Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

CẦN NHÌN NHẬN ĐÚNG BẢN CHẤT VỤ VIỆC “LƯỢM”

Trần Đình Thu
Chủ nhật ngày 20 tháng 3 năm 2011 9:18 PM
 
Trong bài viết “Hậu quả từ một cuộc thi nửa văn học nửa báo chí” đăng trên trannhuong.com (và trên Thanh Niên số ra ngày thứ bảy, 19 – 3 – 2011 ngày hôm sau với tựa ngắn hơn), tôi có phân tích nguyên nhân sâu xa dẫn đến sự trượt dài của Thùy Dương, là vì cuộc thi “Mối tình đầu” nhập nhằng giữa 2 yếu tố văn học và báo chí. Nay tôi xin nói tiếp về vụ việc.
Qua thông tin trên báo chí thì được biết, vừa qua Công an Thừa Thiên – Huế đã mời Thùy Dương lên lấy lời khai. Theo thông tin tôi có, thì việc mời này là do có đề nghị của một số người có liên quan trong vụ việc. Theo quy định của pháp luật, trong trường hợp này cơ quan công an địa phương có thể vào cuộc để tìm hiểu. Việc kết luận đúng sai thế nào hãy chờ xem. Ở đây tôi muốn đi sâu vào phân tích những diễn biến vụ việc để góp phần làm rõ thêm bản chất vấn đề, tránh việc luận tội máy móc một chiều.    
Tôi muốn bắt đầu bằng bức thư của Ban tintuconline gửi “Lượm”. Thư viết:
“…Hiện giờ có rất nhiều độc giả muốn giúp đỡ và chia sẻ với bạn. Có rất nhiều độc giả đã xác minh câu chuyện của bạn có thật và cũng không ít người nói đây như một “tiểu thuyết” vì ít ai có thể ngờ lại có một hoàn cảnh quá bi thương như vậy đang hiện hữu.
Ban Tintuconline cũng muốn giúp bạn phần nào về vật chất cũng như tinh thần…”.
Chúng ta thấy, ở đây đã xuất hiện tình huống “chuyện giả tình thật”. Là vì, cuộc thi là thi văn học, câu chuyện thí sinh đưa ra có thể là chuyện giả, nhưng tình cảm của độc giả lại là tình cảm thật. Ban tổ chức phải sáng suốt nhận rõ ở chỗ này. Đó là trách nhiệm của ban tổ chức với độc giả và với thí sinh. Phải thấy ngay rằng, với thể lệ cuộc thi đó, sẽ không đảm bảo các câu chuyện là có thật một trăm phần trăm.  Cho nên, đúng ra trong bức thư này, cô Trưởng ban Tintuconline Thanh Hương phải hỏi lại Thùy Dương, rằng em ơi, câu chuyện của em viết ra trong bài dự thi đó, sự thật là bao nhiêu phần trăm để chị tính (đó là tôi nói vậy cho hết lẽ chứ còn những bài thi như thế này không thể đem ra “tính” như những bài báo). Đằng này khi thấy độc giả phản hồi quá tích cực, thì quên mất rằng đây là cuộc thi văn học, mà vô tư đứng ra xúc tiến luôn những việc tiếp theo như động viên “Lượm” nhận quà của độc giả, tham gia các chương trình truyền hình… Lại còn nói thêm rằng: “Xin hãy gạt hết những lo toan, ngại ngùng để đón nhận sự chia sẻ từ chúng tôi…”. Như vậy chẳng trách Thùy Dương ngay từ ban đầu đã không từ chối.
Tôi đang làm bản Việt hóa cho một bộ phim nước ngoài, trong đó nhân vật chính là một cô gái được những người tốt làm cho một bộ hồ sơ giả để đi thi hoa hậu. Lúc đầu cô tham gia vì không nỡ từ chối lòng tốt của những người giúp đỡ cô, nhưng càng về sau cô càng lo lắng về cái lý lịch giả đó. Vậy nhưng trải qua bao dằn vặt, cô vẫn không đủ dũng cảm để nói ra sự thật. Ngay cả hai con người tốt kia cũng không đủ dũng cảm nói giùm cô. Cuối cùng mọi chuyện đổ vỡ bẽ bàng.
Trường hợp của Thùy Dương cũng tương tự. Ở đây còn có sự nghiệt ngã cho cô là cái giải thưởng 20 triệu đồng đầy quyến rũ. Tôi cho rằng cô chấp nhận mình là “Lượm” có nguyên nhân bắt đầu từ đây. Dù thể lệ cuộc thi không ghi rõ bắt buộc phải là câu chuyện thật của thí sinh, nhưng nếu cô thú nhận ngay từ đầu, tôi chắc chắn cô sẽ bị mất trắng cái giải đặc biệt mà gần như nó đã nằm trọn trong tay cô lúc này. Ở góc độ này, cô bị “dồn” một cách vô tình vào cái thế phải im lặng nhận mình là “Lượm”. Thế là từ chấp nhận dối trá này dẫn qua chấp nhận dối trá khác.
Tôi xem những thông tin hình ảnh khi hai mẹ con Thùy Dương ra thăm tòa soạn Tintuconline ở Hà Nội, thì mới thấy rằng, việc nói ra sự thật của cô càng về sau càng quá khó. Tòa soạn chăm sóc chu đáo ân cần như vậy, “coi như đứa em trong nhà” thì làm sao có thể nói “em không phải là Lượm”. 
Rồi đến lúc chuẩn bị giao lưu với khán giả. Lúc này thì đúng là “đi mắc núi về mắc sông” rồi.  Tôi không có ý bênh vực cho việc làm dối của cô, nhưng phải thấy rằng, không phải Thùy Dương âm mưu sắp đặt những chuyện dối trá đó. Lỗi của cô phát sinh từ những lỗi “khó hiểu” của nhiều người khác.
           TĐT
Xem bài trên thanhnien.com: