Trang chủ » Tin văn và...

ĐÁM TANG NHÀ VĂN HOÀI ANH: KHÔNG CÓ BAN LỄ TANG (!) VÀ 9 PHÚT VĨNH BIỆT !

Nguyễn Thái Sơn
Thứ hai ngày 28 tháng 3 năm 2011 7:51 PM

I. Trước hết, xin trở lại đám tang Nhà thơ (NT) Thảo Phương hơn hai năm trước, một đám tang để lại nhiều ngậm ngùi chua xót đến nay, và có lẽ còn rất lâu nữa. Ngày cuối cùng trên Dương thế, trong căn hộ hẹp của năm mẹ con, Thảo Phương gần như đã hôn mê. Nhà không có đàn ông, mấy đứa con trai lộc ngộc của chị, từ khi ra đời, có lẽ chưa bao giờ phải đối diện với hoàn cảnh khủng khiếp đến thế, gần như quýnh quáng, mụ mẫm, bất lực. Đúng lú đó, hai NT Lê Tú Lệ, Tôn Nữ Thu Thủy đến, mang theo phong bì đựng chút tiền do các nhà văn nữ đóng góp, và lớn hơn nhiều, là cái phao tinh thần để các cháu bám víu trong lúc bơ vơ chới với. Để lại danh thiếp, Lê Tú Lệ dặn “có gì gọi điện ngay cho cô”. Hai nhà thơ nữ vội ra về vì họ hiểu rằng hàng loạt vấn đề nan giải khó khăn đang ập đến với sáu mẹ con Thảo Phương, với cả những người bạn của cái gia đình khá đặc biệt này. Đang đi trên đường, điện thoại của Tú Lệ rung bần bật, “mẹ cháu tắt thở rồi”. Lê Tú Lệ vòng xe trở lại, ngay bên giường Thảo Phương, chị gọi cho NT Lê Thị Kim, để Kim báo cáo với Chủ tịch Hội Nhà văn thành phố, cũng là Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Quốc gia Lê Văn Thảo, “xin ý kiến chỉ đạo”. Sau một hồi, Lê Thị Kim “truyền đạt” tới Tú Lệ ý kiến của NV Lê Văn Thảo, đại ý, “do mức lương, cương vị, chức vụ, v.v. và v.v…, linh cữu Thảo Phương không đủ tiêu chuẩn quàn tại Nhà Tang lễ thành phố, cũng không được có ban lễ tang.

 Lê Tú Lệ lao xe như điên trên đường, đi gặp người này người khác để bàn bạc nhằm giải quyết hai vấn đề nan giải, hoàn toàn quá sức, cũng không đúng chức trách của mình: đưa bằng được linh cữu Thảo Phương vào Nhà Tang lễ Thành phố và lập ban lễ tang. Một số nhà văn có tâm có tình xúm vào cùng lo. Nhà văn (NV) Khương Hồng Minh, NT Lê Tú Lệ đến gặp Ban lãnh đạo Nhà Tang lễ thành phố đề nghị, yêu cầu và cả năn nỉ để có thể quàn linh cữu Thảo Phương tại đây, và họ đã đạt kết qủa. Còn ban lễ tang ư, “không đủ tiêu chuẩn”  lập ban lễ tang ”hội lập”, “quốc lập” thì các nhà văn nhà báo xúm lại để lập ra ban tang lễ “dân lập” chứ biết làm sao. Tú Lệ được “bầu” làm trưởng ban, cùng với một số thành viên khác, điều hành toàn bộ đám tang của NT Thảo Phương đến khi hũ di cốt của chị yên vị trong chùa.
 
II. So vớ NV Hoài Anh hôm nay, chủ nhật, 27/3/2011, Thảo Phương vẫn còn “may mắn” hơn nhiều. Việc đưa được linh cữu NV Hoài Anh vào Nhà Tang lễ cũng thật khó khăn, có thể do Nhà Tang lễ chỉ có ba ngăn, đã có đủ “tang chủ” đăng kí, có thể bãi giữ xe đã hết công xuẩt, cũng có thể còn những lý do khác chăng, nên một lần nữa NT Lê Tú Lệ (chứ không phải quan chức Hội Nhà văn các cấp) lại phải lo việc này. “Tái bản” phương thức từ thời đám tang NT Thảo Phương, Lê Tú Lệ mang “ thân gái” xông vào nơi không dành cho mình, và lại liều mạng mượn “uy” của Ban Tuyên giáo Thành ủy (nơi Tú Lệ làm việc, dưới tầng một, Hội Nhà văn TP trên tầng hai, trong cùng nhà số 92 Trần Quốc Thảo) để thương thảo, thuyết phục. Đêm qua, các NV Phan Đức Nam, Trần Nhã Thụy, Hoàng Đình Quang, Nguyễn Ngọc Mộc và tôi đã hỏi lẫn nhau, và không ai trả lời nổi, là tại sao trong phòng quàn linh cữu NV Hoài Anh lại chỉ có tờ cáo phó, theo mẫu in sẵn, chỉ cần viêt tên người chết và những thông tin liên quan vào những chỗ có dãy dấu chấm nối nhau, do Trại Hòm Thiên Phước II (nơi bán quan tài, làm mọi dịch vụ động quan, di quan, an táng…) dán trên tường, mà không hề có tờ giấy lớn cùng cỡ in danh sách ban lễ tang, với trưởng ban cùng các thành viên. (Ngăn kế bên, cùng ngày giờ, linh cữu của một sĩ quan an ninh sinh năm 1959, ngoài tờ cáo phó, còn có tờ danh sách ban lễ tang 9 người, do một ủy viên thường vụ quận ủy làm trưởng ban). Nhà văn Thảo Phương không đủ tiêu chuẩn để lập ban lễ tang vì chức vụ thấp, lương thấp…(thơ hay đến mấy cũng “hãy đợi đấy”), thế còn NV Hoài Anh, văn tài thành tựu nhân cách thế nào, độc giả cả nước đã biết quá rõ, tham gia cách mạng từ khi còn nhỏ (thiếu sinh quân), làm việc viết văn đến lúc xuôi tay nhắm mắt, thì vì lẽ gì lại không được lập ban lễ tang khi chết, xin các quan chức nghành văn cho câu trả lời !
Có kinh nghiệm từ đám tang NT Thảo Phương (các nhà văn nhà báo tự tập hợp lại, lập ra bảng phân công túc trực sáng, trưa, chiều, đêm, mỗi kíp có ba người, luôn có mặt bên linh cữu, hương khói, hướng dẫn, sắp xếp, giới thiệu các tập thể, cá nhân đến thắp hương, phúng điếu), Lê Tú Lệ đề nghị cần phải tổ chức và phân công người trực bên linh cữu NT Hoài Anh, nhưng ông Trần Văn Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh gạt đi, ”có một ngày (thực ra là một ngày một đêm), không cần phải trực”. Đã không có ban lễ tang, lại “không cần có người trực”, không hiểu vợ, hai con trai, hai con dâu, ba cháu nội còn ở tuổi mẫu giáo của NV Hoài Anh sẽ xoay sở ra sao trong cảnh tang gia bối rối. 
  Lễ truy điệu NV Hoài Anh bắt đầu lúc 7 giờ, dài 9 phút, ngoài gia đình, có 27 người dự, khoảng 1/3 là nhà văn. NV Trần Văn Tuấn đọc điếu văn trong khoảng 3-4 phút, không phải là không có những câu chữ đúng, như “Hoài Anh là bạn thân thiết của nhiều thế hệ nhà văn”, nhưng cũng có những câu nghĩ mãi vẫn chẳng biết phải hiểu thế nào, như  “ai cũng coi anh là người thân” (!?). Tuy nhiên, phải thừa nhận là ông khá kín kẽ khi đã ra tận cửa xe động viên mấy nhà văn chúng tôi “các cậu theo xe xuống nghĩa trang. Mình kẹt…” Xe khách loại 50 ghế, khi đi chở 20 người, có 5 nhà văn, khi về chở thêm 9 người trong “tang gia”. Ông “MC an táng”, tôi đã từng gặp khi đưa tiễn NT Trần Nhật Thu mấy năm trước, đọc bản viết sẵn “kính thưa ban tổ chức lễ tang, kính thưa đại diện hội nhà văn, kính thưa đại diện báo văn nghệ thành phố (nơi NT Hoài Anh làm việc mấy chục năm trước khi về hưu)…” Tôi liếc nhìn NT Vũ Duy Chu, lại thấy NT Cao Xuân Sơn ngúc ngoắc cái đầu xù. Cả ba cái “kính thưa” ấy như hòn cuội rơi vào lỗ đen vũ trụ không đáy, vì chẳng có ai thuộc ba đơn vị ấy có mặt để nhận lời mở đầu đầy sự trọng thị này.
  Có một điều, ngoài NT Hoàng Đình Quang ra, không ai có thể giúp tôi hiểu, khốn nỗi, chơi với nhau hơn hai chục năm rồi nhưng tôi với Quang thuộc dạng “thuận tâm khắc khẩu”. Quang nói mười điều tôi phản bác chín, ngược lại, tôi nói chín Quang chống lại mười một. Bởi thế, muốn “moi” thông tin của “lão” không thể không dùng tiểu sảo. Tôi giả bộ cáu kỉnh, lớn tiếng hỏi Hoàng Đình Quang: ”Ông là Trưởng Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Sài Gòn, NT Hoài Anh và hội viên chúng tôi đều là “quân” của ông, tại sao ông không viết điếu văn đọc điếu văn mà lại “bán cái” cho Phó Chủ tịch Hội Nhà văn địa phương?”. Nhà thơ họ Hoàng mất cảnh giác nên không phản bác câu nói của tôi như mọi khi, nhũn nhặn mềm mỏng đến không ngờ “ai phân công mà tôi viết với chả đọc” ! Thôi thì ai viết ai đọc cũng quý, nhưng nhiều nhà văn cứ “lăn tăn” rằng, thế thì sinh ra cái “chi hội nhà văn Việt Nam” ở Sài Gòn để làm những việc gì nhỉ?
Ảnh trong bài của Nguyễn Tý