Trang chủ » Tin văn và...

THƯ CỦA TƯỚNG ĐỒNG SĨ NGUYÊN

Đồng Sĩ Nguyên
Thứ năm ngày 3 tháng 3 năm 2011 4:52 PM

Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
Độc lập- Tự do- Hạnh phúc
--------------------------------

Hà Nội, ngày 20 tháng 02 năm 2011

Kính gửi: - Đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng bí thư ban chấp hành TƯ Đảng-Chủ tịch quốc hội;
- Các đồng chí Phó chủ tịch Quốc hội;
- Ủy ban thường vụ Quốc hội;
- Toàn thể đại biểu Quốc hội khóa XII, kỳ họp thứ 9.

Tôi xin trân trọng đề nghị lãnh đạo Quốc hội và toàn thể đại biểu Quốc hội quan tâm đến một vấn đề cực kỳ bức xúc của nhân dân ta hiện nay, đó là vấn đề: “Cần sửa đổi bổ sung một số điều của luật đất đai theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”.

Tôi xin được trình bày như sau:

A. Nước ta rất hẹp, người đông, môi trường, thời tiết, khí hậu, thiên tai, dịch bệnh diễn ra vô cùng phức tạp. Cùng chịu những tác động chung của thế giới nhưng Việt Nam có những nguy cơ riêng biệt, nguy hiểm hơn, đó là dự báo của một số chuyên gia cho rằng nước biển sẽ tràn ngập một phần đồng bằng sông Cửu Long. Cũng tại khu vực này còn có hiểm họa nước ngọt và phù sa sông Mê-kông sẽ cạn kiệt, một trong những nguyên nhân là do các nước trong khu vực thi nhau làm đập thủy điện.

Những hiểm họa này, cộng với việc sử dụng đất đai phung phí, thiếu quy hoạch, làm diện tích đất trồng trọt suy giảm rất lớn qua từng năm, sớm muộn sẽ trực tiếp ảnh hưởng đến an ninh lương thực của ta – nước đang xuất khẩu gạo đứng thứ hai thế giới. Chúng ta đều biết: An ninh lương thực gắn liền với an ninh chính trị. Hiện nay nhiều quốc gia đang lao đao chính là do phải đối mặt với nguy cơ mất an ninh lương thực và chính trị. Thực chất, nước ta phải nói đúng là vừa xuất vừa nhập lương thực và các sản phẩm nông nghiệp, đó là nhập ngô, đậu tương, chưa kể bột mì. Sản lượng xuất hàng năm đạt khoảng khoảng trên 3,2 tỷ USD. Một câu hỏi đặt ra là không hiểu tại sao, ngành nông nghiệp không tăng mạnh hơn nữa diện tích trồng ngô, đậu tương ở miền núi, Tây Bắc và một số khu vực khác. Có thể bán gạo đồng bằng, mua ngô từ miền núi, giảm bớt nhập khẩu ngô, đậu tương, chủ động cân đối giữa các vùng miền trong nước, giảm bớt nhập siêu.

B. Từ ngày nước ta mở cửa, đổi mới, phát triển đất nước toàn diện, nhà nước và nhân dân ta đã quy hoạch, dành ra một phần đất đai để thực hiện các nhu cầu phát triển mới, đó là điều cần thiết, không cần bàn cãi. Nhưng vấn đề cần bàn là có nơi lợi dụng việc này để sử dụng đất đai phung phí sai mục đích, sai đối tượng, sai địa điểm, sai quy mô. Đặc biệt, nhiều nơi thiếu cân nhắc khi sử dụng đất ruộng lúa. Điển hình có các dạng sai phạm sau đây:

1. Cho nước ngoài thuê đất đai để đầu tư, sản xuất, dịch vụ, có tỉnh có trách nhiệm với đất đai nên quy hoạch đúng vị trí, đúng quy mô, thời hạn; nhưng cũng có những địa phương thiếu cân nhắc thận trọng, dồn làng bản, khu phố lấy ruộng nước cho thuê quá rộng, quá dài, vượt cả quy mô, yêu cầu của dự án, cơ sở sản xuất, dịch vụ dẫn đến có chủ đầu tư đã đầu cơ bán lại đất đai, thu chênh lệch. Ai chiếm được nhiều, bán chênh lệch được nhiều, lại tái đầu tư chiếm thêm các diện tích đất đai khác, cứ như vậy nhanh chóng làm giàu và trở thành các đại gia bất động sản, được tiếng là hoành tráng nhất.

2. Một điều đáng buồn là ở một số thành phố lớn, có những vị trí “vàng”, phong thủy đẹp lại dành cho tư bản nước ngoài thuê dài hạn với giá rẻ để họ xây cất biệt thự, chung cư, bán với giá cắt cổ cho cán bộ, nhân dân ta. Chẳng những thế, họ còn khôn khéo huy động vốn của chính ta bằng mọi cách, như đưa ra quy định bắt người mua phải trả trước, cá biệt còn có cả cách vay tiền từ ngân hàng chúng ta. Đáng ra, những diện tích đẹp như vậy phải huy động các doanh nghiệp trong nước có năng lực đứng ra làm, chắc chắn họ sẽ thiết kế đẹp phù hợp với điều kiện của nước ta. Không nên lấy đất đai – là thành quả của nhân dân – làm giàu cho tư bản nước ngoài (chưa kể các doanh nghiệp nước ngoài luôn tìm cách chuyển giá, khai lỗ giả, chuyển lãi thực về nước, trốn đóng thuế tại Việt Nam) trong lúc người nghèo và cán bộ của ta chưa có chỗ ở. Hiện tượng này gây bức xúc lớn trong dư luận, rất cần chấm dứt, càng sớm càng tốt, sẽ được lòng dân.

3. Có thành phố, có tỉnh cho nước ngoài thuê đất phát triển quá nóng, cho phép xây 7- 8 sân golf, mỗi sân chiếm hơn 100ha đất, thậm chí có nơi chiếm cả đất trồng lương thực.

4. Có nơi cho nước ngoài thuê đất ở vị trí phong cảnh đẹp để mở sòng bạc. Nếu Nhà nước cho mở sòng bạc hiện đại, to lớn, làm sao cấm được nhân dân đánh bạc dù trước mắt có lợi nhuận. Đất nước Việt Nam ta dứt khoát không học theo cách này.

5. Cho nước ngoài thuê đất rừng để trồng cây nguyên liệu với giá rẻ mạt, có nơi Chính phủ đã hạn chế được, nhưng đáng tiếc là có nơi vẫn đang phát triển một cách khó hiểu, đây là sự thách thức lòng dân. Tại sao không đầu tư để nhân dân ta sản xuất?

Tất cả các loại hình cho nước ngoài thuê đất nói trên đều theo cơ chế “nhượng địa” từ 50-70 đến 90 năm, người dân Việt Nam bình thường, không ai được phép vào các khu vực đó!

6. Ở trong nước, mấy năm nay phát triển các khu đô thị quá nóng, ngày càng sa vào đấu thầu, đầu cơ, gây hiện tượng bong bóng đất đai. Một số đại gia và nhiều người làm giàu nhanh chóng bằng cách tước đoạt đất đai của nhân dân với giá rẻ mạt, vay vốn ngân hàng cũng từ tiền của nhân dân để làm giàu cho một số người. Không hiểu đây là cơ chế gì? Việc phát triển các khu đô thị là cần thiết, trước đây chúng ta cũng đã từng xây dựng các khu dân cư 5 tầng, có quy hoạch đồng bộ. Lúc bấy giờ, vật tư thiết bị còn đơn giản nhưng vẫn hình thành căn hộ phù hợp với nhu cầu của nhân dân. Bước sang đổi mới, chúng ta đã có hình mẫu quy hoạch khu đô thị Linh Đàm do Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) đầu tư xây dựng, bán theo giá hạch toán sòng phẳng, kết hợp giữa quản lý và sử dụng một cách hợp lý. Phải chăng việc đó đã không duy trì được? Việc phát triển theo cơ chế đấu thầu, đầu cơ gây hiện tượng bong bóng đất đai, nhà cửa khiến cho cán bộ nhân dân nghèo không đủ khả năng mua được nhà. Trong lúc đó, hàng loạt các khu đô thị chiếm đất ruộng, từ Từ Sơn - Bắc Ninh đến Hà Nội và nhiều nơi khác, khu đô thị nào cũng có hàng loạt biệt thự, đất đai hàng chục năm nay vẫn bỏ hoang, rêu phủ cỏ mọc, không biết là của ai, do ai quản lý? Có nhiều nơi bị găm hàng chục ngàn hecta, bỏ hoang để đầu cơ. Việc hao hụt đất đai sai lệch quá lớn.

Có người biện minh: Không sao! Năng suất, sản lượng tăng sẽ bù vào! Năng suất, sản lượng tăng là biện pháp sáng tạo, tích cực nhưng việc đó không thay được tính chiến lược, giá trị của đất đai. Tình trạng này còn tạo nên kẽ hở cho một số người dùng lợi nhuận từ chênh lệch giá trị trên chính đất đai của nhân dân, tích lũy đủ vốn lại khuếch trương lấn chiếm, mở rộng đất đai có giá trị ở nông thôn và các vị trí đắc địa ở các thành phố lớn. Cứ như vậy sẽ dẫn đến hậu quả gì? Cần cho tổng kiểm tra một cách minh bạch!

Đất đai là tài sản vô giá của quốc gia, là tư liệu sản xuất của nông – công – lâm, là an ninh lương thực, an ninh chính trị. Tình trạng lộn xộn vừa qua đã tạo nên bất bình ngày càng tăng trong nhân dân, các vụ khiếu kiện đông người ngày càng tăng, là nguy cơ “ngấm ngầm” không thể coi thường. Sở dĩ có tình trạng trên là do trong Luật đất đai có sơ hở; Chính phủ phân cấp, phân công quản lý còn có thiếu sót; công tác thanh tra, giám sát còn mang tính hình thức, hiệu lực kém. Không ai dám lên tiếng thẳng thắn, nghiêm túc.

Quốc hội là cơ quan đại diện cho quyền lực cao nhất của nhân dân. Tôi trân trọng đề nghị Quốc hội hãy vì dân, do dân mà xem xét lại Luật đất đai để bổ sung, sửa đổi phù hợp với nguyện vọng của nhân dân, của đất nước. Trong đề nghị của tôi, nếu có chỗ nào chưa phù hợp, mong Quốc hội lượng thứ.

Trân trọng cảm ơn.

Đồng Sĩ Nguyên

(Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị; nguyên đại biểu Quốc hội các khóa I, IV, V, VI; nguyên Phó thủ tướng Chính phủ).

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.