Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

BA BÀI BÌNH THƠ CỦA TRẦN TRUNG

Trần Trung
Thứ sáu ngày 13 tháng 5 năm 2011 2:44 PM
 
Đường phố 3()
Hoàng Hưng
Em gọi thơ về. Từng thớ thịt rung lên âm điệu trở về. Thành phố nổ bùng đêm người đi như biển. Tiếng còi, lửa cháy. Anh dắt tay em chạy trên cỏ dại. Giấc mơ vô lý bàng hoàng. Đường phố mùi da thịt. Gió rùng mình hư vô thổi đến. Trăng sáng không tin được. Gái trai mới lớn đội mũ lông chim. Thiếu nữ mắt đờ cà phê quán chật khói thuốc im lìm. Bụi sáng. Xe điên.
Em gọi thơ về. Từng thớ thịt rung lên âm điệu trở về. Thành phố lồng trăm ngả. Ngã bảy ngã năm giành giật. Và chiều tràn ngập gió đê mê phần phật quần bay. Cánh nhạn khua rối mù cao ốc. Đèn lên đèn lên mời gọi hoang đường.
Em gọi thơ về. Từng thớ thịt rung lên âm điệu trở về. Thơ thoát ra từ đốt xương căng thẳng. Vũ trụ hồi sinh rực rỡ. Gân chùng mỏi mệt hân hoan.
SG 1977 – 1981

Gọi thơ về

Bài thơ của Hoàng Hưng, theo lối giọng vừa dồn nén, đọng cô, lại vừa tuôn trào như chính nhịp sống “nổ bùng” mạnh mẽ, đam mê của thời hiện đại. Hơn nữa, đó lại là nhịp sống, sức sống căng mở của thời đại nơi đô thị - phố phường.
Gọi đặt cho tên bài “ Đường phố 3” (nằm trong chùm thơ Phường phố với ba bài thơ – văn xuôi, gồm: “Đường phố 1”; “Đường phố 2” và “ Đường phố 3”), Hoàng Hưng tạo mở và đi suốt thi phẩm của mình, một lối cấu tứ đồng hiện. Nõi rõ hơn là lối cấu tứ đồng hiện mà thách đố giữa hai chiều tương phản, thậm chí đối lập đến gay gắt. Thế mà, sự tương phản ấy vẫn song tồn giữa nhịp sồng hôm nay.
Chiều tương phản 1: Có thể gọi ra một định danh – chiều gọi thiết tha để tìm về; về với thương yêu, với âm giai đẹp của hồn người, về với cõi đẹp thanh thản và thánh thiện của thơ ca.
Chiều hướng tâm nguyện ấy, gợi ra ngay từ câu thơ khơi nguồn của “Đường phố 3”: “Em gọi thơ về”!
Chiều tương phản 2: Hiển nhiên và ngự trị cơn – lốc – sống rung lên dậm giật, mời gọi bằng sức cám dỗ, mê hoặc của “thành phố nổ bùng” thời hiện đại, thời mở cửa. Muôn hình vạn trạng của phố phường gào gọi bằng tiếng hay bằng chính sự im ắng hiện lên bởi hình vẻ, đường nét, dáng hình đầy đam mê.
Gọi đến với ngọt ngào mê đắm:
“Đường phố mùi da thịt… Gái trai mới lớn đội mũ lông chim… Thiếu nữ mắt đờ cà phê quán… Và chiều tràn ngập gió đê mê phần phật quần bay…”
Gọi mời bởi cơn lốc bão lửa của cuộc sống, nhịp sống tân thời – đâu như cũng dội lên: “Tiếng còi”. Lửa cháy”. “Bụi sáng”. “Xe điên”.
Mời gọi hiện sinh đấy mà hình như cảnh báo, bàng hoàng cũng chính từ mọi nẻo đường của thành phố thời nay. “Thành phố bùng nổ”, mở về phía thiên đường hay địa ngục:
“Thành phố lồng trăm ngả. Ngả bảy ngã năm giành giật. Và chiều tràn ngập gió đê mê phần phật quần bay. Cánh nhạn khua rối mù cao ốc. Đèn lên đèn lên mời gọi hoang đường.”
Từ sự tương phản của hai chiều hướng sống, đầy thách đố với tất thảy mọi người giữa không gian của cuộc sống đương đại, vút lên một điệp khúc thiết tha mà cũng khẩn thiết, diết dóng lạ thường – nhà thơ đã cho ba lần phát sáng những dòng ngôn từ như thứ tuyên ngôn đích thực: “Em gọi thơ về. Từng thớ thịt rung lên âm điệu trở về.”
Điệp lại, tự phát sáng tiếng nói của lương năng, lương tri.
Hoàng Hưng cất lên âm giai thành thực và cũng thánh thiện cho mọi người, cho cộng đồng nhân văn, hay cũng cho mỗi con người khao khát đi tìm con người – nhân văn của chính mình. Và, để có được sự bình dị và cao quí của hai tiếng Con – Người, hỏi ai mà chẳng có sự trả giá; sự hành xác để rồi thoát xác trước vầng hào quang thánh thiện và vĩnh hằng của “vũ trụ hồi sinh rực rỡ”:
“Em gọi thơ về. Từng thớ thịt rung lên âm điệu trở về. Thơ thoát ra từ đốt xương căng thẳng. Vũ trụ hồi sinh rực rỡ. Gân chùng mỏi mệt hân hoan.”
 
NẮNG
Vi Thùy Linh
Căn phòng vàng hoa hồng vàng anh bồng bềnh em biển vàng
Những nỗi buồn rộn ràng
Và tiếng sóng ráo riết
Cái lọ thủy tinh vừa bằng ngón chân cái, là nhà ngục giấc mơ hoa hồng của con cánh cam
Em chẳng biết sẽ sống thế nào, sau ngày ly biệt
Nguyễn của em.
Thiếp gọi chàng – đêm bặt tiếng
Ban mai cho ai khác (?)
Xuyên qua tất cả
Anh bắn em, bằng mắt
Những viên đạn găm vào em, chờ đón một tương lai
Con cánh cam vàng vụt bay xanh thẳm
24 – 4 – 2000

Một biển nắng thẳm xanh
1. Vi Thùy Linh trong tập “Linh” (NXB Thanh Niên – Hà Nội 2000) vẫn là lời tiếp nối, nhất quán ở tập thơ trước đó (tập “Khát” – NXB Hội nhà văn, 1999). Song, hình như Linh đã đạt tới độ đằm, độ “đạm” bên cạnh chất “nồng” si cuồng thành thực và hết mình của tuổi thơ thanh tân. Bài “Nắng” trong tập “Linh” viết về nỗi tình đi mất “sau ngày biệt ly” – phải ly biệt một tình lang họ Nguyễn nào đó. Có cả niềm vui của nắng dâng đầy “biển vàng” và sự kề cận bên anh (mà cũng có thể là sự cận kề trong tâm tưởng). Rồi, nỗi buồn – một cực khác của tâm tư cũng đột khởi dâng cao như “tiếng sóng ráo riết” đồng điệu với “nỗi buồn rộn ràng”. Câu thơ của Linh tách ra ba dòng để thành một khổ thơ đầu của “Nắng”, là nỗi buồn hay là niềm an ủi, trong thời khắc “sau ngày ly biệt”:
Căn phòng vàng hoa hồng vàng anh bồng bềnh em biển vàng
Những nỗi buồn rộn ràng
Và tiếng sóng ráo riết
2. Nếu như khổ đầu của “Nắng” tỏa ra hai chiều buồn - vui, được - mất, thì – Vi Thùy Linh lại diễn tả, bộc bạch lòn mình một trạng thái lắng sâu. Vẫn là thủ pháp: lấy “tĩnh” gợi “động”; mượn chiều thẳm sâu của “đêm bặt tiếng” mà gợi ra cơn – bão – của lòng. “Đêm bặt tiếng” hóa ra đêm - gào - gọi; hóa ra đêm - lòng – đau. Nỗi đau đánh thức nỗi mê mụ của lòng thiếu nữ. Mất và mù lòa phương hướng sống: “Em chẳng biết sẽ sống thế nào”!  Em tựa hồ cũng giống như “con cánh cam” trong “nhà ngục giấc mơ hoa hồng”:
Cái lọ thủy tinh vừa bằng ngón chân cái, là nhà ngục giấc mơ hoa hồng của con cánh cam
Em chẳng biết sẽ sống thế nào, sau ngày ly biệt
Nguyễn của em.
Thiếp gọi chàng – đêm bặt tiếng
Ban mai cho ai khác (?)
3. Người con gái trong “Nắng” vừa cất lên tiếng nói tự trái tim đa tình, đa cảm của mình, khi chạnh lòng mà day dứt nỗi băn khoăn: “Thiếp gọi chàng – đêm bặt tiếng; Ban mai cho ai khác (?)”. Chông chênh, hụt hẫng như hòa đồng cùng đớn đau. Song, “Nắng” của Linh vẫn tìm được điểm tựa vĩnh hằng, bất diệt của lòng mình. Đấy là đôi mắt của người yêu và cũng là đôi mắt của ái tình. Đôi mắt ấy, sẽ mở ra cõi khác – cõi bình yên vĩnh viễn của người yêu, của tuổi trẻ. Và, ở cõi yêu ấy “con cánh cam” ắt sẽ hồn nhiên, vỗ cánh bay vào “xanh thẳm” của “tương lai”.
Vi Thùy Linh với “Nắng” đã thực sự vỗ đôi cánh thơ tình; vỗ cánh miết mải bay tới niềm tin vui của đời người, của muôn đời tình yêu:
 
Xuyên qua tất cả
Anh bắn em, bằng mắt
Những viên đạn găm vào em, chờ đón một tương lai
Con cánh cam vàng vụt bay xanh thẳm
 

TỎA BÓNG YÊU THƯƠNG

Với văn học nghệ thuật nói chung và trong thơ ca nói riêng thì cái gốc chân tâm vẫn luôn là điểm khởi thủy của một tác phẩm. Cũng cần nhấn thêm, đối với việc bộc lộ thế giới tâm tư của con trẻ - chủ thể trữ tình trong thơ, thì sự chân thành còn sóng đôi với sự hồn nhiên nữa. Thế mới tạo ra chất thơ, hồn thơ, tình thơ của lứa tuổi đáng yêu này. Thanh Hào đã tạo được cái chân chất, trung thực mà cũng rất đỗi hồn nhiên qua tâm tình của một đứa trẻ thương mẹ trong bài thơ nhỏ bốn câu của anh:
Bóng mây
Hôm nay trời nóng như nung
Mẹ em đi cấy phơi lưng cả ngày
Ước gì em hóa thành mây
Em che cho mẹ suốt ngày bóng râm
Với lượng câu chữ khiêm nhường – bốn câu thơ với hai cặp lục bát, bài thơ của Song Hào sóng lên hai mặt hiện thực trong mối tương quan trái chiều. Một bên là sự nghiệt ngã, dữ dội của thiên nhiên (trời nắng như nung) và tình cảnh vất cả của một bà mẹ nông dân (đi cấy phơi lưng cả ngày). Kế đó là một hiện thực của tâm trạng đứa trẻ thương yêu, xa xót cho mẹ:
Ước gì em hóa thành mây
Em che cho mẹ suốt ngày bóng râm
Song, bình tĩnh với sự lắng lại thật chân thành và hồn nhiên, ta thấy dường như bài thơ không chỉ dừng lại theo lối cấu trúc logic hình thức – nghĩa là bài thơ được phân định theo hai phần: hai câu đầu hiện thực miêu tả, hai câu sau hiện thực tâm trạng. Hay nói một cách khác, cảnh mẹ em đi cấy (câu 1 và 2) và tình cảm của em bé với người mẹ (câu 3 và 4).
Thực ra, Thanh Hào đã nắm bắt đúng luồng sáng tâm tư của chủ thể trữ tình ngay từ câu thơ thứ nhất – “hôm nay trời nắng như nung”.
Chao, cái nắng quay quắt, dữ dội của ngày hè mà chú bé Trần Đăng Khoa – nhà thơ Trần Đăng Khoa cũng đã cảm nhận thật thấm thía: “Nước như ai nấu; Chết cả cá cờ; Cua ngoi lên bờ; mẹ em xuống cấy.”
Thanh Hào không chỉ diễn tả thực trạng của thiên nhiên (trời nắng như nung) và thực cảnh của con người (mẹ em đi cấy) mà hai câu thơ của anh còn nói được cảm giác của cái nóng – hình ảnh “trời nóng như nung” còn là sự râm ran, bức xúc và nóng ngột trong tâm can của đứa trẻ thương mẹ. Em thấm thía, em xa xót trong cảm giác bỏng rát ngỡ như tất cả cái nắng nóng trút lên tấm lưng của mẹ “đi cấy phơi lưng cả  ngày”. Đọc lại hai câu thơ:
Hôm nay trời nóng như nung
Mẹ em đi cấy phơi lưng cả ngày
ta mới hay rằng những tiếng “hôm nay”, “cả ngày” không chỉ là từ chỉ thời gian mà còn là nỗi lòng bồn chồn bứt rứt khôn khuây của tâm hồn con trẻ. Điều đó cho ta hiểu thêm, cảm thêm và quý thêm ước muốn của em trong hai câu thơ sau:
Ước gì em hóa thành mây
Em che cho mẹ suốt ngày bóng râm
Vẫn là trẻ thơ trong niềm ao ước. Song đó là niềm ao ước đầy nhân ái, đầy bao dung. Ta mới nhận ra bóng mây yêu thương, tình nghĩa của đứa con thương mẹ giăng tỏa và ôm trùm suốt dọc bài thơ. Bóng mây hay bóng nắng yêu thương, thơ ngây ôm trọn bài thơ trong cảm giác dịu ngọt, thơm thảo…