Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

CUỐN THEO DÒNG NƯỚC.

Bùi Đình Hiển
Thứ sáu ngày 13 tháng 5 năm 2011 2:39 PM

Ông Phương - tết này tuổi gần ngũ tuần - sắp tri thiên mệnh. Đang đêm, ông chậm chạp khêu to ngọn đèn dầu. Trong gian nhà mờ mờ hiện ra: chiếc tủ gỗ, trên nóc tủ có bát hương thờ gia tiên, nén nhang vừa cháy hết, bộ bàn ghế gỗ tạp kê giữa nhà, kiêm nhiều chức năng: bàn ăn, bàn nước, bàn viết…Góc nhà là giường ngủ buông màn. Vợ và con gái đang ngon giấc. Ông Phương đảo mắt quanh nhà, dừng lại nhìn xoáy vào đốm sáng ngọn đèn... Ngoài trời, màn đêm bao phủ, gió lùa qua khe cửa, ánh đèn chốc lại loé sáng hơn một chút. Và, ông ngồi bất động, mắt không rời điểm sáng ấy. Vào tuổi này, đêm ít ngủ, ông hay thức giấc khêu to ngọn đèn, không phải để châm đóm hút thuốc lào (ông bỏ thuốc lâu rồi). Ông ngồi một mình nhìn ngọn đèn phát ra
cái thứ ánh sáng lờ mờ đủ để thấy những gì quanh ông đang hiện hữu trong cái gian nhà nhỏ bé này.
Gần sáng rồi. Bọn chuột đi ăn đêm đã kéo nhau về, chí chóe trên mái nhà. Không mèo, chuột làm giặc.
Hai mươi năm đã trôi qua. Ông Phương nhớ lại…Sáng hôm ấy mưa như trút nước, lũ rừng đổ về. Qúa trưa, cánh đồng Chanh đã mênh mông nước. Vác chiếc vó ra bờ sông kiếm con cá. Nước cuồn cuộn, đỏ ngầu, cuốn từng mảng bèo trôi vèo vèo. Trước mắt Phương là một mảng bè nứa bồng bềnh bám đầy rong rêu. Hình như có người?. Phương quẳng vó bên bờ sông, nhảy xuống nước, nhoài bơi ra, đạp nước leo lên mảng bè. Một cô gái tóc rũ rượi, hai tay cấu chặt vào thân cây. May quá, mảng bè dạt vào chân cầu, khựng lại. Phương, một tay ôm ngang hông cô gái, tay kia gỡ cô khỏi thân cây. Anh lao lên bờ… Đặt cô gái trên nền đất, nới lỏng thắt lưng, nịt ngực. Mặt cô tái nhợt. Phương áp môi thổi ngạt, làm hô hấp nhân tạo. Nhanh, chuẩn xác, kiên trì,
lát sau cơ bắp, gân cốt cô gái khẽ nhúc nhích, làn da ấm dần, sắc mặt hồng dần, môi khẽ mấp máy. Cô gái từ từ mở mắt. Thấy người đàn ông lạ trước mặt, cô thu mình ngồi dậy, bối rối nhìn xung quanh. Cô xưng tên mình là Phong. “Làm sao bây giờ?”. Cả hai người đều ướt sũng nước, áo quần bó sát da thịt. Phương thật sự bối rối… “phải tìm thứ gì còn khô trong hốc cây, hẻm núi, chụm đốt”. Nghĩ vậy, Phương lao đi. Cô gái vấn tạm tóc lên đầu, túm từng tí vải dính trên thân mình cố vắt kiệt nước, nhanh tay giũ giũ cho mau khô. Lửa nhen lên, khói bay ấm khoảng không gian nhỏ bé nơi hẻm núi.
Cô gái theo Phương vào làng. Bà con hàng xóm chạy đến an ủi cô, giúp cô tấm áo thay tạm.
Sớm hôm sau, Phương đưa cô gái ngược sông suối tìm về nhà Phong. Mọi dấu tích của một thôn bản đều đã biến mất. Cơn mưa rừng trút xuống, ngọn nước ào ào thác đổ thành con lũ quét, cuốn đi tất cả. Một vài người sống sót như cô, cũng đang tìm kiếm. Họ nén từng cơn nấc, nuốt nước mắt vào trong. Họ đã gào khóc mấy ngày rồi. Phương im lặng theo từng bước chân cô gái. Tìm lời động viên cô ư? Biết nói gì khi cô gái vừa khóc gào vừa cào bới, xới tung mặt đất. Đất đá tung lên hoẵm sâu xuống thành hang thành hốc, xoáy vào tim gan con người. Mọi dấu vết của sự sống không còn, tất cả đã cuốn theo dòng nước. Phong gào khóc gọi cha gọi mẹ! Không một tiếng trả lời, chỉ có gió và những tiếng khóc của  người sống sót đào bới, tìm
kiếm. Phương phát hiện đôi bàn tay nhỏ bé của cô gái máu chảy thấm đỏ đất: “Máu. Tay em chảy máu rồi!” “Không. Mẹ em đâu?. Cha em đâu?. Giường cha mẹ em chỗ này đây. Mẹ ơi! Cha ơi! Con về tìm cha mẹ mà cha mẹ vội đi đâu?. Trời đất ơi là trời đất” Tiếng khóc gào của cô gái hòa cùng tiếng gào khóc của một người đàn ông bên cạnh: “Sao không bắt tôi chết cùng với cha mẹ, vợ con mà để tôi sống. Trời phạt tôi đây! Tôi biết làm sao bây giờ?”. Tiếng gào khóc vang tận trời xanh, người đàn ông hết hơi kiệt sức ngồi bệt xuống giữa tan hoang. Phương đỡ cô gái đứng lên, dìu cô đi trong hoang tàn.
Phong được đi học hết THCS, biết vì sao có cơ cảnh này. Do phá rừng, làm nương rẫy. Rừng hết cây cối cản nước. Khi mưa nước ào ào lao xuống thành thác cuốn đi tất cả.  Thiên nhiên trừng phạt con người. Nhưng không chặt củi, hạ cây, lấy gì đun nấu, lấy đất đâu làm nương trồng cây ngô cây lúa, lo cho cuộc sống được bữa sáng mất bữa tối. Cái vòng luẩn quẩn ấy lặp đi lặp lại ngày một nặng nề hơn, tai ác hơn.
Nghe lời Phương, vả lại còn biết đi đâu… Cô về xuôi cùng anh.
Phong được con gái dì của Phương đón về ở cho có bạn. Được hai ngày, ông chú rể xăm xăm sang nhà Phương “Mày dẫn con ma rừng về, đổ vấy sang nhà tao à?”. Ông vung tay, sặc sụa mùi rượu quát mắng thằng cháu. Bà Phương (gọi theo tên con) giảng giải một hồi “nghĩ để nó sang bên ấy có bạn cùng trang lứa cho vui, nhưng chú không đồng ý, lại sợ nọ sợ kia thì để tôi sang đón cháu về nhà tôi”
Gia đình ông bà Phương có thêm thành viên mới – năm ấy Phong tròn 17 tuổi. Có cô gái lạ trong nhà, những ngày đầu, kiếm cớ bận họp hành, khuya Phương mới về nhà. Sớm hôm sau, ăn sáng qua loa, lại đi họp!
Rồi một đêm, không sao ngủ được Phương thức giấc. Anh bật diêm, thắp ngọn đèn dầu ngồi nghe đêm nói thì thầm, nhìn ngọn đèn cháy le lói. Hình ảnh Phong nhợt nhạt, đường cong con gái cứ chập chờn trong ánh đèn khuya. Phương ngồi nhìn ngọn đèn và lắng nghe hơi thở đều đều của cô gái từ buồng trong vọng ra, bỗng giật mình gà đã gáy sáng. Ngọn đèn chập chờn và anh thức trọn đêm.
Khi Phong tròn 18, thấy Phong tốt nết, đẹp người và xem ra con trai cũng yêu quý cô em. Bố mẹ bàn với họ hàng làm lễ cưới cho hai đứa. Lần đầu tiên làng có đám cưới như vậy. Mấy cô gái làng nói: “Chị Phong sướng thất đấy. Rước dâu từ nhà mình về nhà mình”.
        Một cô gái miền ngược về làm dâu làng đồng chiêm trũng với bao điêu lạ lẫm, cô dần hòa nhập, và sông nước cũng cho nhiều cảm xúc. Những đêm bàng bạc trăng soi, ánh hoa lục bình lấp loáng, dăm ba cây nêu đèn treo mờ đục, thỉnh thoảng điểm vào đêm vài ba tiếng vạc mồi chát chúa. Xa xa kia trên dòng Hoàng Giang một giọng hò của anh chân sào vọng vào sườn núi khuấy động mây nước sông sâu. Và một lời ru, một câu lảy Kiều, một nhịp trống phách từ khoang đò dọc thẳm vào sông núi trời mây, đọng tâm can con người.
Bọn trẻ con ở cái tuổi ăn không biết no lo chưa tới, cứ vô tư tận hưởng đồng trắng nước trong. Chiều chiều, những cô bé “tuổi hoa” tụt hết áo quần giấu vào gốc si gốc gạo, ào xuống ao hồ nô đùa thỏa thích, bơi mỏi thì lên bờ đu rễ si, đánh võng rễ đa đón những bông hoa gạo như chùm lửa từ ngọn cây rơi xuống… Ngày xưa bà Đàm Thị ra sông tắm mang thai sinh Bộ Lĩnh. Ngày nay, những bà mẹ đồng chiêm quanh năm dãi gió dầm sương đánh vật với sông nước sinh ra những đứa trẻ, trong những đứa trẻ ấy có anh hùng, có tướng tá, có tiến sĩ, giáo sư.
Chao ôi! Sông nước mênh mang…
Trên là trời, dưới là cá. Từ đòng đong, cân cấn, thầu dầu, mài mại, rô cờ rô don đến trê, hẻn, chuối, chõn, trắm, mè, trôi, chép, rói, măng, bống, diếc, ba ba, ốc nhồi, ốc vặn, ốc biêu, ốc tre, ốc nứa, cua cái, cua rốc, cua cáy, cua rạm… Và, tép tôm nhiều hơn trấu. Tôm trứng, tôm càng, tép gạo, tép riu, tép vó, tép đơm… có nước là có cá, có nước là có cua ốc, có nước là có tôm tép.
Người đồng chiêm nghĩ ra trăm cách đánh bắt: chài, lưới, nơm, rập, riu,  dậm, nhậy, lờ, vẹ, đăng, đó, vó bè, vó tay, câu dây, câu vút. Và, đặc biệt hơn cả là cái “bơ lơ”. Cá chép, cá trắm ăn chìm chui đầu vào cái “bơ lơ” chết tiệt ấy không thể trở mình quay đầu bơi ra được, đành nằm chờ người vớt lên thuyền mang ra chợ.
Người đồng chiêm đánh bắt cá theo vụ. Vào vụ nước “mồng bốn cá đi ăn thề, mòng tám cá về cá vượt ngũ môn” dưới trời mưa vần vũ, sấm ùng uoàng, chớp loang loáng, người ta ào xuống sông nước. Người nơm, người rập, người vó, người đinh ba, mình trần quần cộc, hợp thành từng tốp, từng đoàn đánh bắt. Người được ít cũng dăm ba con, người nhiều thì vô kể, mang vác không xuể thì  từng xâu thả dưới ngòi rộc lôi về bến, gọi vợ khiêng về.
Những ngày trời yên biển lặng, đồng trắng nước trong, từng đoàn trẻ con, người lớn mình trần trùng trục vác dậm tràn xuống cánh đồng lưng bắp chân nước. Từng tốp một quây dậm thành hàng rồi vác bùng bục ra xa, dàn vòng cung khua ầm ầm dồn cá tôm về phía dậm. Họ xô về dậm của mình, nhanh như cắt dậm ai người ấy nhấc. Cánh đồng cứ sôi lên mỗi ngày như vậy.
Khi nắng tháng Sáu đổ lửa xuống, nước đồng khô cạn, chỉ còn những vũng nước và cây lát bát, cụm tóc tiên. Các cô bé nhà nghèo đội nón mê, đeo dỏ, liêu xiêu bước chân bì bỗm lội tìm từng con cua, con ốc trong vũng nước, gốc lát bát, tóc tiên kia. Đó đây trên những bờ ngòi, bờ rộc, mỗi quãng, mỗi quãng, một bé gái thả những vuông vó nhon bòn từng con tép. Hình bóng em in mãi vào đêm đồng chiêm đến tận bây giờ.
Tháng Bảy, tháng Tám nước rừng đổ về, đồng ruộng nước ngập đầu người. Đồng trắng nước trong, gió lặng, bèo trôi. Đó đây lẳng lặng chiếc thuyền câu bé tẻo teo của anh “câu quệt”, hay lẳng lơ thuyền vợ chồng nhà quăng chài thả lưới, hay ầm ĩ vợ chồng nhà thuyền chài gỗ lưới, gõ đăng. Và ông già râu tóc trắng như cước mà nước da hồng hào, quăng đốc sào lao thuyền về chặng vẹ, nhấc lên vài ba con chép to bự.
Hoàng hôn đổ xuống, khói lam chiều thơm lựng cá nướng, cá kho, canh cua, dấm ốc, tép rang, tôm luộc…
Nhưng, một xâu cá, một rổ tép tôm không mua nổi đấu gạo. Đói vẫn hoàn đói, rét vẫn hoàn rét!
Giữa một vùng, nước lũ lưng ngọn tre, từ đường làng vào cổng ngõ rồi từ ngõ cổng vào sân lên nhà bao nhiêu là bậc “tam cấp” - nền nhà nào cũng phải tôn cao. Các bác “thợ đấu” đảm nhiệm. Một mình một thuyền một mai. Nước qúa ngực, đào từng thép mai, chân hất tay vất đất lên thuyền. Chiếc thuyền nan đầy mép cạp, bác thợ đấu độc chiếc khố, như tượng đồng đen đẩy sào lao thuyền vào tận rộc, bắc ván lao đất lên bờ. Cứ thế, cứ thế để có cái nền nhà cao tránh lụt . Nền thì cao mà nhà thì thấp, âu là chống bão đồng chiêm thường vượt cấp 12. Người làng này sống chung với lũ lụt, bão tố.
Nhà miền đồng chiêm chỉ một gian hai chái, lớn hơn là 3 gian hai chái, lớn hơn nữa 5 gian vẫn thêm hai chái. Mỗi chái là một buồng. Trong buồng kiêm nhiều chức năng: kê giường ngủ, buộc mắc áo, đặt bồ thóc, hũ giống.
Gian giữa là không gian trang trọng của mỗi gia đình. Nhà khá giả lập bàn thờ đủ đại tự hoành phi câu đối. Nhà nghèo cũng có bát hương gia tiên. Trước bàn thờ xưa kê sập gụ, bộ tràng kỷ, nay là bộ xa lông.
Hiên nới rộng làm nơi kê chõng tre ăn cơm uống nước, hàng xóm sang chơi chuyện trò bù khú mỗi tối trăng lên.
Xưa, mỗi xóm chỉ dăm mười nhà có nhà ngói, sân gạch, cổng xây, còn toàn là nhà tranh vách đất.
Dựng được gian nhà ở là 1 trong 3 việc lớn đời người (tậu trâu, lấy vợ, làm nhà). Chỉ cần nghe là cả họ, cả chòm xóm, có khi cả làng “đi giúp nhà”. Gíup một, hai buổi. Chỉ bát nước chè xanh, miếng trầu, không cơm mặn, không tiền công. Nếp sống cộng đồng ấy, nhà nghèo cũng có gian nhà ở. Thương người như thể thương thân. Bao nhiêu năm qua rồi, còn nguyên hình ảnh đêm đêm ngon giấc ngủ, nhà không cần khóa, cổng không cần đóng. Nghèo mà không trộm cắp.
Mùa khô, nước rút đi  phủ lớp phù sa trên đồng ruộng. Cây cỏ như được bón thúc mọc xanh bờ, xanh rãnh, xanh bãi hoang. Rau má, rau diệu, tầu bay, chòm bóp, dền gai, rau tạy, rau khúc, khoai nước, khoai ngứa, củ  ấu, củ chóc, tóc tiên. Gặp năm đói kém chả kể “rau dại rau khôn” đến như cây nghể - trâu bò không đụng mõm, năm 45 cũng cứu được khối người khỏi chết đói. Các cụ bảo” “Cây dại cứu người khôn” là vậy.
Làng của Phương đất chật người đông. Họ sống hòa thuận, nghèo khổ như nhau nên họ thương nhau lắm. Ngoài làm ruộng, làm các nghề phụ để kiếm sống. Ai có nghề mộc, nghề xây đi làm thuê ăn cơm thiên hạ. Ai không nghề thì cày thuê cuốc mướn. Nhiều người rủ nhau đi gánh thuê hàng sang Lào. Phụ nữ, năm một vụ cấy gặt. Lúc nông nhàn quay sợi dệt vải, nuôi tằm dệt lụa. Họ bám vào bãi phù sa sông Hoàng trồng bông, trồng dâu. Nghề phụ chăn tằm dệt vải khá phát triển. Công nghệ dệt vải từ A đến Z . Trồng bông, cung bông, xe cúi, kéo sợi, guồng thành lọn, hồ cơm đập vò trong mâm bún, phơi khô, đánh ống, vào go, nhể bìa, mắc cửi, đánh suối tra thoi, dệt thành tấm. Mỗi tấm vải khổ hẹp thường là 42 vuông phải dệt nhanh là 3 ngày. Dệt nái cũng
bắt đầu từ ươm kén, chăn tằm, rút sợi, quay xa, vào go, mắc cửi, dệt thành tấm. Làm tơ tằm thì vất vả hơn “Làm ruộng ăn cơm nằm, nuôi tằm ăn cơm đứng”. Người phụ nữ ngồi vào khung cửi tay lao thoi, dập văng theo nhịp chân đạp, đôi mắt tinh nhanh phát hiện sợi dọc đứt phải nối ngay.Vải và nái của làng còn là sản phẩm thô, khổ hẹp. Phần lớn tự cung tự cấp. Vải vuông qua khâu nhuộm nâu để may áo quần.Vải để may váy thâm phụ nữ cũng nhuộm nâu sau đó căng ra nắng trát lên mặt vải lớp bùn ao, phơi khô, giặt kĩ và giữ mầu bằng nước lá trầu không, lá phèn đen hoặc lá bàng. Nái là sản phẩm hiếm chỉ nhà giầu dùng may váy, may yếm, bao thắt lưng cho các bà; may áo cho các ông có chức sắc. Nhiều gia đình sống bằng nghề dệt thủ công.
Con gái không chân lấm tay bùn, nên da trắng như trứng gà bóc. Cô nào cũng xinh đẹp. Các cô thi nhau từng công đoạn. Các gia đình có con trai theo đó mà chọn con dâu.
Phong về làm dâu làng, nghe người già kể chuyện làng như nghe cổ tích vậy.
Ông Phương trúng đảng uỷ viên, được bầu làm Phó Chủ tịch xã. Công việc bận rộn suốt ngày, vợ mới sinh, nhà càng thêm bấn. Năm trước, Phong bị nước lũ cuốn đi, được Phương rước về nên vợ chồng. Âu là duyên trời định. Người làng này có lệ vợ ở cữ thì mẹ vợ, em vợ đến giúp. Phong không có bố mẹ, không có chị em, may có sức khỏe, mọi việc tự lo liệu. Khi con chập chững biết đi, Phong bàn với chồng:
-    Chỉ trông vào công điểm hợp tác thì nhà mình chẳng thể giầu lên được…
-    Anh hiểu em muốn nói gì rồi. Nhưng mọi người đều như vậy.
-    Cứ đà này xã viên bỏ ruộng đi buôn hết. Anh nghĩ có cách gì…
-    Còn có cách gì. Mình đang xây dựng xã hội sống theo chủ nghĩa tập thể. Phải làm theo nghị quyết tập thể. Trên bảo vậy, mình phải theo.
-    Hay là như thế này. Anh nghe xem có được không.
Phương ngồi nghe vợ nói: “Hồi nhỏ em đã biết kéo sợi dệt vải. Mẹ dạy em mà. Cả bản biết dệt may. Em liên hệ với trên xin mở một tổ kéo sợi xe len, làm gia công để  tăng thu nhập”. Hai vợ chồng bàn đi tính lại. Phương đưa vấn đề đảng uỷ thảo luận, ra nghị quyết. Phong đứng ra lập tổ kéo len. Cứ 1 cân sợi được trả công 4 cân gạo. Thu nhập gấp cả chục lần ngày công làm điểm. Nhà nào cũng khá lên, mua sắm được nhiều vật dụng gia đình. Ai cũng gọi Phong là bà Giám đốc. Bà Giám đốc lo công ăn việc làm cho xã viên. Tính tình bà cởi mở, công xá thanh toán minh bạch, sằng phẳng, bà con càng thêm yêu quý. Đùng một cái hợp đồng bị cắt, nghe đâu do Liên Xô tan rã. Xã viên ngao ngán.
Phương đã đảm nhận cương vị Chủ tịch xã. Anh tâm sự cùng vợ “nếu chỉ làm thuê, chẳng chủ động được công việc”. Tưởng chồng kháy mình, Phong bảo “Giỏi anh làm ông chủ xem sao”. “Thì anh đang là Chủ tịch. Không cha chung nữa. Anh sẽ giao ruộng cho các hộ, thu hoạch bao nhiêu ăn bấy nhiêu sau khi làm nghĩa vụ nộp sản cho Nhà nước”.  Phong đọc báo, thấy người ta phê “khoán sản” dữ lắm, “Làm vậy là phục hồi tư hữu, đi theo con đường tư bản”. “Kể cũng khó, nhưng có nơi xé rào rồi. Cứ nhắm mắt theo mấy ông giáo điều, dân mình chết đói là chắc. Phải xé rào em ạ”. Anh mang chuyện này bàn trong lãnh đạo xã, được dân ủng hộ. Ai cũng phấn khởi, hồ hởi nhận ruộng khoán. Vụ mùa năm ấy, xã này không một ai bỏ ruộng đi buôn. Cót
thóc nhà nào cũng đầy có ngọn.
Đùng một cái, Chủ tịch Phương bị mời lên huyện làm kiểm điểm. Anh ngồi trước trang giấy, không biết mình mắc khuyết điểm gì. Chẳng lẽ được mùa, thu nhập của dân tăng lên là có tội. Đảng lãnh đạo mà để dân đói thì lãnh đạo cái gì? Mang thực tế cuộc sống nơi đồng ruộng tranh luận với mấy ông bàn giấy giáo điều, quan liêu ư? Mắc thêm tội không thành khẩn trước đảng. Phương moi óc viết ra tất cả những gì người ta đã dạy trong các đợt chỉnh huấn.
Rồi hết đoàn huyện uỷ về, lại đoàn tuyên huấn tỉnh về. Họp thâu đêm. Ông trưởng ban tuyên huấn tuyên bố hùng hồn rằng: “Chúng ta phải làm theo nghị quyết của đảng. Đảng bảo phải tổ chức cho nông dân làm ăn tập thể. Vì đảng là trí tuệ, là bó đuốc soi đường. Đảng không thể mắc sai lầm. Nếu khoán đến hộ tức là thực hiện chế độ tư hữu, là chống đảng…cần ngăn chặn ngay tư tưởng đi theo con đường tư bản chủ nghĩa”. Sau hai ngày có những lời phê phán ngây ngô ấy Phương bị cách chức Chủ tịch và cảnh cáo về đảng.
Cầm hai Quyết định trong tay, Phương cất vào ngăn tủ. Thấy chồng buồn lắm mà không biết động viên anh thế nào. Mấy bà, mấy ông hàng xóm thì bảo “người vì dân như anh Phương mà Đảng kỉ luật thì chẳng còn hiểu ai mới là tốt?”. Ông chú rể lại mượn rượu nói “con ma rừng hại chồng nó đấy”. Mặc ông ta nói , người làng này chỉ cười vào mũi ông già thời buổi này còn mê tín cuồng si vậy sao?
Nghe bố mẹ thì thầm nói chuyện, cô con gái mười tuổi xin phát biểu. “Bố bị khai trừ hả bố?” “Không phải là khai trừ, chỉ cảnh cáo thôi”. Lo gì, nhà mình đủ 3 người thành chi bộ. Con bầu mẹ là bí thư”. “Suỵt! Không được nói chính trị” . Không ngờ cô con gái mứt mắt, trả lời: “Bố không cho con nói tức là mất dân chủ đấy nhá”.
Ông Phương, đêm đêm ngồi nhìn ngọn đèn lúc mờ lúc tỏ. Con gái ông giờ đã là cô sinh viên Đại học. Ông tin, con ông, lớp trí thức mới sẽ làm được nhiều việc hơn thế hệ ông. Trước hết nó không bị ảo ảnh của hào quang chiến thắng làm con người trở nên kiêu ngạo, luôn cho mình là nhất. Mù quáng khác nào vị Hoàng đế không nhận ra mình trần truồng trước bàn dân thiên hạ.

Bà Phong đi Hà Nội tiếp tế cho con, cũng là một lần được biết Thủ đô.
Hà Nội gì mà nóng như thiêu như đốt. Khác nào một chảo lửa giữa bốn bề bê tông cốt thép. Lại mất điện nữa chứ. Nóng bức càng thêm bức bối. Bức bối vì khu nhà trọ sinh viên luôn được ưu tiên mất điện. Khu bên cạnh còn le lói, nơi đây đã tối om như mực!
         
Hà Nội mất điện, người thành phố tụt xuống đất, nhoi ra cửa, túm tụm dưới các gốc cây, tìm tí bóng râm gió mát.
Mấy gã đàn ông, gã nào cũng trán hói, bụng to, mồ hôi chảy nhẫy như đang rán mỡ, tay cầm cái quạt, quạt lấy quạt để. Lại mấy ả, cũng hai tay hai quạt: phe cái này, phảy cái kia, rồi cả hai tay cùng quạt lấy quạt để.
Đàn ông quạt, đàn bà quạt tạo thành cơn cuồng phong ập đến làm cho mọi cái áo hai dây tốc hết mức, ngực chảy xuống rốn. Tất cả trần như nhộng Chả còn tí văn minh thanh lịch  Tràng An nào…
Khái niệm về điện sẽ biến mất trong mọi tự điển ư?. Các ông, bà giầu có sẽ phải rời phòng máy điều hòa nhiệt độ, cầm cái quạt nan phe phảy như mọi người. Không còn khí thải làm thủng tầng Ôzôn, thay đổi khí hậu. Trái đất nóng lên, băng tan nước dâng ngập tràn làng xã phố phường. Trời ơi! Không điện khủng khiếp quá.
        Không điện, con người vẫn phải ăn để sống, để thưởng thức ẩm thực do thiên nhiên ban và bàn tay họ làm ra. Nghe nói đầu phố có hàng ăn ngon, chị Phong bảo con dẫn đến nếm thử. Hai mẹ con vừa ăn vừa chuyện. Bỗng chị nhìn vào gương lớn treo trên tường bóng người đàn bà gầy còm đến tiều tuy, hình như cụ Tuất. Còn hình như gì nữa đúng cụ Tuất xã mình. Cụ đi ở với con cơ mà. Sao lại ngồi kia. Chốc lại đến bàn ăn khách vừa đứng dậy trút hết thức ăn thừa mỗi thứ vào một túi. Chị Phong nghĩ chắc nhà con gần đâu đây, cụ thu đồ ăn thừa về nuôi lợn, hoặc nuôi chó. Nhưng không. Khi cửa hàng vãn khách, cụ Tuất ra gốc cây ngồi xuống cái rễ trồi lên, mở túi đồ thừa và bắt đầu ăn. Trời ơi! Phong thốt lên, nói với con gái:
“Vậy mà mẹ tưởng cụ đi ở với con sung sướng lắm”.
Mẹ con chị, chờ cụ ăn xong mới lại gần.
-  Chào cụ! Cụ không nhận ra cháu?
-    Có! Bà là vợ ông Chủ tịch xã. Tôi tưởng không ai nhận ra bà già tội nghiệp này,  cố ý tránh, bà bỏ quá cho.
-    Cơ sự nào đến nông nỗi này chứ. Mời cụ vào trong nhà hàng còn nhiều chỗ trống ngồi uống nước nói chuyện.
-    Bà ơi, cơ sự à? Ông nhà tôi chết sớm để lại cho tôi ba đứa con…
Cụ Tuất đón cốc nước từ tay bé Lan, uống cạn rồi kể, chốc chốc lại kéo vạt áo lau nước mắt: “Ông nhà tôi mất đi, để lại cho tôi ba mụn con. Thằng lớn lấy vợ, ra thành phố buôn bán, con gái thứ đi lấy chồng làng bên, tôi ở cùng vợ chồng thằng út làm ruộng ở quê như bà và cháu thấy đấy. Được hai năm, vợ nó bảo Bà ở với chúng con sao tiện. Vợ chồng bác cả nhà cửa đề huề. Con cả phải nuôi mẹ già chứ. Thế rồi, chồng nó thuê xe đưa trả tôi cho anh cả. Ở với vợ chồng thằng cả chưa đầy năm, chúng nó nói cha chết đi để lại cơ ngơi nhà quê cho mẹ và vợ chồng chú ba. Có nhà mà mẹ không ở, làng nước người ta cười cho. Già này nghĩ hai thằng con trai đều đuổi mẹ, thôi thì đi ở với con gái. Là con gái, chắc nó thương mẹ
hơn. Không ngờ chỉ được ba bảy hai mốt ngày ông con rể nói bà có hai con trai, nhà cửa đàng hoàng không ở, lại đi ở với con gái e ngược đời quá. Bà đến chơi dăm bữa nửa tháng chứ ở lâu dài thì không được đâu, trước hết họ hàng chê trách con trai bà, sau là cười bà đấy…”
Cụ Tuất nói liền một hơi và chỉ dừng khi cổ họng mắc nghẹn, cố nuốt nước mắt vào trong, nói tiếp: “Bà và cháu thấy đấy, cả ba đứa con đùn đẩy mẹ cho nhau, đứa nào cũng có lý. Chúng nó cho là phải, là đúng. Nhưng tất cả là do tôi. Tôi chỉ biết đẻ, biết nuôi chúng có lông có cánh mà không biết dạy để chúng thành người. Chúng không thương mẹ đẻ thì còn thương ai. Tôi đành đi ăn mày thiên hạ. Ăn đồ thừa thế này nhục lắm?”
Cuộc gặp bất ngờ này gieo vào lòng mẹ con Phong bao nỗi niềm. Hôm sau  Phong tìm đến nơi tá túc của cụ. Đó là cái lều bỏ hoang của một tiểu thương nghỉ chợ. Chỗ người nghèo với nhau, thương cảm một bà già nhà quê cơ nhỡ, con cái bỏ rơi, bà tiểu thương kéo cụ Tuất về ở tạm. Nhìn nơi ở của một cụ già không khác cái ổ chó, Phong không đành lòng. Lúc khỏe đi xin có miếng ăn, còn lúc ốm trông vào đâu? Xã hội mình kẻ ăn không hết, người lần không ra sao? Mẹ con Phong xin bà tiểu thương đưa cụ Tuất về quê.
Phong hồi tưởng, từ ngày bị cuốn theo dòng nước được Phương cứu vớt về làm vợ anh đã hai chục năm có lẻ. Xã hội bao nhiêu cơn lũ quét, cuốn theo bao số phận, kể cả hàng triệu mạng sống con người. Đưa cụ Tuất về lại quê, để các con cháu ấm lại tình mẫu tử. Phân tích cho những đứa con lỡ hất mẹ mang nặng đẻ đau ra đường ra chợ vậy là bất hiếu là tội lỗi?. Phong tin rằng trong mỗi con người phần tốt vẫn chiếm trọn trái tim. Cứu một người phúc đẳng hà sa.

Đến lượt ông Phương đi Hà Nội tiếp tế cho con. Từ nhà trọ của con, ông bách bộ ra công viên hưởng không khí trong lành. Trên một ghế đá dưới tán cây là một cụ ông và một cụ bà. Họ ngồi sát nhau, dở rộng tờ báo, cụ ông đọc cụ bà cùng nghe. Cuộc sống thanh bình quá! Ông Phương tìm một chỗ ghế trống thả mình vào không gian thanh bình ấy. Nhìn ngắm công viên, hưởng làn gió mát. Ở ghế đá kia. đứa con gái hở cả mông ngồi trong lòng ôm ghì thằng con trai. Ông Phương nhắm mắt lại thì nghe tiếng đàn bà: “Hai đứa ranh này, đây không phải là buồng ngủ nhá, xéo về nhà mà hôn nhau. Ông Phương quay lại nhìn rõ phù hiệu trường PTTH trên áo hai học sinh. Có lẽ, chúng cũng có lòng tự trọng, đứng dậy hòa vào đám đông trong công viên. Và, lạ quá sao con
gái bây giờ mặc quần đùi chạy nhông trên phố dạo khắp công viên, phơi rốn trên ghế đá lắm thế nhỉ? Ở chốn linh thiêng, đền chùa chúng cũng quần đùi áo hai giây thắp hương vái lạy. Người đàn bà, gánh hàng trên vai, bán thập cẩm mặt hàng phục vụ tại chỗ khách công viên. Bà ngang qua các ghế đá mời chào đon đả. Bà quảy gánh hàng khuất xa dần, mụm áo vá của bà còn đọng mãi trong mắt ông Phương. Trước mắt ông là cây, là hoa, là cảnh vật muôn hình vạn trạng.
Ra công viên thấy hai cực giầu nghèo của xã hội đang song hành đối chọi nhau chan chát. Cũng như ở nhà quê, ra chợ để thấy mức sống của người dân.
Ngồi lâu nơi lộng gió, ông Phương thấy đau đầu, vội gọi xe ôm đưa về nhà trọ của con gái. Ông bị cảm rồi. Cái Lan gọi xe cấp cứu đưa bố đến bệnh viện.
Bệnh viện đông nghịt người không khác chợ quê là mấy. Mỗi bệnh nhân cõng thêm một hai người nhà.- ngồi, đứng, đi lại xoay quanh người bệnh. Họ ăn tại chỗ, uống tại chỗ, ngủ vạ vật bên giường bệnh. Thấy đông bệnh nhân quá, cái Lan kèm vào sổ xếp hàng tờ năm mươi nghìn đồng, chỉ một phút sau được phát số. Thập thò phòng khám đã thấy một chồng sổ, cái Lan lại kẹp tờ năm mươi trong sổ, bà Bác sĩ có cái mũi to và đỏ liếc mắt, rút tiền bỏ vào túi áo blu, mồm gọi: “Ai là Phương”. Sau một hồi hỏi, bà bảo phải làm xét nghiệm. “Nhưng sáng ông đã ăn, đã uống gì chưa? “Dạ chưa!”. Bà bác sĩ ngoáy những dòng mà dân quen gọi là chữ bác sĩ. Cái Lan đón những tờ giấy ấy như đón một đề thi vấn đáp, nó dẫn bố nó đi, mỗi tờ
đề thi ấy lại kèm tờ năm mươi. Qua các phòng sát hạch đã gần trưa, nó kéo bố chạy thật nhanh về phòng bác sĩ khám. May bác sĩ có cái mũi to đỏ chưa nghỉ ăn trưa. Thấy cha con ông bệnh nhân đến, bác sĩ hất hàm: “đưa các phiếu đây” rồi cầm các tờ giấy lướt qua một lượt, “Chờ đấy, lấy đơn thuốc”. Lấy được đơn thuốc, cái Lan dặn bố ngồi chờ trên ghế đợi nó chạy đi mua thuốc. Xem tờ hóa đơn tính tiền, mồ hôi nó tóa ra như tắm, móc hết túi vẫn thiếu. Nó với tay gọi bố đến “Bố còn tiền không? Những năm trăm nghìn cơ. Ông Phương lấy tờ năm trăm đưa trả tiền thuốc. Đêm ấy ông nằm ghép với một bệnh nhân nghe đâu cũng mới nhập viện hôm qua. Cái Lan thức đến khuya nói chuyện với bố “ngày mới nhập làm dân tạm trú Hà
Nội, con lớ ngớ nhà quê lắm. Giờ thì khôn rồi bố ạ. Đi khám bệnh phải lót tay, không thì đứng đợi rần chân… Ông Phương thở dài, nào ông có muốn con gái khôn như vậy đâu. Bên kia là cậu thanh niên đang gà gật ngủ dưới đuôi giường bên cạnh bố của mình.Hai, ba bệnh nhân ghép chung một giường bệnh. Hôm rồi, chính ông Bộ trưởng nói một câu rất chi là thực tế: Tôi hứa chấm dứt ghép nhiều bệnh nhân một giường chỉ là câu chuyện truyền miệng, tầm phào thôi.
Ông Phương vừa chợp mắt, nghe đâu đây cố tiếng nói, nghe kĩ, là tiếng Cái Giường.
“Ngày xưa…Cái Giường tôi sung sướng lắm. Tôi được Nhà thương kê vào phòng bệnh, khoác lên mình tấm ga trắng mịn, có gối chiếc êm mềm và mùng màn trắng tinh. Lúc nào tôi cũng như công chúa được chăm nom chu đáo. Sáng chiều hai lần được lau chùi, xức nước thơm pha thuốc sát khuẩn. Có chăng chỉ thua kém Long sàng của Vua. Tôi có làm sao liền bị thay ngay
“Thường xuyên tôi được tiếp xúc với rất nhiều tầng lớp, mọi hạng người.
“Ông Cán bộ đặt vào đầu tôi những tập Báo cáo dày cộp.
“Các cụ hưu, lắm bệnh mãn tính. Chẳng bị thời gian thúc ép, nhiều cụ đi chữa bệnh như đi an dưỡng. Tối, thích ti vi thì lên hội trường. Thích chuyện phiếm thì tụ tập vào một phòng, ngồi nặng trĩu Cái Giường tôi. Các cụ than phiền nghìn lẻ việc đời. Thông tin vỉa hè cũng nhanh nhậy. Tôi nghe có cụ khen Sếp nọ Sếp kia có bài viết đăng báo hay lắm. Phân tích thấu đáo, rồi phải làm thế nọ thế kia. Trúng ý dân quá. Một cụ khác góp chuyện: Hồi đương chức chả thấy ông ta nói, cũng không thấy ông ta bàn. Tôi nói các cụ bỏ quá… Ông to cũng không tránh khỏi thói đời sợ mất chức, mất quyền, mất lợi. Nói rồi ông này lên giường bắt chân chữ ngũ rung đùi ngâm Kiều. Hình như thấy hơi quá lời, ông nghển cổ nói tiếp: Dẫu sao muộn hơn không.
Cũng có thể về hưu, có thời gian nghiền ngẫm, nhớ lại những chuyện mình đã vội vàng quyết sai, kí sai thấy hối. Nói ra cho tinh thần nhẹ vơi. Không thì chết không yên. Sám hối dần đi là vừa.. Tôi thích cái ông cũng nguyên to lắm, nói rằng còn nguyên gì nữa, hưu rồi là dân thường rồi, ai chả như ai. Ông ta còn nói về làm dân sống cùng dân mới hiểu được dân mình tốt, thông minh có nhiều ý kiến hay. Người lãnh đạo trước hết phải gần dân, học dân sẽ đưa ra quyết sách đúng đắn. Thế đấy. Tôi thích cái ông này lắm.
Cái Giường nghỉ một lát, kể tiếp:
“Tuần trước, người ta mang đến một người đàn ông bất tỉnh nhân sự. Từ đầu xuống chân băng trắng thấm đầy máu đỏ. Anh ta nằm đây. Y tá thay bông băng. Tiêm thuốc giảm đau, thuốc phòng uốn ván. Bác sĩ chỉ định phải truyền dịch. Anh ta tỉnh dần, bắt đầu trò chuyện. Thì ra anh ta đi xe máy bị tai nạn giao thông. Nghe nói bị tai nạn khi tham gia giao thông đúng luật mới được bảo hiểm. Để giảm thiểu tai nạn giao thông thì người thấp bé nhẹ cân không được đi xe máy ?.
Ngày ngày vợ anh ta nghỉ chợ phiên vào Bệnh viện nuôi chồng
          - Thưa. Dạ thưa Bác sĩ. Đơn thuốc này bao nhiêu tiền ạ?
          - Tôi làm sao biết. Chị cứ ra cửa hàng số 1001 phố Cat Co. Ở đấy mới đủ thuốc.
“Chị ta đi một hồi. Đến phố Cat Co đúng hiệu thuốc Tân dược tư nhân do vợ người bác sĩ này đứng tên. Chị bỏ ra 999 nghìn đồng, mang về một bịch thuốc, trình bác sĩ. Bác sĩ bảo đưa y tá hướng dẫn. Gặp được y tá, chị mừng ra mặt, nói: “Trăm sự nhờ em hàng ngày “tiêm không đau” cho chồng chị, hết bao nhiêu chị không dám bớt”. “Bác cứ hỏi kín mấy người trước ấy.– Cô Y tá ngúng ngoẳng trả lời, rồi lảng đi. Có hàng trăm lẻ một phép Bác sĩ, Y tá bòn tiền trên thân xác người bệnh.
“Nhà giầu, lắm tiền, sang XanhGaPo chữa bệnh, chí ít cũng vào bệnh viện Pháp kề bên bệnh viện Bạch mai mà xưa gọi là Nhà thương Tế bần.”

Chơi Hà Nội thế cũng đủ, trước khi về quê ông Phương ra công viên tạm biệt nó, tạm biệt những con người đủ hạng trôi dạt qua đây.
Ông Phương vừa ngồi xuống cái ghế đá hôm trước thì một ông thong thả bước đến: “Tôi ngồi cùng ông. Được không ?”. “Vâng. Ông ngồi đây cho vui”. Hai người làm quen. Chốc đã trở nên thân thiết. Chuyện thời tiết đỏng đảnh. Chuyện Hà Nội tắc đường chuyển sang chuyện thời cuộc lúc nào không biết. Ông khách nói:
-    Thế hệ mình làm được nhiều, nhưng cũng hỏng không ít việc.  Đánh giặc tuyệt vời, cả thế giới khâm phục. Nhưng tham nhũng đã thành căn bệnh trầm kha chưa có thuốc trị
-    Những chuyện tham nhũng như ông kể, trên có biết không? - Ông Phương hỏi.
-      Biết rõ là đằng khác. “Nhưng nếu kỉ luật hết thì bầu không kịp, lấy ai làm việc!”. Chưa bao giờ như hôm nay, trên đất nước ta, tham nhũng lại hoành hành ngang nhiên, kinh hãi đến thế. Vụ tham nhũng mới nhất là tập đoàn Vinashin – đã cướp đi của nhân dân số tiền khổng lồ hơn 80.000 tỷ đồng. Đã có bao nhiêu tập đoàn Quốc doanh cướp tiền của nhân dân trong quá khứ, trong hiện tại chưa bị phát hiện? Theo kiểm toán nhà nước, một năm các tập đoàn kinh tế – đã làm thất thoát 10 tỷ đô la. Quan tham nhìn từ xã trở lên ai ai cũng giàu có hơn dân thường hàng trăm, hàng nghìn, hàng vạn, hàng triệu, hàng tỉ lần là sao? Chung quy lại, có phải là do vừa đá bóng vừa thổi còi, vừa tham nhũng vừa chống tham nhũng? Xin hỏi: tay phải tham nhũng, liệu tay
này có dám cầm dao chặt  tay kia của mình  không?
-    Cũng khó. - ông Phương nói chen vào. Ông bảo chỉ có kẻ có chức quyền mới tham nhũng thôi ư? Không đâu. Văn hóa tham nhũng là căn bệnh xã hội. Muốn được việc cho mình thì mình phải lót tay, phải bôi trơn, phải phong bì. Đấy văn hóa tham nhũng mà ông, tôi và dân ta đã ngầm công nhận., Chống tham nhũng khó là vì vậy. Tham nhũng thành quốc nạn rồi.
        Ông khách như không nghe ông Phương mà vẫn thao thao nói:
        - Hiện nay, đất đai là khâu đẻ ra tham nhũng nhiều nhất phải không?  Nhà nước có quyền thu hồi đất. “Giá đất để tính bồi thường là giá đất theo mục đích đang sử dụng… không bồi thường theo giá đất sẽ được chuyển mục đích sử dụng.”  Rõ ràng là quan chức thấy món lợi kếch sù do thu hồi đất, họ chạy đua dự án. Dự án nở rộ như nấm sau mưa. Phần thua thiệt dồn lên đầu nông dân. Đồng tiền bé tí được đền bù dĩ nhiên không thể giúp nông dân cải thiện cuộc sống. Mất ruộng, họ phải tự xoay trong vòng xoáy thị trường mà họ luôn là người thua thiệt, ít được bảo vệ. Thanh niên trẻ có thể học một cái nghề để làm công nhân. Ở nông thôn đa phần là người nhiều tuổi, có nghề ngỗng gì đâu. Ăn hết tiền đền bù,
nhiều người tìm lên thành phố. bán hàng rong, làm cửu vạn, vào nhà hàng, quán ba rồi bị “tha hóa”. Ông muốn nói vậy, phải không?.
-    Đúng là vậy, có cầu là có cung. Trưởng giả thừa tiền cần làm sang, cần giải trí đã có các chân dài được họ đào tạo từ nhà hàng, gọi là có ngay. Các quan tham đang bần cùng họ, truỵ lạc họ, dưới những khẩu hiệu rất mĩ miều.  Đạo đức xã hội tha hóa … Một ông Chủ tịch tỉnh và rất nhiều quan chức chơi gái vị thành niên. Một sinh viên đã ra tay giết và cướp của chính người yêu cũ của mình. Lối sống vô đạo đức, hành vi vô luân, con người ứng xử với con người man rợ… Cứ đà này,đất nước sễ đi về đâu?
-    Ông quá lo xa. Tình hình không đến mức đen như vậy. Tôi có thể kể hàng ngàn hàng vạn gương sáng, ta cùng nghe.
          Ông khách vẫn thao thao như đang đọc báo:
          - Nền giáo dục hôm nay là một nền giáo dục thiếu trung thực, đồng nghĩa với dối trá, bệnh thành tích, nạn mua bán bằng, bán đề thi, mua quan bán tước đang là đại họa của nền giáo dục. Cán bộ có chức có quyền đua nhau làm thạc sĩ, tiến sĩ… lấy bằng thật nhưng học giả. Việc chính trị hóa môn văn, môn lịch sử, môn triết học đã tạo cơ sở cho sự dối trá lan tràn.
        Ông Phương chen ngang, phản bác thẳng thừng:
          - Ông chỉ thấy khoảng đen, không thấy khoảng sáng. Mà khoảng sáng là cơ bản là chủ đạo của xã hội ta. Giáo dục có vấn đề, nhưng thành tựu là rất lớn.  Toàn dân biết chữ, đó là cái nền của tri thức.Trình độ dân trí Việt Nam không thấp đâu, huy hoàng đỉnh cao Ngô Bảo Châu mấy nước có được?. Kinh tế ta chưa giầu, nhưng đã thoát nghèo, dân không đói rách. Nông dân chúng tôi rất thực lòng, có sao nói vậy. Đời sống hiện nay sướng gấp trăm lần khi xưa. Được no ấm rồi, mỗi khi nghĩ lại thấy thương cha mẹ mình, ông bà mình cơm độn rau má cám đồ khoai sắn qua ngày. Bây giờ không còn cảnh ấy. Nhờ cách mạng, nhờ đổi mới, nhờ hội nhập phải không ông?
-    Tôi không phủ nhận – ông khách sôi nổi hơn – Nhưng hãy nhìn sang mấy nước bên cạnh. Cùng xuất phát điểm, có khi kém hơn, giờ họ đều vượt ta.
-    Có thể kinh tế họ khá, nhưng vấn đề xã hội của họ cũng lắm chuyện, chắc ông rõ hơn tôi. Nhưng mà ông này… ngồi “phê” thì dễ, còn “phán” thì không dễ. Ông thử mách nước xem sao, để khắc phục những khuyết điểm sai lầm như ông nói thì trên phải làm gì, dưới phải làm gì, làm như thế nào. Nếu kế sách của ông hay, tôi tin rằng trên sẽ lắng nghe, dưới cũng đồng tình. Các cụ ta có câu: “nói phải củ cải cũng nghe”. Biết đâu ông sẽ thành quân sư Gia Cát Lượng.
Bỗng nhạc chuông nổ trong túi áo, ông Phương đưa điện thoại lên tai: “A lô, bố đang ở đâu?. Trưa rồi, bố về ăn cơm”. “Ờ ờ, bố về ngay đây!”
-  Con gái tôi đấy. Cháu là sinh viên Sư phạm. Chúng ta tạm dừng ở đây. Có dịp gặp lại nhau, tôi và ông đàm luận tiếp.
Nói rồi, ông Phương ra khỏi công viên, để lại sau lưng lời ông bạn “Vâng! mừng cho ông. Còn nhiều việc chắc rằng con cháu của chúng ta sẽ sửa chữa những sai lầm của thế hệ chúng ta…”.
Ông Phương lên xe rồi còn ngoái cổ ra ngoài, trả lời: “ Đó là trách nhiệm không của riêng ai mà là của mọi người Việt Nam, của mọi thế hệ. Lấy trường hợp ông Bí thư tỉnh uỷ Kim Ngọc làm ví dụ. Chính những người kỉ luật ông ta, nay đã truy tặng huân chương Độc lập cho ông. Và, có thể dẫn ra rất nhiều nữa. Nhận thức và thực tiễn mà ông…  Cải cách ruộng đất có sai, ta sửa. Chỉnh đốn tổ chức có sai, ta sửa. Cải tạo tư bản có sai, ta sửa. “Giá lương tiền” chưa trúng, ta sửa. Duy trì quá lâu chế độ tem phiếu, ngăn sông cấm chợ, ta cũng đã sửa. Nhờ nhận ra sai, biết cách sửa sai mà chúng ta đang đổi mới đúng đường hướng. Trước mặt chúng ta là hai dòng nước. Dòng nước xuôi chúng ta đang đi. Dòng nước ngược chúng ta quyết
chống”. Ngồi trong xe, trong đầu ông Phương  vẫn đang nói.
Xe dừng. Ông bấm máy gọi con ra đón, bỗng giật mình bừng tỉnh,.trước mặt ông là bà vợ thân yêu… Hóa ra vào bến, ông Phương không lên xe búyt mà nhắm mắt theo lơ đẩy lên xe khách đường dài. Suốt hai giờ đồng hồ ngồi trên xe, ông vẫn bức xúc. Một mình tranh luận với cái ông bạn vừa quen trong công viên chưa kịp hỏi tên …