Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

NHỮNG NGƯỜI "LIỀU MÌNH NHƯ CHẲNG CÓ"

Nguyễn Kiến Thọ
Chủ nhật ngày 20 tháng 3 năm 2011 9:51 PM

      Báo Văn nghệ số 10 (5/3/2011) đăng bài “ Liều mình như chẳng có…” của Vĩnh Nguyên viết về  nhà thơ Đỗ Hoàng, có in kèm cả bức ảnh chân dung của nhà thơ. Lạ và tò mò, tôi đọc bài báo và… giật mình. Quả thật, tác giả Vĩnh Nguyên đã đưa ra một cái tít hết sức giật gân và cũng hết sức “chính xác”. Đọc và kiểm chứng tất cả các thông tin liên quan đến bài viết, tôi nhận ra một điều: Không chỉ có Đỗ  Hoàng “liều mình như chẳng có” mà có đến mấy người còn liều hơn. Đó là Vĩnh Nguyên, tác giả bài báo; các tác giả Kim Yến và Nguyễn Trần Thái- những người bạn chí cốt chí tình với nhà thơ Đỗ Hoàng và có lẽ cả các ông Biên tập và Tổng Biên tập báo Văn Nghệ nữa. Những người còn liều mình như chẳng có hơn khi đưa bài viết của tác giả Vĩnh nguyên vào chuyên mục “Mỗi tuần gặp một nhà văn”- một chuyên mục trước nay luôn đón nhận được sự mến mộ yêu thích của đọc giả, những người yêu văn học và quan tâm đến đời sống văn học nước nhà.

      Tôi chẳng mấy khi quan tâm đến những vấn đề riêng tư của giới nhà văn vốn đã có rất nhiều phức tạp, nhất là đối với những nhà văn “tầm cỡ” như Đỗ Hoàng mà sự nổi tiếng chỉ được thể hiện qua chính phát ngôn của tác giả hay “phóng ngôn” từ miệng một số người bạn rất thân thiết trên các bàn nhậu của ông nhà thơ này. Nhưng vì sự tự trọng cần thiết của một đọc giả và của một người yêu văn học, tôi buộc phải viết bài này không phải để tranh luận với tác giả Vĩnh Nguyên cũng như những ông bà có bài viết về Đỗ Hoàng như Kim Yến, Nguyễn Trần Thái mà qua cách họ lập ngôn, tôi ngờ rằng cái kiến thức văn chương cũng như những quan điểm của họ về học thuật chí ít cũng phải “tầm cỡ”… tốt nghiệp trung học cơ sở. Tôi viết bài này là để lỡ có các em học sinh trong trường phổ thông hay các bác nông dân ít học vốn rất tin vào các cơ quan ngôn luận và thông tin đại chúng (nói dại, nếu họ đọc được bài báo của Vĩnh Nguyên) đỡ mất công xuýt xoa, tự hào, kiêu hãnh vì nước ta lại sắp xuất hiện một thiên tài như cụ Nguyễn Du, quả là phúc lớn cho văn chương dân tộc.

        Thực ra, bài của Vĩnh Nguyên không mới, gần như là sự phóng tác các bài báo của ông Trần Quang Đạo trên báo Tiền Phong cuối tuần (số 24/2009), của Kim Yến trên báo Giáo dục và Thời đại (số 45/2010), và nhất là của ông Nguyễn Trần Thái đăng trên tạp chí Hội Nhà văn (số 12/2010), đăng lại trên Thanh tra điện tử ngày 29/01/2011, rồi lại được Quà tặng Xứ Mưa in lại. Nghĩa là có đến năm, sáu bài viết mà tác giả của chúng là “anh chị em làm thơ quê Quảng bình tại Huế” hay “bạn học cùng cấp ba Lệ Thuỷ” với ông nhà thơ Đỗ Hoàng (trong đấy thấy kể tên cả nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ, không biết chị Mỹ Dạ có biết mình được “vinh danh” cùng với nhà thơ Đỗ Hoàng hay không?!). Rồi cũng phải kể đến ông bạn nhậu thân thiết của nhà thơ Đỗ Hoàng là ông Trần Quang Đạo mà trong bài viết tác giả Vĩnh Nguyên có kể tới như một thứ “ISO” cho tài năng họ Đỗ. Thôi thì sức đọc có hạn, tôi chỉ xoay quanh bài viết của Vĩnh Nguyên trên báo Văn Nghệ để trao đổi cùng bạn đọc về 3 vấn đề, nói đúng hơn là ba nhận xét của cá nhân tôi về ông Đỗ Hoàng, về việc ông Đỗ Hoàng dịch thơ Việt sang thơ Việt và việc ông Đỗ Hoàng  dịch Kim Vân Kiều truyện bằng thơ.

1. Chân dung Đỗ Hoàng

     Chẳng cần phải mất công tìm hiểu, cũng chẳng phải mất công đánh giá để mang tiếng đặt điều, tôi chỉ ghi lại y nguyên những miêu tả, đánh giá của các bạn văn chương tri âm tri kỉ với ông Đỗ  Hoàng mà thôi. Phải nói là ông Hoàng có những người bạn tuyệt vời mà một trong những người tuyệt vời nhất là ông Trần Quang Đạo bởi vì ông Đạo viết rất thành thực: Đó là lần tôi thấy anh ở nhà người bạn, mặc quần đùi, áo sơ mi dài tay, cả người lấm đầy bùn, bèo cám bám khắp thân thể, bốc mùi tanh kinh khủng”. Tôi  không tiện nói ra cái lí do vì sao nhà thơ “thiên tài” của chúng ta ra nông nỗi thế. Tất cả các bạn thơ văn của Đỗ  Hoàng đều phải lắc đầu nể phục tài năng đang độ chín của Đỗ Hoàng, đó là tài uống rượu và tài ngã xe. “Có gái đẹp, cuộc uống như được hâm nóng. Đỗ Hoàng uống nhiều, chẳng ăn một chút gì vào bụng”; “Không những thế, khi say Đỗ Hoàng thường phóng xe như bay trên đường, mấy phen bánh xe ô tô suýt đè phải người.”; “Đỗ Hoàng lóp ngóp từ trên xích lô cà nhắc bước xuống, mặt bị trầy xước nhẹ, quần toạc đến đầu gối. “Suýt nữa bị 18 bánh xe công lý chẹt chết”, Đỗ Hoàng vừa nói vừa thở”; “Ngồi sau xe, Đỗ Hoàng móc túi lấy điện thoại gọi và quát mắng một ai đó, rồi bỗng, “oạch”, anh “rơi tự do” đầu quay lại phía ngược đường, nằm bất động”…Thôi thì bao nhiêu lần đến tiền người ta vì say rượu đụng xe thì nói làm gì, vì đó là tiền của Đỗ Hoàng, mặc dù anh ta cũng chẳng phải là người dư dả gì: “ Bao năm sống cạnh Đỗ Hoàng, tôi chưa bao giờ thấy anh dư dật. Hai bố con rau cơm qua ngày. Nhưng hễ có chút tiền nhuận bút, tiền giải thưởng văn chương này nọ, thậm chí là chạy quảng cáo lấy tiền về để trong túi chưa kịp nộp tòa soạn, cứ tưởng là tiền của mình, bao giờ cũng ới bạn bè đi uống”. (Cái Ông Trần Quang Đạo này kể cũng thành thực, nói ông Đỗ Hoàng hay say sỉn, hay vi phạm luật lệ giao thông còn được, còn cái chuyện ông ta tiêu tiền của toà soạn để đến nỗi không trả được bị buộc phải thôi việc thì có hay ho gì mà cũng nói ra).

       Nói đến công danh sự nghiệp của Đỗ Hoàng tôi lại phải viện đến mấy nhân chứng để đảm bảo mình không phóng tác điều gì (tôi dùng từ phóng tác vì thấy mấy bạn tri âm của Đỗ Hoàng khi viết rất sính dùng từ này, cho dù có lúc, hình như họ cũng chẳng hiểu nổi được nghĩa đen của nó). Vĩnh Nguyên  và “Một lứa bên trời” mà ông Nguyên sính chữ chua thêm để diễn giải nghĩa của 4 chữ này là “cùng một kiếp bên trời lận đận”, mới hay khả năng phóng tác của các ông bạn của Đỗ Hoàng là không giới hạn. Tuy vậy, cũng có lúc tôi phải khẳng định là giữa Vĩnh Nguyên và Trần Quang Đạo chắc chắn phải có một người sai, cái sai ấy liên quan mật thiết tới lí do ông Đỗ Hoàng bị đuổi khỏi trường viết văn Nguyễn Du. Vĩnh Nguyên thì cho rằng khi làm thủ tục chuyển đi học, Đỗ Hoàng đã “bảo cô kế toán khai tăng cho một bậc lương”, trong khi Trần Quang Đạo thì quả quyết: “anh bảo cô kế toán khai tăng cho hai bậc”. Ngẫm cho cùng, chuyện khai man một hay hai bậc lương đối với Đỗ Hoàng cũng chẳng có gì là nghiêm trọng, bởi anh ta có bao giờ thấy cần thiết phải phân biệt tiền của nhà nước với tiền của mình đâu!

       Đúng là số phận ông Hoàng thật hẩm hiu (về điểm này thì tôi nhất trí với Vĩnh Nguyên, chỉ khác nhau ở cách kiến giải nguyên nhân của sự hẩm hiu ấy).Nói gọn lại về quá trình công tác của Đỗ Hoàng là như thế này:

- Đi bộ đội về, cuối năm 1976, (sống ở Huế cùng với ông Vĩnh Nguyên), làm ở báo Bình Trị Thiên.

-Làm phóng viên 10 năm, thi đỗ vào trường viết văn Nguyễn Du khoá 3, bị buộc thôi học vì gian lận bậc lương.

- Tiếp tục thi khoá 4 Trường viết văn Nguyễn Du, tốt nghiệp, làm phóng viên báo Lao động- Xã hội, bị kiện, bị kiểm điểm và thôi việc vì “viết phóng sự mà như tiểu thuyết, cứ hư cấu đại đi cho nó hấp dẫn”.

- Xin sang làm ở tạp chí Lao động- Xã hội, bị buộc thôi việc vì chiếm dụng tiền của cơ quan để ăn nhậu: “Thu được tiền quảng cáo, đem chiêu đãi mấy người bạn hết, không có tiền trả cho tòa soạn, đành phải thôi việc”.

Đỡ phải liệt kê dài dòng, xin dẫn nguyên chữ của ông Trần Quang Đạo cho nó “minh triết”: “Lang thang mất một thời gian, Đỗ Hoàng được anh Phạm Tiến Duật thương đưa về làm ở tờ Diễn đàn Văn nghệ. Tưởng yên thân tại đây, song một lần anh Duật khen thơ của một người làm thơ có những cách tân, Đỗ Hoàng uống rượu ở đâu đó về “ngứa mồm” liền vặc lại anh. Kết quả, hai người sống như mặt trăng mặt trời, Đỗ Hoàng đành dứt áo ra đi... Mấy năm sau được nhà thơ Hữu Thỉnh giới thiệu cho làm ở Tạp chí Nhà văn đến nay. Không biết, Đỗ Hoàng có ở yên ở đấy cho đến khi về hưu không. Có trời mới biết được!”

Như vậy, dù ông Trần Quang Đạo hay ông Vĩnh Nguyên không nói thẳng ra về ông bạn chí thân của mình, nhưng bất cứ ai đọc bài của các ông đều hiểu hai ông “nói” về Đỗ Hoàng như thế này:

1. Là người lôi thôi, tuỳ tiện từ trong cách ăn mặc đến bừa bãi trong sinh hoạt.

2.Là người man trá một cách có ý thức.

Chúng tôi không bàn luận gì thêm vì tất cả những câu trích dẫn đều là chữ của Trần Quang Đạo và Vĩnh Nguyên, bạn đọc hoàn toàn có thể kiểm chứng.

2. Từ quan điểm về thơ đến sự nghiệp sáng tác thơ

Phần này tôi muốn nói đến mấy vấn đề: Quan điểm thơ của Đỗ Hoàng, sáng tác của Đỗ Hoàng về thơ, dịch thơ Việt sang thơ Việt và dịch Kim Vân Kiều truyện bằng thơ. Cũng phải nói luôn, tôi không áp đặt mà chỉ diễn giải cách hiểu của mình khi đọc các bài viết của các bạn tâm giao của ông Đỗ Hoàng. Tất cả các phần trích dẫn là chữ của ông Vĩnh Nguyên, ông Trần Quang Đạo, ông Nguyễn Trần Thái, ông (bà) Kim Yến.

Về thơ của Đỗ Hoàng, “nổi tiếng” nhất có lẽ là tập thơ Tâm sự người lính, năm 1996, “chưa đọc đã bị thu hồi”, “một tập thơ có “khẩu khí” phản chiến nói về thân phận người lính. Cái nhìn của Đỗ Hoàng trong “Tâm sự người lính” có một số lệch lạc nhất định theo cách nhìn chính thống. Bởi anh đã nhìn cuộc chiến bằng một con mắt khác, con mắt của kẻ bị chụp mũ lí lịch”. Tập thơ có 4 câu đề từ như thế này: Lính ở bên kia mấy tiểu đoàn/ Vô nhiều đứng chật cả đường quan/ Ngày mai không biết nơi nào đánh/ Nhất định có người phải chết oan”. Quả là rất “ấn tượng” song tôi ngờ rằng, cái lí do lớn nhất để tập thơ của Đỗ Hoàng bị đình bản không phải vì “nhìn cuộc chiến với con mắt khác” mà là vì sự xúc phạm thơ bởi sự nông cạn, ngô nghê đến tức cười của nó. Đỗ Hoàng quả là người táo bạo đến liều lĩnh khi gọi đó là thơ, thể nào ông đưa ra một quan điểm nghệ thuật về thơ mà ngay từ những năm 30 của thế kỉ trước, từ  khi Thơ Mới ra đời, những người nói như thế còn cảm thấy xấu hổ, thế mà Đỗ Hoàng vẫn mạnh mẽ tuyên ngôn: “Thơ Đường sống mãi hàng ngàn năm mà hình thức vẫn thế, vẫn giản dị, trong sáng, dễ hiểu, tràn đầy tình cảm”; “thơ trọng ở tình cảm, đổi mới nội dung mới đáng quý, còn hình thức thơ như chúng ta từng có đã đủ để sáng tác được nhiều bài thơ hay”.

    Đỗ Hoàng cho rằng thơ của Hoàng Vũ Thuật, Vi Thuỳ Linh,Văn Cầm Hải, Thanh Tâm Tuyền, Thanh Tùng…là “loại thơ rối rắm, loại thơ vứt đi”. “Anh là đại biểu bảo vệ cách làm thơ truyền thống”. Chính bởi cách lập ngôn “vĩ đại” đó mà. “có nhiều ý kiến mang tính chất “khủng bố”, làm cho nhà thơ Đỗ Hoàng phải rút lui khỏi Blog một thời gian”. Phần thưởng cao quí nhất mà dịch giả thơ Việt ra thơ Việt Đỗ Hoàng nhận được có lẽ là sự cổ vũ quá ư phấn khích của một người đăng trên Blốc: “Hoan hô bác Đỗ thật cừ/ Dịch Văn Cầm Hải cứ như uống trà”, nghe giống như kiểu  “hoan hô các cụ trồng cây…”

     Lí do Đỗ Hoàng dịch Kim Vân Kiều truyện là như thế này: “Anh nói cụ Nguyễn Du dịch bỏ nhiều đoạn trong Kim Vân Kiều truyện nên bản dịch chỉ có 3.254 câu, còn anh dịch hết nên bản dịch dài đến gần 6.000 câu. Đại thi hào Nguyễn Du trong Truyện Kiều có nhắc đến việc Kiều sáng tác, nhưng không có tác phẩm nào được dịch. Khi tôi dịch ra thơ lục bát tôi dịch tất cả, nên dài hơn Truyện Kiều của Nguyễn Du. Ngừng một chút để chợp ngụm rượu,  anh nói thêm: “Cụ Nguyễn dịch hay, rất hay, nhưng khi miêu tả tâm lý, tính cách nhân vật dùng ước lệ khá nhiều, có đoạn nói hơi quá, xét về mặt tâm lý hiện đại thì không hợp. Về từ ngữ, nhiều câu dùng từ còn gượng, nên ép vần”. Xin miễn bàn vì sự so sánh này bởi cách nhìn nhận đánh giá về Nguyễn Du và Truyện Kiều của Đỗ Hoàng làm ta nhớ đến “những người xem chuông” trong thơ của Hồ Xuân Hương.

3. Về những người viết bài về Đỗ Hoàng

Đọc những bài viết về Đỗ Hoàng, tôi cứ nghĩ một điều như thế này: Người ta nói “người nào của nấy”. Tôi thấy tội nghiệp cho Đỗ Hoàng khi bên anh có những người bạn “tri kỉ” như vậy. Quả là khen nhau như thế bằng mười ghét nhau. Tôi không hiểu các ông Trần Quang Đạo, Nguyễn Trần Thái hay Vĩnh Nguyên nghĩ gì khi dựng lên một chân dung xộc xệch và méo mó như vậy. Ngẫm lại, các cụ nói “ngưu tầm ngưu” quả là rất chí lí. Một ông Vĩnh Nguyên không viết nổi một đoạn văn cho ra hồn; một ông (bà) Kim Yến viết về “Điểm mới của Kiều thơ” mà không hiểu những khái niệm đơn giản nhất của Lí luận văn học. Các cụ nói “dốt hay nói chữ” quả cũng không sai. Thôi thì vì đồng hương, vì cùng học, vì quí nhau vì cùng là bạn nhậu nên cố “khen cho có chuyện” đã đành, cho dù càng viết  thì càng “vách áo cho người xem lưng” vì cái mớ kiến thức văn chương “thắng cố” của các vị. Buồn thay, có cả những người có học vị, có bằng cấp hẳn hoi, mà càng viết càng làm cho người ta nghi ngờ sự học, sự đọc và khả năng nhận thức đến độ “thiểu năng trí tuệ” của mình. Tôi nói tất cả những điều này mà không đưa dẫn chứng ra đây là để các vị phẫn nộ (và tôi nghĩ là các vị sẽ phẫn nộ) vì các vị đều thừa tự trọng, chỉ thiếu kiến thức văn chương, và thiếu cả sự tế nhị cần thiết của những người bạn yêu quí nhau một cách chân thành. Sự kém hiểu biết về học thuật dẫn các vị đến chỗ ca ngợi hết lời một trò ngớ ngẩn là đi dịch (đúng hơn là phóng tác, nó khác hẳn với dịch) một tác phẩm thường thường bậc trung của Trung Quốc là Kim Vân Kiều truyện. Vì thiếu kiến thức lí luận sơ đẳng nên các vị dùng lẫn lộn và sai nghĩa các khái niệm đơn giản nhất. Những người có học vấn cao, những bậc uyên thâm về văn chương học thuật không lên tiếng là vì họ không muốn tranh luận với những người “mù kiến thức”. Sự vô tình hay cố ý của các vị đã xúc phạm nghiêm trọng đến một đại thi hào dân tộc và xúc phạm đến tất cả những trí thức đích thực của nước nhà. Tôi lên tiếng đơn giản chỉ vì tôi là một đọc giả bình thường đã tốt nghiệp văn hoá phổ thông. Tôi cảm thấy tội nghiệp cho “nhà thơ” Đỗ Hoàng vì trân trọng những đam mê của ông ấy. Sự đam mê ấy là đáng trọng. Nói cho cùng, Đỗ Hoàng hoàn toàn có thể phóng tác thơ của các tác giả người Việt cũng như phóng tác Kim Vân Kiều truyện, nhưng tôi đoan chắc nó sẽ chẳng có giá trị gì. Sự hiểu biết và những đánh giá chủ quan, lệch lạc của các vị sẽ làm cho những đọc giả kém hiểu biết có những nhận thức không đúng về Nguyễn Du và Truyện Kiều. Nếu các vị không ngại một lần nữa phô diễn những kiến thức nông cạn và vớ vẩn của mình, tôi xin sẵn sàng tranh luận.

Tôi cũng bày tỏ những quan ngại sâu sắc về phía những người biên tập, những người có trách nhiệm của các tờ báo, các cơ quan ngôn luận vốn rất có uy tín từ trước đến nay. Sự lỏng lẻo (không ngoại trừ cả sự kém hiểu biết) của Biên tập khi cho đăng những bài viết như trên sẽ làm cho đời sống văn chương nước nhà càng trở nên phức tạp. Đó hoàn toàn không phải là những ý kiến trái chiều để đưa ra tranh luận nhằm rộng đường dư luận. 

Đà Lạt, 19/3/2011

Nguyễn Kiến Thọ