Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

BÁ ĐẠO VÀ VƯƠNG ĐẠO

Hồ Anh Hải
Thứ tư ngày 6 tháng 7 năm 2011 8:09 PM

Hồ Anh Hải
Bá đạo là chủ trương dùng sức mạnh để giải quyết mọi việc, còn Vương đạo thì chủ trương dùng nhân nghĩa.
Trung Quốc ghét nhất ai nói họ là bá quyền, là bành trướng. Bắc Kinh luôn rêu rao họ chủ trương dùng vương đạo để giải quyết mọi chuyện.
Đúng là ông bạn phương Bắc này “có tật giật mình”, bụng muốn bá quyền, bá đạo, muốn bành trướng nhưng miệng lại nói khác hẳn.
Năm xưa khi chuẩn bị đem đại quân “dạy cho Việt Nam một bài học”, họ bù lu bù loa tuyên truyền vu khống Liên Xô là đại bá, Việt Nam là tiểu bá, Trung Quốc đi đầu thế giới chống chủ nghĩa bá quyền! 
Nhưng thực tế nhiều năm nay họ thực hành chủ nghĩa bá quyền với Việt Nam. Gần đây nhất là vụ tàu thăm dò địa chất Bình Minh khi đang hoạt động trong vùng biển chủ quyền của nước ta thì bị 3 tàu hải giám Trung Quốc tấn công hết sức ngang ngược. Đã thế Bộ Ngoại giao Trung Quốc còn công nhiên lên án Việt Nam “gây hấn”.
Rõ ràng ông bạn này vẫn giữ thói quen lấy thịt đè người, cả vú lấp miệng em.
Trong sách Giấc mơ Trung Quốc *  đại tá Lưu Minh Phúc viết: Nếu bảo vệ nhân quyền là vũ khí hạt nhân chính trị của Mỹ thì chống bá quyền là vũ khí hạt nhân chính trị của Trung Quốc. Tác giả còn viết: Trung Quốc trỗi dậy sẽ chấm dứt thời đại bá quyền của Mỹ.
Chấm dứt hay là tranh bá với Mỹ? Có lẽ chẳng ai hiểu Trung Quốc bằng Việt Nam, người hàng xóm “môi hở răng lạnh” của họ, trong lịch sử từng bị anh đại bá này bắt nạt nhiều lần.
Lưu Minh Phúc ra sức khoe tổ tiên mình: “Đế quốc Trung Hoa mạnh mà không xưng bá, lớn mà không ngang ngược, thiếu tài nguyên cũng không bành trướng xâm lược, thực hành vương đạo chứ không bá đạo, đối xử với các tiểu quốc như đại ca đối với tiểu đệ, lấy đức trị thiên hạ, lấy nhân đãi bốn phương, là một đế quốc kiểu đạo đức”, “mãi mãi không bắt nạt kẻ khác”, “một vạn năm nữa cũng không xâm lược ai”, “dân tộc Trung Hoa có tính cách hoà bình, lương thiện, nhân nghĩa hữu ái, là dân tộc ưu tú nhất thế giới”.
Tác giả giải thích đó là do người Trung Quốc áp dụng văn minh nông canh, một phương thức sinh tồn “thiếu tính mạo hiểm và rủi ro nhưng giàu tính ổn định và hướng nội”, khác với văn minh du mục có tính lưu động và tấn công hoặc văn minh hàng hải có truyền thống buôn bán và chinh phục.
Tác giả nói thế giới phương Tây tôn thờ nguyên tắc “lợi ích cao hơn tất cả” còn Trung Quốc kiên trì nguyên tắc “đạo nghĩa cao hơn tất cả”.
Những lời lẽ giả dối ấy nghe thật là hay làm sao!
Dĩ nhiên đại tá Lưu phải ca ngợi dân tộc mình. Nhưng ca ngợi quá đáng, thiếu căn cứ lịch sử, thiếu phân tích lý lẽ thì sẽ chỉ là sự huênh hoang khoác lác và rất dễ bị sự thực bóc trần.
Thời xa xưa, khi thế giới chưa hình thành cộng đồng quốc tế như ngày nay, thì việc nước này bành trướng, xâm lược, thôn tính nước khác là một sự thực lịch sử thường gọi là “mở mang bờ cõi”, thể hiện bản tính xâm lấn vốn có sẵn trong gien (gene) của loài người, — như nhà khoa học Stephen Hawking nhận xét. Nếu không “mở mang” thì đất đai Trung Quốc sao có thể rộng mênh mông như ngày nay?
Nói các vương triều Trung Quốc thực hành vương đạo, nhưng sau đấy lại thừa nhận nước này có số vụ khởi nghĩa nông dân nhiều nhất thế giới thì tác giả đã tự lật tẩy lý lẽ của chính mình. Nông dân nổi dậy vì họ bất mãn với sự cai trị tàn nhẫn bá đạo của vua quan.
Lưu Minh Phúc nhấn mạnh truyền thống tốt đẹp yêu hoà bình, không bành trướng xâm lược của nước ông là để trấn an thế giới đừng e ngại Trung Quốc trỗi dậy sẽ đe dọa hoà bình và ổn định quốc tế.
Nhưng thế giới đánh giá Trung Quốc không qua lời nói mà là qua hành động. Sau Thế vận hội Bắc Kinh 2008, Trung Quốc ngày một tỏ ra “tự tin”, hung hăng lấn tới trong tranh chấp lãnh thổ ở biển Đông và Nam Trung Hoa. Sự việc họ kiên trì đường lưỡi bò (đường 9 đoạn) chiếm 80% biển Đông không thể nào được các nước Đông Nam Á chấp nhận. Vụ tàu hải giám Trung Quốc vào sâu trong vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam phá hoại việc khảo sát địa chất của tàu Việt Nam mà sau đó họ lại nói đó là việc bình thường, thì rõ ràng ngang ngược hết mức. Như thế chẳng phải là cậy khỏe bắt nạt kẻ yếu, chẳng là Bá thì là gì?
Dường như giới thống trị Trung Quốc có truyền thống nói và làm khác nhau. Trong sách Luận Ngữ — Kinh Thánh của Trung Quốc, — từ được Khổng Tử nhắc tới nhiều nhất là Nhân (thương người). Từ đời Hán Vũ Đế trở đi Khổng giáo được tôn làm hệ tư tưởng của chế độ phong kiến Trung Hoa, nhưng thử hỏi xứ này có vua chúa nào thương dân? Hiếm có nơi nào mạng dân rẻ như ở đây. Chính quyền để hàng chục triệu dân chết đói trong khi kho lương thực vẫn đầy ắp. Dân mình còn chẳng thương, nói gì dân nước khác. Nhân ở đâu?
Tuy thế Lưu Minh Phúc tỏ ra khách quan khi ca ngợi Mỹ “chưa từng phạm sai lầm chiến lược lớn”, “trỗi dậy một cách thông minh nhất, trí tuệ nhất, li kỳ nhất, theo nghệ thuật Giấu mình chờ thời”, “vừa giỏi trỗi dậy vừa giỏi ngăn chặn nước khác trỗi dậy”, luôn luôn lấy tư duy chiến lược Không có kẻ địch và bạn bè vĩnh cửu, chỉ có lợi ích quốc gia là vĩnh cửu để chỉ đạo mọi hành động của mình. Mỹ đã thành công ngăn chặn sự cạnh tranh của Anh, Đức, Nhật và Liên Xô... Tóm lại, “Mỹ là thầy học tốt nhất của Trung Quốc”.
Trong sách Giấc mơ Trung Quốc, Mỹ được nêu tên nhiều hơn Trung Quốc 506 lần (2800/2294 lần). Số lời khen Mỹ cũng nhiều hơn lời chê. Tác giả còn phủ nhận ý kiến của một chuyên gia Trung Quốc nổi tiếng chê văn hoá Mỹ là văn hoá phi chiến lược. Sách đưa ra một bản kê đặc sắc, đầy đủ và hệ thống những cái hay cái tốt của Mỹ. Nước này giàu mạnh và uy tín lớn như ngày nay chính là nhờ giỏi giang khôn ngoan.
Lưu Minh Phúc chỉ chê Mỹ có một cái xấu duy nhất, đó là “thực hành bá quyền, bá đạo”, “gây thù địch khắp thế giới”, trong khi “Trung Quốc thực hành vương đạo, không thù địch với ai cả”. “Tính cách quốc gia Mỹ có thể khái quát bằng một chữ Bá, còn tính cách quốc gia Trung Quốc có thể khái quát bằng một chữ Nhân (nhân ái)”, “Biểu hiện xấu nhất của sự bá đạo Mỹ là nước này độc quyền về địa vị quốc gia quán quân”. “Biểu hiện quan trọng của bá quyền Mỹ là muốn mở rộng dân chủ kiểu Mỹ trên toàn thế giới”.
Tại sao Trung Quốc lại chê Bá là tính xấu nhất của Mỹ?
Vì Mỹ là sức mạnh chính cản trở thực hiện Giấc mơ Trung Quốc, tức mơ ước bá chủ thế giới của Trung Quốc.
Một núi không thể có hai hổ. Thế giới này chỉ có một Bá là Mỹ — nước này không muốn có thêm Bá nào nữa. Trung Quốc muốn làm Bá nhưng miệng lại nói không, chỉ muốn làm quốc gia quán quân thôi, hơn nữa, là quốc gia quán quân kiểu dẫn dắt, chứ không làm quốc gia quán quân kiểu thực dân (như Hà Lan, Anh thời xưa) hoặc kiểu bá quyền như Mỹ.
Có lẽ vì cùng họ Bá với nhau nên Mỹ hiểu Trung Quốc hơn cả. Ngay từ đầu năm 1942 khi Nhật vừa mới đánh úp Trân Châu Cảng, chuyên gia chiến lược Mỹ nổi tiếng là N.J.Spykman đã nêu chủ trương cần lôi kéo Nhật để “cân bằng” Trung Quốc. Nên nhớ Trung Quốc hồi ấy do Tưởng Giới Thạch thân Mỹ cai trị, thế mà Mỹ đã nghĩ cần phải ngăn chặn nước này bành trướng. Nghĩa là Mỹ nhìn thấy “gien” bá quyền của dân tộc Hán không phụ thuộc vào nhà cầm quyền là đảng phái nào, mà phụ thuộc nền văn hoá. Sau Thế chiến II, đúng là Nhật bắt tay Mỹ ngăn chặn Trung Quốc xưng Bá.
Đầu năm nay, chính khách châu Á thành công nhất là Lý Quang Diệu nói: “Trung Quốc sau khi trỗi dậy chưa chắc là một bá quyền hiền lành... Cục diện thế giới hiện nay do Mỹ chủ đạo là cục diện tốt nhất đối với Singapore.” Ông nói Mỹ là bá quyền hiền lành, bởi thế ông mong muốn giữ nguyên tình hình bố cục chính trị thế giới hiện nay, tức để Mỹ lãnh đạo. Ông giải thích: “Họ (Trung Quốc) nói không xưng bá. Nếu anh không chuẩn bị xưng bá thì tại sao anh cứ muôn mồm nói với thế giới rằng anh không muốn trở thành bá quyền?” Chắc ông Lý muốn nói: vì anh có tật giật mình, muốn ăn gắp bỏ cho người. 
Năm 2009 khi đến thăm Mỹ, Lý Quang Diệu từng đề nghị Mỹ phát huy tác dụng lớn hơn trong việc duy trì sự cân bằng tại châu Á, nếu không Mỹ sẽ đánh mất địa vị lãnh đạo toàn cầu. Lời nói ấy đã gây ra phản ứng gay gắt ở Trung Quốc.
Các ý tưởng kể trên của ông Lý được nhiều nước Đông Nam Á chia xẻ, nhưng họ không nói ra vì ngại mất lòng đại bá Trung Quốc.
Nhưng ông Lý chẳng sợ. Singapore bé hạt tiêu. Họ bắt tay ngang hàng với cả Mỹ và Trung Quốc. Họ cho phép Mỹ sử dụng căn cứ quân sự của Singapore khi cần thiết và cho Mỹ đặt căn cứ hải quân ở nước họ. Họ dùng tiếng Anh làm ngôn ngữ chính thức cho dù 80% dân nước này là người Hoa. Họ rất coi trọng giáo dục quốc phòng cho thanh niên, luôn nêu cao khẩu hiệu “Mỗi người dân là một người lính”. Quân đội Singapore rất hiện đại. Thủ tướng Võ Văn Kiệt quả là giỏi khi thuyết phục được Lý Quang Diệu nhận làm cố vấn kinh tế cho Việt Nam.
Tháng 5/2010, khi Thủ tướng Nhật Hatoyama định chuyển căn cứ quân sự Mỹ Futenma ra khỏi đảo Okinawa, ông Lý Quang Diệu liền cảnh báo ý định đó “là một trở ngại cho việc triển khai các lực lượng của Mỹ. Điều này không có lợi cho châu Á”.
Hôm 26/5 mới đây ông Lý lại nói: Ở Tây Thái Bình Dương không có bất cứ tổ hợp quân sự nào có thể cân bằng được thế lực của Trung Quốc. Kết hợp Nhật Bản, Hàn Quốc, ASEAN, thậm chí cả Đài Loan, Ấn Độ, đều không thể cân bằng được nước này. Họ quá lớn, chỉ Mỹ mới có thể cân bằng được Trung Quốc.
Lý Quang Diệu đã thành công trong việc “mời” Mỹ trở lại châu Á để “cân bằng” sức mạnh Bắc Kinh. Tháng 7 năm ngoái tại Hà Nội, khi nghe bà Hillary Clinton tuyên bố Mỹ trở lại châu Á, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Dương Khiết Trì lau mồ hôi trán bỏ ra ngoài 30 phút tỏ ý phản đối. Khi trở lại phòng họp, ông hướng về phía đoàn Singapore nói: “Dù sao Trung Quốc cũng là một nước lớn, các nước khác là nước nhỏ. Đó là một thực tế!” Quả là tư tưởng nước lớn lúc nào cũng “kè kè” trong đầu óc người Trung Quốc.
Vì sao một người Hoa chính gốc như Lý Quang Diệu lại rất cảnh giác trước tính chất Bá của Trung Quốc? Nên nhắc lại: 17 năm sau khi công nhận Việt Nam, Singapore mới công nhận Trung Quốc, dù ông Lý có quan hệ cá nhân khá tốt với các nhà lãnh đạo Bắc Kinh. Có thể giải thích: vì ông quá hiểu về bản chất người Trung Quốc.
Nghe đâu có nhà cựu ngoại giao Việt Nam từng nói: Nếu như chẳng may mình mạt kiếp phải chọn một trong hai nước lớn Trung Quốc và Mỹ thì tôi theo Mỹ.
Nói thế có lẽ vì Mỹ là bá quyền hiền lành còn Trung Quốc thì không hiền lành, như Lý Quang Diệu nhận xét. Tác giả Giấc mơ Trung Quốc cũng viết: Bá quyền Mỹ tốt hơn hẳn các bá quyền khác ở chỗ họ không đe dọa sự sinh tồn của quốc gia trỗi dậy; Mỹ là quốc gia bá quyền văn minh nhất; so với các đế quốc khác thì Mỹ là đế quốc có chút lương tâm, biết chút đạo lý, bị người Trung Quốc căm ghét ở mức nhẹ nhất. Tác giả dẫn lời người khác nói: Không quốc gia hoặc tập đoàn quốc gia nào trên thế giới muốn đối địch với Mỹ.
Bắc Kinh chê Mỹ có mỗi một điểm là Mỹ không muốn để Trung Quốc lớn mạnh và thay mình dẫn dắt thế giới.
Mèo chê mèo dài đuôi. Trung Quốc đang sốt sắng trở thành quốc gia quán quân thay vị trí của Mỹ.
Lưu Minh Phúc viết: Quốc gia quán quân là nhà thiết kế hệ thống kinh tế, tư tưởng, quân sự và hệ thống quy tắc chế độ có tính thế giới, là quốc gia có sức ảnh hưởng lớn nhất thế giới, dẫn dắt thế giới.
Trên thực tế Trung Quốc đang vứt bỏ vương đạo và trắng trợn thực hành bá đạo. Đường lối nguy hiểm ấy sao có thể xứng đáng với vai trò dẫn dắt thế giới mà họ mong muốn? Sự kiện tàu Bình Minh là chứng cớ không thể chối cãi cho thấy bá quyền Bắc Kinh đang tiến bước trên con đường nguy hiểm, có thể gây ra chiến tranh. Nhân dân toàn thế giới cần sớm ngăn chặn dã tâm thi hành bá đạo của họ.
Nhìn chung Trung Quốc có thể đuổi kịp hoặc vượt Mỹ về kinh tế thậm chí quân sự, nhưng để dẫn dắt thế giới thì có lẽ cần ít nhất một vài thế kỷ nữa, nếu không nói là không bao giờ.■