Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI PHẢI LÀ TINH HOA CỦA DÂN TỘC

Thạch Giản
Thứ ba ngày 19 tháng 4 năm 2011 8:52 PM

Loạt bài phỏng vấn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XII đăng trên các báo gần đây cho thấy chính các ĐBQH cho rằng Quốc hội ta chưa làm được chức năng cơ quan quyền lực cao nhất của đất nước; Quốc hội không được cung cấp đủ thông tin cần thiết, làm việc một cách bị động, bị chi phối, chạy theo Chính phủ; vai trò của ĐBQH và của Quốc hội mờ nhạt trước chính quyền và dân chúng, khó được dân tín nhiệm v.v...
Có thể chắc chắn là tình trạng đáng quan tâm nói trên sẽ không xảy ra nếu toàn bộ (hoặc phần lớn) ĐBQH đều là tinh hoa của dân tộc.
Tinh hoa là những người có trí tuệ, năng lực và phẩm cách, bản lĩnh hơn hẳn số đông mọi người, họ thường được xã hội lựa chọn đưa vào các cương vị tương xứng để đóng góp cho đất nước; là người có tài đức, có tâm huyết, có cốt cách không cúi đầu trước các thế lực hoặc nhóm lợi ích đi ngược lại quyền lợi dân tộc. Họ luôn luôn suy nghĩ lo lắng cho vận mệnh tổ quốc, đấu tranh vì tiến bộ xã hội.
Dân tộc ta thời đại nào cũng có không ít những người con tinh hoa. Thế nhưng dường như Quốc hội ta chưa phải là nơi tập họp những người ấy, mà chủ yếu mới chỉ là bộ mặt đoàn kết dân tộc. Đây là nguyên nhân chủ quan hạ thấp vai trò quyền lực tối cao của Quốc hội.
Nếu là cơ quan quyền lực cao nhất nước, – dĩ nhiên phải cao hơn chính phủ, – lẽ ra thành viên Quốc hội phải có năng lực ,trình độ, quyền lực và đãi ngộ tương đương các thành viên chính phủ. Nhưng Quốc hội ta chưa đạt được yêu cầu đó.
Chủ tịch Quốc hội ta về thứ bậc chỉ xếp thứ 4, dưới cả Thủ tướng, trong khi ở Trung Quốc xếp thứ 2, chỉ sau Tổng Bí thư Đảng kiêm Chủ tịch nước; ở phương Tây chỉ sau Tổng thống. Điều đó cho thấy Quốc hội ta chưa được coi là cơ quan quyền lực cao nhất nước.
Khi toàn bộ ĐBQH là tinh hoa dân tộc thì dĩ nhiên họ sẽ không thể không hành xử đúng chức năng là thành viên cơ quan quyền lực cao nhất nước, trong đó có chức năng thay mặt toàn dân giám sát bộ máy hành pháp, tức chính phủ.
Rõ ràng khi ấy ĐBQH phải chuyên trách, không thể coi công tác của cơ quan quyền lực tối cao lại kém quan trọng tới mức chỉ cần kiêm nhiệm cũng làm được, và chỉ làm khi có họp Quốc hội, còn bình thường thì làm việc khác hệ trọng hơn.
Khi toàn thể ĐBQH là tinh hoa dân tộc thì ý kiến và sự biểu quyết của họ sẽ thực sự đại diện cho ý chí của nhân dân. Trên nghị trường sẽ không thể có “nghị gật”, có những phát biểu chung chung, theo số đông, hoặc thiếu trình độ đến mức bị chê cười. Sẽ không thể có chuyện các đoàn ĐBQH dùng không hết thời gian thảo luận, hoặc có cảm giác họp Quốc hội “nhàn hạ” hơn làm việc ở cơ quan. Sẽ khó có thể có ĐBQH bị dân chê trách về tư cách đạo đức. Và không thể có chuyện mấy trăm ĐBQH mà chỉ có vài chục vị hăng hái phát biểu, tranh luận, phản biện.
Khi đất nước đối mặt với các thách thức lớn (như vấn đề chủ quyền biển đảo, vấn đề giao thông ách tắc và lắm tai nạn), khi trong xã hội xảy ra sự bất đồng quan điểm ... thì ĐBQH phải lên tiếng với tư cách là đại biểu dân, chứ không thể im lặng như đa số ĐBQH hiện nay.
Chỉ khi nào là tinh hoa dân tộc và làm việc theo chế độ chuyên trách thì ĐBQH mới có khả năng tìm hiểu, bàn thảo và biểu quyết những vấn đề tương đối phức tạp hoặc nhạy cảm, đòi hỏi hiểu biết sâu rộng tình hình trong nước và quốc tế, như vấn đề môi trường, điện hạt nhân, khai thác tài nguyên, đối ngoại, vấn đề nhân quyền, tự do dân chủ.... Nếu ĐBQH thiếu hiểu biết cơ bản về các lĩnh vực phức tạp ấy thì sao có thể biểu quyết được.
Nếu thực sự coi Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất trong hệ thống chính trị quốc gia thì việc lựa chọn và bầu ĐBQH phải hết sức thận trọng, tuyệt đối không thể làm qua loa đại khái, lấy lệ, ngại tốn kém thời gian công sức. Từng ứng viên phải có cương lĩnh tranh cử, có cam kết sẽ làm gì cho cử tri, phải tiến hành vận động tranh cử, chứng tỏ cho cử tri biết tài cán của mình, thuyết phục cử tri bằng cương lĩnh tiến bộ nhất, hợp lý nhất. Cử tri phải được biết rõ về ứng viên, nhất là quan điểm lập trường trước những vấn đề hệ trọng của dân tộc, cách giải quyết các tồn tại lớn trong xã hội. Cử tri phải được tranh luận tại các cuộc gặp mặt ứng viên và trên báo chí (báo mạng, báo in) để đi tới sự đồng thuận cao về ứng viên mình sẽ bầu. Thời gian tranh cử có thể kéo dài nhiều tháng. Có như vậy mới chọn được người xuất sắc nhất vào Quốc hội.
Ở các nước phát triển, cơ chế tranh cử nghiêm ngặt buộc ĐBQH phải có năng lực, trình độ cao, và họ cũng được hưởng đãi ngộ tương đương thành viên chính phủ[*], có thể toàn tâm toàn ý làm công việc đại biểu dân. ĐBQH có địa vị rất cao, có quyền bất khả xâm phạm, có quyền giám sát công việc của ngành hành pháp, được quyền can thiệp khi thấy chính quyền sai trái, quyền chất vấn trực tiếp bất cứ quan chức chính quyền cấp nào...Ý kiến của ĐBQH có trọng lượng đáng kể. Chính quyền luôn luôn phải để ý tới ý kiến của Quốc hội, cả Tổng thống cũng “sợ” Quốc hội. ĐBQH là một chuyên nghiệp đòi hỏi dành 100% thời gian và công sức làm việc này, có người được cử tri tín nhiệm suốt đời làm ĐBQH, miễn là còn sức khỏe.
Sở dĩ ĐBQH chưa phải đều là tinh hoa dân tộc, chủ yếu do cơ chế bầu cử chưa tạo đủ điều kiện rộng rãi cho cử tri được tự bầu chọn những người ưu tú nhất vào Quốc hội. Không có vận động tranh cử, không có tranh luận toàn dân về từng ứng viên. Thông tin về ứng viên quá sơ sài, qua loa đại khái. Thời gian dành cho việc lựa chọn ĐBQH quá ngắn... Còn có những hạn chế về quyền lựa chọn của cử tri. Thí dụ quy định hạn chế tỷ lệ ĐBQH người ngoài đảng sẽ mặc nhiên gạt số tinh hoa ngoài đảng ra ngoài Quốc hội, cho dù họ có thể xuất sắc hơn. Thí dụ chỉ được bầu trong phạm vi danh sách ứng viên do một số người (nói là Mặt trận Tổ quốc hiệp thương đưa ra) chọn sẵn và in sẵn trong phiếu bầu.
Lần bầu Quốc hội khóa I năm 1946 không có quy định hạn chế nào hết. Hà Nội chỉ được bầu 6 ĐBQH mà đã có 74 ứng cử viên. Kết quả 6 đại biểu trúng cử với số phiếu rất cao. Quốc hội khóa I có 43% ĐBQH được bầu là người không đảng phái, 57% còn lại đa số là người của đảng Cộng sản, một số của các đảng Dân chủ, Xã hội v.v... thế mà Quốc hội hoạt động rất tốt, thực sự là đại diện của dân. Đó là do Đảng Cộng sản đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh được nhân dân tín nhiệm tuyệt đối. Cả nước chỉ có 5 nghìn đảng viên nhưng đều là những người ưu tú sẵn sàng hy sinh vì dân vì nước, do đó các cử tri đều tin ở Đảng Cộng sản; không cần quy định phải bầu cho đảng viên họ vẫn cứ bầu. Thành viên chính phủ do Quốc hội khóa I duyệt cũng toàn là người nổi tiếng và tuy hoàn cảnh đất nước vô cùng khó khăn nguy hiểm, thời gian hoà bình rất ngắn, chính phủ cũng kịp làm được nhiều việc, nhất là việc chuẩn bị kháng chiến. Không khí bầu cử hồi ấy thực sự sôi động hăng say, không phải là chuyện làm lấy lệ cho xong.
Tinh hoa dân tộc không thể đều vào Quốc hội, nhưng ĐBQH nhất thiết phải là tinh hoa dân tộc, đó là yêu cầu của nhân dân, của thời đại.
Những người tự thấy mình chưa phải là tinh hoa dân tộc thì xin đừng ứng cử hoặc nhận đề cử, làm thế chỉ mất thời gian của dân, lãng phí tiền đóng thuế của dân.
Tha thiết hy vọng trong lần bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân sắp tới, nhân dân ta sẽ có dịp bầu những người thực sự là tinh hoa dân tộc vào các cơ quan quyền lực cao nhất nước và địa phương. Muốn vậy, rõ ràng phải mạnh dạn sửa đổi một số điểm trong Luật bầu cử. Xin đừng vin vào những lý do này nọ để cản trở bước tiến của dân tộc. Luật do con người làm ra thì con người cũng có thể sửa được luật để phù hợp xu thế tiến bộ.
Nền dân chủ Việt Nam giành được bằng xương máu của hàng triệu chiến sĩ cách mạng và đồng bào ta sắp tròn 70 tuổi, nước ta từ một nước nghèo đã trở thành nước có thu nhập trung bình, kinh tế tăng trưởng đòi hỏi cơ chế bầu cử cần có những cải cách tương ứng theo hướng dân chủ hơn, không thể giẫm chân tại chỗ hoặc thụt lùi so với lần bầu cử năm 1946.
Trong không khí phấn khởi sau Đại hội Đảng, lại may mắn có Chủ tịch Quốc hội được bầu làm Tổng Bí thư Đảng, chúng ta tin rằng lần bầu cử Quốc hội này sẽ có những thay đổi căn bản, để dân ta có thể thực hiện được ước mơ xây dựng một nhà nước thực sự “của dân, do dân, vì dân”, đưa nước ta tiến lên “sánh vai với các cường quốc 5 châu”, như lời Bác Hồ dạy.□ 

Thạch Giản

Ghi chú:
[*] Số liệu nước Mỹ năm 2004: lương ĐBQH là 154.700 USD/năm, tức gấp khoảng 4 lần GDP bình quân đầu người Mỹ; lương Bộ trưởng Ngoại giao là 171.900 USD. Hơn 300 triệu dân Mỹ có 535 ĐBQH gồm Thượng viện 100, Hạ viện 435. ĐBQH đều là chuyên trách, không được giữ bất cứ chức vụ nào trong ngành hành pháp. Nguồn: The World Almanac and Book of Facts 2004.