Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

NÓI RÕ THÊM VỀ BÀI VIẾT “HIỆN TƯỢNG BÔI BÁC CÁC NHÀ VĂN ĐOẠT GIẢI THƯỞNG HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM”

Trần Đình Thu
Thứ tư ngày 23 tháng 3 năm 2011 5:54 AM
Sau khi bài viết “Hiện tượng bôi bác các nhà văn đoạt giải thưởng Hội nhà văn Việt Nam” đăng tải trên trannhuong.com và binhchonthohay.com, tôi nhận được nhiều phản hồi qua điện thoại của bạn hữu văn chương gần xa. Vì vậy xin nói rõ thêm một số ý mà có thể do vô tình tôi chưa thể hiện hết trong bài viết nói trên, gây hiểu lầm.
1. Một là bài viết này không nhằm mục đích khen Hội nhà văn Việt Nam công bằng chính xác trong vấn đề trao giải thưởng, mà chỉ nhằm đấu tranh để đạt đến sự công tâm trong đánh giá đối với cá nhân một số nhà văn, và qua đó muốn cảnh báo hiện tượng “nói lấy được” trong phê bình văn học. Cũng xin nói rõ, ý kiến của các nhà phê bình Trần Mạnh Hảo, Phạm Quang Trung…dù đối lập nhau nhưng cả hai đều có lợi cho nền văn học nước nhà và tôi rất trân trọng những ý kiến đó.
2. Bài viết chủ yếu bàn đến việc 2 tác phẩm Dị hương và Đất trời vần vũ bị quy chụp sao chép một cách vô căn cứ của một số người (Bùi Công Thuấn…).
3. Bài viết không nhằm nói đến Hội thề và các tác phẩm đoạt giải thưởng khác.
4. Xin đổi tên tựa bài trên thành tựa “Hiện tượng “nói lấy được” trong phê bình văn học hiện nay”
     ***
Vì bài viết có liên quan trực tiếp đến ông Bùi Công Thuấn và sau đó ông Thuấn có bài trao đổi với riêng tôi trên trannhuong.com, nên phần dưới đây nhằm trao đổi lại với ông Thuấn (bạn đọc có thể không cần đọc phần này nếu không có nhiều thời gian rảnh rỗi):
Thưa ông Bùi Công Thuấn! Qua một số bài viết của ông, hôm nay tôi xin trao đổi lại cùng ông một số vấn đề, trước hết là vấn đề sao chép tác phẩm văn học.
Sao chép là một khái niệm rất rõ ràng, rất phổ dụng mà ngày nay hầu như ai cũng biết. Nó không chỉ tồn tại trong văn chương mà còn trong nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống.
Từ điển tiếng Việt viết: Sao chép = chép lại đúng y như bản gốc (mời ông tra lại từ điển).
Tôi xin lấy một số thí dụ để minh họa:
Trong hội họa, công việc vẽ lại y chang một bức tranh khác gọi là chép tranh.
Học sinh tiểu học viết lại y chang một đoạn văn bản mà thầy giáo đọc để luyện chữ đẹp gọi là tập chép.  Học sinh các lớp lớn viết y chang lại bài giảng mà thầy đọc thì gọi là chép bài.
Trong luật học, việc photocopy hoặc dùng máy ảnh chụp lại các trang tài liệu được gọi là sao chép hồ sơ vụ án.
Trong văn học, việc sao chép tác phẩm cũng được hiểu như thế, là viết lại y nguyên hoặc có thể thêm bớt đảo lộn một phần nhỏ nội dung tác phẩm của người khác nhưng căn bản vẫn giống tác phẩm bị sao chép.
Việc 2 tác phẩm cùng một đề tài nhưng khác về nội dung thì không bị coi là sao chép của nhau. Hoặc thậm chí 2 tác phẩm cùng một đề tài, cùng một bút pháp, cùng một chủ đề tư tưởng, nhưng khác nhau về nội dung thì cũng không bị coi là sao chép của nhau.
Tóm lại, chỉ khi nào 2 tác phẩm giống nhau về nội dung thì mới bị coi là sao chép của nhau và dĩ nhiên, mới có thể sử dụng từ này. (Xin ông đừng yêu cầu tôi giải thích như thế nào thì giống nhau về nội dung).
Ngoại trừ những người ngớ ngẩn hoặc đùa cợt cho vui, thì hầu như ngày nay không có ai sao chép một tác phẩm văn học của người khác để công bố lên trên văn đàn. Vì thế tôi nghĩ có thể ở đây ông đã dùng từ không chính xác hoặc nhầm lẫn khái niệm, thậm chí có thể là đánh tráo khái niệm (tôi cho là ông cố tình đánh tráo khái niệm).
Với những trình bày của tôi như trên, tôi cho rằng dù có biện minh cách nào đi chăng nữa, thì ông cũng không thể chứng minh rằng ông đã đúng khi dùng khái niệm “sao chép” đối với hai tác phẩm “Dị hương” và “Đất trời vần vũ”.
Ông có đưa ra một khái niệm có vẻ mới là “cách viết” để từ đó dẫn dắt đến vấn đề “sao chép cách viết”, nhưng tôi cho rằng đây là một khái niệm lẩm cẩm. “Cách viết” theo ông là bao gồm cả chủ đề tư tưởng, nội dung tác phẩm, văn phong và cả “cách viết” nữa…  Ông viết nguyên văn như sau: “DỊ HƯƠNG sao chép cách viết của Nguyễn Huy Thiệp trong KIẾM SẮC, từ chủ đề đến nội dung, tư tưởng, cách viết và văn phong”. 
Vậy thì, “cách viết” là cái gì mà nó lại chứa trong nó cả bản thân nó?   
Đọc bài của ông, tôi còn thấy sự lẩm cẩm ở nhiều nơi. Thí dụ trong cái tựa bài (mà tôi thấy là quá khó để hiểu ông muốn nói gì) ông viết: ““Cách viết” cũng là “chủ đề” thưa nhà nghiên cứu Trần Đình Thu”. Nhưng đoạn dưới ông lại viết: “Có lẽ nhà nghiên cứu Trần Đình Thu nên hỏi các nhà văn, hoặc các nhà lý luận văn học  xem “cách viết” là gì và “chủ đề “ là gì”. Thưa ông! Ở tựa bài ông đã xác định rằng “cách viết” cũng là “chủ đề”, sao xuống dưới ông lại bảo tôi đi hỏi tách riêng ra “cách viết” là gì và “chủ đề” là gì?
Nhưng chưa hết, ở đoạn cuối cùng ông lại viết: “…tôi xin không đối thoại với một người mà trình độ lý luận văn học chỉ đủ để hiểu “cách viết” ấy là “chủ đề” của một tác phẩm”.
Vậy là sao? “Cách viết” là cái gì?
Thật sự ra, tranh luận với ông rất là khó, bởi ông lập luận không rõ ràng, tôi không hiểu ông muốn diễn đạt điều gì để tôi có thể trao đổi lại. Vì vậy tôi xin ngừng cuộc tranh luận với ông tại đây. 
Tôi cũng xin lỗi ông về việc tôi không biết ông là thạc sĩ ngữ văn và từng dạy văn cấp 3 trên 30 năm. Đây là một cái sai của tôi như bác Khôi Vũ nói.
TĐT