Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

KẺ 2 LẦN BÁN THÁP EIFFEL

Đinh Quang Tỉnh
Chủ nhật ngày 20 tháng 3 năm 2011 10:12 PM
 
Công trình xây dựng Tháp Eiffel để kỷ niệm 100 năm cuộc đại cách mạng Pháp là một biểu tượng không thể thiếu của Thủ đô Paris tráng lệ, mặc dù nước Pháp còn rất nhiều các biểu tượng khác. Vậy mà tháp Eiffel đã từng bị bán, mà thậm chí bị bán tới tận hai lần bởi một kẻ đại bịp tên là Victor Lusitg - Sinh năm 1890 tại thành phố in Hostinee, Cộng hoà Czech (Cộng hòa Séc ngày nay), một thành phố nằm bên bờ sông Elbe, do chính cha hắn làm thị trưởng.
Gia đình Victor Lusitg rất giàu có: cha là doanh nhân và là thị trưởng thành phố in Hostinee, Victor Lusitg may mắn có được sự giáo dục tốt nhất so với những bạn bè đồng trang lứa. Cha mẹ luôn mong cậu con trai thông mình của mình sau này sẽ trở thành một luật sư danh tiếng.
Là một học sinh xuất sắc khác thường, mới tốt nghiệp trung học mà Victor Lusitg có thể nói thành thục 5 thứ tiếng: Pháp, Anh, Czech, Đức và Italia. Victor Lusitg rất đam mê đọc sách lịch sử và xã hội học, nhưng lại không muốn trở thành luật sư như định hướng của cha mẹ, mà hắn bỏ học để đua đòi ăn chơi lêu lổng, lừa đảo bạn bè. Rồi Victor Lusitg tự ý bỏ nhà đến Thủ đô Paris (Pháp) với mong muốn: Mình sẽ làm giàu bằng mọi giá.
Ở tuổi 19, sống “tự tung tự tác” giữa Thủ đô Paris hoa lệ là mơ ước của Victor Lusitg. Với vẻ ngoài khôi ngô tuấn tú, thông minh và quyết đoán, Victor Lusitg rất được các quý cô, quý bà giầu sang “kết dính”, bởi vậy hắn đã quyết định dấn thân vào nghề dắt gái, vốn là nghề mang lại nhiều lợi nhuận mà không cần “vốn” đầu tư. Nhưng vì làm ăn liều lĩnh quá nên Victor Lusitg liên tục bị bắt giam về tội lừa đảo và ăn cắp vặt, hắn từng bị kết án tù giam ở Vienna và ở Klagenfurt…
Ra tù, Victor rời Paris. Nhiều năm sau đó hắn thường xuyên đi lại trên những chuyến tàu biển giữa Paris và New York. Hắn được một người bạn bày cho cách chơi bạc bịp để lừa đảo hành khách đi trên tàu và đã kiếm được khá nhiều tiền, Victor Lusitg đã trở thành kẻ cầm đầu đường dây bạc bịp trên những chuyến tàu thủy xuyên Đại Tây Dương ấy.
Chiến tranh đã khiến những chuyến tàu du lịch không còn là nơi lý tưởng để hắn kiếm tiến nữa, nên Victor Lusitg quyết định bỏ trò bạc bịp trên tàu để sang Mỹ làm ăn. Tại Mỹ, Victor Lusitg đã sử dụng tối đa sự quyến rũ bề ngoài của hắn và mọi mánh khoé gian lận để kiếm tiền bằng mọi cách. Vì vậy, chẳng bao lâu Victor Lusitg trở nên giầu có từ những nguồn thu nhập bất chính.
Đến năm 1925, Victor Lustig trở lại Paris cùng với rất nhiều chiến lợi phẩm từ các trò lừa đảo trong thời gian ở Mỹ. Hắn phung phí những khoản tiền lớn ở những nơi sang trọng nhất Paris và tiếp tục nhiều trò lừa đảo mới.
Một buổi sáng trong khi uống cà phê, Victor Lusitg tình cờ đọc được một bài báo đề cập đến những khó khăn của chính quyền thành phố Paris trong việc duy tu tháp Eiffel đang có nguy cơ xuống cấp, do đó người ta cần một khoản tiền khổng lồ để thực hiện việc này. Nhận ra kẽ hở để có thể kiếm tiền, trong đầu kẻ lừa đảo chuyên nghiệp Victor Lustig đã nảy ra một ý tưởng “điên rồ” là: Rao bán tháp Eiffel!
Nghĩ là làm ngay, Victor Lusitg đã sắm cho mình một bộ danh thiếp và phong bì có đề chức danh trợ lý Bộ Trưởng Chính phủ Pháp. Với cương vị này, Victor Lusitg đã thăm dò kỹ lưỡng và quyết định gửi thư mời 6 nhà thầu xây dựng và kinh doanh phế liệu lớn nhất thành phố đến dự buổi “họp kín” tại một khách sạn sang trọng bậc nhất ở Thủ đô Paris.
Victor Lusitg đưa ra bài báo có nêu việc tháp Eiffel cần phải sửa một số chỗ đã hư hại và sau đó nói rằng Chính phủ, trên thực tế vì không đủ kinh phì để duy tu bảo dưỡng nên đã quyết định phá bỏ tháp Eiffel. Tháp không còn an toàn nữa và nếu khung thép của nó bị rì, gẫy rơi xuống chắc chắn sẽ gây thiệt mạng cho khách du lịch…
Tháp Eiffel có tổng trọng lượng hơn 7 ngàn tấn thép và có tới 2,5 triệu ri-vê nhưng hắn lại đưa ra cái giá rất hời khiến các ông trùm phế liệu rất hào hứng. Thậm chí, sau đó Victor còn dẫn họ đến tận chân tháp Eiffel để xem “thực địa” - đây được coi là chiêu tuyệt đỉnh trong nghề lừa đảo của hắn. Khiến các nhà thầu càng tin tưởng vào Victor Lusitg và muốn giành phần thắng trong cuộc bán đấu giá trăn năm có một này. Vì vậy, nhiều người đã tự nguyện chi những khoản tiền không nhỏ để tranh thủ hắn. Victor Lusitg nói lấp lửng rằng nếu biết chuyện tháp Eiffel bị bán đấu giá, dư luận cả nước Pháp sẽ rất bất bình, bởi vậy việc trao đổi mua bán và những người tham dự cuộc họp phải tuyệt đối giữ bí mật...
Một tuần sau cuộc họp kín, Victor Lusitg đã nhận được đơn đặt hàng đầu tiên về gói thầu bán tháp Eiffel. Một doanh nhân thầu xây dựng mới tới Paris là triệu phú Andre Poisson đã cắn câu. Ông này vì nôn nóng muốn khẳng định mình tại Paris, nên đã hối lộ cho Victor Lusitg hơn 20.000 USD để được trúng thầu “phá tháp Eiffel”, cùng với số tiền 50.000 USD đặt cọc để thu mua sắt vụn của tháp Eiffel. Tổng số tiền được chuyển ngay vào tài khoản của chinh phủ, nhưng để “kín đáo” và “an toàn” nên tạm thời chuyển vào tài khoản riêng của Victor Lusitg. Ngay lập tức hắn đã đổi séc ra tiền mặt rồi ôm trọn 70.000 USD của nhà triệu phú Andre Poisson “lặn” một hơi sang Vienna, Áo.
 
Chỉ khi ông triệu phú “nhẹ dạ cả tin” đem công nhân đến tháo rỡ tháp Eiffel, mới té ngửa người, và nhận ra mình đã bị lừa nhưng đã quá muộn! Xót của nhưng vì sợ mất mặt trong giới kinh doanh nên triệu phú Andre Poisson đành “ngậm bồ hòn làm ngọt”. Còn tên lừa đảo Victor Lusitg thì đã cao chạy xa bay.
Ở Vienna, ngày nào Victor Lusitg cũng chăm chú đọc báo để xem Paris viết về sự kiện phá tháp Eiffel như thế nào. Nhưng đã gần 2 tháng trôi qua mà không hề có tin tức gì về tháp Eiffel nên hắn vô cùng ngạc nhiên, đã đánh liều quay lại Paris để “mục sở thị” vụ việc ra sao. Vừa mới đặt chân đến Paris hắn đã bị một nhà thầu phát hiện ra và báo cho cảnh sát. Rất may, Victor Lusitg đã thoát hiểm và trốn biệt sang Mỹ để tiếp tục hành nghề lừa đảo.
Khoảng năm 1930, Victor Lusitg quay trở lại Paris để thực hiện một “phi vụ” liều lĩnh nhất đời hắn là tiếp tục lừa một nhóm các lái buôn phế liệu mới nổi ở Paris. Mặc dù hắn vẫn dùng chiêu bài cũ nhưng tinh vi và gian manh hơn nhiều so với lần trước. Chính Victor Lusitg cũng bất ngờ, về kết quả của “cú đúp” này, vì thậm chí còn kiếm được nhiều tiền hơn lần trước: khoản tiên lên tới 75.000 USD. Lần thứ 2 này cũng có lẽ sợ mất mặt, nên ông chủ phế liệu kia không dám kiện cáo nên vụ việc đã chìm trong im lặng, vì thế báo chí thời ấy cũng rất ít đưa tin về vụ lừa đảo này.
Trở lại Mỹ, sau hàng loạt những vụ lừa đảo khét tiếng khác, Tên đại bịp Victor Lusitg mới bị bắt và lĩnh án 15 năm tù vì tội làm tiền giả và 5 năm tù vì tội trốn tù. Hắn bị giam giữ tại nhà tù Alcatraz - California (Mỹ) và chết vào năm 1947 ở tuổi 57, vì bệnh sưng phổi. Kết thúc cuộc đời tay đại bịp Victor Lusitg – Kẻ 2 lần bán Tháp Eiffel.
Ở nước ta trước đây trong dân gian cũng kháo chuyện ông giám đốc quan liêu nọ hay ký bừa, nên đã bị cấp dưới trình ký lệnh “Bán cầu Long Biên”! nhưng đấy là chuyện đùa chua chát. Còn “ông” Victor Lusitg đã 2 lần bán Tháp Eiffel kiếm được 145.000 USD là chuyện thật trăm phần trăm mà cứ như đùa ở Paris đầu thế kỷ XX.
Đinh Quang Tỉnh
 (viết theo nguồn Internet)