Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM VÀ CÁI VÒNG KIM CÔ ĐANG TAN VỠ

Tô Đức Chiêu
Thứ ba ngày 24 tháng 5 năm 2011 1:42 PM
 
     Nhiều người hỏi tôi : Vào Hội nhà văn được gì  ? – Tôi thành thật trả lời : Chẳng được gì - Lại hỏi : Vậy vào làm gì ? – Lại trả lời : Chẳng để làm gì . Rồi cùng cười . Rồi cùng ngẫm nghĩ theo chiều hướng khác nhau . Vấn đề tưởng chẳng còn ai nghĩ tới nữa , nhưng mới đây , ngày 15 tháng 5 năm 2011 , một anh bạn cùng dự hội thảo về thơ Đồng Đức Bốn và Mai Văn Phấn ở Hải Phòng vẫn hỏi Đặng Văn Sinh và tôi : Vào Hội nhà văn được gì ? Chúng tôi cùng trả lời : Chẳng được gì !
    Câu hỏi và những câu trả lời vô thưởng vô phạt này ngãm cho kĩ cũng thấy vui đáo để . Hiện nay Hội nhà văn Việt Nam có gần ngàn hội viên và chừng năm trăm đơn đang xếp hàng xin vào hội . Khá nhiều người biết vào hay không vào Hội nhà văn Việt Nam mình vẫn như vậy , nhưng cứ xin vào , lại còn chạy đôn , chạy đáo để vào . Cũng khối người quá xứng đáng là hội viên Hội nhà văn Việt Nam nhưng không tới gõ cửa Hội vì cho rằng còn phải phấn đấu nhiều nên rất thận trọng và chừng mực . Nhiều tác giả chỉ cần đọc tác phẩm của họ ta đã thấy tiếc sao họ chưa là hội viên Hội nhà văn Việt Nam . Và tiếc nữa là những tác phẩm ấy do không ai giới thiệu hay vì nguyên nhân nào đó không đi cùng với giải thưởng của Hội nhà văn Việt Nam . Có thể tạm kể ra đây : Tiểu thuyết dầy dặn và rất hấp dẫn Tống Thị phu nhân của Nguyễn Văn Chương hay tiểu thuyết hai tập Sông Côn mùa lũ của Nguyễn Mộng Giác …. Lại có những người cứ lượn lờ ở ngoài rồi lườm nguýt , châm chọc ,chứ không viết đơn xin vào hội . Tôi trở thành hội viên Hội nhà văn Việt Nam tháng 4 năm 1977 . Một công văn hay gọi là giấy mời , giấy báo tin ,cũng được , đánh máy trên nửa tờ giấy pơluya đen xì , do chánh văn phòng Vương Linh kí , cho biết đã là hội viên dự bị , và ngày… tháng … năm 1977 , hồi  … giờ , tới trụ sở 65 Nguyễn Du làm thủ tục kết nạp hội viên mới . Tôi hồi hộp … và không dám đến một mình , rủ mãi mới được Trần Đăng Khoa ít tuổi hơn nhiều nhưng tiếng tăm vang lừng trời đất cùng đi để làm chỗ dựa . Một thằng cao lêu nghêu và một thằng lùn như cái nấm dựa xe đạp vào gốc cây tùng rồi khật khà bước . Hồi ấy , trên sân trụ sở 65 Nguyễn Du có hai cây tùng khá cao , đẹp , thẳng đơ . Sau này nghe nói do sâu ăn mọt gốc hay chẳng hiểu vì lí do gì mà chánh văn phòng Xuân Thiều và phó chánh văn phòng Phùng Khắc Bắc cho chặt đi . Người ta bảo chính hai cây tùng ấy bị hạ mà cái đền thiêng Hội nhà văn không còn thiêng nữa . Nói như vậy chỉ là cho vui nhưng có thể hiểu thế nào cũng được !
     Hai đứa dắt díu nhau bước lên thềm . Chẳng thấy ai . Cũng chẳng thấy không khí gì gọi là lễ lạt . Tôi đưa mắt tìm xem có thấy ai là ông chánh văn phòng Vương Linh hay không , thì may quá , có tiếng gọi : Khoa đấy à ? Vào đây ! Một phụ nữ ngồi sau bàn trong phòng tường uốn cong cong nay là chỗ ngồi của giám đốc hãng phim , gọi với ra . Thằng lùn như cái nấm rẽ vào để thằng cao như cây sậy bám theo .
     -  Nhớn nhanh nhỉ ? Đã là hội viên rồi đấy !... Thế này nhớ ! – Chị quay lại mở cánh tủ phía sau lưng và đưa ra quyển hồ sơ bìa xanh đen cho Khoa – Kê khai nhớ . Phần lí lịch bản thân chỉ cần đầy đủ  . Chủ yếu là quá trình sáng tác văn học . Có đi nước ngoài lần nào thì ghi rõ : Đi do ai mời ? Đoàn gồm những ai ? Kết quả chuyến đi ra sao ? Cần rút kinh nghiệm gì ? .. Mãi chị mới quay sang tôi – Cả anh cũng được mời đến hả ? – Rồi chị lại quay về phía sau có cái tủ đang mở lấy một quyển như của Khoa đưa cho tôi – Anh cũng kê khai như thế nhớ . Khi nào xong thì đem nộp !
     Thủ tục kết nạp chỉ có vậy . Chân bước ra đầu không dám quay nhìn lại vì chẳng hiểu gặp những bậc cây đa cây đề biết chào hỏi và ăn nói ra làm sao …. Ngoảnh đi ngoảnh lại cái thời ấy đã đi vào dĩ vãng và bản chất tự ti , hèn đớn quá đáng của mình , cứ làm tôi ngạc nhiên mãi khi phải chứng kiến những gì đang nối tiếp diễn ra về sau . Hôm nay người ta táo tợn , hoặc tự tin đến mức coi mình hơn tất cả , ngang tất cả , xứng đáng bằng tất cả , xóa nhòa đi mọi ranh giới , trong lúc thời nào cũng có những đấng bậc đáng phải trân trọng về sự cống hiến cho đời cùng với tài năng và sáng tạo . Hay chính là Hội cũng đang tự tầm thường hóa bản thân mình chẳng biết nữa . Kết nạp thì ào ạt , khối người vào hội chẳng những làm cho những người chung quanh quá bất ngờ và ngạc nhiên luôn đặt ra câu hỏi vì sao ? Nhiều người hão huyền đã đành nhưng không ít người động cơ ngoài nghề nghiệp mà ta hoàn toàn có thể hiểu được . Chẳng hạn vài ba địa phương có luật bất thành văn rằng phải là hội viên hội chuyên ngành trung ương mới dễ dàng được bầu làm chủ tịch hay phó chủ tịch hôị văn nghệ … Nhưng mà buồn cười thế này , bây giờ người ta ảo tưởng , cũng có thể không ảo tưởng , nhưng cậy mình có sức mạnh , địa vị hay đồng tiền , người ta cần phải thêm cái danh , cho dù cái danh nhà văn bây giờ chỉ à ơi như anh chàng bán bánh quẩy liệng căng cố , để tô vẽ thêm cho mình và tạo thêm sân chơi cho cuộc đời đang khởi sắc . Và Hội nhà văn cũng đã dần dần tự mình làm mất đi cái thanh cao một thời vàng son bốn phương ngưỡng mộ . Hoặc giả thời nay dân trí cao cường nên chẳng gì còn là linh thiêng nữa ?
     Sự rầm rộ của ngày hôm nay quả thật trước đây không thể nào có được . Điều đó đáng mừng vì văn học không phải lĩnh vực đặc thù của riêng ai , mà là tất cả mọi người , kể cả sáng tác và dịch thuật hay lí luận phê bình . Những thế hệ đi sau thông minh hơn , tự tin hơn , không bị ràng buộc bởi một thứ lí luận đã tạo ra vòng kim cô vô hình , kiểu như : Phải nắm vững phương pháp sáng tác hiện thực xã hội chủ nghĩa , phải thể hiện rõ lập trường giai cấp trong văn học cách mạng , văn học phải phục vụ công nông binh … Đến nỗi , một nhà văn tầm cỡ như Nguyễn Khải , trước khi nhắm mắt xuôi tay , phải khao khát kêu lên về cái tôi đã mất . Thế hệ tiếp theo được học hành đến nơi đến chốn , giỏi ngoại ngữ , thoải mái trong giao tiếp trong ngoài , tự do bay tới những vùng trời xa lạ , làm cho tâm hồn của họ phóng khoáng và tài năng vút tận những chốn xa vời . Họ viết khỏe và sắc sảo . Nhưng mà , tự tin đến mức thiếu tôn trọng những qui chế , những nền nếp kỉ cương tối thiểu thì thật là quá đà . Vừa rồi ở một hội nghị văn học , ngay những người trong ban tổ chức cũng phải kêu lên , lạ quá , những anh A , anh B , anh C … này ở đâu ra thế nhỉ . Kiểm tra danh sách không thấy có . Lãnh đạo mời thêm chăng ? Cũng có người do lãnh đạo mời thêm nhưng cũng có người tự bảo nhau kéo đến . Người ta quan tâm tới văn học nhưng cũng có khi chỉ vui mà có mặt . Song Hội nhà văn đâu phải cái chợ . Nghe nói ngày xưa , một nhà văn cao tuổi đã phát biểu , Hội nhà văn như cái sân đình , ai muốn ngồi xin cứ mang chiếu đến rải ra mà ngồi , không thích ngồi lại cuốn chiếu mang về . Chúng ta quá rõ sân đình khác với cái chợ . Và muốn ngồi phải mang chiếu đến rải . Người ta chiếu hoa mình cũng phải chiếu hoa . Người ta chiếu đậu mình cũng phải chiếu đậu . Chứ người ta như thế mình lại mang cái chiếu rách bươm và bẩn thỉu đến e xấu mặt chưa chắc đã dám ngồi . Nhưng nay thì người ta cứ xông vào ngồi . Có sẵn chiếu cứ tót vào chỗ nào cũng được . Rõ ràng Hội nhà văn đã tự xé đi cái ranh giới dù chỉ mong manh nhưng cần thiết . Thưởng thức văn học là của tất cả mọi người , càng đông càng tốt . Sáng tác văn học càng đông càng tốt nhưng lại phải chắt lọc lấy tinh . Ai cũng có quyền sáng tác nhưng trụ lại được thì không bao giờ được một phần tư hay một phần năm chứ đừng nói đến tất cả . Một cây bút nào đó đã viết về đội ngũ nhà văn hôm nay tôi cho là rất đúng : Già cầu an . Trẻ cầu danh . Hội cầu đông . Cầu an là một thái cực . Cầu danh là một thái cực . Cầu đông cũng là một thái cực .
    Khá lâu rồi , người ta đã nói đến xã hội hóa các tổ chức văn học nghệ thuật , và từng bước đang thực hiện như thế . Điều đó rất đúng nhưng không có nghĩa biến Hội thành một câu lạc bộ văn chương , ai thích cứ viết , rôi bỏ tiền ra in lấy vài ba tập , hay dở tới đâu không cần biết đến , là thành hội viên Hội nhà văn Việt Nam . Nếu tôi nhớ không lầm thì ngay cán bộ nhân viên cơ quan Hội , như hành chính , lái xe , kế toán tài chính , trước đây được tổ chức chặt chẽ , trong biên chế và là viên chức gì đó , nhận một người cũng phải giải trình và có sự đồng ý của Ban tuyên huấn trung ương . Giờ người ta buông ra cho một khoản lương tự quản . Năm 1994 , khi tôi tổ chức một đoàn nhà văn đi Nga và các nước SNG , mang quyết định của ông Tổng thư kí lên cục lãnh sự Bộ ngoại giao , tôi đưa ra tấm hộ chiếu phổ thông cũ còn hạn và đóng dấu A , B , người ta trả lại và làm cho hộ chiếu công vụ mới . Năm 2000 tôi cũng mang quyết định của ông Tổng thư kí Hội cùng công văn trả lời đồng ý cho đoàn nhà văn Việt Nam đi Mĩ của Ban đối ngoại và Ban tư tưởng văn hóa trung ương tới cục lãnh sự Bộ ngoại giao , người ta xem giấy tờ cẩn thận rồi trả lại cho tôi , bảo về công an Hà Nội làm hộ chiếu phổ thông . Tới công an Hà Nội , người ta hỏi tôi : Thế bác làm chánh văn phòng Hội nhà văn Việt Nam thì có lương không ? – Tôi nhanh nhảu trả lời : Có chứ ! Nếu không tôi sống bằng gì . Lại hỏi : Ai trả lương cho bác ?- Tôi lại nhanh nhảu : Nhà nước trả - Cụ thể là ai ? – Tài chính – Thế lương của bác bao nhiêu , nghĩa là thang bậc thế nào ?- Tôi vẫn cứ nhanh nhảu : Đó ! Trong quyết định ghi rõ đó , chuyên viên chính , bậc , hệ số…Lại vẫn hỏi tiếp : Thế bác ăn lương nhà nước bao năm rồi ?- Tôi lại nhau nhảu trả lời : Từ năm 1961 tới nay gần bốn mươi năm  và chưa một ngày ngắt quãng… Nhắc lại điều này tôi có ý nói rằng , tổ chức Hội nhà văn không còn và không thể như ngày xưa nữa . Nay nếu cần một tấm hộ chiếu phổ thông cũng không phải cách trở như những ngày xưa nữa . Xã hội đi lên . Đời sống đổi thay . Mọi mối quan hệ giằng kéo đang được giải tỏa . Vị trí văn học trong đời sống người dân cũng khác lắm rồi . Nhiều đấng thiêng của ngày hôm qua nay  dù vẫn tôn trọng song được nhìn nhận bình dị đi nhiều . Nhưng cũng như các lĩnh vực khác , Hội nhà văn không thể là thứ hổ lốn , để ai cũng tưởng rằng mình hoàn toàn có thể nhẩy xô vào được . Quá trình bầu cử vừa qua tổ chức tại hội trường trường Nguyễn Ai Quốc là sự bát nháo trước đó không thể nào hình dung ra nổi . Tôi nhớ hình như nhà văn Trung Quốc Bá Dương, tác giả Người Trung Quốc xấu xí , nói một câu nghe tưởng chừng như hỗn láo , nhưng ngẫm đi ngẫm lại thấy nghiêm chỉnh và đúng đắn : Khi viết tôi đứng trên vai Lỗ Tấn để điều khiển ngòi bút của mình !
     Trở lại câu hỏi của một anh bạn ở hội thảo thơ Mai Văn Phấn và Đồng Đức Bốn ngày 15 tháng 5 năm 2011  : Vào Hội nhà văn được gì ? – Chẳng được gì ! Nhưng thực thì được nhiều , được trau dồi nghề nghiệp , được có bạn bè , được cùng vui say cầm bút , được có chút danh…gần như là ảo . Nhưng tất cả là sự phấn đấu không ngừng , hay nói như nhà văn Nguyễn Xuân Khánh mới đây trả lời trên báo chí , phải lao động bằng chết thì thôi . Cái vòng kim cô của Hội nhà văn xưa đang tan vỡ . Nhưng ngay danh xưng nhà văn đã cho ta vòng kim cô mới , lần này nó uyển chuyển , phóng khoáng , mềm mại , để cho ta tự ràng buộc lấy ta , không trói chặt như lốc xoáy , và kéo ta bay lên , để rồi cũng chính như lời nhà văn Nguyễn Xuân Khánh phát biểu tại cuộc hội thảo ở Đại Lải năm 2003 , rằng : Viết tiểu thuyết là với tay lên trời xanh !
     Sáng tác văn học bao giờ tới được trời xanh , hả trời ?