Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

CÁI ĐẶC THÙ VÀ CÁI PHỔ QUÁT

Bùi Công Tự
Thứ năm ngày 21 tháng 4 năm 2011 4:00 AM
 
Những vùng đất khác nhau trên địa cầu dĩ nhiên là khác nhau về vị trí địa lí, về địa hình, địa mạo, động thực vật và thời tiết khí hậu. Đó là cái đặc thù của từng vùng miền. Nhưng đặc thù gì đi nữa vẫn không ngoài Kim - Mộc - Thủy - Hỏa -Thổ. Đó là cái phổ quát của tự nhiên.
Con người sống trên trái đất có thể khác nhau về ngôn ngữ, về màu da, màu tóc, màu mắt nhưng không khác nhau về những nhu cầu cơ bản về đời sống vật chất và tinh thần - trong đó có những khát vọng thiêng liêng về quyền con người. Đó chính là cái đặc thù và cái phổ quát của loài người.
Như vậy ta hiểu rằng cái đặc thù là cái đặc điểm riêng, cái ít phổ biến hơn, thuộc về thiểu số, có khi là cá biệt. Ngược lại, cái phổ quát thuộc về số đông (không phải đám đông), phổ biến mọi lúc mọi nơi.
Đặc thù hay phổ quát đều có mặt mạnh, mặt yếu, cái tốt, cái xấu. Cái tốt của phổ quát có thể đè bẹp cái xấu của đặc thù. Nhưng cái tốt của đặc thù nếu được nhân lên thành phổ quát thì sẽ đem lại nhiều lợi ích cho loài người.
Có cái đặc thù tự nhiên và có cái đặc thù xã hội. Tương tự cũng có cái phổ quát tự nhiên và phổ quát xã hội. Cái đặc thù và cái phổ quát của tự nhiên thì con người dễ nhận biết khi đạt được trình độ học vấn phổ thông. Nhưng cái đặc thù và cái phổ quát xã hội thì cần phải bàn luận nhiều. Điều dễ nhận thấy là cái phổ quát có tính quy luật. Bất kỳ một chủ thể nào muốn phát triển cũng phải tôn trọng tính quy luật của tự nhiên và xã hội. Trái với quy luật là thất bại nếu chưa bị nghiền nát.
Những đặc thù xã hội có khi hình thành trong lịch sử một cách tự nhiên. Nhưng cũng có những đặc thù do con người tạo ra, thường là một nhóm người nào đó tạo ra, rồi gán cho là đặc thù của dân tộc, của đất nước. Cũng có những nhà nghiên cứu, không biết có phải vì quá yêu nước không mà họ quá nhấn mạnh, quá quan trọng hóa những đặc điểm đặc thù của dân tộc. Những người ấy biết đâu rằng họ đã dựng lên những rào cản trên con đường đưa dân tộc hòa nhập những giá trị phổ quát của nhân loại.
Những giá trị phổ quát của nhân loại không phải chỉ là những tiến bộ về kinh tế, khoa học kỹ thuật. Ở đây tôi muốn nhấn mạnh những giá trị phổ quát của thượng tầng kiến trúc xã hội. Những thành tự về pháp lý và văn hóa, đã mang lại quyền sống cho con người xứng đáng với sự cao quý của con người mà tạo hóa ban cho.
Như trên đã nói, đã là con người thì dù sống ở nơi đâu trên trái đất này đều có những nhu cầu giống nhau về vật chất và tinh thần. Những nhu cầu chính đáng và cao cả ấy đã được long trọng công nhận trong hiến pháp của nhiều quốc gia và trong các công ước quốc tế mà Việt Nam đã thừa nhận bằng chữ ký của mình. Đó là những văn bản được soạn thảo một cách nghiêm cẩn bởi những bộ óc vĩ đại của nhân loại, nó mang giá trị phổ quát cho tất cả các dân tộc. Cho nên nó hàm chứa tính nhân bản rất cao, có giá trị bền vững lâu dài. Tôi mong rằng, nhân dân ta sau nhiều thập kỷ phấn đấu, sau nhiều mất mát hi sinh, sớm được hưởng những giá trị tinh thần phổ quát thiêng liêng mà giản dị như nhân dân các quốc gia văn minh mà chúng ta đang hướng tới.
Nhìn sang hàng xóm láng giềng, chúng ta thấy có quốc gia nọ ở thế kỷ XIX này mà vẫn đóng cửa đường biên, cố thủ trong cái Boong-ke, lừa dối nhân dân là mình vĩ đại. Ở đất nước đó cuộc sống nhân dân họ bi đát kinh khủng thế nào ?
Tóm lại những giá trị phổ quát là những giá trị văn minh, tiến bộ đã được cả loài người xác nhận. Không nên vì một đặc thù nào đó mà cản trở con đường hòa nhập những giá trị phổ quát của nhân loại.
Ngày hôm nay đã có thể nói chúng ta "sánh vai các cường quốc năm châu" chưa ? Xin thưa chắc chắn là còn lâu lắm. Vì thông tin cho thấy về kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật, nghĩa là về trình độ văn minh, nước ta đang còn đứng sau khoảng gần 100 nước trên thế giới. Vậy thì về vật chất, cái ăn, cái ở, cái thuốc thang, cái phương tiện đi lại này nọ, ta chấp nhận nâng cao dần dần. Nhưng về tinh thần, cái nói được, viết được, hát được, múa được, bầu được, kêu ca được, ... như thiên hạ thì chẳng cần nhiều tiền vẫn có thể có, một khi chúng ta muốn. Làm dược điều đó tôi tin rằng chúng ta sẽ tạo ra một không khí phấn khởi, hào sảng, sẽ tạo ra sức mạnh mới cho dân tộc.
Hay là chúng ta cứ "mỗi cây mỗi hoa mỗi nhà mỗi cảnh" ?
TP Hồ Chí Minh 20/04/2011