Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

THÌ CỨ XIN CHO ...NÓ LÀNH

Quốc Toản
Thứ ba ngày 5 tháng 7 năm 2011 9:47 PM
Thủ tục còn nặng cơ chế xin-cho
 Ảnh mang tính chất minh hoạ
 
Có lẽ ông Tửu văn hay chữ tốt nhất làng, nên bà con thường đến ông nhờ làm đơn từ mỗi khi có việc. Ông viết miễn phí. Nhưng thỉnh thoảng cũng có người biếu ông bao thuốc lá, bởi họ biết ông nghiện thuốc từ hồi đi bộ đội. Đơn viết xong, gửi đến nơi cần “Kính gửi”, được hay không ông cũng không rõ. Ông chỉ biết có ai nhờ thì làm giúp. Dân trí làng ông hơi thấp nên ông sẵn sàng viết hộ. Ấy vậy mà có biết bao nhiêu chuyện dở khóc dở cười, từ những cái đơn do ông thảo ra.
Đó là chuyện bà Gái (người tình cũ của ông Tửu) nhờ ông viết đơn. Bà mang đơn đến trường làng, ông mới té ngửa. Đơn ông thảo ra, bà Gái đã bí mật nhờ người “biên tập” lại vì thấy không ổn. Ông bực quá, nói bà Gái chẳng ra gì. Bà xị mặt nhìn ông Tửu, tay vê vê gấu áo rồi phân trần: - Thôi thì bác thương em. Bác vì em mà làm đơn cho cháu nó đi học. Người ta đều làm đơn xin học cho con, cho cháu, chứ có ai làm đơn đề nghị đi học như bác bao giờ đâu. Em sợ các cô không nhận cháu nên nhờ người viết lại, đổi thành đơn xin. Mình xin cho nó đỡ phiền phức bác ạ. Em là dân đen, đề nghị sao được. Không khéo họ bắt bẻ, hoạnh hoẹ, gây khó dễ thì khốn. Nếu... còn tình xưa nghĩa cũ thì bác đừng trách em, tội nghiệp lắm...Ông Tửu thở dài: Con nít đủ bảy tuổi là chúng có quyền được đi học, sao lại phải xin. Trừ khi phải xin trái tuyến như trên thành phố mới phải xin. Mà thôi bà đã sửa lại thì tôi cũng cho qua, nhưng lần sau...
À, mà còn cái này nữa, bà Gái ngắt lời: Đơn bác viết, chẳng có Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Độc lập tự do hạnh phúc, em cũng phải nhờ người viết thêm vào cho nó đầy đủ, kẻo họ lại mắng là...có cái đơn mà viết cũng không xong...
Chuyện cu Tý nhờ ông làm đơn cũng bị sửa lại. Ấy là việc nó làm đơn lấy vợ. Thằng Tý là công chức nhà nước, làm ở bộ phận nghe đâu cũng quan trọng lắm, nên nó phải nhờ đến văn ông. Đêm, ông ngồi thảo cho nó một cái đơn rất ngắn gọn, xúc tích. Sáng hôm sau, ông đọc cho Tý nghe. Nó rãy nảy: - Bác viết thế này là chết con. Đơn xin lấy vợ chứ không phải đơn đề nghị đăng ký kết hôn. Gửi cho tổ chức, không khéo con oan gia đấy. Cứ có chữ “xin” cho nó lành bác ạ. Mà bác viết ngắn quá, chẳng thấy có đoạn sau một thời gian tìm hiểu gì cả. Con là công chức nhà nước, lý lịch nhà vợ cũng quan trọng lắm. Phải rõ ràng. Bác cứ viết rõ, vợ con tuy hoàn cảnh gia đình khó khăn nên ngồi bán xổ xố, nhưng không bán số đề... đại loại là bác phải viết nhiều từ thật đẹp vào trong đơn chứ không thì...chưa chắc con đã lấy được vợ. Thấy Tý gãi đầu bứt tai, ông Tửu lắc đầu: Quyền mày được lấy vợ, hợp nhau, yêu nhau thì lấy sao lại phải xin. Vợ mày thất nghiệp, giải thể công ty, bây giờ ngồi bán xổ xố thì cứ nói toạc ra, vòng vo tam quốc làm gì. Còn chuyện bán số đề, mấy ông bà ngồi bán sổ xố chẳng thấy ai là không bán số đề cả. Vợ mày không bán tao cứ bé bằng con kiến. Cả 3 đời nhà vợ mày là bần cố nông...cần gì phải văn hoa dài dòng, rách việc quá. Tại sao mày phải sợ. Mà toàn sợ vu vơ thôi. Cứ thế này bao giờ mày mới hết sợ?. Ông Tửu nói một chặp rồi bực dọc bỏ về. Cu Tý nói với theo: - Dù sao thì con cũng cảm ơn bác. Dựa theo đơn bác viết, con sẽ thêm thắt cho nó ngon lành. Khi ông Tửu đi khuất, nó lẩm bẩm: Viết thì phải theo yêu cầu của khách chứ ai lại bắt người ta theo ý mình. Làm ăn kiểu ông Tửu, ân chẳng thấy đâu mà chỉ thấy oán...Nói rồi, nó lẳng lặng nhét cái phong bì vào cặp.
Có lần, ông Tửu được thằng Ngưu cùng xóm mời đi ăn thịt chó. Ông biết thừa là nó lại nhờ vả ông làm đơn. Cái kiểu “há miệng mắc quai” ông thừa hiểu. Nhưng nó là thằng tử tế. Mời thì ăn chứ ông đâu có ham. Bữa thịt cho hôm ấy còn có ông Dương, ông Sơn người trên phố huyện. Thằng Ngưu dõng dạc tuyên bố: Hôm này là ngày 30-4, các bác là Cựu chiến binh, em cũng vậy. Mạn phép các bác, em tổ chức buổi gặp mặt này để ôn lại truyền thống. Chỉ nói chuyện đánh nhau, dứt điểm là không nói chuyện chính trị, chính em gì cả. Cứ nói chuyện đánh nhau cho nó vui. Nhưng với bác Tửu, em cũng có ý định nhờ bác thảo cho em cái đơn. Nay có thêm bác Dương, bác Sơn, các bác cũng đóng góp ý kiến để đơn của em thấu tình, đạt lý.
Bữa thịt chó lúc đầu diễn ra vui vẻ, họ kể chuyện đánh nhau rất khí thế. Nhất là những ngày các ông cùng đại quân tiến vào giải phóng Sài Gòn. Mừng đến phát khóc. Để thêm sinh động, bát đũa, cốc chén trên mâm thịt chó trở thành những ụ súng, những ổ đề kháng, đường tiến của quân ta, đường tháo chạy của địch....Giọng bác Dương lúc trầm lúc bổng, nghe khoái tai lắm. Đúng là chỉ có ngày 30-4 năm nay các ông mới được dịp xả hơi, ôn chuyện nhiều đến thế. Bác Sơn tợp ngụm rượu rồi trầm giọng: - Ông Võ Văn Kiệt bảo, ngày 30-4 là ngày có hàng triệu người vui, nhưng cũng có hàng triệu người buồn. 36 năm trôi qua mà chuyện hoà giải dân tộc vẫn chưa ổn. Nước minh chiến tranh liên miên, hàng triệu người đã ngã xuống. Nói nhiều đến chiến thắng không khéo lại là vết thương cho người khác. Thằng Ngưu là lính chống Tàu năm 79, nó chẳng biết về ngày 30-4, nó góp chuyện: Các bác có ngày 30-4 để mà kể, chứ tụi em báo đài có nhắc gì đến ngày 17-2 đâu. Như thế là không công bằng, thiệt cho tụi em quá. Mấy thằng đồng ngũ hy sinh ở cao điểm Hà Giang không vẻ vang bằng các bác hy sinh thời chống Mỹ. À, mà thôi, không nói chuyện chính trị. Em đã bảo các bác rồi, mình là lính tráng, động vào chính trị, rách việc lắm. Nhân đây, chả giấu gì các bác, em muốn nhờ bác Tửu thảo cho em cái đơn. Hàng chục năm chắt bóp, lại vay mượn được ít tiền, em định sang tháng làm nhà để thằng con cuối năm lấy vợ. Nhờ bác Tửu viết cho cái đơn xin phép xây dựng nhà. Nội dung là thế, văn vẻ thế nào tuỳ bác.
Ông Tửu khoát tay: Để tránh viết rồi lại sửa, như bà Gái, thằng Tý, tôi nói qua cho chú thế này, ở Mỹ, Anh, Pháp, Nhật và nhiều nước khác, tức là các nước phát triển, đơn của cá nhân không phải ghi quốc hiệu quốc huy gì cả. Mình là người Việt Nam, đơn cho người Việt Nam, ghi thêm là thừa. Hai nữa, chú không phải xin. Tiêu đề sẽ là “Đơn đề nghị cấp giấy phép xây dựng”. Chú làm nhà có sổ đỏ, có thiết kế, đảm bảo đúng quy trình, thủ tục. Luật quy định chú có quyền được đi lại và nhà ở, sao lại phải xin. Người ta cũng như chú, có phải của nả nhà họ đâu mà cho. Mấy ông xã, huyện đều làm thuê cho dân cả đấy chứ. Chú đừng ngại, tôi viết cho chú rất đúng luật. Nếu ai bắt viết lại tôi sẽ kêu thay chú...
Nhưng bác viết em chịu, chứ bác có chịu đâu. Thằng Ngưu buông một câu làm cái mâm thịt chó rung lên. Ông Dương tiếp lời: Kể ra cái lý của bác Tửu là đúng, nhưng lên trên kia vẫn là “cái lý người Mèo”. Đã đành là thế, nó bắt viết lại, gây khó dễ chi bằng ta cứ “Đơn xin” cho nó lành, đâu có mất gì. Tôi cũng đồng ý với thằng Ngưu là đơn xin. Chỉ có điều trong đơn cũng chẳng cần ghi là thương binh chống Tàu làm gì. Làm nhà chứ có báo cáo thành tích đâu mà kể công. Thấy ông Tửu có vẻ kém vui, ông Sơn góp thêm: Tôi biết bác Tửu viết như thế là đúng, là nó nâng tầm mình lên. Nhưng dân trí và quan trí vẫn là kiểu xin-cho. Nhiều khi vô lối mà vẫn cứ phải chấp nhận. Ví như các cụ 80 tuổi không có lương hưu, Nhà nước cho các cụ được hưởng trợ cấp xã hội. Sao họ không lập danh sách, kiểm tra hộ khấu, giấy khai sinh, chứng minh thư mà lại bắt các cụ làm đơn. Đơn xin hưởng trợ cấp xã hội. Thế đấy. Lại còn phải khai lý lịch nữa chứ. Bố mẹ các cụ xuống lỗ tám mươi đời rồi mà vẫn khai đủ thứ. Giả thử các cụ có theo Tây đánh ta thì đã làm sao, chẳng lẽ lại không cho các cụ hưởng trợ cấp. Nhiều chuyện phi lý lắm. Chẳng biết cải cách hành chính gì mà bao nhiêu cái vô lý vẫn cứ như thời bao cấp. Cái gì cũng xin. Cứ nhớ ngày xưa, mẹ tôi làm đơn xin mổ lợn mà có đến vài ba chữ ký. Nghĩ lại mà hãi. Ông Sơn vốn trầm tính, chiêu ngụm rượu rồi nhỏ nhẹ:  Bác Tửu ạ, nhân ngày 30-4 chú Ngưu mời anh em mình rượu thịt chó, thế là vui rồi, còn dăm ba cái chuyện nhập nhằng bác đừng nghĩ làm gì cho mệt. Xin hay không xin thì vẫn thế thôi. Muốn ngóc đầu lên được, hơi lâu đấy bởi dân ta còn thiếu nhiều thứ lắm. Tốt nhất là đừng cầm đèn chạy trước ô tô...Nào, em xin chạm cốc với hai bác và chú Ngưu nhân ngày 30-4.
Ông Dương cười mãn nguyện: Bác Sơn đã nói thế, anh em ta cùng thống nhất: Không dùng từ đề nghị mà cứ xin cho nó lành. Bác Tửu thấy thế nào?
- Tôi nghe các chú... dưng mà vẫn ấm ức lắm. Cứ như thế này chúng ta không biết đến bao bao giờ ra khỏi luỹ tre làng...
- Thôi mà bác, tôi xin các bác cùng chạm cốc, rồi đồng thanh: Cứ xin... cho nó lành!
Tháng 5-2011
Q.T