Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

20 NĂM RA ĐI CỦA MỘT NHÀ THƠ CHIẾN SĨ

Trần Huy Thuận
Chủ nhật ngày 22 tháng 5 năm 2011 1:17 PM

TRẨN TRUNG HIẾU (1943-1991)
Năm sinh: 1943. Quê quán, thôn Vị Khê , xã Nam Điền, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định. Tham gia quân đội trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Nguyên là Thành uỷ viên, Bí thư Thành đoàn TNCS Hồ Chí Minh thành phố Nam Định. Nguyên Chánh văn phòng Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Hà Nam Ninh, hội viên Hội VHNT Hà Nam Ninh. Mất ngày 24-8-1991 tại quê nhà.
Huân chương Chiến sĩ Giải phóng hạng Ba. Huân chương chiến sĩ vẻ vang hạng Ba. Huân chương kháng chiến chống Mỹ hạng Nhì.
TÁC PHẨM: Khúc hát tặng nhau, thơ (in chung) NXB Tác phẩm mới; Nơi ta có mặt, thơ (in chung), NXB Quân dội Nhân dân,1985; Giọt sao chiều, thơ, Hội VHNT Nam Hà, 1992. Thơ được chọn in trong các tuyển tập: Thơ Quân khu Ba, Tuyển tập thơ tình Nam Định thế kỷ XX, Tuyển tập thơ Nam Định thế kỷ XX...
GIẢI THƯỞNG: Giải Nhất thơ Nam Định, 1964; Giải Ba thơ Nam Hà 1965-1966; Giải thưởng VHNT Nguyễn Khuyến tỉnh Hà Nam Ninh lần thứ I, loại B, về thơ, 1981-1985.

20 NĂM RA ĐI CỦA MỘT NHÀ THƠ CHIẾN SĨ

MỚI ĐẤY MÀ ĐÃ 20 NĂM!

Hình ảnh đọng lại trong lòng bạn bè về nhà thơ chiến sĩ Tràn Trung Hiếu là một anh chàng đẹp trai, hiền lành, chân thật và đáng yêu – một “mẫu” người ĐƠN GIẢN, CHÂN CHẤT, vừa làm ta dễ gần, vừa làm ta tin cậy. Nhưng chỉ cần bấy nhiêu thôi cũng đã đủ tạo cho Hiếu một thế đứng chênh vênh trong cuộc đời đầy biến động và không ít lọc lừa…

Từ một thư sinh yêu thơ, sớm có dấu hiệu một ĐỐM SÁNG (chữ của thi sĩ Nguyễn Bính nhận xét những tác phẩm đầu tay của cậu thanh niên quê mùa Trần trung Hiếu) trong LÀNG THƠ với sự gặt hái liền mấy giải thưởng cao trong các cuộc thi Thơ những năm 1964, 1965… Sau đó Trần Trung Hiếu nhập ngũ, trở thành người Chiến sĩ rồi trở thành NHÀ THƠ của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Đó là những năm bẩy mươi của Thế kỷ trước.
Rời quân ngũ, Trần Trung Hiếu về địa phương, làm công tác Thanh niên (Bí thư Thành Đoàn thành phố Nam Định), tham gia cấp ủy thành phố. Khi Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Hà Nam Ninh ra đời, anh được điều về nhận công việc Chánh Văn phòng Hội, theo đề nghị của nhà văn Chu Văn.

Đó là quãng thời gian đẹp nhất, tràn ngập niềm tin và hạnh phúc của chàng Thanh niên – Chiến sĩ – Nhà Thơ Trần Trung Hiếu. Trong giai đoạn này, anh sáng tác khá khỏe, khắc đậm dấu ấn tên tuổi mình trên những trang thơ trong và ngoài Quân đội. Anh liên tiếp có mặt trong các tập thơ in chung cũng như in riêng: Khúc hát tặng nhau, thơ (in chung) NXB Tác phẩm mới; Nơi ta có mặt, thơ (in chung), NXB Quân dội Nhân dân,1985; Giọt sao chiều, thơ, Hội VHNT Nam Hà, 1992. Thơ Trần Trung Hiếu còn được chọn in trong các tuyển tập: Thơ Quân khu Ba, Tuyển tập thơ tình Nam Định thế kỷ XX, Tuyển tập thơ Nam Định thế kỷ XX...

Nhưng số phận chỉ cho anh có vậy. THƠ đã đưa anh đến với Tổ chức của những người cầm bút – Hội Văn Nghệ địa phương. Nhưng rồi cũng chính THƠ đã cất đi của anh tất cả, cả “sinh mệnh chính trị”, cả sự nghiệp, cả công ăn việc làm: Một người con gái ban đầu đến với anh chỉ bắt nguồn từ yêu thơ anh, nhưng đã không thể dừng lại ở cái mốc mong manh đó được, khiến anh thành người có lỗi với vợ con, có lỗi với Tổ chức,… Thời đó, cái sự vụ như vậy là lớn lao lắm, là đủ giết chết thanh danh, giá trị một con người! Trần Trung Hiếu trở thành kẻ thất nghiệp. Anh nhận lao động bất cứ việc gì thiên hạ cần thuê mướn. Và, một tai nạn bất ưng đã cướp nốt mạng sống của nhà thơ chiến sĩ: Trong một lần đi quét vôi thuê để kiếm sống, anh đã bị ngã thang trong khi trong tay còn cầm chặt chiếc chổi quét vôi – Vâng! CHIẾC CHỔI QUÉT VÔI chứ không phải CÂY SÚNG, cũng không phải CÂY BÚT. Cái lý lịch Chiến sĩ, cái chức vị Thành ủy viên và Bí thư Thành Đoàn, rồi cả cái danh hiệu Nhà Thơ với những giải thưởng vang vọng một thời… đã không cứu được anh. Anh mất đúng vào tuổi 49, một trong những “tuổi hạn” của mỗi kiếp người. Ở đây, có một điều khiến những người yêu thơ Trần Trung Hiếu không thể không băn khoăn: Hình như số phận nhà Thơ đã được báo trước, khi vào cái năm định mệnh đó, năm 1991, anh đã cầm bút hạ những câu Thơ: Cuộc đời anh là tập thơ viết dở/ Có bài được đầu kết chẳng ra sao. Đúng là ĐƯỢC ĐÀU KẾT CHẲNG RA SAO!..

MỚI ĐẤY MÀ ĐÃ 20 NĂM!
Vâng! Mới đấy mà đã 20 năm. Tưởng nhớ đến nhà Thơ tài hoa mà yểu mệnh, không gì bằng – và cũng chẳng có gì hơn, là cùng nhau đọc lại một số vần thơ của anh:

*******
THƠ TRẦN TRUNG HIẾU

ĐÊM SAO

Còn cách nhà mình một tầm gọi với
Đơn vị thì cách núi cách sông
Tôi đặt nhẹ ba lô, ngực phanh trần gió thổi
Trời sao mênh mông, trời sao mênh mông.
Mẹ giờ này còn thức hay không
Có nghe lá xạc xào ngoài cửa
Mẹ giật mình ngỡ bước con về đó
Mà đoán thầm chiều tiếng quẹt kêu.
Chắc gì em đã chợp mắt ít nhiều
Thương yêu lắm nên hay cả nghĩ
Đường anh đi em đoán theo địa chỉ
Có đâu nghờ giờ xa nhất là đây!
Lắm yêu thương mà tinh nghịch cũng hay
Là cái tuổi làm trai ra trận
Lá thư nào lấp lánh trời sao sáng
Tôi gửi về cho mẹ, cho em.
Qua bao vùng đất lạ nên quen
Giây phút dừng chân cho lòng lắng lại
Đầm sen thơm qua làn gió thổi
Tôi hiểu quê hương qua những con đường.
Hình như gió nhiều trời sao sáng hơn
Tôi muốn chọn một ngôi sao sáng nhất
Ngôi sao ấy với hồn tôi là một
Biết sáng cùng muôn sao sáng đêm nay.
2-1983
              (Khúc hát tặng nhau)
 
CẮT TÓC

Lách ta lách tách
Tiếng tông đơ, tiếng kéo
Vang giữa rừng tươi xanh.
Ta cắt tóc cho nhau
Mảnh gương con không có
Chính đồng đội là gương
Soi thấy mình trong đó.
Tông đơ hay ray tóc
Đừng trách tông đơ cùn
Tóc - mồ hôi kết lại
Bụi đất cùng khói bom.
Lược ngà đâu quý bằng
Lược xác Thần sấm Mỹ
Ta chải lên mái đầu
Cho duyên thêm một tí
Cho hay bom đạn thù
Cũng đành thua ta nhỉ.
Tông đơ, kéo giòn thế
Cứ lách tách lanh canh
Những sợi tóc biếc xanh
Giữa ngày đêm đánh giặc.
Chúng tôi thấy trẻ ra
Đánh trận về cắt tóc.
Quảng Trị,tháng 2 năm 1972
                             
 
CỎ VEN ĐÊ

Đi từ trang sách tuổi thơ
Vượt muôn dặm đất bây giờ về đây
Qua bao mùa lũ vơi đầy
Đê thêm cao, cỏ lợp dày nắng mưa.
Một mình cỏ mật hương đưa
Lặng yên mấy nụ cúc vừa đơm hoa
Cỏ may níu bước người qua
Mênh mông sắc biếc đồng xa bãi gần.
Lúa đang khoe tuổi trăng rằm
Mía ngô vỗ sóng ngọt đằm chân mây
Mía nhà ngói rực bên cây
Vang rền từ trạm máy cày cuối thôn.
Từng đi qua lửa đạn bom
Chân về đặt giữa tươi non ngọt mềm
Chợt sờ lên áo thân quen
Sững người - bắt gặp sắc bền cỏ đê.
Năm 1978
                       (Nơi ta có mặt)
 
 
LẶNG LẼ MIỆT VƯỜN

Vai tôi đụng chùm dừa mới bói
Bước đưa trong hương trái vàng thơm
Tiếng cười đâu vẳng như thầm gọi
Nhà dưới tầng xanh lá mãi vươn.
Nối đôi bờ rạch cây cầu khỉ
Tôi bước hoài không hết mát êm
Chôm chôm, vú sữa...cây gì nhỉ
Nghĩ miết mà không nhớ hết tên.
Rù rì trên cây bầy ong mật
Nối những nùa hoa, nối những mùa
Hoa cau trắng nhẹ vời tôi gặp
Vết sẹo mình cây kẽo kẹt đưa.
Cau đọ với thân dừa thăm thẳm
Nấc thời gian bạc trắng màu mây
Ngọn lấp loá vẫy vùng ánh sáng
Để từ xa dễ thấy đất này.
Chùm chùm trái giấu trong cành lá
Mít phức mùi thơm ngọt lịm xoài
Tầng tầng cây chín lời chim hót
Mật thấm lòng tôi giục giã hoài.
Bước tiếp bước trên phù sa mát
Gặp lặng thầm bao rễ tơ non
Giữa bao núm ruột hoà trong cát
Hài cốt người đi vẫn ở vườn.
Bỗng nhiên vết đạn vai tôi nhói
Mải bước đường xa lòng chẳng hay
Hương thơm hoa trái quanh tôi nói
Về mảnh gang nằm cản sức cây.
Tay đang nâng trái tôi dừng lại
Gặp tấm bia bên những tấm bia
Bâng khuâng nhớ bạn quê Nam Định
Giữa ngát hương vườn hoa trái kia.

CHÂN SÓNG

Trái cam nắng mưa thơm ngọt
Mưa nắng mọng dần mắt em
Ngoài khơi ì ầm sóng vỗ
Lòng người ngồi đứng không yên
Trái nặng thì cành cong thêm
Anh về giữa kỳ mong mỏi
Trái cây chín không biết nói
Em quen dành đợi chờ anh.
Mặc anh lên núi xuống nguồn
Sóng chỉ hướng vào bờ cát
Mặc cho mưa sa nắng táp
Lòng em đâu phải dã tràng.
Ở vùng gần cõi mênh mang
Sông ngọt hoà vào biển mặn
Đường xa đi qua bụi bặm
Anh về nghe sóng bên em
Phèn đời ai khuấy mà lắng
Để cho trong đục...anh nhìn.
1-4-1990

MẤY KHI

Thấp thoáng đồi thông
Nhấp nhô đương lượn
Mưa tơ thoắt lặng
Nắng vàng chợt nghiêng
Mấy khi bắt gặp
Mình là thiên nhiên.
Đâu đây thác vẳng
Mây sà dịu êm
Phập phồng áo mỏng
Mơ hồ nhịp tim
Mấy khi bắt gặp
Mình đang trốn tìm...

KHÔNG ĐẾ

Cuộc đời anh là tập thơ viết dở
Có bài được đầu kết chẳng ra sao
Có bài hay được đôi ba khổ
Có bài câu chữ xộc xệch thế nào.
Thơ chẳng khác đời anh đang sống
Giữa biển mênh mang, anh mải bơi
Như đứa trẻ trước em luôn bé bỏng
Thơ trước anh núi đứng thử chim trời.
1991
           (Giọt sao chiều)