngờ khi sự miên man của thơ lục bát biến thể xuất hiện trong khổ 3 và 4. Bờ lau than khóc, giọt sương than khóc, biền biệt đất, biền biệt trời..., sự cách xa ngàn trùng âm dương vời vợi..., sự hẫng hụt tâm tình và chống chếnh xác thân, chơi vơi, cô đơn một linh hồn, chỉ còn "tiếng hát nuôi người trần gian". Ai là người sống bằng tiếng hát ấy? Ai sẽ nhớ mãi tiếng đàn ca đứt ruột một đời?
Bờ lau than khóc giọt sương
Giọt sương than khóc âm - dương cách vời
Biền biệt đất
Biền biệt trời
Chỉ còn tiếng hát nuôi người trần gian !**
 Người đã vĩnh viễn xa xôi... Tương Giang khóc trong sóng nước dâng trào, con thuyền khóc khi mái chèo không còn khua nước. Tất cả âm thanh còn lại chỉ là trong hồi ức mà thôi!
Con thuyền khóc với Tương Giang
Tương Giang khóc với cây đàn buông giây
Mái chèo cót két đâu đây
Vi vu tiếng sáo đêm gầy vừng trăng !
 Lối điệp ngữ liên hoàn "Con thuyền khóc với Tương Giang - Tương Giang khóc với..." gợi ra một vòng xoáy của tâm trạng với nỗi đau khôn tả, đến mức ngay cả tiếng sáo trong tâm tưởng cũng làm cho vầng trăng bỗng hao gầy đến xót xa! Sự đồng cảm trong tâm hồn nhiều trắc ẩn và suy tư hôm nay đã tạo nên những câu thơ man mác, mênh mang buồn như sông nước ảo huyền cổ tích...
 Lặng thầm trở về hiện tại, một mình với dòng sông - dòng mơ với áo ba tầm xưa cũ và câu ca lý lơi níu vạt áo chùng... Ai ở, ai về? Ai chờ, ai hẹn? Chẳng biết vì sao mối tình Trương Chi lại khiến cho ai dan díu một đời mắc nợ trần ai?
Lặng thầm
Tôi với dòng sông
Khăn mỏ quạ
Áo ba tầm
Tay níu…
Lý lới ơi !
Tình ai dan díu
Bến Trương Chi ngơ ngẩn điệu huê tình ?
 Điệu hát ngày xưa mãi mãi vẫn là "điệu huê tình" ngọt lịm một nỗi đau. Điệu huê tình ngày xưa giết chết chàng trai trẻ, và còn làm ngơ ngẩn mấy kiếp sau?
Cỏ Tương Giang bồng bềnh
Xanh huyền thoại tên sông thành kiếp đá*
Xanh mái chèo khua về hai ngả
Xanh hồn quan họ ** khúc chia ly !
 Sông nước vẫn xanh trong kí ức. Cỏ Tương Giang vẫn bồng bềnh mãi giấc mơ xưa. Mái chèo xanh vẫn "khua về hai ngả" - quá khứ và hiện tại, có lẽ, cả tương lai nữa! Bởi lẽ, hồn quan họ còn mãi xanh, điệu huê tình còn vang vọng, cho dù "khúc chia ly" thật buồn, nhưng có chia ly để thấy rằng, khi được tương phùng, dù là trong tâm tưởng hay ở kiếp sau, hay ở một hình hài khác, như chiếc chén gỗ trầm tan ra trên tay Mỵ Nương, thì đó vẫn là điều tuyệt vời hạnh phúc!
 5/1/2012
QT