Hoàng Trinh sinh ngày 28 tháng 9 năm 1920. Tạ thế ngày 19/03/2011 tại Hà Nội, hưởng thọ 91 tuổiÔng tên thật là Hồ Tôn Trinh. Sinh ngày 28 tháng 9 năm 1920 tại Vientian (Lào). Quê gốc: Đại Nài, Thạch Hà, Hà Tĩnh.
Từ 8/1945 đến 1959: ông làm công tác tuyên truyền của Đảng tại Hà Tĩnh và Hà Nội. Từ cuối năm 1959 cho đến khi về hưu, suốt 40 năm ông làm công tác nghiên cứu văn học tại Viện Văn học thuộc Viện Khoa học xã hội Việt Nam. Là chuyên gia nghiên cứu văn học phương Tây và lý luận văn học, ông trở thành Viện trưởng Viện Văn học kiêm Tổng Biên tập Tạp chí Văn học (1985 – 1988), ủy viên Hội đồng Khoa học Viện Khoa học xã hội Việt Nam, ủy viên thường trực Hội đồng quốc gia chỉ đạo biên soạn Từ điển Bách khoa Việt Nam. Ông là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam (1968), Hội viên Hiệp hội Kí hiệu học quốc tế (1994), Viện sĩ danh dự Viện hàn lâm khoa học Hungari (1979). Được phong Giáo sư Văn học năm 1982; Giải thưởng khoa học Rockefeller (Mỹ, 1989); Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học – nghệ thuật (1996).
Hoàng Trinh là tác giả của 12 công trình nghiên cứu đã xuất bản và hàng trăm bài tiểu luận đăng trên các báo, tạp chí ở trong nước và nước ngoài. Những công trình chủ yếu là:
- Phương Tây, văn học và con người, (chuyên luận), tập I - 1969; tập II - 1971;
- Văn học, ngọn nguồn và sáng tạo, (nghiên cứu – phê bình), 1973;
- Ký hiệu, nghĩa và phê bình văn học, (tiểu luận), 1980;
- Về khoa học và nghệ thuật trong phê bình văn học, (chuyên luận), 1980;
- Đối thoại văn học, (chuyên luận), 1986;
- Từ Ký hiệu học đến Thi pháp học, (chuyên luận), 1992;
- Tuyển tập Văn học, 1998.
Từ sau 1975, tên tuổi của Hoàng Trinh được chú ý trong vai trò người tìm tòi, nghiên cứu, ứng dụng các thành tựu hiện đại của lý luận văn học thế giới (Ký hiệu học, Thi pháp học, Văn học so sánh) vào Việt Nam. Với nỗ lực khoa học và sự bền bỉ, ông có gắng làm sáng tỏ những giá trị nội sinh của kho tàng văn học dân gian và thơ Việt Nam hiện đại trong sự đối sánh với các nền văn học, văn hóa khác trong khu vực và quốc tế bằng những phương pháp tiếp cận mới mẻ, hiện đại.
Trên lập trường của phép biện chứng duy vật biện chứng, sử dụng phù hợp các phương pháp nghiên cứu liên ngành trước các hệ vấn đề liên đới nhau; tôn trọng đặc thù ngôn ngữ của sinh thể tác phẩm văn chương, đề cao tài năng sáng tạo và phong cách nghệ thuật độc đáo của từng văn nghệ sĩ… ông tập trung làm sáng tỏ quá trình tạo nghĩa khởi nguồn từ nơi văn bản tác phẩm do người nghệ sĩ thai nghén, sáng tạo. Từ cấu trúc ngôn ngữ và hình tượng nghệ thuật của tác phẩm, qua sử dụng các phương thức tạo nghĩa độc đáo, nghệ sĩ gắn kết, chuyển hóa các mặt của cái biểu đạt và cái được biểu đạt châm ngòi cho sự bùng nổ, hé lộ các tầng vỉa ý nghĩa của văn bản thành tác phẩm sống động trong sự tiếp nhận của các loại công chúng khác nhau.
Là nhà khoa học xã hội và nhân văn có uy tín, Hoàng Trinh mở rộng hoạt động cho việc truyền bá trên các diễn đàn khoa học quốc tế về tinh hoa văn học dân tộc Việt Nam, bản sắc tư duy và chất liệu nghệ thuật đặc thù của tiếng Việt văn học, của văn hóa Việt Nam. Ông đưa ra những minh chứng sống động về sự cần thiết và hiệu quả to lớn của giao lưu văn hóa và văn học, yêu cầu toàn cầu hóa sự phát triển của văn minh nhân loại trên cơ sở trân trọng những đóng góp của từng nền văn hóa, văn học dân tộc.
Trên cương vị một nhà khoa học thuộc thế hệ đi trước, Hoàng Trinh đã dành nhiều tâm huyết, công sức cho việc đào tạo các thế hệ học trò, các lớp chuyên gia kế cận… và mong mỏi họ sẽ sớm trưởng thành và có những sáng tạo đột phá trên những dặm dài gian nan mà đầy hứng khởi của khoa học văn chương.
Ông mất ngày 18/03/2011 tại Hà Nội, hưởng thọ 91 tuổi. Giới nghiên cứu văn học Việt Nam kính nhớ, khâm phục tài năng và đóng góp xuất sắc của nhà lý luận, phê bình văn học hàn lâm Hoàng Trinh.