“Để thay đổi tư duy, ngay trong giới khoa học cũng không dễ chứ chưa nói gì đến cơ quan công quyền”, ông Tuyển chia sẻ với các nhà khoa học và kể, trong bối cảnh nền kinh tế gặp rất nhiều khó khăn, mục tiêu chống lạm phát tối đa 7% khó có thể thực hiện được (so với tháng 12/2010, CPI 2 tháng đầu năm đã tăng 3,87%), Thủ tướng Chính phủ rất cầu thị khi mời các chuyên gia kinh tế đến Văn phòng Chính phủ (ngày 22/2/2011) để nghe hiến kế, ý kiến đóng góp để đối phó với những bất ổn của nền kinh tế do yếu tố khách quan cũng như hạn chế, yếu kém của nền kinh tế, nhưng vẫn có nhiều nhà khoa học không nói thật với Thủ tướng cái mà mình đang trăn trở.
“Có vị đang là thành viên của Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia phát biểu trong cuộc họp này rằng, CPI của Việt Nam tăng cao không đáng lo ngại sau khi so sánh với CPI của… Venezuela và Pakistan. Nếu các chuyên gia kinh tế mà không thay đổi được tư duy thì làm sao có thể “lay chuyển” được tư duy của các cơ quan công quyền”, nguyên thành viên của Chính phủ Trương Đình Tuyển bức xúc.
Theo ông Tuyển, bên cạnh việc ca ngợi, đánh giá thành tựu, kết quả, hơn lúc nào hết, Chính phủ đang rất cần những lời “nói thẳng, nói thật” với tư duy mới.
“Hiện tại ở nhiều nước trên thế giới, trong đó có Nhật Bản, bên cạnh việc tuyên truyền những thành tựu mà Chính phủ đã làm được, nhiều kênh phát thanh, truyền hình, chuyên mục của nhiều tờ báo chỉ đưa về những hạn chế, khiếm khuyết, tồn tại của Chính phủ. Các thành viên Chính phủ không bao giờ bỏ qua chuyên mục “nói thẳng, nói thật” này. Chính phủ đang lắng nghe những lời nói thẳng, nói thật để thay đổi tư duy, tăng chất lượng phát triển kinh tế thay vì những lời “tâng bốc”, nói không thật với suy nghĩ”, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển chia sẻ.”
(Nguồn: Đầu Tư)