Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

BÀI THƠ “KHẼ BIẾT” CỦA THI HOÀNG

Thanh Ứng
Thứ tư ngày 4 tháng 5 năm 2011 4:17 PM

Anh như hạt cát cứ chằm chặp bắt trời xanh chú ý
Nếu là trời, anh để ý hạt cát nào trên bãi cát lì
Chắc là cái hạt cát vu vơ gió thổi lọt vào trong mắt
Tìm cách lấy nó ra rồi… thì… là… mà để vứt nó đi
1997

Hình như có người tự nhận mình là hạt cát. Hạt cát trong sa mạc mênh mông. Hạt cát trên bãi biển phẳng lì chạy tít tắp cùng với những hàng phi lao, những vỏ hà, con dã tràng… Những người khiêm tốn tự ví mình như vậy. Mình đã lẫn vào trong triệu triệu hạt cát nhỏ li ti, li ti… Những hạt cát trong bốn dòng thơ của Thi Hoàng thì khác: “Anh như hạt cát cứ chằm chặp bắt trời xanh chú ý”. Có lẽ, có người như thế thật. Họ khiêm tốn giả vờ. Họ cố “lăng xê” hoặc tìm mọi cách để cho mình nổi tiếng. Khi đã nổi tiếng rồi thì họ lại tự nhận mình là hạt cát. Là hạt cát rồi họ bắt mọi người phải nhớ đến họ, tiếp tục đề cao, tôn vinh họ. Thi Hoàng nhận ra một qui luật trớ trêu đó. Và nhà thơ đặt vấn đề ngược lại: “Nếu là trời, anh để ý hạt cát nào trên bãi cát lì”. Một sự hoán đổi vị trí. Đây mới thực sự là vấn đề nhà thơ muốn nói với chúng ta: triêu, triệu hạt cát trên bãi cát lì đó sẽ không liên quan gì đến anh. Nó cứ vô tư tồn tại trong bao nhiêu thời gian và anh cũng chẳng hề quan tâm để ý. Đây cũng là một qui luật bình thường phù hợp với tâm lý con người. Song anh sẽ để ý đến một hạt cát “Chắc là cái hạt cát vu vơ gió thổi lọt vào trong mắt”. Hạt cát đó liên quan đến anh, liên quan như một sự mắc mớ, một duyên nợ không thể không giải quyết. Câu thơ như một câu nói thường song rất đáo để. Cái hạt cát thì “vu vơ” nhưng lại bị “gió thổi lọt vào trong mắt”. Đôi mắt - một giác quan hệ trọng của con người. Đó là “cửa sổ của tâm hồn”. Nếu giác quan đó bị tổn thương thì cuộc sống con người cũng không thể hoàn thiện. Hạt cát, lúc đó là vật anh không thể không quan tâm để ý. Bởi vì nó tác động vào sự sống của chính bản thân anh. Nếu cứ để nó vô tư tồn tại trong mắt thì sẽ có hậu quả khôn lường. Và cách quan tâm mà Thi Hoàng đặt ra ở dòng cuối bài thơ cũng thật “con người”: “Tìm cách lấy nó ra rồi… thì… là… mà để vứt nó đi”. Thật đơn giản và cũng thật hợp lý. Vì, dù dẫu có gai góc, nguy hiểm đến mấy, khi không còn tác động đến con người nữa thì cũng chỉ là “hạt cát” vô tích sự mà thôi.

Bốn dòng thơ thật chi tiết cụ thể mà ý nghĩa khái quát triết học rất cao. Từ mối quan hệ Anh (người) -  Trời xanh - Hạt cát, ta nhận ra mối quan hệ giữa vạn vật: Ấn tượng phải được tạo ra từ sự nỗ lực tự thân của mỗi người. Khi không có thực lực thì ấn tượng đó dù có được tạo ra theo cách nào, cuối cùng vẫn trở về nơi xuất phát ban đầu…

Thanh Ứng
Địa chỉ: Nhà số 8, ngõ 10 khu Hà Tri 5, phường Hà Cầu thành phố Hà Đông Hà Tây