Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

THEO DẤU CHÂN NGƯỜI LÍNH MỞ ĐƯỜNG

Phùng Văn Khai
Chủ nhật ngày 20 tháng 3 năm 2011 2:33 PM
 Bút ký

Trước lá cờ thêu bốn chữ vàng “MỞ ĐƯỜNG THẮNG LỢI” của Bác Hồ tặng bộ đội công binh trong chiến dịch Tây Bắc năm 1952 khi lập thành tích xuất sắc trong công tác đảm bảo giao thông cho các mặt trận tôi luôn có một cảm giác đặc biệt. Cảm giác về sự tài tình khi tặng chữ cho các ngành, các giới, đặc biệt là các quân binh chủng của Người. Sự khái quát tinh giản nhưng sâu sắc, đặc biệt là tính bao trùm đặc thù nhiệm vụ với mỗi giới, mỗi ngành của Bác vừa giản dị khúc triết vừa rộng mở mênh mông. Mở đường thắng lợi đã trở thành truyền thống của bộ đội công binh trong 65 năm qua và chắc chắn sẽ mãi đi cùng  người chiến sĩ công binh trong hành trình kế tiếp.
Theo sử sách, ngay khi thành lập Việt Nam giải phóng quân, lực lượng công binh đã được hình thành. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ, nhân dân ta từ Bắc đến Nam trong những ngày toàn quốc kháng chiến đã hăng hái phá đường, phá cầu, đào hào, dựng lũy, chặt cây, thực hiện vườn không nhà trống. Khi ta mở những chiến dịch lớn ở phía Bắc, bộ đội công binh luôn là đội quân tiên phong xẻ núi, san đường, đục đá, bắc cầu... phục vụ chiến dịch vừa trực tiếp cầm súng đánh địch. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, 20 đại đội công binh và hàng vạn thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến đã không quản ngày đêm, mở hàng ngàn km đường qua những đèo dốc chọc trời như Pha Đin, Lũng Lô, Đèo Khế, Đèo Cả... bắc cầu, ghép phà vượt qua những dòng sông hung dữ miền Tây Bắc, đảm bảo kịp thời phục vụ chiến dịch, góp phần không nhỏ vào chiến thắng lịch sử. Chiến công của người chiến sĩ công binh trên các trọng điểm Tạ Khoa, Cò Nòi, Bản Chẹn, Pha Đin... và đặc biệt việc đào một đường hầm chọc thẳng vào lòng đồi A1 để đưa khối bộc phá ngàn cân phá sập cứ điểm cuối cùng của địch tại Điện Biên Phủ là những dấu son lịch sử của bộ đội công binh.
Lại cũng Bác Hồ, trong cuộc chiến tranh chống Mỹ đã trực tiếp giao nhiệm vụ mở đường Trường Sơn cho quân đội mà nòng cốt là những người lính công binh. Từ con đường giao liên gùi thồ, mang vác ban đầu dần dần hình thành tuyến đường vận tải chiến lược ngang dọc hàng chục nghìn ki lô mét với hàng chục vạn con người, phương tiện cơ giới vừa đánh địch, vừa mở đường. Con đường ấy, hôm nay đã trở thành “Đại lộ Hồ Chí Minh” xuyên suốt Bắc - Nam, cùng đất nước hướng tới một tương lai giàu mạnh.
Trong trùng trùng đội ngũ bộ đội Trường Sơn ngày ấy, các chiến sĩ công binh luôn đi trước về sau, luôn có mặt ở những nơi dày đặc đạn bom, sẵn sàng hy sinh thân mình cho mỗi cung đường thông suốt ra mặt trận.
Chiến trường. Đạn bom. Sự sống và cái chết mong manh, ẩn hiện. Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước, những bàn tay, khối óc mười tám đôi mươi. Tầng tầng lửa, núi cao, vực sâu thách thức, ngang ngửa, trập trùng. Những chiến sĩ công binh Trường Sơn, những nữ thanh niên xung phong mở đường mảnh dẻ dáng hình con gái. Dòng dòng những đoàn xe ra trận. Những vòng quay xuyên đạn bom, xuyên mưa nắng, hướng ra phía trước. Bên những cánh rừng cháy, những ngầm đá, những tọa độ chết vẫn lặng lẽ, âm thầm người chiến sĩ mở đường. Ám ảnh tôi nhất là những người con gái, những nữ thanh niên xung phong trên tuyến lửa. Họ giáp mặt với đạn bom, chết chóc đêm ngày vẫn âm thầm ấp ủ một chút riêng ao ước. Một chút riêng sâu thẳm trong đáy mắt. Khoảng trời hương bưởi hương nhu mềm đạn bom, mềm sắt thép. Là Thảo, là Hương, là Yến, là Thu, là Quyên... hay là sim mua, dã quỳ, lau lách ở bên mọi nẻo đường vạn dặm Trường Sơn. Cứ riêng ra tô thắm rồi kết đoàn trong vòng tay của rừng, của núi. “Cây cúc đắng quên lòng mình đang đắng/ Trổ hoa vàng dọc suối để ong bay”. Các chiến sĩ mở đường Trường Sơn qua bao đạn bom, vạch ngang một nét son độc đáo và kỳ diệu vào chiến thắng.
Hình dung, phác thảo của tôi về chiến sĩ công binh trong chiến tranh là như thế.
*
*   *
Lính công binh thời bình hôm nay thì sao?
Theo giới thiệu của Bộ Tư lệnh, các nhà văn quân đội đến công ty Lũng Lô, đơn vị tiêu biểu của Binh chủng Công binh, đơn vị dẫn đầu về thi công đường hầm các công trình trọng điểm quốc gia.
Đại tá Ngô Vũ Sinh, Bí thư Đảng ủy, Phó Tổng giám đốc công ty cởi mở khái quát những nét chính. Với những câu hỏi thẳng thắn của các nhà văn, Bí thư Đảng ủy Lũng Lô không né tránh bất cứ vấn đề gì. Câu chuyện được mở ra dưới nhiều góc độ. Có những điều, dù trí tưởng tượng của nhà văn có phong phú cũng chẳng nghĩ ra. Với chức năng chính: Thi công xây lắp các công trình công nghiệp, dân dụng, giao thông, thủy lợi, công trình ngầm, sân bay, cảng sông, cảng biển, duy tu, tôn tạo, nâng cấp các công trình bảo tồn, bảo tàng và di tích lịch sử, đầu tư phát triển hạ tầng và kinh doanh nhà, tư vấn khảo sát thiết kế xây dựng, khảo sát dò tìm và xử lý bom mìn - vật liệu nổ... nghĩa là diện việc làm của Lũng Lô rất rộng. Bên cạnh đó, công ty còn thực hiện nhiệm vụ xây dựng Lữ đoàn dự bị động viên 253. Vừa sản xuất kinh doanh vừa tham gia huấn luyện sẵn sàng chiến đấu. Trên các công trường trải dài khắp đất nước, chiến sĩ công binh Lũng Lô đang ngày đêm chạy đua với thời gian, hoàn thành các phần việc được giao. Tiết kiệm thời gian là tiết kiệm tiền bạc cho nhà nước, sức lực và hiệu quả kinh tế cho người lao động. Với thế mạnh xây dựng các công trình ngầm, đường hầm hiện tại, máy móc thiết bị của Lũng Lô ở lĩnh vực này hiện đại vào bậc nhất thế giới. Chính điều đó đã và đang tạo thương hiệu tin cậy trong ngành xây dựng, đặc biệt là các hầm thủy điện, đê chắn sóng có khẩu độ lớn. Năm 2010, tại công trình thủy điện Huội Quảng, đơn vị đã đào xong 475m đường hầm phụ và 1.235m đường hầm chính, dự kiến thông hầm trước thời hạn 4 tháng. Lập được kỷ lục này cũng đồng nghĩa với việc tiết kiệm hàng chục tỷ đồng cho nhà nước. Nắm bắt kịp thời chiến lược vươn ra biển của quốc gia với mục tiêu phấn đấu đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu lên từ biển, bảo đảm vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trên biển, góp phần quan trọng trong sự nghiệp Công nghiệp hóa, Hiện đại hóa, làm cho đất nước ta giàu mạnh, công ty Lũng Lô đang đầu tư mạnh mẽ, tiếp cận công nghệ mới trong xây dựng các công trình biển. Tiêu biểu là đê chắn sóng Dung Quất dài 1,7km (lớn nhất Đông Nam Á) vượt tiến độ thời gian, được đánh giá đạt chất lượng hàng đầu trong khu vực. Lũng Lô đang dự thầu và nhận thầu nhiều công trình liên quan đến cảng biển, luồng và âu tàu, kè sông lớn. Đối với Lũng Lô, hiệu quả sản xuất kinh doanh và an toàn lao động luôn được đặt lên hàng đầu. Năm 2010, doanh thu công ty đạt 816 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 69 tỷ đồng, vượt chỉ tiêu kế hoạch đặt ra. Trên khắp các công trường, vấn đề an toàn lao động được xử lý tốt, không để xảy ra vụ việc mất an toàn. Đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ, công nhân viên, người lao động được cải thiện đáng kể.
Với quân số gần 2000, việc quản lý thi công trên địa bàn trải khắp cả nước là vấn đề không đơn giản. Để các đơn vị cơ sở làm ăn có hiệu quả, lãnh đạo Lũng Lô đã có cơ chế phù hợp, uyển chuyển nhưng giữ vững nguyên tắc nhằm tạo điều kiện cho các đơn vị thành viên chủ động, năng động sáng tạo trong sản xuất kinh doanh. Nói đến đây, vị bí thư Đảng ủy mỉm cười. Vấn đề con người, đặc biệt là người đứng đầu quan trọng lắm. Tập thể cấp ủy của Lũng Lô hiện nay là một tập thể mạnh. Đặc biệt, Tổng giám đốc, Đại tá Tăng Văn Chúc, với cương vị thuyền trưởng đã biết phát huy sức mạnh tập thể, đoàn kết thống nhất, nhạy bén kịp thời đưa Lũng Lô từ  lúc nợ thuế, nợ ngân sách hàng chục tỷ đồng (2007) đến tăng trưởng ổn định và tạo được thương hiệu mạnh như hiện nay. Với tinh thần thần tốc, táo bạo, chắc thắng và bản lĩnh của người lính thợ Lũng Lô dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, có thể khẳng định chắc chắn một Lũng Lô đang tạo được thế và lực mạnh trên thương trường. Tin tưởng những người lính Lũng Lô, thủ trưởng Bộ Quốc phòng đã quyết định giao cho công ty khảo sát, thiết kế và thi công những công trình quan trọng về biển đảo. Những nhà đầu tư lớn luôn tin tưởng vào năng lực thi công công trình phức tạp của Lũng Lô. Cũng từ thực tiễn thi công, bản lĩnh và ý chí của người lính ngày càng dày dặn. Các sáng kiến đem lại lợi ích về kinh tế nảy sinh ngay tại công trường. Nhiều công trình gắn với tên tuổi Lũng Lô như âu tàu đảo Bạch Long Vĩ, đê chắn sóng Dung Quất, hầm thủy điện Huội Quảng, các tuyến đường tuần tra biên giới, đường Trường Sơn Đông... là niềm tự hào của người lính thợ Lũng Lô. Dấu chân những người lính công binh trong đó có người lính thợ Lũng Lô đã in khắp mọi miền Tổ quốc.
Tại buổi giới thiệu một số kết quả triển khai xây dựng các tuyến đường tuần tra biên giới, Thiếu tướng Hoàng Kiền - Trưởng ban quản lý dự án 47 xây dựng hệ thống đường tuần tra biên giới cho biết: Giai đoạn 2006 - 2010 đã triển khai xây dựng trên địa bàn 19 tỉnh với khối lượng hàng ngàn km trong đó nhiều gói thầu trọng điểm do các đơn vị công binh đảm nhiệm. Trên các địa bàn Tây Bắc tuyến biên giới Việt - Trung và Tây Nguyên, đến nay, các tỉnh Quảng Ninh, Kon Tum, Gia Lai đã cơ bản hoàn thành các gói thầu theo kế hoạch.
Trong số hàng ngàn km đường đã hoàn thành và còn hàng ngàn km đường tuần tra biên giới đang tiến hành thì phần việc của bộ đội Công binh là nặng nề nhất.
Biên cương ba miền đất nước đang như một đại công trường.
Những địa danh Sa Thầy, Mo Ray, (Kon Tum), KaLăng, Mường Tè, Ma Li Chài (Lai Châu); A Pa Chải, Mường Nhé (Điện Biên); Púng Páng, Chiềng Khương, Sốp Cộp, (Sơn La); Sín Mần, Lũng Cú (Hà Giang); Cốc Pàng, Trùng Khánh (Cao Bằng); Đồng Đăng, Lộc Bình (Lạng Sơn); Mường Lát, La Mèo (Thanh Hóa); Nậm Cắn, Mường Típ (Nghệ An)... nơi nhô ra của đất đai Tổ quốc chỉ nghe thôi đã thấy xa xôi hiểm trở nghìn trùng. Hàng ngày hàng giờ bộ đội công binh đang thi công ở những nơi tận cùng biên giới ấy.
 Đi biên giới lần này, tôi chọn Tây Nguyên.
Vượt hơn ngàn cây số, chúng tôi đến địa điểm thi công đường tuần tra biên giới thuộc các đồn biên phòng 707, 709, 715, 703... (Kon Tum) trong những ngày cuối năm. Những cánh rừng đại ngàn hun hút, trời nắng nhưng mặt đường ẩm thấp, cây rừng tràn ra lối đi. Vào Mo Ray, đoàn công tác đã chuẩn bị cuốc, xẻng, dao, dây thừng để sẵn sàng phát cây mở lối.
Nghề cầu đường là nghề cơ cực, luôn phải ăn ở tại công trường. Đối với những người lính công binh làm đường tuần tra biên giới sự gian khổ còn lớn hơn nhiều. Ngay trong các tuyến đường tại Gia Lai, Đắc Lắc, Đắc Nông, Kon Tum, không ai nghĩ quá trình thi công lại phức tạp như vậy. Triển khai được máy móc thiết bị đến nơi tận cùng biên giới đã khó nhưng đảm bảo để máy móc và con người hoạt động được mới là nan giải. Thiếu thốn đủ thứ, từ xăng dầu, thực phẩm, lương thực nhưng khó khăn nhất vẫn là thiếu nước. Nước sạch để ăn không có đã đành nhưng nước để trộn bê tông cũng thiếu trầm trọng. Đào giếng sâu vài chục mét chỉ đất đá thăm thẳm chứ tuyệt không có nước. Các con suối ở quá xa và luôn cạn kiệt. Nếu đợi đến mùa mưa thì người cũng không cất bước được chứ đừng nói đến thi công nên cách khắc phục của các anh là gùi nước, chở nước từ xa. Có những lúc nước quý như vàng, không ai dám tắm vì còn để dành nước trộn bên tông. Các chiến sĩ đã phải đào hầm, trải bạt trữ nước. Nhiều khi vải bạt bị rách, nước ngấm vào lòng đất tiếc rơi nước mắt. Thế nhưng, những cung đường vẫn cứ vươn dài nơi biên giới. Nhiều sáng kiến đã nảy sinh. Sáng kiến dùng cát, bao tải ủ lên mặt đường mới đổ bê tông để hút sương giữ ẩm do chiến sĩ công binh phát hiện đang được áp dụng trên toàn tuyến một cách hiệu quả. Có những điều tưởng rất giản dị nhưng chỉ những lúc khó khăn nơi thực tiễn con người mới nghĩ ra được.
Chúng tôi đến trạm xay đá kề sát đồn biên phòng 703. Đây cũng là mỏ cung cấp đá cho tuyến đường đang thi công. Những thanh niên trẻ vạm vỡ lái máy xúc, máy ủi trong tiếng động ầm ầm của máy xay đá, nghiền đá. Nguyễn Như Hiếu, thợ kỹ thuật của trạm sinh năm 1983 quê Hội Sơn - Anh Sơn - Nghệ An học trung cấp xây dựng cầu đường xong vào thẳng đây, bám trạm từ những ngày đầu. Lương của Hiếu hiện đạt trên 4 triệu một tháng. Do ở nơi rừng núi muốn tiêu tiền cũng chả có nơi nào nên Hiếu cứ gói gọn tiền gửi về gia đình thường xuyên, kể cả số tiền được thưởng Tết trên 4 triệu cũng gửi về cho bố mẹ, còn bản thân ăn Tết ngay tại trạm xay đá cùng anh em. Phạm Văn Điện, quê Kim Động Hưng Yên, chàng trai chưa vợ lái máy xúc đã được 3 năm tết vừa rồi cũng đón xuân trên capô máy xúc. Lương lái máy xúc khá cao, trên 7 triệu đồng một tháng. Điện tâm sự: Giáp tết đã có kế hoạch về quê nhưng khi nhận được thông tin mùng 6 tết người yêu lên xe hoa nên em quyết định ở lại. Nói rồi chàng trai xứ nhãn nhìn hút ra khoảng rừng phía trước. Tôi cũng không biết nói gì với anh bạn trẻ. Cuộc sống có biết bao nhiêu điều không nằm trong phạm trù suy nghĩ và can thiệp của chúng ta.
Chúng tôi đi sâu vào phía trong.
Xe dừng trước một chiếc lán tuềnh toàng giữa bốn bề rừng núi hoang sơ. Một sĩ quan mang quân hàm Đại úy đang chăm chú bên đống sổ sách, giấy tờ. Khung cảnh hiếm hoi bầy ra trước mắt. Những dãy nhà dựng tạm bằng gỗ đẽo gọt sơ sài chứa vật liệu xây dựng và máy móc. Bên cạnh những đám cháy còn nham nhở đất mới bật tung tương phản với từng gốc cổ thụ đen thui cháy dở, thật diệu kỳ, lại có những vạt rau xanh đang cho thu hoạch.
Một cảm giác bồi hồi, bứt dứt len đến. Nơi biên giới xa xôi, vẫn có những người chiến sĩ không những biết trồng rừng, phát rẫy, khơi nước, bắc điện, xây trường học, dựng trạm y tế mà còn tổ chức làm những tuyến đường tuần tra quả là hết sức thần kỳ.
Đêm ấy chúng tôi đã ngủ trong lán trạm với các chiến sĩ làm đường.
Đêm Tây Nguyên âm u. Những đợt gió mùa càng lúc càng thổi mạnh khiến mọi vật trở lên khô khốc. Mọi người kể, anh em trực ở đây những ngày giáp tết xuống suối thả lưới bắt cá để cải thiện. Những tấm lưới trắng lao chao đung đưa trên vách gỗ. Trong ánh lửa vừa được mấy chàng trai đốt lên, mỗi người góp chung một gộc củi. Lửa bắt vào nhau, liếm xèo xèo những con cá suối. Bên bếp lửa, chuyện dồn về, ăm ắp, từ vợ con, làng xóm, đến tăng gia, sản xuất, đến ước vọng riêng tư. Ai đó khe khẽ đọc mấy câu thơ: Lán công binh - Đường lên trời thì gần - Đường xuống chợ thì xa - Mỗi lần xuống bản xa - Lính gỡ mây giăng đầy tiếng mõ - Lán công binh - Tiếng gió hú thì gần - Tiếng suối reo thì xa - Đồng đội chia nhau từng lon nước nhỏ - Lán chúng tôi - Cánh chim bay nghe rất  gần - Còn sóng điện thoại mịt mùng phương xa...
Tất cả chợt lặng đi.
*
*    *
Lính công binh thời bình đời sống riêng tư mỗi người mỗi vẻ. Vật chất chẳng có gì nhiều nhặn ngoài chiếc ba lô mỗi lúc hành quân đều thủy chung trên đôi vai người lính. Vật giá leo thang chóng mặt. Lương trung úy, thượng úy phải tằn tiện lắm còn gửi về cho vợ. Thượng úy Trần Văn Thuyết, Đại đội trưởng đại đội vượt sông tự hành của đoàn H.39 cười rạng rỡ nhưng mấy đồng đội cứ nhấm nháy nhìn anh. Tốt nghiệp sĩ quan năm 2003, từng vang danh trong các hội thi, hội thao của binh chủng nhưng chiến công mà anh lập được lại ở một hướng khác. Không biết oong đơ thế nào mà vợ anh vừa sinh liền một lúc hai công chúa. Các công chúa càng hay ăn chóng lớn thì ông bố càng phải dốc hết đồng lương thượng úy gửi về cho bu cháu. Cơm áo không đùa với sĩ quan ghép phà, kể cả là tuyển thủ cấp binh chủng thì giá sữa, giá đường, áo quần, đồ chơi trẻ con vẫn cứ là phẳng. Thế là chàng thượng úy đành phải xiết chặt chi tiêu cá nhân vì tương lai hai công chúa. Mới thấy rằng, hạnh phúc của những người lính chủ yếu được xây dựng trên yếu tố tinh thần và tình trạng các sĩ quan rất oách trong toàn quân không phải là ưu tiên hàng đầu của các cô gái nữa giờ đã trở thành chuyện thường ngày ở huyện. Cũng không khá hơn Trần Văn Thuyết, Đại úy Vương Trung Hiếu đang phải thuê nhà ở mất 600 nghìn đồng một tháng. Xoay sở mãi, ngoài 30 mới kiếm được tấm vợ thì ngoảnh lại độc có chiếc ba lô là tài sản quý nhất. Được cái vợ đại úy Hiếu rất thương chồng, em cần anh chứ nhà cửa thuê cũng chẳng ảnh hưởng tới hòa bình thế giới. Nơi căn nhà đi thuê ấy, hai tân chiến sĩ công binh tương lai đã ra đời. Vui lên, đại úy Hiếu còn bảo sẵn sàng thu nhận toàn bộ hai công chúa của đại đội trưởng Thuyết để cân đối nội bộ. Hiện đại úy Vương Trung Hiếu cũng nằm trong đội tuyển chuẩn bị dự hội thao cấp binh chủng. Trên thao trường lấm lem dầu mỡ, đất cát, các bố cháu cứ sểnh ra là lại đem các hoàng tử, công chúa bàn chuyện tương lai. Lặng lẽ hơn, trung úy Phạm Quốc Khánh, quê Xuân Trường - Nam Định, chiến sĩ lái ca nô đẩy phà từng đoạt nhiều giải nhất, giải nhì cấp binh chủng cho biết anh vừa ở công trường Sốp Cộp - Sông Mã - Sơn La trở về. Chiến sĩ lái ca nô đi làm đường tuần tra biên giới hẳn nếu không nhìn tận mắt chắc ít ai tin. Anh em công binh thi công đường tuần tra biên giới vẫn đùa nhau ai trải qua công trường đá Sốp Cộp cũng đồng thời đóng mác chiến sĩ thi đua. Điều này chính bản thân tôi đã được chứng kiến trong đợt công tác qua cung đường Mường Hum, bản Huổi, Sốp Cộp năm 2009. Khi ấy, đoàn công tác được nhìn thấy phân voi bậy ra ngay sát trước máy xúc chênh vênh bên gờ vực. Đêm nằm anh em được nghe tiếng hổ gầm, voi rống là chuyện bình thường. Cùng với thiên nhiên khắc nghiệt, thì các chiến sĩ công binh ở đây còn phải cảnh giác với cả phỉ Lào, lâm tặc, buôn lậu... Điều này Phạm Quốc Khánh không dám tâm sự với cô vợ làm may ở Nam Định. Nghề may lương thấp, vợ lại mới sinh cậu con trai nên kinh tài của ông bố có thâm niên 17 năm lái ca nô hẳn là khó khăn lắm. Khó khăn của người lính kể ra chẳng bao giờ hết được. Nào ai đếm được cát dưới lòng sông. Tâm sự với chúng tôi, đại đội trưởng kiêm huấn luyện viên của đội tuyển thủ, đại úy Lê Xuân Trung, người từng nhiều lần tham dự hội thao nhỏ nhẹ: Anh em mỗi người mỗi hoàn cảnh nhưng gắn bó với nhau như ruột thịt. Càng khó khăn gian khổ, những người lính công binh chúng tôi càng quý mến nhau. Có nuôi con mới thấu lòng cha mẹ. Có khó khăn mới thấy hết ý nghĩa của cuộc sống, giá trị của tình cảm vợ chồng, cảm phục những cô gái dám đến với người chiến sĩ. Xa xôi là thế, thiếu thốn là thế nhưng chưa có trường hợp nào vợ chồng trục trặc. Đó chẳng phải là sự kỳ diệu, phẩm chất tuyệt vời của người lính hay sao. Hiện đang quản lý 47 đầu phương tiện, với quân số 64 đồng chí trong đó có nhiều người cấp tá, hẳn chàng trai quê Tiên Lữ - Hưng Yên phải có phương pháp gì đặc biệt? Lê Xuân Trung cười hiền. Chẳng có gì đặc biệt đâu! Anh em tự giác lắm. Bản thân tôi luôn học được nhiều từ anh em. Quản lý sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp có gia đình khó nhưng nếu mình gần gũi, chia sẻ thì rất thuận. Chỉ có sự đồng thuận mới làm nên đơn vị vững mạnh. Chỉ có sự đồng thuận mới tạo niềm tin, nền tảng vững vàng khi những người lính chúng tôi còn khó khăn về vật chất.
Hiền lành và bẽn lẽn, cứ thủ thỉ tâm tình như thế nhưng khi ra đến thao trường mới thấy hết sự khổ luyện của chiến sĩ công binh. Chúng tôi cùng Thượng tá Phùng Ngọc Sơn, đoàn phó tham mưu trưởng Đoàn H.39 ra thao trường. Xe pháo và thiết bị vượt sông đã chuẩn bị đầy đủ. Dưới trời mưa phùn đầu xuân ẩm ướt, các kíp luyện tập đã sẵn sàng. Khẩu lệnh người chỉ huy vang lên dõng dạc. Chiếc xe đặc chủng nổ máy giòn giã phăm phăm lao xuống bến sông. Chỉ tích tắc, nó đã bơi thẳng ra giữa sông Hồng, phía sau rùng rùng nước trắng. Đội tuyển thủ của Lữ đoàn hiện đang giữ kỷ lục về thời gian ghép phà vượt sông. Trời rét ngọt mà mồ hôi người chiến sĩ vẫn rịn ra, đọng giọt nhỏ xuống mặt nước sông. Cũng chính những người lính công binh này đã nhiều lần nhận mệnh lệnh bắc cầu phao trên sông Hồng, sông Đuống, tìm kiếm cứu nạn, phòng chống lụt bão, có người đã hy sinh. 
Tôi nhớ chuyến công tác lên biên cương Tây Bắc. Đến bến phà Bản Cún, xã Chiềng Cang, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La thì dừng lại. Chúng tôi ngủ đêm tại bến phà. Tôi trằn trọc không sao ngủ được. Trời đã gần sáng. Nghe mơ hồ có tiếng gà gáy, gà của bà con dân tộc Nùng thả chạy đồi ngô cất tiếng gáy trong lành. Ngoài kia gió ù ụ thổi. Chúng tôi nằm trong căn lán dựng tạm bên này con sông Mã. Bên kia sông là dãy núi ngày mai sẽ vượt qua. Sông Mã, cái tên sao nghe vất vả quá đỗi. Cái tên sao khúc khuỷu, gập ghềnh. Cái tên sông như tên cuộc đời người chiến sĩ vất vả, gian truân. Cái tên sông... Tôi miên man nghĩ về những cán bộ, chiến sĩ ở đây. Đã hơn ba tháng hành quân từ Bắc Giang vượt hàng trăm ki lô mét với xe pháo, cầu phà và bây giờ đang trụ ở khúc sông này.
Dòng sông Mã im lặng lững lờ trôi. Mùa nước cạn, con sông thắt lại uốn lượn như một sợi chỉ bạc ban đêm thâm thẫm sáng. Sông Mã nhận nước từ thượng du nước Lào. Đời sông có khác gì đời người chiến sĩ. Luôn tuôn chảy, luôn chứa đựng và chuyên chở phù sa đắp bồi đất mẹ. Tôi lặng lẽ rời khỏi chiếc giường sắt, lách người bước xuống bến ngồi với hai cậu lính trẻ trên chiếc phà dã chiến. Binh nhất Hoàng Văn Phú quê Hiệp Hòa, Kinh Môn, Hải Dương sinh năm 1990 mặt lún phún lông tơ và Binh nhất Ngô Văn Tường quê Nam Hồng, Nam Trực, Nam Định. Hai chàng trai quê nói năng nhỏ nhẹ, dễ nghe, vóc người nhỏ con như chìm lẫn trên sóng nước. Quần áo hai chiến sĩ ướt rượt sương đêm. Chuyện của những người lính với nhau nên khá cởi mở. Ngô Văn Tường bảo: “Em chưa có người yêu nhưng cuối năm nay ra quân về quê lấy vợ, bố mẹ đang giục. Ở quê em nó thế, không đi biển thì làm cây cảnh. Vào lính công binh em đã học được ở đồng đội mấy nghề: thợ mộc, thợ xây, thợ cây, thợ cắt tóc nên không sợ thất nghiệp”. Tường tư lự nhìn ra mặt sông. “Thế còn chàng trai Hưng Yên thì sao, đã ước mơ riêng cho mình một cái nghề chứ?”. Phú nhìn tôi, nhìn ra sông Mã rồi nói như nói với ai ở nơi xa: “Anh ạ, em mơ ước được làm nghề nấu ăn, làm một đầu bếp giỏi. Ra quân em sẽ đi học nghề nấu nướng”. Chà chà. Thú vị nhỉ. Rất giản dị, bất ngờ. Tôi và binh nhất Tường cùng nhìn chàng trai nhỏ bé như con gái. Người lính là thế đấy. Có khi những tâm tình, mơ ước thật giản dị, thật rất đỗi khiêm nhường...
Sông Mã vẫn âm thầm, lặng lẽ như lắng nghe câu chuyện của chúng tôi.
Thi thoảng, nước vỗ mạn phà lóc bóc...