Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

CUỘC SỐNG SAU KHI CHẾT

BS Lại Công Hiệp
Thứ ba ngày 13 tháng 9 năm 2011 6:32 PM
 Lai Công Hiệp
      
Thân kính tặng hương hồn liệt sĩ Lại Công Hào , quê quán Nghĩa Đô Hà Nội và các chiến sĩ , sĩ quan đòan K73 Tỉnh Long An
                                      Vào cận vệ nay mai thăng đại úy
                                      Cần gì vào quân chiến đấu là hơn
                                      Ừ phải đấy cho nó nếm mùi binh sĩ
                                      Nhưng mà này thế cha nó là ai
                                                                        Pushkin
                                 
1- Tôi tiễn đưa em tôi đi vào một buổi sáng mùa đông rét mướt năm 1972. Trời tối đen, cả Hà Nội vẫn còn đang chìm trong giấc ngủ say, hai anh em tôi chở nhau trên chiếc xe đạp lọc cọc cũ kỹ của bố tôi thời Pháp thuộc. Từ làng Nghĩa Đô ra Bến Nứa dưới chân cầu Long Biên, phải đi sớm để còn xếp hàng mua cho được một chiếc vé xe đi Chí Linh , nơi đơn vị em tôi đóng quân. Đường phố không một bóng người , thỉnh thoảng có một bóng đèn điện vàng vọt xa xa, gió lạnh buốt thổi từng cơn… Ngày đó cả hai anh em tôi đều nhận được lệnh đi B, rồi em tôi đi B2, còn tôi vào chiến trường khu IV cũ.
2-  Vào khoảng trung tuần tháng 3 năm 1975 , một buổi sáng mẹ tôi nói với vợ tôi rằng đêm qua bà nằm mơ thấy em tôi về , nằm ngoài cổng quần áo rách tả tơi không nói gì. Mẹ tôi bảo em tôi vào nhà , nhưng em tôi không vào. Mẹ tôi khóc, bà biết em tôi đã hy sinh, tất cả nhà tôi đều buồn .Sau đó mấy ngày , chiều tối cả nhà tôi đang ngồi trên giường uống nước – bỗng nhiên có một con đom đóm nhỏ chao đảo lượn vòng vòng trong nhà , lượn đi lượn lại , cả nhà đều để ý …
  Tự nhiên mẹ tôi nói :
-Có phải Hào về không ? Nếu có phải Hào con giai mẹ về thì con đậu vào tay mẹ cho mẹ biết , và bà giơ tay , xòe bàn tay ra , ngay lập tức con đom đóm sà vào lòng bàn tay mẹ tôi . Mẹ tôi nắm lại và lăn ra khóc :
 - Thôi đúng con tôi rồi …
Mẹ tôi lăn ra khóc thảm thiết . Bố tôi đến dỗ dành , gỡ tay mẹ tôi ra và nói :
- Bà thả nó ra ( con đom đóm ) , không có nó chết mất , để mai tôi lên huyện đội hỏi cho bà ( lúc đó Nghĩa Đô thuộc huyện Từ Liêm )
Sau đó khoảng 06 tuần thì giải phóng miền nam, lác đác có người đi B trong xóm trở về, có người nói em tôi đã hy sinh. Khi nghe tin bố tôi đã đứng không vững, hai chân ông khụy xuống choáng váng dưới gốc cây bưởi giữa sân nhà.
Ngay sau giải phóng miền Nam khoảng 02 tháng thì có giấy báo tử của em tôi, sau ngày làm lễ truy điệu ,  mẹ tôi đặt một cái bàn thờ nhỏ ngay dưới bàn thờ tổ tiên , hàng ngày ở nhà ăn gì mẹ tôi cúng thứ đó. Một buổi sáng đứa em trai tôi khoảng 12 tuổi đang quét nhà, khi quét đến chỗ bàn thờ bỗng nhiên một giọng nói của ( liệt sĩ Hào ) vang lên : - Hiến ơi lại đây anh bảo !
Em tôi  ( tên Hiến ) quay đi quay lại trong nhà không một bóng người , nó sợ quá quăng cây chổi ù té chạy …
Trong xóm tất cả những người đi B cùng đợt với em tôi không một ai sống sót trở về.
                         “Cổ lai chinh chiến kỉ nhân hồi  ”
                                                             Vương Hàn
Đêm 30 Tết năm ấy ,mấy anh em tôi( cả mấy đứa em con bà cô ruột ) đón giao thừa tôi nói :
- Để một cái ghế cho anh Hào ngồi , coi như anh Hào vẫn còn sống .
Phải nói rằng hồi ấy ở Hà nội rất hiếm và rất ít đom đóm . Phút giao thừa , tất cả nhà đang ngồi , bỗng nhiên lại có một con đom đóm bay vào trong nhà , nó bay vần vũ trên trần nhà . Tôi linh cảm thấy em tôi về . Tôi ngồi im không nhúc nhích , tôi dựa lưng vào ghế , tay phải tôi để lên trên thành ghế và xòe bàn tay ra , tôi nói vừa đủ nghe :
Có phải Hào về đó không ? nếu đúng là em về , thì đậu vào lòng bàn tay phải của anh , để cho anh biết . Lúc đó con đom đóm đã bay qua nhưng ngay lập tức nó quay lại và lao xuống như một mũi tên đậu vào lòng bàn tay phải của tôi . ( Thật là phi thường , thật lạ lùng là ngay lập tức con đom đóm đã lao xiên xuống đậu vào lòng bàn tay phải của tôi ).
Tôi đã khóc …, tôi biết em tôi vẫn cứ loanh quanh ở gần đâu đây chưa đi …

Ra giêng, mùa Xuân , khoảng nửa đêm hôm ấy , tự nhiên vợ chồng tôi bừng tỉnh giấc , vì trên trần nhà gần ngay chỗ vợ chồng tôi nằm , có một con đom đóm to cứ lập lòe phát sáng xanh lè , từ xưa tới nay chưa từng thấy như thế bao giờ .
Vợ tôi nói: - Hay là chú Hào về, con đom đóm này em đã thấy nó từ hồi chiều tối , rất to và xanh lè, hồi chiều nó về 02 con , nó đậu ở cây bưởi ,e có cảm giác nó nhìn em , em đang rửa bát sợ quá em bỏ cả rửa bát chạy vào trong nhà.
  Lúc đó tôi vẫn nằm trên giường và bên trong màn (mùng) và nói với con đom đóm:
- Có phải Lại Công Hào về đó không? Nếu đúng là em về thì để chứng minh cho anh biết , cho anh tin là em về thì em hãy rơi xuống đất.
  Sau khi khấn xong tôi nhìn lên trên trần nhà thì không thấy con đom đóm đâu nữa.
- Hay là nó rơi xuống đất rồi – Tôi nói
Tôi ra khỏi màn và thấy con đom đóm đã nằm dưới nền nhà. Tôi xúc động quá và òa khóc. Thương nhớ và đau đớn quá…
Tôi bắt con đom đóm lên tay … Vợ tôi nói : - Bây giờ khuya rồi chắc chú ấy cũng đói anh xem có còn cơm không lấy cho chú ăn .Tôi nói : - nếu có còn cơm thì cũng không có gì ăn . Vợ tôi nói : - anh xem lấy tý nước mắm cũng được .
Hồi đó phần đông người lao động miền Bắc đều nghèo không thể tưởng tượng được , cơm không đủ ăn áo không đủ mặc . Những hạt gạo cuối cùng ,tất cả , mọi thứ đã gửi hết ra tiền tuyến . Không hiểu sao hôm đó nhà tôi lại còn ít cơm nguội , tôi vét ra được một bát . Gọi là nước mắm chứ làm gì có nước mắm , nửa lít xì dầu tiêu chuẩn hàng tháng của bố tôi hoặc của tôi , mẹ tôi cho thêm muối pha thành ba lít ăn dần ( muối hồi đó cũng phải có tem phiếu mới mua được ) và nhà tôi ở ngoại thành không có tem phiếu , những thứ nhu  yếu phẩm đó là món hàng xa xỉ không bao giờ với tới được. Hồi đó những người ở nội thành rất vênh váo , họ thường có ý khinh dân ngoại thành vì họ có tem phiếu , mỗi tháng mỗi người họ được mua một lạng thịt. Tôi lấy bát cơm và một tí cái gọi là xì dầu – đôi đũa để lên bàn thờ có di ảnh của em tôi ( để riêng trên nóc tủ sách của bố tôi ở góc nhà ) không có bát hương .Không hiểu tại sao bố tôi không cho để bát hương mà thay vào đấy là một cái cạc- tút( vỏ đạn ) đại bác to tướng chỏng chơ . Tôi phải cắm nén nhang vào bơ gạo…
Thật là không thể tưởng tượng được , con đom đóm đã được tôi thả ra sân lại bay vào nhà , nó bay vần vũ khắp nhà và đậu vào bức di ảnh của em tôi , con đom đóm bò chầm chậm quanh bức ảnh , lát sau không thấy nũa , tôi đi tìm thì hóa ra nó đậu nấp sau bức ảnh .
                                       
Không gian miền quê im lặng , mùa đông miền Bắc lạnh buốt tái tê, thời gian như dừng lại . Tôi đã ngồi gần như bất động một mình lặng lẽ khóc… Đau đớn quá , em tôi to lớn nhất nhà , mặt trái xoan mũi dọc dừa đã thi đậu đại học. Nhưng em tôi bị nghễng ngãng –gần như bị điếc vì hồi nhỏ em tôi bị bệnh viêm tai giữa biến chứng cả 02 tai, tái phát đi tái phát lại nhiều lần. Tôi ngồi nói chuyện với em tôi suốt đêm như em tôi còn sống. Cả nhà tôi, bố mẹ và các em tôi đã ngủ yên không hề hay biết. Tôi mệt quá ngủ thiếp đi… Tờ mờ sáng tôi mở mắt thấy con đom đóm khi đêm đậu trên đỉnh màn của vợ chồng tôi. Sau này vợ tôi vẫn thường nhắc lại rằng:
- Đêm hôm đó anh đã khóc rất nhiều…
3 - Sau đó, tôi đã đi tìm gặp các nhà ngoại cảm,
Ba nhà ngoại cảm vào loại nổi tiếng nhất VN ( PBH, L , N ) tôi trực tiếp gặp , đã nói 03 ngôi mộ khác nhau…
Từ năm 1996 đến 2004 tôi đã 08 lần đi biên giới Vĩnh Hưng Long An – Campuchia (CPC}. 09 lần đi biên giới Trảng Bàng Tây Ninh – CPC. 04 lần đi vào sâu trong nội địa đất nước CPC những chỗ có tin đồn em tôi đã hy sinh và những chuyến đi  không thể nhớ hết những nguy hiểm khó khăn vất vả luôn rình rập…
  Cuối cùng hình như khát vọng cháy bỏng và lòng thành của tôi đã thấu tới tâm can Trời Đất và Linh Hồn các Liệt Sĩ. Từ trong sâu thẳm tâm hồn tôi, trái tim tôi mách bảo phải tìm ra được những đồng đội đã từng chiếu đấu với em tôi. Tôi đã về làng An Phú gặp ông Tươi . Ông Tươi nói:
- Trong trận đánh hôm đó từ CPC đánh vào Trảng Bàng Tây Ninh, lúc em bò vào thì thằng Hào nhà anh bò ra , nó nói tao bị thương rồi. Hôm đó là ngày mùng 10 tháng 3 năm 1975 cùng ngày mở màn chiến dịch đánh Tây Nguyên. Em nghe nói 03 hôm sau thì nó chết.
- Thằng Hào tai bị nghễng ngãng, nó gần như bị điếc vì bị dội bom nữa ,  trận trước nó đã bị thương ở lưng chưa khỏi , đáng lẽ trận này nó không phải đi, nhưng nó vẫn xung phong ra trận , thằng Q ( anh biết rồi đấy ) là cần vụ của Đại tá H đã nói với với thằng Hào là xin cho thằng Hào lên làm điếu đóm cho mấy ông ở trên , nhưng thằng Hào nói với thằng Q là :
- Cám ơn mày , nhà tao đ…có máu hầu hạ …
                                Chàng tuổi trẻ vốn dòng hào kiệt
                                Xếp bút nghiên theo việc binh đao
                                Giã nhà đeo bức chiến bào
                                Thét roi cầu vị ào ào gió thu …
                                                                 ( Chinh phụ ngâm )
Tôi nói ( bằng giọng thân tình ) : - làm sao mà mày sống được.?
- Vì em nép vào bờ ruộng nằm yên đến khi có lệnh rút lui. Đánh 03 ngày 03 đêm cứ vào là chết anh ạ
  Sau này khi tôi gặp thiếu tá Sự ở Trảng Bàng Tây Ninh lúc đó đã ngoài 70 tuổi tham gia chỉ huy trận đánh năm xưa. Thời gian trôi qua đã 29 năm đủ để ông nói và xã hội đã cởi mở hơn ông mới dám nói: - Ba ngày quân ta hy sinh 3000 (ba ngàn)
- Phần lớn chiến sĩ là người Hà Nội – sư đoàn 05  . Sau đó mới được lệnh rút… 
4- Sau 29 năm dò tìm , nhiều thông tin kinh thiên động địa về cái chết của em tôi ( ít ra là đối với cá nhân tôi ). Cuối cùng tôi cũng tìm được đồng chí Lê văn Thịnh quê ở Yên Hòa Cầu Giấy Hà nội người đã trực tiếp chôn em tôi , cùng với 02 chiến sĩ bộ độ đặc công hi sinh trong khi đang làm nhiệm vụ  . Em tôi đã được chôn cất tại Tỉnh Svây-reng CPC ( sát huyện Trảng Bàng Tây Ninh  )  gần một vườn điều giữa 02 cây Thốt nốt , cách Chùa Sóc–nóc khoảng 1,5 km
 
Tôi lên Trảng Bàng Tây Ninh – sau muôn vàn khó khăn tôi tìm được thiếu tá Sự đã ngoài 70 tuổi người chỉ huy chiến trường năm xưa ( tôi đã nói ở đọan trước ) . Sau khi nghe tôi trình bày - Thiếu tá Sự khăng khăng nói người liệt sĩ này (em tôi) đã được đưa từ CPC về Việt Nam. Ông nói có bài bản giống như đài phát thanh tiếng nói Việt Nam… Tôi ngồi im lắng nghe và bằng một giọng tha thiết từ trong tim , tôi nói: - Em cứ đưa cho anh địa chỉ của em , nếu có tin gì mới anh điện thoại cho em , rồi tôi tặng ông một chút quà và xin phép ra về .
   Đúng một tuần sau điện thoại nhà tôi reo vang , đầu dây bên kia thiếu tá Sự nói đã có thông tin về em tôi. Ông Thanh ( ở nhà kêu là ông Tư Thân ) , người giao liên năm xua , 10 năm ở biên giới không bước chân ra khỏi ấp , không biết tại sao lại chạy xe Honda ra chợ cách nhà mấy km để cắt tóc , chuyện không bao giờ xảy ra vì ông chỉ cắt tóc loanh quanh gần nhà , dân quê ai mà đi  mấy km để cắt tóc bao giờ?, vô tình hay là có sự thôi thúc hướng dẫn sắp đặt bí ẩn xui khiến ,  gặp ông Sự - người thủ trưởng cũ năm xưa , hôm ấy cũng dò dẫm ra chợ uống cà phê . Hai người gặp nhau – sau nhiều năm xa cách – ông Sự đem chuyện liệt sĩ Lại Công Hào ra hỏi.
  Ông Tư Thân nói: - có, có… Ở chỗ đó có vườn điều (em tôi được chôn ở ngay sát vườn điều) , mà khi gặp tôi cách đó 01 tuần , ông Sự đã khẳng định cuộc đời chinh chiến của ông mấy chục năm ở chỗ đó không hề nghe thấy có vườn điều.
Tôi đã lên nhà ông Tư Thân ngay sát biên giới CPC , ngay đêm đầu tiên ngủ lại nhà ông , hai lần tôi bị một ma nữ hiện về và một làn gió lạnh buốt thấu xương dựng tóc gáy, trong cơn mơ – giữa đêm vắng vùng biên giới tôi vùng lên và hét to :
- H..à ..o..à…o…ơ..i..ơ..i…
Tôi lên một cơn sốt nóng mê man 40, 41 độ C , tôi nghĩ tôi đã bị một căn bệnh cấp tính gì đó ở vùng biên giới mà tôi không hợp thủy thổ , hay bị con gì đó đốt, có thể mất mạng ở đây .  Nhưng kỳ lạ thay sáng hôm sau tôi lại bình thường như chưa hề có chuyện gì xảy ra. Hẹn đi hẹn lại, đi tới đi lui nhà ông Tư Thân mấy lần , vì ông còn qua CPC tiền trạm. Mỗi lần lên nhà ông tôi đều chạy xe hơi vì mang theo nhiều đồ vàng mã và đồ cúng tế , để cúng liệt sĩ , cứ bày trong sân vườn nhà ông cúng vọng sang CPC. Có điều lạ là không hiểu tại sao tôi mua rất nhiều giày , hàng trăm đôi (hàng cúng) , về sau tôi mới được biết rằng các liệt sĩ thường được chôn không có giày.
Em tôi được chôn cùng với 02 bộ đội đặc công hy sinh trong khi làm nhiệm vụ. Tôi tự hỏi và tâm sự với rất nhiều người , ……trong 03 ngôi mộ liệt sĩ nằm sát nhau đó , nếu tìm được , …. làm sao để biết được ngôi mộ nào là của em tôi? Tất cả , không ai trả lời được.
Lần ấy trước khi đi CPC tôi lại lên nhà ông Tư Thân , thói thường ở nhà quê khi có người lạ đến chơi , thì hay có một hai người hàng xóm qua chơi làm quen. Mỗi lần tôi đến đều có 01 ông già nhỏ thó , quần cụt mặt mũi khắc khổ lò dò qua chơi – gật gù ngồi uống rượu hiền lành ít nói. Lần ấy cũng vậy , ông cứ lẩn quẩn loanh quanh gần tôi, làm tôi vướng víu khó chịu. Khi bày đồ cúng trên bàn xong tôi nói hơi xẵng giọng với ông:
- Một là ông cúng trước hai là tôi cúng trước ông cứ loanh quanh lẩn quẩn thế này làm tôi không thể cúng được.
Ông gìa đã cúng xong và ra ghế (ngoài bắc gọi là cái mễ) dưới hàng hiên , mái nhà lợp lá , lơ đãng ngồi. Đến lượt tôi cúng – tôi quan niệm rằng – bạn hãy làm tất cả những gì để sau nay bạn khỏi phải ân hận rằng còn việc đó ta chưa làm. Sau khi tôi cúng xong – tôi đi lại gần đến trước mặt ông già, lúc đó chỉ có hai chúng tôi.
Chiều biên giới xuống rất nhanh…
 Tôi đứng ngay trước mặt ông già chỉ cách độ hai ba tấc. Tự nhiên ông ngẩng đầu lên , gật gù nói khe khẽ  trong hơi thở , đủ để tôi nghe thấy một cách rõ ràng:
- Còn cái nút áo, còn cái nút áo…
Tôi như bừng tỉnh , tôi biết muốn tìm em tôi thì tìm ngôi mộ nào có các nút (khuy) quần áo , vì khi chôn em tôi có quần áo , còn hai chiến sĩ đặc công chỉ có quần xà lỏn,( silip ) hy sinh trong khi đang làm nhiệm vụ , nên không có quần áo. Tôi linh cảm thấy em tôi đã thông qua ông già này nói cho tôi biết điều ấy . Điều mà những người ở trên dương gian này cho tới lúc ấy  không ai có thể nghĩ ra được
Tôi liền hỏi ông già:
-  Ông nói gì vậy?
- Không, tôi đâu có nói gì
Tôi kéo ông đứng lên và ôm lấy ông tôi sung sướng nói: - Ông giỏi quá. Tôi cám ơn ông rất nhiều.
Ông ngơ  ngác không hiểu tôi nói gì .
Sau này ông Tư Thân nói cho tôi biết nhà ông già ấy đã 04 đòi làm thầy cúng , ông là đời thứ 04 , cho nên lần nào tôi lên cúng ở đó ông Tư Thân cũng mời ông qua . Thật là phi thường .
5- Tôi được bố trí đi cùng với đoàn K73 Tỉnh Long An qua CPC , đi cùng với Trưởng đoàn Thượng tá Nguyễn văn Hoàng và 01 đại đội lính Việt Nam , dựa theo bản đồ mà đồng chí Thịnh vẽ,   cùng đi còn có ông Tư Thân giao liên năm xưa. 29 năm đã trôi qua , vật đổi sao dời , cảnh vật đã thay đổi gần như hoàn toàn. Chiến tranh ly tán , gần 30 năm đã trôi qua mà nhiều người CPC vẫn chưa trở về quê quán. Căn cứ vào lời kể và lời mô tả trận đánh , đường đi - hành quân , ước lượng thời gian v v ..chúng tôi tìm được ông chủ vườn điều  – với tôi đó là cuộc gặp gỡ Tiền Định bồi hồi xúc động không sao tả xiết , không nói nên lời …chúng tôi ôm chầm lấy nhau  và trên mi mắt tôi tôi cảm thấy cay cay …Chúng tôi làm lễ động thổ , sau 04 ngày đào bới mỗi lần đều phải dò mìn, cả đại đội 100 con người nhưng vẫn không tìm thấy phần mộ ở đâu cả. Thượng tá Nguyễn văn Hoàng nói:
- Tôi sẽ cho lính lật tung cả khu đất này lên…
Tất cả bây giờ chỉ còn là một khu đất trống hoang vu. Tôi suy nghĩ rất nhiều , tôi nghĩ về duy vật - khỏi phải nói – Tôi được đi với đoàn K73 Tỉnh Long An , Thượng tá Nguyễn Văn Hoàng là một người rất thông minh. Bên cạnh tôi lúc nào cũng có một tiểu đội CA – bộ đội CPC hỗ trợ và bảo vệ. Những chiến sĩ trẻ đoàn K73 Long An  đang trong quân ngũ tuyệt vời về mọi mặt – thông qua những con người này – tôi mới hiểu rằng - vì sao đất nước ta lại trường tồn vững mạnh đến tận ngày nay . Tôi nhớ tới một bài thơ trong sách giáo khoa thư dưới thời Pháp :
                                Họ là kẻ khi quê hương chuyển động
Dưới gót giày của những kẻ xăm lăng
Đã xông vào khói lửa liều thân
Để bảo vệ tự do cho tổ quốc
***
Họ là kẻ anh hùng không tên tuổi
Trong loạn li như giữa lúc thanh bình
Bền một lòng dũng cảm chí hy sinh
Dâng đất nước cả cuộc đời trong sạch
Tuy công nghiệp không ghi trong sử sách
Tuy bảng vàng bia đá chẳng đề tên
Tuy mồ hoang xiêu bạt dưới trời quên
Không ai đến khấn nguyền dâng lễ vật
Nhưng máu họ đã len vào mạch đất
Thịt cùng xương trộn lẫn với non sông
Và anh hùng chung với tấm tình chung
Đã hòa hợp làm linh hồn giống Việt
Lúc đó , chưa  tìm được mộ của em tôi , tôi nghĩ có thể linh hồn của em tôi còn đang bận đi chào bạn bè , những người còn nằm laị , hay là Thần Linh CPC ở đây  không cho về ?
Tôi liền quay lại chùa Sóc-nóc gặp sư Cả … , tôi được dẫn vào phía sau ngôi chùa , còn có một ngôi ( nhà ) chùa kiên cố khác nữa , gần như bí mật hoàn toàn , cửa đóng then cài - khóa cẩn thận kín mít - hàng năm chỉ mở khi có điều gì thật cần thiết, tôi được hai nhà sư già dẫn vào… Tôi tiến vào nơi thâm u – những pho tượng Phật bề thế thâm nghiêm bí ẩn, im lìm trong ánh sáng lờ mờ , nhờ chỉ có mở một cánh cửa duy nhất lối đi vào. Tôi thắp nhang và bắt chước Khổng Minh. Tôi nằm quỳ mọp xuống và khóc rống lên:
- Tôi tên là LCH, sinh năm… nghề nghiệp… địa chỉ… có em trai tên là Lại Công Hào sinh năm… hy sinh ngày … tháng… năm… con ông …và bà… quê ở…. Hà Nội đang nằm ở đây . Tôi xin phép Thần Linh được đem nắm xương tàn của em tôi về Việt Nam , Nếu được như vậy tôi xin hứa …
Trời CPC nắng nóng như thiêu đốt, trên đường về gần đến chỗ tìm kiếm, vì là buổi trưa – tôi ghé và nhà dân gần đó, chưa kịp uống nước thì ngoài ruộng có tiếng reo hò ầm vang… Người ta chạy huỳnh huỵch về báo tin cho tôi là đã tìm được mộ của em tôi. Tôi chạy ra, tất cả vẫn để yên, chỉ có một mẩu tăng (nylon) màu xanh bé bằng ngón tay nhú lên trên mặt đất. Người bổ nhát cuốc đầu tiên là Trung úy Nguyễn văn Bình. Thượng tá Hoàng đợi tôi ra thắp nhang… Tất cả được quay phim chụp ảnh từ đầu đến cuối. Ngôi mộ đầu tiên còn nguyên cả tấm dù có vết đạn bắn. Thượng tá Hoàng nói: - Đây là vết đạn AR15
Bây giờ tôi mới hiểu năm 1975 có  tin nói em tôi bị  một viên đạn … Trong ngôi mộ này bộ xương nằm trong bao nylon đếm được 08 cái nút áo loại nút (khuy) quần áo chiến sĩ bộ đội. Còn 02 ngôi mộ kia chỉ có xương không có bất cứ di vật gì.
Tôi đã lấy mẫu răng ngôi mộ nghi là của em tôi mang về Viện Khoa Học Hình Sự Bộ Quốc Phòng thử ADN. Bản pháp y số 142 – PY ngày 30 tháng 10 năm 2004 của Viện Pháp Y Quân Đội do Tiến Sĩ Đại Tá Nguyễn Trọng Toàn và Thiếu Tá Nguyễn Lê Cát đã ký xác nhận đúng là em tôi : Liệt sĩ Lại Công Hào.  Tôi có hỏi ý kiến của bố tôi , bố tôi nói để em tôi ở nghĩa trang Liệt sĩ Vĩnh Hưng cách Sài Gòn 120km. Tôi thường xuyên tới thăm.