(VnMedia) - Theo dự kiến, ngày 10/3 tới, TAND tỉnh Hà Giang sẽ mở phiên toà sơ thẩm “kín” xét xử vụ án “mua dâm người chưa thành niên” và “môi giới mại dâm” đối với nguyên Hiệu trưởng Sầm Đức Xương và hai học trò cũ là Nguyễn Thuý Hằng và Nguyễn Thị Thanh Thuý. Chia sẻ với VnMedia về vấn đề này, Luật sư Trần Đình Triển, Trưởng Văn phòng Luật sư Vì dân, Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng điều này đã vi phạm luật tố tụng hình sự.
|
Luật sư Trần Đình Triền |
Theo luật sư Trần Đình Triền, đối với loại hình phạm tội mại dâm và môi giới mại dâm, nhất là phạm tội ở tuổi vị thành niên, trong bộ luật hình sự, luật tố tụng hình sự quy định hành vi vi phạm ở thời điểm nào, ở độ tuổi nào thì xử ở thời điểm. Do đó, đối với hai bị cáo Nguyễn Thị Thanh Thuý và Nguyễn Thuý Hằng, khi luận tội, cơ quan tố tụng phải cân nhắc về thời điểm phạm tội để luận tội theo quy định pháp luật.
Ông Triển cho biết, đối với bị cáo Thuý, Hằng, trong thời gian vừa qua, khi điều tra viên kết thúc điều tra rồi kết luận đây là vụ án hình sự không liên quan đến bí mật quốc gia, nhất là các bị cáo phạm tội trong độ tuổi vị thành niên mà các cơ quan tiến hành tố tụng ở Hà Giang không giải quyết việc cho các cháu gặp mặt gia đình cũng là vi phạm luật tố tụng.
Mặt khác, đối với loại hình phạm tội như hai bị cáo Thuý, Hằng, lại phạm tội ở độ tuổi vị thành niên thì việc tạm giam là không cần thiết.
Từng là luật sư bào chữa cho bị cáo Thuý, nhưng lại có thông tin cho rằng bị cáo Thuý từ chối ông là luật sư bào chữa tại toà. Vấn đề này cụ thể ra sao, thưa luật sư?
- Luật sư Trần Đình Triển: Các bị cáo đã từng tố cáo tại phiên toà rằng, các đơn từ chối luật sư tại toà sơ thẩm và phúc thẩm lần trước là do các bị cáo bị cưỡng bức viết tại cơ quan công an và VKS, Vậy nhưng sau đó, luật sư vẫn tiếp tục bị cản trở tham gia tố tụng.
Khi tham gia bào chữa và nhận được văn bản của các bị cáo, tôi đã lên Hà Giang và đã gặp kiểm soát viên và lãnh đạo Viện Kiểm sát và của cơ quan điều tra. Tôi đề nghị được cùng với điều tra viên và kiểm tra viên gặp bị cáo để tìm hiểu việc các bị cáo từ chối luật sư là tự nguyện hay bị cướng ép. Điều này nhằm tránh trường hợp dư luận cho rằng cơ quan tố tụng cưỡng ép các bị cáo. Tuy nhiên, tôi đã bị cơ quan công an và Viện Kiểm sát Hà Giang từ chối.
Nhận định của luật sư về việc mẹ của bị cáo Thuý cũng không được tham dự phiên xử ngày 10/3 tới?
- Thêm một yếu tố nữa, khi bị đơn (bà Nguyễn Thị Thơm, mẹ bị cáo Thuý) tham gia tố tụng với tư cách người có quyền và nghĩa vụ, quyền lợi liên quan, người giám hộ cho con mình vì phạm tội khi còn là trẻ vị thành niên, lại tham gia tố tụng tại phiên toà từ cấp sơ thẩm nhưng nay lại bị cơ quan tố tụng từ chối vì cho rằng, các bị cáo đã 18 tuổi rồi. Tuy nhiên, việc các bị cáo nay trên 18 tuổi không có liên quan, ảnh hưởng gì đến hành vi các bị cáo phạm phải, vì cần nhấn mạnh rằng, các bị cáo phạm tội khi còn ở độ tuổi vị thành niên.
Khi được tham gia với tư cách người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan thì được quyền mời luật sư, nên mẹ của bị cáo Thuý đã mời tôi là luật sư bào chữa. Còn trong lần xử tới này, Toà án cũng trả lời Thuỷ đã trên 18 tuồi rồi và đã từ chối quyền bào chữa của luật sư nên cơ quan tố tụng tước luôn quyền của người dám hộ cho bị cáo.
Mặc khác, các cấp sơ thẩm cũng vi phạm luật tố tụng hình sự trong khi từ VKS, toà án đến CQĐT đã tìm ra được những chứng cứ rõ ràng, nhưng đến nay cũng không bị khởi tố về tội làm sai lệch hồ sơ vụ án.
Vậy vụ xử lần này có gì mở rộng hơn các lần trước đây?
- Lần xử này không mở rộng một tý nào. Ở đây, trong 15 bị cáo có liên quan đến vụ án Sầm Đức Xương, không chỉ có 2 bị cáo Thuý, Hằng mới có hành vi “môi giới mại dâm”, mà còn rất nhiều bị cáo khác cũng có hành vi tương tự như hành vi của hai bị cáo Thuý, Hằng nhưng không bị khởi tố. Đây là điều vô lý.
Đồng thời, đối với tội mua dâm khi làm đối với trẻ em, ông Sầm Đức Xương, ông Nguyễn Trường Tô và một số nhân vật khác… đều giống nhau về hành vi thì tại sao chỉ ông Sầm Đức Sương bị khởi tố, truy tố bắt giam còn những người khác thì không?
Không thể chỉ có cách chức là xong, vì theo tính đúng đắn của pháp luật thì người nào có tội cũng cần phải bị pháp luật xử lý, không thể để những người đó ngoài vòng pháp luật như vậy được.
Mặt khác, những hành vi phạm tội đó gây bức xúc và làm mất niềm tin của nhân dân đối với các cơ quan tiến hành tố tụng Hà Giang. Việc này ảnh hưởng rất sâu nặng đối với hệ thống pháp luật của chúng ta.
Đây là vụ đầu tiên xử kín về tội này hay đã có tiền lệ từ trước?
- Hành vi mại dâm hay mua dâm trẻ em quá nhiều, xảy ra hầu khắp các tỉnh, nhưng điều lạ lùng là phiên toà lần trước người ta cấm báo chí, nhân dân tham gia phiên toà, lấy lý do các cháu ở độ tuổi vị thành niên nên sợ ảnh hưởng thuần phong mỹ tục và uy tín của các bị cáo. Nhưng, khi các bị cáo trên 18 tuổi, toà lại từ chối có sự tham gia của luật sư bào chữa.
Ồng có nhận định gì về phiên toà sắp tới?
- Tôi cho rằng phiên xử tới sẽ bất lợi đối với các bị cáo. Theo thông tin tôi nhận được, trong lần xử tới đây, toà lại tiếp tục xử kín và loại trừ người giám hộ của hai bị cáo. Trong phiên toà này cũng chỉ có ông Sầm Đức Xương, hai bị cáo Thuý, Hằng, luật sư của ông Xương và đại diện của các cơ quan tố tụng của Hà Giang. Điều này không đảm bảo được tiêu chí mọi người đều bình đẳng trước pháp luật và được pháp luật bảo vệ. Như thế liệu có công bằng và đúng luật?
Xin cảm ơn luật sư!
Tại phiên toà sơ thẩm lần trước vào tháng 11/2009, Sầm Đức Xương đã bị HĐXX- TAND huyện Vị Xuyên tuyên phạt 10 năm 6 tháng tù về tội mua dâm người chưa thành niên. Còn Hằng bị phạt 6 năm tù, Thuý bị phạt 5 năm tù về tội môi giới mại dâm. Tuy nhiên, bản án sau đó đã bị TAND tỉnh Hà Giang tuyên huỷ để tiến hành điều tra bổ sung do có một số nội dung còn mâu thuẫn và có thêm lời khai mới của các bị cáo.
Xác định vụ án này là phức tạp, lời khai liên quan đến nhiều quan chức trong tỉnh nên hồ sơ vụ án đã được chuyển giao cho Cơ quan CSĐT- Công an tỉnh Hà Giang tiến hành điều tra. Chính vì vậy, việc xét xử sơ thẩm lần 2 này sẽ do TAND tỉnh Hà Giang thực hiện (chứ không phải do TAND huyện Vị Xuyên xét xử như trước đây). |
Lam Nguyên
|