Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Á HẬU - CƠM GÀ

Đinh Quang Tỉnh
Thứ sáu ngày 22 tháng 4 năm 2011 5:23 AM
Bình vẫn còn nhớ như in buổi chiều đông năm ấy, khi đang sao mẻ chè cuối sàng, thì mẹ đột nhiên nói với anh như thể bà sắp phải đi xa: “Làng mình thờ cụ Nghè Sổ làm Thành Hoàng, còn cụ Chỉ Hiệt của họ Vũ ta mới là ông tổ nghề chè Tân Cương. Con phải siêng năng học hành để sau này làm sáng danh nghề tổ”. Ít lâu sau mẹ đột ngột qua đời, bố con anh sống trong cảnh “gà trống nuôi con”, mới thấu hiểu mẹ quan trọng đối với anh đến nhường nào. Năm 25 tuổi, Bình đặt tấm bằng kỹ sư Kinh tế và tờ Quyết định công tác tại Trung tâm Nghiên cứu ngành Chè lên bàn thờ, rồi thắp 3 nén nhang chắp tay khấn: “Lạy mẹ linh thiêng, con xin phép được gác ước nguyện làm rạng danh nghề Tổ, để về giúp bố cứu công ty đồ gỗ nhà ta sắp bị phá sản!”
Chàng trai phố núi với bản lĩnh tự tin, quyết đoán lại gặp vận may, nên chỉ sau năm năm “lao tâm khổ tứ”, anh đã vực một công ty làm ăn thua lỗ trở thành đơn vị sản xuất, kinh doanh có lãi, cơ ngơi bề thế, khẳng định được thương hiệu trên thị trường nội địa và xuất khẩu lô hàng đầu tiên ra nước ngoài. Năm năm ấy, dầu đã vắt kiệt sức lực, nhưng người cha trước khi “gác kiếm” vẫn lặn lội sang tận chùa Quang Hiếu ở Quảng Đông, Trung Quốc thỉnh về một đôi Tỳ Hưu bằng ngọc quý yểm vào chính tâm hòn non bộ đặt trong bể cảnh, trước sân Công ty, theo đúng hướng Đông Bắc là phương “phù trợ cho người kế nghiệp” để làm chỗ dựa tinh thần cho con. Thầy phong thủy bảo: “Đôi Tỳ Hưu này ẩn vía Thiên Lộc bằng ngọc Phỉ Thúy dựng ở lầu Tài Môn, trong Tử Cấm Thành thời Minh Thái Tổ, linh vật này có hình dáng rất kỳ dị: đầu kỳ lân lại có sừng tê giác, thân gấu lại mọc cánh trên lưng, đuôi sư tử, mông bạnh, mồm rộng, ngực nở, là loài chuyên hút vàng bạc trong trời đất mà lại không có hậu môn nên chỉ nhập vào mà không xuất ra được. Vì vậy, Tỳ Hưu là thần giữ của và sinh tài lộc dồi dào cho thân chủ.’’
Người cha đã lo liệu xong mọi nhẽ, thanh thản “như người nông dân cày xong thửa ruộng”, ông yên lòng trao sản nghiệp cả đời cho người con trai độc nhất của mình vừa bước sang tuổi “Tam thập như lập”. Bình thay cha điều hành một Công ty đang trên đà phát triển, nhiều đêm mất ngủ, anh tha thẩn đứng trên sân thượng, đau đáu nhìn những chớp lửa hàn rực sáng ở đôi bờ con sông Cầu thơ mộng mà mơ tưởng về một vùng chè bát ngát xanh, mong ước của mẹ, là món nợ đối với quê hương mà anh luôn canh cánh bên lòng.
Rồi Bình trở thành “Đại gia phố Núi”, anh cảm thấy mĩ mãn khi “bóc tem” con xe Mercedes-Benz-S500L màu nòng súng cực kỳ sang trọng, lần đầu tiên nhập khẩu vào Việt Nam, thành căn phòng năm sao của riêng anh, và cưới được cô gái trẻ, đẹp nhất tỉnh, từng đoạt ngôi á hậu về làm vợ. Có lẽ từ trước đến nay ở cái thành phố miền núi trung du này chưa từng có một đám cưới nào to và náo nhiệt bằng đám cưới của Bình. Hoa pháo đủ sắc màu bay rợp trời, cô dâu lộng lẫy trong bộ xiêm y voan trắng, vương miện á hậu lấp lánh, sánh vai cùng chú rể trên chiếc xe ô tô mui trần, trông hệt như chiếc lẵng hoa khổng lồ di động. Người hãnh diện nhất có lẽ là anh chàng điển trai lái chiếc xe hoa ấy. Cậu tên là Tuấn, cháu đích tôn của dòng họ Lã. Cụ cố nội Tuấn đã 80 tuổi, chỉ mong cháu sớm lấy vợ để có thằng cu nối dõi tông đường, nên quyết ép cậu lấy bằng được cô gái cùng làng, béo tròn trùng trục như con trâu lăn, mọi người quen gọi là cái Mập. Tuấn nản quá, nhưng không thể cưỡng lại được nên đành phải nhắm mắt cưới cho xong. Hôm rước dâu về, cụ Cố vỗ vai thằng cháu nội cười ha hả: “Vợ mông Tỳ Hưu đẻ một địu con tha hồ mà bế”.
Cưới vợ xong, chưa đầy tuần trăng thì Tuấn nằng nặc đòi lên tỉnh học lái xe cho bằng được, Mập đành phải đồng ý, rồi dúi vào tay chồng cái nhẫn hai chỉ vàng vốn riêng của cô, để chồng dắt lưng phòng thân. Ngót nửa năm xa vợ, Tuấn đã có tấm bằng trong tay. Hôm công ty Quang Bình tổ chức tuyển lái xe, đã phỏng vấn mấy chục người mà chưa chọn được ai, đến lượt Tuấn, ông thầy tướng ghé vào tai giám đốc nói nhỏ: “cậu này rất hợp tuổi chủ!”, Bình hiểu ý nhận ngay Tuấn làm lái xe riêng cho mình. Anh quý nhất ở cái tính cẩn thận và trung thành của Tuấn, tuy mới ra trường nhưng tay lái rất cứng, nên mới quyết định giao con xe Mẹc hàng tỷ đồng này để Tuấn “quản”. Có điều Bình băn khoăn nghĩ mãi không ra: Là thanh niên sức dài vai rộng, lừng lững như Tuấn lại dửng dưng với mọi thứ, chỉ nghiện mỗi một món thịt gà luộc, kể cũng lạ?
Ròng rã suốt ba năm đánh vật với cô vợ á hậu, Bình mới ngộ ra một điều rằng: lấy vợ á hậu chỉ “lãi” được mỗi một khâu “oai” thôi, còn thì lỗ “tuốt”. Ôi, tính khí thất thường, “sớm nắng, chiều mưa” của nàng đã làm anh nhiều phen bạt vía kinh hoàng, nhưng vẫn không gớm ghiếc bằng cái tật nói ngọng, cứ “lờ” đánh thành “nờ”, sửa thế nào cũng không được, lắm lúc nghe vợ tía lia trước mọi người, là Bình không biết tìm đâu ra lỗ nẻ mà chui. Lại tiếp đến cái đận á hậu ở cữ, chàng trai phố núi khỏe mạnh, chắc nịch như gốc tre đực là vậy, mà chưa đầy một tháng chăm bẵm vợ, con đã gầy rộc đi, trông chẳng khác gì La Hán tu khổ hạnh trên núi Tuyết Sơn. Đúng là “trai nuôi vợ đẻ gầy mòn”, cổ nhân nói đố có sai!
Giữa trưa hè nóng nực, Bình về đến Công ty thì mất điện, người mệt rũ, đặt chiếc cặp da lên đi-văng, rồi mở toang cánh cửa sổ cho thoáng căn phòng, anh sà vào đống giấy tờ trên bàn, tay vừa cầm tập hợp đồng định xem, thì mí mắt cứ sụp xuống, rồi phủ phục xuống bàn thiếp đi lúc nào không biết. Bỗng có tiếng reo ồ lên như đá bóng vào lưới, đèn trong phòng bừng sáng làm Bình mở choàng mắt, bất ngờ gặp nụ cười dịu ngọt của Út Huệ, tay chị đang cầm chiếc quạt lụa phe phẩy cho anh…
Út Huệ là người được cha Bình tin cẩn, chị như người “vú em” của công ty, đã ngót 40 tuổi mà vẫn còn là con gái. Chị không đẹp, tính tình lại cù mỉ cù mì như hạt thóc, củ khoai nhưng có sức lan tỏa đến kỳ lạ, Bình bỗng tìm thấy ở nơi chị tấm lòng bao dung, đức hy sinh tận tụy, thiên chức của người làm mẹ, làm vợ mà anh khao khát, kiếm tìm bấy lâu. Như “buồn ngủ lại gặp chiếu manh”, rồi những buổi trưa sau đó, anh ít về nhà, nơi đây có cơm ngon, canh ngọt, áo quần được giặt ủi tinh tươm. Bình thích nhất cách giặt áo sơ mi, cứ nước cuối là bao giờ chị cũng vò bằng xà bông thơm, bởi vậy mỗi khi mặc áo, thắt ca-vat, là anh cảm nhận được mùi hương da thịt của Út Huệ...
Chuyện đến tai Á hậu, máu gái đẻ lồng lên, nàng định cho đứa to gan dám cướp chồng mình một trận tơi tả. Nhưng mẹ nàng ngăn lại: “không lẽ cỡ mày lại đi đánh ghen với nhà chị đầu bếp sao?”. Đang đêm, nàng gào thét trong điện thoại bằng đủ lời lẽ thô tục, như thể hắt thau nước bẩn vào mặt chồng...
Sáng sớm hôm sau, Bình lệnh cho Tuấn đem ngay một sam-so-nai đầy tiền, cùng cuốn sổ đỏ ngôi nhà mặt phố theo đúng yêu cầu của vợ. Tuấn chưa kịp đặt cặp tiền xuống bàn, thì Á hậu từ phòng trong bước ra, mắt ráo hoảnh, chẳng nói nửa lời, cô giằng thốc lấy cặp tiền rồi ôm con tức tốc về thẳng nhà ngoại. Từ hôm ấy, mặt Tuấn cứ nặng như chì, miệng thì lẩm bẩm: “Vợ đẹp như tiên thì không thích, lại đi mê loại gái đang ế xưng ế xỉa, thật vô lý hết chỗ nói”.
*      
Thời gian sau đó, mọi việc dường như đã lắng xuống. Nhân dịp về Hà Nội dự hội nghị “Doanh nhân tiêu biểu toàn quốc”, giám đốc Bình gặp lại ông Vua địa ốc Sài Gòn Trịnh Long, là bạn học cùng Trường Kinh doanh Ha-vớt với anh hơn hai năm ở Mỹ. Long hồ hởi kể với Bình về khám phá mới trong chuyến đi khảo sát thị trường tỉnh Hải Nam. Được đến huyện Văn Xương, tận mắt thấy những cây đa kỳ lạ, mà dưới gốc cổ thụ có hàng trăm con gà mái tơ đang mải mê tranh nhau ăn những quả rụng chín nẫu. Gà Văn Xương có dáng rất ngộ nghĩnh, ngực nở, mông bạnh gọi là gà “tam đoản” vì nó có 3 cái “ngắn”: cổ ngắn, cánh ngắn và chân ngắn. Chúng nghiện ăn quả đa, ăn no rồi thì chạy nhảy, bới đất cho chóng đói để ăn tiếp, chúng ăn suốt ngày, vì vậy thịt chắc và thơm ngon nổi tiếng Đông Nam Á. Thêm nữa, Văn Xương còn là quê hương của ba chị em Tống Khánh Linh - đại mỹ nhân Trung Quốc càng làm cho miền đất trù phú này thêm danh tiếng.
Ngay chiều hôm ấy, họ rủ nhau đi thưởng thức món cơm Gà Văn Xương mới khai trương ở Hà Nội. Nhìn mâm cơm sắp cho ba người ăn đã thấy vô cùng hấp dẫn: Chiếc đĩa sứ Giang Tây trắng tinh, hình bầu dục bày nguyên một con gà hấp cốt dừa, chặt miếng bằng dao phay theo lối “trảm kê”, được trang trí thêm mấy miếng dưa leo xếp rẻ quạt, ớt lồng đèn nguyên quả và lá ngò gai thái chỉ bày khéo léo, trông thật bắt mắt, kế bên là một âu canh gà cách thủy với nấm bào ngư, nấm đông cô và cà rốt cắt khẩu, nước canh thanh ngọt, tỏa hương thơm phức. Nổi bật giữa mâm là bát nước chấm màu nâu sẫm, được chế biến từ dầu hào, tỏi, gừng, xì dầu làm dậy lên vị ngọt và thơm độc đáo. Liễn cơm bốc khói, nóng rốp, hạt gạo ngậm màu vàng nhạt, được nấu từ nước luộc gà nên tơi, mềm... Tuấn sướng rên, không thể kìm lòng được phải thốt lên: “món Gà Văn Xương này, có mà ăn cả đời cũng không chán!”. Và từ hôm ấy, thầy trò Bình ngày nào cũng “diễn” đều hai bữa cơm gà đặc sản này.
Kết thúc hội nghị, giám đốc Bình vội về để kịp giải quyết lô hàng đi Châu Âu. Anh bảo Tuấn xuống ghế sau, ấy là thói quen muốn tự mình lái xe mỗi khi anh phấn khích trong lòng. Bình cài chéo dây an toàn trước ngực rồi nổ máy. Chiếc Mercedes-Benz từ từ rời khỏi Trung tâm Hội nghị, nhập vào dòng người đông như mắc cửi, xuôi ngược trong chiều Thu Hà Nộị.
Từ ngày phục vụ sếp, Tuấn chưa một lần dám ngồi vào chiếc ghế sang trọng dành riêng cho chủ, nhưng hôm nay được sếp cho phá lệ, thì trong lòng cậu hả hê vô cùng. Tuấn chưa kịp hưởng cái cảm giác mê li ấy thì xe bỗng dừng lại, đường phố đã sáng ánh đèn. Tấm biển hiệu “Cơm gà Văn Xương” như ập vào mắt, cậu hốt hoảng kêu lên: “Ô! sao lại dừng xe ở đây hả sếp?”. Bình tắt máy, không quay lại để dấu nụ cười suýt bật ra, rồi thản nhiên bảo: “Vào ăn thêm bữa gà Văn Xương nữa kẻo về Thái lại thèm”. Chưa nghe hết câu, Tuấn quặn người như “đỉa phải vôi”, mếu máo nói: “Gớm, ba ngày liền tù tì ăn món Gà Văn Xương mà sếp vẫn chưa thấy chán sao? Còn em thì đã ngán đến tận mang tai rồi. Bây giờ có là gà văn da, văn thịt gì thì cũng chịu, để bụng về dọc đường ăn cơm bụi cho nó lành sếp ạ!”
Giám đốc Bình ngước mắt nhìn tấm biển Gà Văn Xương như để chào tạm biệt, rồi giao lại chìa khóa xe cho Tuấn. Anh thả lưng vào ghế đệm êm ru, thoải mái như nằm trên sô-pha trong phòng khách. Bình thong thả đưa ngón tay lên tháo nhẹ “củ ấu” ca-vạt khỏi cổ sơ-mi, rồi thủng thẳng nói với Tuấn: “Mấy ngày nay, nếu tính kỹ chú mày mới ăn có dăm bữa Gà Văn Xương mà đã ngán đến tận mang tai? Còn anh đây, đã xơi món Á hậu ròng rã ba năm trời, thử hỏi còn ngán đến tận đẩu đâu nữa hả giời?”. Tuấn ngớ ra, bỗng vỡ òa câu nói đắng chằng của sếp, cậu vỗ tay đánh rụp vào vô-lăng, rồi phá lên cười mà không hiểu là mình vui hay buồn.
Màn đêm buông xuống, chiếc xe Mercedes-Benz sang trọng màu nòng súng như một cái công-ten-nơ bằng kim loại quý, đóng gói tâm tư của hai người đàn ông đem trả về nơi mà ở đó Á hậu và cơm Gà từng là khát khao đầy vơi thời trai trẻ của họ. Khối sắt vô hồn ấy cứ loang loáng lao qua cây cầu thế kỷ, rồi khuất dần về hướng thành phố miền trung du./.
Phố Cũ Hà Nội - tháng 4/2011
 (01+02) Tranh của Họa sỹ  Thành Chương