Trang chủ » Tin văn và...

TỌA ĐÀM ĐỜI VÀ THƠ LÊ ĐẠT

Đào Phương Liên
Thứ sáu ngày 1 tháng 4 năm 2011 7:22 AM

Bóng chữ ngả dài trên Đường chữ
 
Tọa đàm vào 18h ngày 31/3/2011 tại Trung tâm Pháp ngữ.24 Tràng Tiền Hà Nội. Kính mời các bạn đến dự tự do. 


Thông tin chính:

Thơ Lê Đạt như một dòng chảy riêng, tự tin trôi ngang mọi sự khen chê thường tình. Đọc một câu thơ, dù chưa thành công lắm của Lê Đạt, vẫn không hề nhầm lẫn với bất kỳ ai. Từ vụ Nhân Văn Giai Phẩm, hơn ba mươi năm sau Lê Đạt mới xuất hiện trở lại trên văn đàn và lập tức gây tiếng vang bằng tập thơ Bóng chữ (1994). Bên cạnh những câu thơ tươi tắn đầy ma lực như Em về trắng đầy cong khung nhớ. Mưa mấy mùa, mây mấy độ thu hay Cây gạo già lơi tình lên hiệu đỏ. La lả cành cởi thắm để hoa bay, thì Lê Đạt khẳng định một giá trị thăng hoa khác của thơ, đó là xúc cảm bằng bóng của chữ.  Để rồi đến Đường chữ (2009), người đọc càng thấy một Lê Đạt càng viết, chữ gọi chữ, chữ tương tác chữ, chữ kết hợp chữ làm nên những “thi ảnh” đẹp, táo bạo, lạ lùng… Chữ vẫy chữ làm nên nghĩa “liên văn bản” của thơ. Lê Đạt là một “kỳ nhân” giữa truyền thống và đương đại.
Điều gì khiến Lê Đạt nhiều lúc “cực đoan”, “bảo thủ” với thơ - đó là lúc người đọc có cảm giác ông vui “thú điền viên” khá sớm trong “vườn chữ” khi những “kỳ hoa dị thảo” chữ một thời cứ được kết hợp kiểu “mô hình hoá” khiến sự đọc ông hoá quen, hoá đơn điệu kể cả “nhạc tính” trong thơ.
Nhưng lắm lúc lại quý ông ở khả năng “tôn thờ chữ nghĩa”, khả năng luôn “tạm ứng” chữ cho ngày hôm nay một khi thơ có bước “quy  hồi” với ngôn ngữ tự nhiên, đời thường, với tính truyện, với quảng cáo và nhiều những Pop Art… bởi ông là kẻ vốn “vui mồm lắp lẫn - nhiều kinh kệ không quen”… “Dải yếm đào đã gẫy cầu” nhưng câu chữ Lê Đạt mãi còn ám ảnh. (Phùng Tấn Đông - nhà thơ)
Đời chữ của Lê Đạt chia hai thời kỳ, dưới hai ngòi bút: Nhà thơ cách tân, theo truyền thống Mallarmé, mở một kỷ nguyên mới cho đường chữ. Nhà thơ thời thế, theo truyền thống Đỗ Phủ, ghi lại bộ mặt của xã hội toàn trị trên đất nước Việt Nam, xác định tính chất cơ bản của lịch sử : Lịch sử muôn đời duyệt lại / Không ai lừa được cuộc đời.
Đọc Lê Đạt ở bất cứ cái gì ông viết ra nói ra, dù đó là thơ, là truyện, là đoản ngôn hay bài trò chuyện, tôi luôn bị ấn tượng bởi cách nói, cũng tức là phản ánh cách tư duy của ông. Một cách tư duy và một cách nói ra thành lời những điều tư duy in đậm cái nét riêng không thể lẫn trộn của Lê Đạt. Ông không ngừng sục sạo các ngõ ngách của từ và tiếng, của chữ và lời, không ngại làm mới và không sợ bị coi là khác lạ (Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên)
Với sự tham gia của: Nhà thơ Dương Tường, nhà phê bình văn học Đỗ Lai Thúy, nghệ sỹ sân khấu Ngọc Thụ (người em thân thiết cuat nhà thơ Lê Đạt), nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên, cùng khách mời đặc biệt Trần Đĩnh (bạn vong niên của cố nhà thơ, một người thân của gia đình), chị Đào Phương Liên (con gái út của nhà thơ)… cùng nhiều nhà văn nhà thơ khác quan tâm đến chương trình, “Tọa đàm: Đời và Thơ Lê Đạt - Bóng chữ ngả dài trên Đường chữ” hy vọng đem đến cho quý vị một cái nhìn toàn diện hơn về “con người Lê Đạt” và “thơ Lê Đạt” cũng như về những đóng góp của ông cho tiến trình hiện đại hóa thi ca Việt Nam cuối thế kỷ 20.

Thông tin thêm:
Lê Đạt tên thật là Đào Công Đạt, sinh ngày 10/09/1929 tại xã Âu Lâu, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái, mất ngày 21/4/2008 tại Hà Nội. Cha là Đào Công Đệ (mất năm 1975), quê phường Á Lữ, xã Mỹ lộc, Phủ Lạng Giang (Bắc Giang), làm việc trong sở hoả xa Vân Nam tại Yên Bái, gặp mẹ ông là Nguyễn Thị Sen (mất năm 1982), người làng Đình Bảng, Bắc Ninh, theo gia đình lên Yên Bái buôn bán. Lê Đạt học tiểu học ở Yên Bái, năm 1941, 12 tuổi lên Hà Nội, học trường Bưởi. Kháng chiến bùng nổ, trở về quê cha, tiếp tục trung học tại Á Lữ. Rồi đi theo kháng chiến.
Lê Đạt thất bại trong đấu tranh chính trị, nhưng  ông đã thành công trong việc đổi mới thi ca. Sau hơn 30 năm cấm in, Lê Đạt được phục hồi năm 1988. Tập
Bóng chữ (nxb Hội nhà văn, 1994), tác phẩm đầu tiên xác định ông như một nhà thơ lớn, cùng với Thanh Tâm Tuyền, Đặng Đình Hưng, Trần Dần, đã xây dựng nên nền thơ Việt Nam hiện đại.
Tiếp đến những  tập
Hèn đại nhân, (truyện ngắn, nxb Phụ nữ, 1994), Ngó lời (thơ, nxb Văn Học, 1997), Từ tình Epphen (Tạp chí thơ, Cali, 1998). Mi là người bình thường, (truyện ngắn, nxb Phụ nữ, 2007), U75 từ tình (thơ và đoản ngôn, nxb Phụ nữ, 2007); và sau khi ông mất, Đường chữ (tuyển tập, nxb Hội Nhà Văn, Bách Việt 2009).