Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

HAI CHUYỆN KINH HOÀNG - THƯA QUỐC HỘI

Bùi Hoàng Tám
Thứ ba ngày 22 tháng 3 năm 2011 6:03 AM

TNc:
- Trưởng ban Dự thảo Dự luật Luật phòng chống tham nhũng bị đệ tử tố cáo 3 lần nhận hối lộ.
- Vụ PMU 18 kết thúc “như chuyện cổ tích” bằng việc Thứ trưởng Nguyễn Việt Tiến ra tù để Nhà báo chống tham nhũng Nguyễn Việt Chiến vào tù.
- Vụ Hành lang Đông – Tây đang dần chìm dần vào quên lãng.
- Vụ Vinasin không kỉ luật ai vì “có thiếu sót, khuyết điểm nhưng đã nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm và xét thấy chưa đến mức phải xử lý thi hành kỷ luật”.
Đó là vài nét tiêu biểu kể từ khi Luật Phòng chống tham nhũng được Quốc hội thông qua ngày 19 tháng 11 năm 2005. Và phải chăng đây chính là nguyên nhân quan trọng khiến công cuộc phòng chống tham nhũng kém hiệu quả?
Nhân dịp này, trannhuong.com xin được gửi tới Quốc hội bài viết của Nhà thơ Bùi Hoàng Tám đã đăng tải trên nhiều cơ quan báo chí cách đây 3 năm, tuy nhiên vẫn còn nguyên tính thời sự.


Hai chuyện kinh hoàng - Thưa Quốc hội!

Chuyện thứ nhất: Khu nhà nơi có trụ sở cơ quan tôi thuê một công ty làm công tác bảo vệ. Trong điều 4 bản Nội quy của công ty có nội dung nguyên văn như sau: Nghiêm cấm nhân viên bảo vệ lợi dụng chức trách, nhiệm vụ được phân công để gây sách nhiễu, phiền hà, vòi vĩnh ăn hối lộ của các đơn vị và cá nhân đến xây dựng công trình trong dự án. Để đảm bảo cho khách hàng khi vào liên hệ nếu thấy có hiện tượng không đúng xin liên hệ đường dây nóng...
Thưa Quốc hội, một anh bảo vệ được thuê về trông coi mà cũng có quyền  "sách nhiễu, phiền hà, vòi vĩnh ăn hối lộ" thì tham nhũng đã ở mức "xã hội hoá" cao độ. Một đất nước mà tham nhũng đã “xã hội hóa” thì thật đáng sợ.
Chuyện thứ hai: Một vị nguyên là đại biểu Quốc hội khoá X kể với tôi rằng cạnh nhà ông có cậu bé đang học lớp 2 (tức khoảng là 7 tuổi). Mỗi buổi sáng, cậu thường xin mẹ 5 ngàn đồng ăn quà. Thế nhưng mấy bữa liền, cu cậu nằng nặc đòi xin 7 ngàn đồng. Người mẹ dỗ dành, tra hỏi mãi, cu cậu mới khai lý do là "biếu bạn lớp trưởng để khỏi bị mách cô giáo khi mắc lỗi".
Một chuyện tưởng chừng như rất đơn giản nhưng đằng sau nó ẩn chứa một thông điệp hết sức đáng lo ngại.
Thứ nhất, việc làm của hai cậu bé tuy vô thức nhưng đã chứa đựng đầy đủ hành vi của một tội hình sự có tên là "hối lộ và nhận hối lộ" mà mức án cao nhất của tội danh này là tử hình.
Thứ hai, tuy mới 7 - 8 tuổi nhưng các em đã ý thức rằng kẻ làm quan (dù chỉ là lớp trưởng của một lớp tiểu học) thì được quyền nhận biếu xén và kẻ là dân (học sinh) thì phải có trách nhiệm cống nạp cho quan thì thật là kinh hoàng. 
Cái tư duy đưa và nhận cống nạp đã hình thành như một bản năng từ thủa ấu thơ chính là nguy cơ tiềm tàng, huỷ hoại nền mọi tảng đạo đức các thế hệ mai sau. Vì vậy, việc chống tham nhũng, hối lộ không chỉ là công việc của ngày hôm nay và chỉ cho ngày hôm nay mà còn là trách nhiệm với tương lai.
Thế nhưng thưa Quốc hội, xin được nêu lên một sự thật rằng nạn tham nhũng đã trở thành "quốc nạn", một loại "giặc nội xâm" nhưng trong nhiều năm qua, chưa có bất cứ đại biểu hay đoàn đại biểu Quốc hội nào phát hiện, tố cáo một vụ hối lộ, tham nhũng, tiêu cực ở chính địa phương mình, ngành mình. Tại sao vậy, thưa Quốc hội?
Chắc chắn rằng nhiều, rất nhiều cử tri hi vọng Quốc hội xoá bỏ được “tiền lệ” đáng buồn này, thật sự tham gia tích cực vào công cuộc chống tham nhũng, thực hiện đầy đủ quyền giám sát, một chức năng tối cao của cơ quan quyền lực cao nhất do nhân dân bầu ra.
Bùi Hoàng Tám