Thời gian thấm thoát thoi đưa. Mới đó mà đã ba năm trôi qua kể từ này cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt từ biệt thế giới người trần để trở về với cõi vĩnh hằng (9/6/2008 – 9/6/2011).
Tôi không phải là người gần cận của cố Thủ tướng như nhiều bậc đàn anh giúp việc ông để có thể biết ngọn ngành nhiều chuyện. Nhưng, là một nhà báo có nhiều năm làm việc trên cương vị Vụ trưởng Vụ Thông tin Báo chí tại Văn phòng Chính phủ, trong nhiệm kỳ của Thủ tướng Võ Văn Kiệt (1992 – 1997), tôi có may mắn được nhiều lần ông gọi làm việc, nghe báo cáo trực tiếp về công việc báo chi và được tháp tùng ông trong một số chuyến đi công tác trong nước và nước ngoài. Những lần được làm việc và đi công tác ấy đã để lại trong tôi ấn tượng vô cùng sâu sắc về ông, một vị Thủ tướng hết lòng vì dân, vì nước nhưng cũng lại là một con người “hết sức người”, rất bình dị và cởi mở với mọi người.
Ngày ông mới mất. tôi có viết bài báo “Thủ tướng Võ Văn Kiệt với báo chí – Đôi điều tôi biết”, kể lại sự quan tâm của Thủ tướng đối với báo chí và tấm lòng của ông đối với các nhà báo. Trong bài viết này, tôi chỉ xin kể một số chuyện mà trong bài báo trước tôi chưa viết về ông.
“Đổi mới nhưng bàn tay phải sạch…”
Ai cũng biết ông Võ Văn Kiệt là một trong những vị lãnh đạo có công rất lớn đối với công cuộc đổi mới đất nước. Trong những năm làm Chủ tịch Ủy ban Nhân dân rồi Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh sau ngày giải phóng miền Nam 30/4/2011, thời kỳ còn bao cấp nặng nề, sản xuất đình đốn, công nhân bỏ việc, người dân thiếu ăn, đến cả bo bo cũng không đủ, phải phân phối… Ông và lãnh đạo thành phố chủ trương “phá rào chính sách kinh tế”, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhà nước chủ động tìm kiếm nguyên liệu để sản xuất, xuất khẩu và cho phép Công ty lương thực thành phố thu mua lúa gạo từ các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long về bán cho dân…Một số nhà máy, xí nghiệp, công ty làm ăn có hiệu quả, trở thành đơn vị điển hình đi đầu trong đổi mới sản xuất, kinh doanh, được cả nước biết đến. Sau này một số lãnh đạo đơn vị điển hình đó có những biểu hiện tiêu cực bị báo chí phát hiện và phản ánh trên mặt báo.
Một hôm Thủ tướng Võ Văn Kiệt gọi tôi lên phòng làm việc của ông để báo cáo một số vấn đề liên quan đến mối quan hệ của Chính phủ với báo chí và báo chí với Chính phủ. Sau khi nghe báo cáo, ông hỏi tôi:
- Gần đây các nhà báo có ý kiến gì về công việc điều hành của Thủ tướng?
Tôi mạnh dạn thưa cùng Thủ tướng là mấy ngày gần đây có một số báo đăng bài viết về tiêu cực xảy ra tại một số đơn vị, xí nghiệp, công ty ở thành phố Hồ Chí Minh, trong đó có những nơi điển hình tiên tiến trong công cuộc đổi mới. Một số nhà báo cho rằng các vụ việc báo chí nêu ra sẽ rất khó xử lý vì những nơi ấy được Thủ tướng, khi còn là Chủ tịch rồi Bí thư Thành ủy đến thăm và lãnh đạo các đơn vị ấy từng được Thủ tướng khen ngợi, động viên.
Nghe tôi báo cáo như vậy, Thủ tướng Võ Văn Kiệt nói luôn:
- Các nhà báo nghĩ vậy là không đúng. Đúng là khi còn ở thành phố tôi luôn động viên, khuyến khích lãnh đạo các đơn vị, công ty, xí nghiệp mạnh dạn đổi mới cơ chế quản lý, phương thức làm ăn, tạo ra nhiều sản phẩm, hàng hóa cho xã hội và cải thiện đời sống của người lao động. Tôi nói với các Tổng Giám đốc: “Các đồng chí mạnh dạn đổi mới sản xuất, kinh doanh tôi ủng hộ, miễn là bàn tay các đồng chí phải sạch. Nếu vì đổi mới mà các đồng chí phải vào tù thì tôi sẽ vào thăm, mang cà - phê vào mời các đồng chí uống! Còn một khi bàn tay các đồng chí lem nhem, không sạch thì đừng mong gì ở tôi!
Ông nói những việc báo chi nêu về ông V. Tổng Giám đốc Tổng Công ty dâu tằm tơ, ông T. Tổng Giám đốc Tổng Công ty thuốc lá Sài Gòn, ông H. Tổng Giám đốc Tổng Công ty Liksin, ông Q. Tổng Giám đốc Tổng Công ty Bia Sài Gòn ông sẽ cho kiểm tra ngay, ai bàn tay không sạch, “lem nhem” là phải cách chức, không có ngoại lệ. Ông còn kể vài chuyện mà ông biết về sự “lùm xùm” và phô trương, hình thức trong việc xây nhà, xây mộ ở quê, đi nước ngoài nhận danh hiệu này nọ của hai trong số bốn ông Tổng Giám đốc trên đây. Sau đó ít lâu, trừ ông Q. các Tổng Giám đốc khác đều bị cách chức.
Về trường hợp ông Q. báo chí lúc đó có hai luồng ý kiến khách nhau. Một số báo lớn ủng hộ ông trong việc đổi mới cơ chế quản lý và phương thức kinh doanh, mang lại lợi ích thiết thân cho người lao động. Một số báo khác lại có ý ngược lại, cho rằng ông vi phạm cơ chế quản lý, có những việc làm vô nguyên tắc và tiêu cực…Trước các ý kiến khác nhau đó mà báo chí phản ánh, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã giao Văn phòng Chính phủ tổ chức một cuộc họp tại TP Hồ Chí Minh do Thủ tướng chủ trì, gồm lãnh đạo Bộ Công nghiệp nhẹ, Thanh tra Nhà nước, Ủy ban Nhân dân TP Hồ Chí Minh, Hội Nhà báo Việt Nam… để nghe các cơ quan quản lý nhà nước báo cáo kết quả thanh tra các vụ việc liên quan đến những vấn đề báo chí nêu ra. Trong cuộc họp ấy, sau khi nghe ông Th., Phó Tổng Thanh tra Nhà nước báo cáo kết quả thanh tra và ý kiến của các vị lãnh đạo các cơ quan tham dự, trước khi kết luận, Thủ tướng Võ Văn Kiệt hỏi lại ông Th:
- Cơ quan thanh tra có kết luận ông Q. tham ô không?
Ông Tám Th. báo cáo Thủ tướng cho đến thời điểm thanh tra không phát hiện việc ông Q. tham ô. Thủ tướng kết luận: Ông Q. có một số thiếu sót, khuyết điểm trong quản lý và điều hành nhưng đã có nhiều việc làm tích cực, đổi mới cơ chế quản lý và phương thức sản xuất, kinh doanh, mang lại hiệu quả cao cho Công ty Bia Sài Gòn, tăng thu ngân sách nhà nước và tăng thu nhập cho người lao động. Mặc dù có rất nhiều áp lực đòi cách chức và thi hành kỷ luật ông Q., nhưng cuối cùng Thủ tướng đồng ý với đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp nhẹ Đặng Vũ Chư khi đó, vẫn để ông Q. giữ nguyên chức Tổng Giám đốc Tổng Công ty Bia Sài Gòn. Tôi nghĩ lý do chính mà ông Q. không bị cách chức như các Tổng Giám đốc khác có lẽ là vì ông đã được Thanh tra Nhà nước kết luận không tham ô - “Đổi mới nhưng bàn tay phải sạch”!
“Huy chương ấy nên trao cho ông Kim Ngọc và mấy ông bà nông dân làm ruộng giỏi!”
Thủ tướng Võ Văn Kiệt là một người rất coi trọng tính hiệu quả và thực chất công việc. Ông rất ghét thói hình thức và phô trương, khoe mẽ, không thực chất. Trong những năm làm Thủ tướng, Ông không ủng hộ việc nhiều ngành đề nghị làm Huy chương hoặc Kỷ niệm chương để tôn vinh thành tích của ngành mình. Trong một chuyến được tháp tùng Thủ tướng đi công tác dài ngày tại mấy tỉnh Tây Nguyên, trong những bữa cơm chỉ có ông, ông Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ và mấy anh em ở Văn phòng đi theo phục vụ, Thủ tướng Võ Văn Kiệt thường kể cho chúng tôi nghe nhiều chuyện. Một lần ông kể:
- Ở ta bệnh phô trương, hình thức quá phổ biến. Nhiều ngành, nhiều địa phương không có thành tích gì đặc biệt vẫn cứ muốn làm Huy chương, Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp…” rồi tổ chức lễ lạt trao, nhận tốn kém. Huy chương, Kỷ niệm chương của ngành nào cũng đều được trao cho các vị lãnh đạo, có ông nhận cả chục chiếc không biết để làm gì!
Ông kể, ông được rất nhiều ngành mời nhận Huy chương và Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp” của ngành đó, nhưng Ông không nhận. Mới nhất, ông được mời nhận “Huy chương vì sự nghiệp giải phóng Nông dân”, ông đã từ chối. “Thế mà có ông Tướng đã nhận! Tôi nghĩ ông Tướng này nhận “Huy chương vì sự nghiệp Nhà binh” mới đúng, còn “Huy chương vì sự nghiệp giải phóng Nông dân” thì phải trao cho ông Kim ngọc và mấy ông bà nông dân làm ruộng giỏi!”.
“Xin nhường phần mộ ở Mai Dịch cho người khác”
Thủ tướng Võ Văn Kiệt là người luôn đấu tranh cho sự công bằng xã hội. Trên cương vị Thủ tướng Chính phủ, ông đã chỉ đạo các cấp, các ngành, các cơ quan có thẩm quyền xem xét nhiều sự việc báo chí phản ánh để mang lại sự công bằng cho nhiều người gặp bất công và oan trái trong cuộc sống. Ông không đồng tình đối với một số chính sách, chế độ đãi ngộ mang nặng tính bao cấp, đặc quyền cho một bộ phận cán bộ, tạo ra sự bất bình đẳng trong xã hội. Ngay cả đối với người chết cũng có chế độ đối xử khac nhau . Ông nói:
- Trong chiến tranh chống Mỹ nhiều cặp vợ chồng cán bộ phải xa nhau, vợ ở miền Bắc, chồng vào miền Nam chiến đấu. Sau ngày thống nhất đất nước, vợ được vào thành phố Hồ Chí Minh công tác thì chồng lại được điều động ra Hà Nội, ra Trung ương làm việc. Thế là vợ chồng vẫn mỗi người một ngả. Chẳng may chồng mất, là cán bộ cao cấp thì được chôn cất ở Nghĩa trang Mai Dịch, trung cấp thì ở Nghĩa trang Thanh Tước, Hà Nội, còn vợ khi chết mà chưa đủ “tiêu chuẩn” sẽ không được chôn cất cùng chồng tại đây. Thế là vợ chồng cả đời xa nhau, đến lúc chết cũng không được gần nhau.
Ông bảo, chỉ nên có nghĩa trang danh nhân dành để chôn cất những người có công với Tổ quốc, những người góp phần làm rạng danh non sông, đất nước, dù người đó là chính khách hay nhà văn, nhà báo, nhà khoa học tài năng. Không nên chi có nghĩa trang dành riêng cho cán bộ lãnh đạo cao cấp và trung cấp như ở ta hiện nay. Ông bảo, theo “tiêu chuẩn” khi mất ông sẽ được chôn cất ở Nghĩa trang Mai Dịch, Hà Nội nhưng ông sẽ không nhận vào đó; “tiêu chuẩn” của ông ông sẽ dành cho người khác!
Sau này, khi đã rời mọi cương vị lãnh đạo đất nước, ông vào sống tại thành phố Hồ Chí Minh và trước khi từ biệt thế giới này, ông có nguyện vọng, ông sẽ được hỏa táng và tro cốt của ông sẽ rải xuống khúc sông Sài Gòn, nơi bà Kim Anh, vợ ông và hai người con còn nhỏ đã bị máy bay địch ném bom giết hại trên một con tàu khi từ Sài Gòn ra chiến khu thăm ông, đến nay vẫn chưa tìm được hài cốt.
Nhớ ông, tôi nhớ từng câu chuyện nhỏ về ông với sự ngưỡng mộ và tình cảm kính trọng sâu sắc một CON NGƯỜI suốt đời vì dân vì nước: Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, “ông Sáu Dân”, “chú Sáu Dân”, “anh Sáu Dân”…của hàng triệu, hàng triệu người Việt Nam ta.
Chú thích ảnh: Thủ tướng Võ Văn Kiệt và tác giả
Hà Nội, đêm 9/6/2011