Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

NHÀ BÁO KỂ CHUYỆN

Thanh Tùng
Thứ năm ngày 7 tháng 7 năm 2011 8:20 PM

Khác kinh độ, vĩ độ?
Ở nhiều cuộc hội thảo khoa học, lúc khai mạc thì đầy đủ các thành phần như đã dự tính. Nhưng nửa chừng, sau giờ giải lao, ngó đi ngó lại đại biểu chỉ còn phần nửa?
Ngoài những vị đại biểu chuyên “chạy sô”, một số vị lãnh đạo vì quá bận rộn với công việc, có không ít nhà khoa học, nhà báo cũng lặng lẽ ra về. Nhà khoa học chân chính bỏ về thường vì sự thất vọng ở chất lượng của hội thảo. Cụ thể là chất lượng các báo cáo tham luận. Có những báo cáo đi xa đề, thậm chí lạc đề, vô bổ nhưng diễn giả vẫn cứ trình bày vô tư. Có những báo cáo quá dài. Cử toạ đã ấn định 10 phút nhưng diễn giả trình bày gấp đôi thời gian vẫn chưa xong báo cáo tóm tắt của mình. Nhiều diễn giả không thoát ly được báo cáo mà phải cầm báo cáo để đọc – hình như báo cáo do người khác viết giúp (?). Cánh nhà báo bỏ về vì thấy không khai thác được vấn đề gì để triển khai thành bài viết cho số ra ngày mai. v.v…
Buồn nhất là có không ít báo cáo tham luận đã được trình bày ở một vài hội thảo khác. Tác giả chỉ thay đổi tiêu đề, thay đổi phần mở bài, phần kết luận, thân bài cơ bản giữ nguyên - giống như nghiên cứu sinh đi mua hàng ở chợ luận văn về độ chế lại. Thỉnh thoảng tôi cũng được mời dự hội thảo xúc tiến đầu tư, xúc tiến du lịch ở một số tỉnh miền Trung. Vì thế mà đã được nghe khá nhiều báo cáo na ná như nhau. Đại loại như tiềm năng, thế mạnh giống nhau, “thảm đỏ” giống nhau, điều kiện tự nhiên, khí hậu giống nhau. Đều là trung độ của đất nước, đều có cảng biển, có sân bay, có đường sắt và có quốc lộ chạy ngang qua, có trường đại học, có nguồn lao động giá rẻ, có nhà máy xi măng, có nhà máy đường, có khu công nghiệp. v.v… Chỉ khác chút ít về dân số, mật độ dân số, diện tích tự nhiên, chiều ngang từ rừng tới biển, chiều dài ven biển… 
Có lần, bên lề hội thảo xúc tiến đầu tư của tỉnh nọ, một phóng viên báo địa phương đến phỏng vấn một diễn giả mà anh cho là tham luận có chất lượng nhất. Công việc xong, ngó bộ đã mỹ mãn, anh quay sang hỏi tôi: Anh thấy thế nào, tham luận của ông ấy hay chứ?
Tôi bảo: Rằng hay thì thật là hay, nhưng tham luận này tôi đã được nghe ở một hội thảo khác rồi. Nội dung giống nhau, chỉ có khác kinh độ, vĩ độ, mật độ dân số...
 

Văn hoá hỏi
Thời công nghệ thông tin ngán nhất là nghe diễn giả “nói chay”, “đọc chay”, nói dài lê thê. Ngay cả giáo viên khi lên lớp cũng vậy. Ngân sách Nhà nước mỗi năm chi một khoản không nhỏ để trang bị các phương tiện nghe nhìn, đồ dùng dạy học ở các trường học nhằm mục đích hỗ trợ tích cực cho giáo viên khi truyền thụ kiến thức, giúp cho học sinh dễ hình dung, dễ tiếp thu kiến thức... Ấy vậy mà hiện nay khá nhiều giáo viên vẫn giữ thói quen dạy chay, nói chay. Không chỉ trên giảng đường, ở nhiều hội nghị, hội thảo khoa học, chúng ta vẫn thấy nhiều diễn giả nói chay, thậm chí đọc chay, đọc “cháy giờ”.
Nhưng có một tình trạng còn ngán ngẫm hơn nhiều là căn bệnh “hỏi khan”, câu hỏi dài hơn câu trả lời.
Từ “hỏi khan” ở đây xin được tạm hiểu là hỏi vu vơ, thiếu căn cứ; hỏi xa đề, thậm chí lạc đề - do thiếu nghiên cứu, thiếu hiểu biết vấn đề trọng tâm của đề tài mà diễn giả vừa trình bày. Thông thường thì do không biết, hoặc vì chưa rõ người ta mới hỏi để được lý giải tường tận. Thế nhưng có người đã mượn cớ hỏi diễn giả để khoe kiến thức của mình. Đại khái như: bố tôi từng là..., thầy tôi dạy rằng... tôi đã từng làm... tôi đã tận thấy. v.v...
 Ở nhiều cuộc hội thảo chúng tôi đã chứng kiến người hỏi trình bày mười câu nhưng diễn giả chỉ trả lời một câu - lẽ ra thì ngược lại. Có những trường hợp vừa hỏi vừa tự trả lời, diễn giả cũng phải chào thua mà rằng: Câu hỏi rất hay, nhưng chính anh đã đưa ra đáp án rồi, tôi chẳng còn gì để nói nữa.
 Thế mới kính phục các bậc tiên hiền, thánh nho. Mỗi buổi lên lớp  Khổng Tử chỉ hỏi học trò mỗi một câu cực ngắn. Các trò lần lượt trả lời. Cuối cùng cụ chọn câu trả lời hay nhất làm đáp án, hoặc phân tích câu trả lời chưa đúng, chưa hay. Người đời sau chép lại mà thành Luận ngữ, nổi danh như là một bộ kinh của Nho giáo.
Trong quá trình lên lớp người giáo viên bắt buộc phải có một hệ thống câu hỏi cho mỗi bài giảng. Đó là những câu hỏi để kiểm tra bài cũ, để kiểm tra nhận thức, để đối thoại giữa chủ thể và khách thể, để dẫn dắt vấn đề. Dự hội thảo tôi thấy có nhiều người hỏi diễn giả mà cứ giống như mình là giáo viên, và coi diễn giả, coi người xung quanh như là học trò.