Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

BÀN VỀ SỰ MẤT DẤU THANH KHI GÕ CHỮ

Châu Diên
Thứ năm ngày 12 tháng 5 năm 2011 6:00 AM

Kính gửi nhị vị Trần Nhương và Nguyễn Xuân Diện

Tôi, hèn sĩ có một bút danh dễ bị bè bạn và người đời viết nhịu thành Trâu Điên, từ đó mà đương sự sinh ra có cái đầu óc ngôn ngữ học lấy cơ sở là sự nói nhịu và viết nhịu. Cơ sở đó giúp tôi đủ sức hiểu mấy chữ Nho nhị vị đang luận bàn, xin mạnh dạn lạm bàn về mấy chữ Nho trên trang Nhép của một cái Hội Nào Vậy (HNV). 
 
Xin được thưa theo từng luận điềm:
Độc đáo của tiếng Việt có hai điều và chỉ hai điều đủ làm nên Lịch sử oai hùng của tiếng Việt.
Độc đáo 1 là tiếng nói nước ta có 6 thành điệu.
Độc đáo 2 là tiếng nói nước ta có khả năng làm thơ lục bát.
Về thanh điệu, ta hơn hẳn toàn thế giới. Họ không thể nói như ta:
 Ông giẳng ông giăng
Thật vậy, không thể nói tiếng Pháp
 La luỷn la luyn
hoặc tiếng Anh
 Zơ mủn zơ mun
Đúng thế không ạ?

Về độc đáo vần lục bát, thời anh Chu Văn còn trung niên (nhớ lại, hình như đó là năm 1959 tại Hội nghị nhà văn trẻ đầu tiên) ông thách chúng tôi dịch câu này sang chữ Nho
 Chồng người buôn bán ngược xuôi
 Chồng em ngồi bếp để buồi ăn gio

Dĩ nhiên bọn chúng tôi thua, nhưng chúng tôi thách lại, và ông đã dịch hai câu ca dao Việt Nam sang chữ Nho như sau
 Nhân phu mãi mại tung hoành
 Muội phu tọa táo ngọc hành thực hôi.

Chúng tôi biết là anh đã ngụy biện, nhưng không sao bẻ được vì rành rành “nhân phu” chẳng là “chồng người” và “muội phu” chẳng là “chồng em” thì là cái gì? “Tọa táo” chẳng là “ngồi bếp” đó sao? Các bạn đọc lại hai câu thuần Việt và hai câu chữ Nho xem có chỉnh như nhau hay không?

Nay trở lại câu văn làm nền cho trang Nhép của Hội Nào Vậy, chư vị không tìm ra được nghĩa của mấy chữ Thiên triều và càng không thấy lời giải đáp vì sao – đó là vì sao vậy?

Xin mạo muội giải đáp:
Nguyên nhân thứ nhất, có lẽ vì chư vị không chú ý đến tính chất 6 thanh của tiếng Việt chúng ta. Chắc chắn, lỗi là do font chữ máy vi tính sai hoặc cậu đánh máy bỏ sót dấu thanh. Nay ta sẽ sửa lại câu văn bằng cách đoán chừng các thanh bị sót hoặc bị ghi nhầm. Nghĩ rằng, căn cứ theo thực tiễn cộng đồng, có lẽ chữ “thiên” phải là chữ “thiến” thì sẽ vô cùng hợp lý:
 Học thiến sinh thiến thời nghĩa là “học cái cung cách sống như kẻ bị thiến thì cũng tạo ra một thời đại bị thiến”. (Không phải Học thiên sinh thiên thời như cách giải đáp vội vã của các bậc bốn lần túc nho).
 
Nhưng liền có thắc mắc: ngộ nhỡ cũng vẫn là nhầm dấu, nhưng không phải chữ thiến mà là chữ thiền thì sao đây?
 Chính ở đây ta sẽ thấy phát huy tác dụng nét độc đáo thứ hai của tiếng Việt: khả năng làm thơ lục bát. Sẽ có cách nghiên cứu như sau: đố ai làm được hai câu lục bát bằng chữ Nho và phải có đủ các yếu tố Thiền và Thiến. 
 Toàn bộ kho tàng văn chương lục bát chữ Nho chỉ làm được hai câu lục bát Nhân phu mãi mại tung hoành như ở bên trên.

Đố ai làm được câu khác trừ phi làm bằng tiếng thuần Việt như sau:
Chồng người tích cực học THIỀN
Chồng em chịu THIẾN, chàng liền HỌC THIÊN  
Ai không tin xin mở trang oép của cái Hội Nào Vậy mà coi. 
Trâu Điên
Phạm Toàn ghi chép giùm