TNc: Hoan hô các vị đã tự ứng cử. Nếu đơn vị bầu cử của tôi có vị nào tự ứng cử tôi sẽ cân nhắc để bầu cho các vị đó. Khi họ dám tự ứng cử là họ ý thức được trách nhiệm của họ trước cử tri.
-
"Tôi ứng cử ĐBQH với mong muốn đại diện cho tiếng nói của người khuyết tật trên các diễn đàn xã hội và góp phần tham gia hoạch định chính sách liên quan đến người khuyết tật", Hiệp sĩ Công nghệ thông tin Nguyễn Công Hùng chia sẻ.
Chàng trai sinh năm 1982 từng được trao tặng danh hiệu "Hiệp sĩ" Công nghệ thông tin, hiện đang chung sức cùng nhóm bạn bè điều hành trung tâm Nghị lực sống hướng nghiệp, đào tạo nghề miễn phí dành riêng cho người khuyết tật. Nguyễn Công Hùng đã nộp đơn xin ứng cử Đại biểu Quốc hội nhiệm kỳ 2011 - 2016.
Công Hùng cho hay, ý định tự ứng cử ĐBQH cũng chỉ mới đến với Hùng gần đây. Được gia đình, bạn bè khích lệ nên Hùng đã mạnh dạn lên Sở Nội vụ tìm hiểu thủ tục và đã nhanh chóng hoàn thiện hồ sơ mang đến nộp.
Hỏi về lý do tự ứng cử, Hùng cho hay, đây là thời điểm môi trường xã hội đang cởi mở. Hơn nữa, Quốc hội là nơi tập hợp và thu hút trí tuệ xã hội nên anh mong muốn góp sức và cống hiến trí tuệ cũng như hiểu biết cá nhân của mình cho hoạt động lập pháp.
"Có lẽ tôi là người khuyết tật đầu tiên tham gia tự ứng cử ĐBQH. Dù kết quả trúng hay không nhưng tôi mong hành động của mình có ý nghĩa khích lệ, động viên những người khuyết tật và các bạn trẻ hãy mạnh dạn và tích cực thử sức mình trong các hoạt động xã hội", Công Hùng khẳng định.
Anh cũng mạnh dạn đề xuất, nếu hồ sơ ứng cử được chấp nhận, rất mong được thử nghiệm một hình thức tiếp xúc và vận động cử tri mới mẻ, đó là vận động cử tri trong cộng đồng mạng. Là người giữ mối liên hệ chặt chẽ với cộng đồng mạng, Công Hùng tin rằng mình sẽ nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ.
Tuy nhiên, nếu đề xuất trên không được chấp nhận vì quá mới mẻ và không đúng luật, thì vẫn mong mỏi rằng các ĐBQH sẽ mở rộng thêm kênh giao tiếp với dân qua mạng.
"ĐBQH các khóa cũ quen với giấy bút hay những cách tiếp xúc cử tri truyền thống nhưng thời đại hiện nay, thế hệ những vị ĐBQH mới nên thay đổi quan điểm lẫn cách tiếp xúc cử tri truyền thống. Họ nên mạnh dạn tìm đến các mạng xã hội để hiểu về đời sống và tìm kiếm sự ủng hộ", Công Hùng nói.
Ngoài ra, chàng Hiệp sĩ Công nghệ thông tin cũng mong mình sẽ được đi vận động và tiếp xúc với những người khuyết tật để tìm kiếm sự ủng hộ. Công Hùng tin tưởng, anh sẽ cố gắng trở thành đại diện tốt nhất để phản ánh nguyện vọng của người khuyết tật trên diễn đàn Quốc hội.
Năm 2003: Mở Trung tâm Tin học Công Hùng dành cho con em ở địa phương và người khuyết tật.
2005: Được trao tặng danh hiệu Hiệp sĩ Công nghệ thông tin
2006: Được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trao giải thưởng “Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu”
Tháng 08/2006: Một website mang tên:
www.nghilucsong.net chính thức ra đời với nội dung hỗ trợ người khuyết tật tìm kiếm thông tin về việc làm và học tập với hơn 30.000 thành viên khắp thế giới, 100 nghìn bài viết được sẻ chia.
2008: Nguyễn Công Hùng và nhóm bạn bè mở trung tâm Nghị lực sống. Giới thiệu, hướng nghiệp, đào tạo nghề miễn phí cho người khuyết tật với hai nội dung chính là Ngoại ngữ và CNTT, đào tạo việc làm cho hơn 600 học viên, thu hút khoảng 600 thành viên là bạn đồng hành cùng website
Hiện, anh là Giám đốc Công ty cổ phần Nghị Lực Sống và là Uỷ viên ban cố vấn Hội tin học trẻ Việt Nam.
Nguyễn Công Hùng đã được trung tâm sách kỷ lục Việt Nam ghi vào "Danh mục đề xuất kỷ lục về ý chí của Việt Nam", "Người khuyết tật đầu tiên làm giám đốc"; Tạp chí E-chip trao danh hiệu Hiệp sĩ Công nghệ thông tin; Trung ương Đoàn trao tặng Gương mặt trẻ tiêu biểu năm 2006, được Tổng bí thư Nông Đức Mạnh trao bằng khen Thanh niên tiêu biểu của Hội Liên hiệp Thanh niên VN.
Lê Nhung