Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

THƯA 4 BÁC

Hà Đăng
Thứ sáu ngày 16 tháng 9 năm 2011 11:45 AM

 

Kính thưa Bác Trần Nhương, Bác Lục Dân, Bác Dương Đức Quảng, Bác Phạm Thành.

Cháu tên là Hà Đăng, năm nay 31 tuổi, là nhân viên kinh doanh của một Tổng công ty cổ phần nhà nước. Hiện sống và làm việc tại Thành phố Hồ Chí Minh. Địa chỉ Email của cháu là ongmattroi1980@yahoo.com.

Qua đọc bài viết “Báo Nhân Dân nói hẳn hoi đấy” ngày 13/9 của Bác Lục Dân; Bài viết “Xin thưa với bác Lục Dân” ngày 13/9 của Bác Dương Đức Quảng; Bài viết “Lại thưa với bác Dương Đức Quảng và Bác chủ trannhuong.com” ngày 15/9 của Bác Phạm Thành tất cả đều được đăng trên trang trannhuong.com, cháu có cảm nhận và xin được thưa lại với các Bác.

 

Thưa Bác Lục Dân:

Thứ nhất, khi đọc xong bài viết của Bác, trong danh sách Bác điểm ra từ báo Nhân Dân, ngoài không có tên Trung Quốc ra, cháu thấy cũng không có tên Lào, Campuchia, hai nước láng giềng thân thiết lâu năm của Việt Nam. Cháu cứ thắc mắc tại sao không thấy Bác đả động đến vấn đề Lào, Campuchia mà chỉ nói đến vấn đề không có tên Trung Quốc? Có phải chỉ để giải thích cho Bố vợ của Bác thôi hay còn muốn nhắn nhủ gì cho những người đọc như cháu?

 

Thứ hai, việc Tổng Bí thư, Thủ tướng của ta đón tiếp nồng hậu ông Đới Bỉnh Quốc nhưng không hiểu sao Bác lại viết “Vậy mà cái ông Đới Bỉnh Quốc mới có hàm Uỷ viên Quốc vụ Quốc vụ viện sang thăm mà chỉ trong buổi chiều ngày 7 /9 cả ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, lẫn ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đều tiếp đón nồng hậu ông này” ? Thưa Bác Lục Dân, trong số đám bạn chúng cháu, nhiều anh em cho rằng, tương lai sắp tới con em chúng ta sẽ không chỉ còn là công dân nước này, hay nước kia nữa mà sẽ trở thành những công dân quốc tế. Cháu lấy ví dụ về Giáo sư Ngô Bảo Châu chẳng hạn. Ông là người sinh ra tại Việt Nam, học tập tại Việt Nam và Pháp, sau này làm việc tại Mỹ và Việt Nam. Không biết điều anh em chúng cháu nghĩ về sau này có đúng không nữa? Tuy nhiên thưa Bác Lục Dân, việc Tổng Bí thư, Thủ tướng tiếp Ủy viên Quốc vụ hay một công dân của Trung Quốc cháu cho rằng là chuyện bình thường, thậm chí đáng hoan nghênh là đằng khác, cháu không hiểu tại sao Bác cho rằng “mới có hàm Ủy viên Quốc vụ Quốc vụ viện” sang thăm đã tiếp nồng hậu rồi? Vậy theo Bác hàm tương đương sang thăm thì Tổng Bí Thư, Thủ tướng của mình mới nên đón tiếp nồng hậu hay sao? Nếu đúng như câu hỏi của cháu thì Lãnh đạo cứ tiếp Lãnh đạo, Lãnh đạo cấp cao không tiếp đón cấp thấp, cấp cao như Ủy viên Quốc vụ không tiếp thì dân bình thường như chúng cháu đến bao giờ mới được gặp, được đón tiếp? Lãnh đạo ngày càng xa dân thì cháu buồn lắm! Không biết có được Bác đồng tình với nỗi buồn này của cháu không nữa?

 

Thứ ba, qua bài viết của Bác, cháu lại tự đặt câu hỏi: tại sao dựa vào danh sách từ báo Nhân dân ngày 5/9 và web Chính phủ ngày 7/9 mà Bác Lục Dân lại viếtThế mới biết các vị lãnh đạo đảng và nhà nứơc ta quí khách thật. Ngày khánh tiết vĩ đại nhất của Quốc gia mình ngưòi ta chẳng một câu hỡi ơi mà một vị khách hạng tép sang mà đã được các chóp bu đón nồng hậu và nhận những lời chúc tụng quý báu thế” và “Xin cám ơn báo Nhân dân đã cho biết danh sách những Quốc gia nào còn quí mến, tôn trọng tổ quốc Việt nam ta” ? Vậy chỉ cần có tên trong danh sách điện mừng ngày Quốc Khánh của Việt Nam ta thì tất cả các quốc gia đó đều quí mến, tôn trọng ta hết và những Quốc gia còn lại vì một lý do nào đó không có tên trong danh sách báo Nhân Dân ngày 5/9 là những quốc gia đó không còn quí mến, tôn trọng ta nữa?  

 

Thưa Bác Phạm Thành:

Phải nói thật, Bác là người đã tạo động lực cho cháu để cháu lần đầu tiên dám mạnh dạn viết những suy nghĩ của mình gửi tới bác Trần Nhương sau khi đọc xong bài viết của Bác. Bởi sao vậy?

Thưa Bác, cháu đã được đọc một câu chuyện có nội dung như thế này, có 2 ông cháu ra chợ mua một chú lừa và cùng về nhà trên một chặng đường dài. Trên đường về, khi đi qua một nhóm người đầu tiên thì họ có nói ai lại để cháu nhỏ dắt con lừa còn ông già ngồi trên con lừa thế kia. Nghe vậy, ông lão xuống để người cháu mình ngồi trên lưng lừa. Đi tiếp một đoạn đường và qua nhóm người thứ hai thì lại có ý kiến cho rằng tại sao lại để ông lão già dắt lừa mà thằng bé lại được ngồi trên lưng lừa thế kia, như vậy thì vô lễ quá. Nghe vậy, ông lão lên lưng lừa cùng cháu đi về. Tuy nhiên, gặp nhóm người thứ ba, họ cho rằng tại sao 2 ông cháu kia lại bắt tội con lừa nhỏ bé khi cả hai cùng ngồi lên lưng thì làm sao nó chịu nổi? Hai ông cháu nghe xong, cùng xuống và đi đoạn lại gặp nhóm người thứ tư cho rằng sao có lừa mà hai ông cháu lại không đi???... và cứ như thế cuối cùng hai ông cháu quyết định cùng bê con lừa về nhà. Kết quả qua một cây cầu gỗ, do không cẩn thận hai ông cháu đã để lừa rơi xuống sông chết đuối.

Câu truyện cho cháu thấy rằng, bất cứ lý luận và kinh nghiệm nào đều tồn tại một lý luận và kinh nghiệm ngược lại. Tuy nhiên, làm sao cùng phản biện để có thể đi đến cái đích mang tính xây dựng. Đọc bài viết của Bác cháu lập tức có động lực viết ngay bởi hiện cháu đang làm kinh doanh nên động lực này chưa bao giờ đến với cháu!

Thưa Bác, Bác cho rằng:  Không ai lại tư duy như bác Quảng là phải cần nghi ngờ, cần phải vào Google để tra cứu, tìm kiếm, sưu tầm thông tin đầy đủ rồi mới tin, tin này là có hay không? đầy đủ hay không? đặc biệt là tin ở dạng khánh tiết quốc lễ này” “Thật sự, quốc khánh của nước nào cũng vậy, chỉ có một ngày. Nó là một sự kiện thuộc về tin tức giản đơn. Thưa Bác, cháu suy nghĩ tại sao Bác lại có thể khẳng định được là không có ai? Bởi như cháu viết ở phần trên thưa với bác Lục Dân thì ít ra cũng có cháu! Tuy nhiên, tính đến 0h17’ ngày 16/9/2011 là thời gian cháu đang ngồi viết những dòng này thưa Bác thì đã có 7011 lượt truy cập vào xem bài viết “Báo Nhân Dân nói hẳn hoi đấy” của Bác Lục Dân.

Vâng thưa Bác, cũng như câu chuyện trên cháu vừa kể về 2 ông cháu và con lừa thì có thể với Bác tin tức này giản đơn nhưng chưa chắc với Ba Vợ Bác Lục Dân, với Bác Lục Dân là giản đơn. Còn cháu thấy qua cách Bác Dương Đức Quảng viết, qua 7011 lượt truy cập đọc bài của Bác Lục Dân và đối với cá nhân cháu thì tin này không thấy giản đơn chút nào cả. Cháu cả nghĩ quá chăng?

Thưa Bác Phạm Thành, cháu cũng hay sử dụng google để tìm thông tin giống như Bác Dương Đức Quảng. Khi đọc báo, hay đọc một sự kiện nào đó cháu cho là giản đơn thì có thể cháu sẽ không quan tâm tìm hiểu sâu nhưng khi cháu cho là quan trọng thì cháu xem xét đến cùng, truy đến cùng để tìm ra vấn đề. Và cháu cho rằng Google là một công cụ hữu hiệu. Không phải đơn giản mà tại sao Google lại có số lượng truy cập hơn 1 tỷ người trong tháng 5/2011 vừa qua (Theo khảo sát mới của hãng nghiên cứu ComScore), đứng đầu các trang web được truy cập nhiều nhất trên thế giới hiện nay. Thưa Bác Phạm Thành, chúng cháu vẫn hay nói vui với nhau: Dân ta phải biết sử ta, nếu mà không biết thì tra Google. Vậy cháu không biết vì lý do gì Bác lại viếtNhờ có Google mà bác Dương Đức Quảng phát hiện ra cái sai của bác Lục Dân và hạ một câu răn dạy: “Đừng bao giờ có sẵn định kiến trong đầu để rồi nói sai, viết sai sự thật”. Khinh khiếp qua!” và Bác lại viết “Sự “định sẵn” mà bác Quảng khuyên là “chớ nên” trong trường hợp này rất không lô gích…”

Thưa Bác, cháu thấy nhờ công nghệ thông tin giúp cháu cũng như nhiều người khác có nhiều thông tin hơn và nhiều biện pháp để kiểm chứng thông tin hơn như sử dụng Google cháu nói ở trên chẳng hạn. Nếu Bác Lục Dân kiểm chứng thông tin vào ngày 3/9/2011, ngay sau Quốc Khánh thì theo Bác Phạm Thành liệu bài viết của Bác Lục Dân có khác đi không? Nhờ Bác Dương Đức Quảng viết mà cháu nhận thấy câu viết của Bác Lục DânThế mới biết các vị lãnh đạo đảng và nhà nứơc ta quí khách thật. Ngày khánh tiết vĩ đại nhất của Quốc gia mình ngưòi ta chẳng một câu hỡi ơi mà một vị khách hạng tép sang mà đã được các chóp bu đón nồng hậu và nhận những lời chúc tụng quý báu thế” là không đúng sự thật. Không biết cách viết của Bác Dương Đức Quảng có logic không nữa?

 

Thưa Bác Phạm Thành, (cháu xin trích từ bài viết của Bác): “Bác Lục Dân có bình luận rằng, báo Nhân Dân là “…tờ báo to nhất nhưng cũng ít người đọc nhất nước ta hiện nay”. Bác Quảng “ phản biện” lại bác Lục Dân rằng: “ nếu bác (Lục Dân – PT) viết rằng báo Nhân Dân là “tờ báo to nhất nhưng cũng ít người bỏ tiền ra mua báo để đọc nhất nhì nước ta hiện nay…” và “Tôi cho rằng, suy đoán này của bác Quảng là không đúng, vì nếu báo được bán nhiều trên sạp báo, nhất định là người mua sẽ đọc, còn mua theo kiểu “bắt ép” như vậy thì cách mua này là không phải để đọc.Cho nên bác Lục Dân nói “báo to mà ít người đọc nhất” là có lý hơn bác Quảng nói “nhiều tờ báo ít người đọc so với báo Nhân Dân nhiều”. Cháu thấy nếu được thì các Bác cung cấp cho những người đọc như cháu biết được định lượng các thông tin thì tốt quá. Bởi cháu làm kinh doanh nên khi nói đến “to nhất”, “ít người đọc”, “ít người bỏ tiền”, “bán nhiều trên sạp”… thì thường phải chứng minh bằng những “con số biết nói” và có sự so sánh với những đối thủ khác. Ví dụ như “To nhất” là to như thế nào? kích cỡ chiều dài bao nhiêu? Chiều rộng bao nhiêu?... và “nhất” là so với ai? Nếu không có cơ sở dữ liệu mà theo cảm tính chủ quan của mình thì chẳng bảo giờ cháu được các “sếp” công nhận cả.

 

Thưa Bác Trần Nhương

Cháu là người thường xuyên vào trang web của bác, trung bình ngày vào khoảng 2 đến 3 lần. Vì vậy, cháu cũng biết được phần nào lý do đến ngày hôm nay trang web của Bác có tận 6,8 triệu lượt người truy cập. Cháu thành thật xin chúc mừng Bác.

Tuy nhiên, cháu cũng xin mạnh dạn kiến nghị với Bác Trần Nhương một điều, Bác nên có lời xin lỗi bạn đọc như cháu vì đã đưa bài viết “Báo Nhân Dân nói hẳn hoi đấy” ngày 13/9 của Bác Lục Dân. Bởi trong bài viết có đoạn: “Thế mới biết các vị lãnh đạo đảng và nhà nứơc ta quí khách thật. Ngày khánh tiết vĩ đại nhất của Quốc gia mình ngưòi ta chẳng một câu hỡi ơi mà một vị khách hạng tép sang mà đã được các chóp bu đón nồng hậu và nhận những lời chúc tụng quý báu thế” là không đúng sự thật. Vì như cháu tra mạng và cũng giống Bác Dương Đức Quảng viết thì Trung Quốc có gửi điện mừng. Ngày 3/9/2011, báo mạng Dân trí và nhiều báo khác cũng đã đăng.

Nếu được Bác công khai xin lỗi thì đối với cá nhân cháu thật tuyệt vời.

 

Da vâng, kính thưa các Bác Lục Dân, Bác Dương Đức Quảng, Bác Phạm Thành và Bác Trần nhương. Cháu năm nay mới 31 tuổi và đáng tuổi con cháu các Bác. Đây là lần đầu tiên cháu viết những dòng này nên những điều cháu suy nghĩ có sao nói vậy. Vì vậy chắc chắn cháu có nhiều thiếu sót. Cháu mong được các Bác lượng thứ bởi năm nay là năm của Thanh Niên nên cháu cứ mạnh dạn viết như 1 thanh niên mà thôi. Cháu rất mong được các Bác chỉ bảo cháu.

Cháu xin kính chúc các Bác sức khỏe, hạnh phúc.

TpHCM, 1h04’ ngày 16 tháng 9 năm 2011.