Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

CON MÈO TUỔI THƠ

Vũ Hữu Trác
Thứ hai ngày 14 tháng 2 năm 2011 6:45 PM

(Cho ngày Valentine)
Tuổi thơ ở trong căn nhà nhỏ cuối ngõ chợ Khâm thiên, nơi sinh ra tôi và đã từng lớn lên cho đến lúc năm tuổi, đầy ắp kỷ niệm của một thời nghịch ngợm và có những con vật thân thiết. Nơi đó có chuyện không thể quên được là con mèo của tôi bắt được.
Căn nhà nhỏ bé đó là chỗ chứa hàng rau, hoa quả của mẹ tôi. Chỗ ở chật cứng chỉ đủ cho tôi, anh trai tôi và bà bác chị gái của bố tôi, để trông nom chúng tôi. Anh tôi hơn tôi ba tuổi nhưng lại sinh ra ở quê cách chổ đó có đến năm chục cây số. Khi tôi bắt đầu nghịch ngợm, bà bác không đủ sức để mắt đến mọi thứ nảy nòi từ tôi thì bố mẹ đưa anh tôi lên ở cùng, vừa đi học vừa giúp bác tôi trong việc bỏ mối hàng và để quản trị tôi, nhất là sợ tôi ngã ao.
Cách căn nhà một khoảng ngắn là những ao rau muống, nổi trên mặt ao thành từng bè. Cứ hàng tuần người ta đi thuyền con ra cắt hết lá non và ngọn. Mặt ao chỉ thấy xơ xác trong đám rễ những lá già to bản xanh lắc hay vàng khé. Trong đám rễ rau muống có lẫn những cây bèo lớn nhỏ, có rất nhiều những con cá rô cờ sặc sỡ hấp dẫn tôi đến mức, nhiều lần tôi trốn anh và bà bác đi câu một mình.  
 
Bố mẹ tôi ở quê, mẹ cứ một tuần đôi lần, mang hàng nông sản từ quê lên Hà nội buôn bán. Mỗi lần mẹ về là tôi thấy như nỗi nhớ mẹ vơi đi đến nửa, vì có món bánh mì Tây và còn được chén ngon hơn nhiều. Bố tôi ít lên, nhưng mỗi lần ông về nhà thường đứng nhìn tôi từ đầu xuống chân, rất lâu.
Bà bác tôi, chỉ cho chúng tôi ăn thường xuyên một món với cơm là dưa cải hay cà muối. Mặc dù bà muối dưa rất ngon còn đem bán cho hàng xóm, nhưng tôi ăn mãi, nên chán phè. Nhiều lần tôi chỉ ăn nước dưa chua trộn cơm, còn anh tôi vẫn chén dưa đều, vì vậy đi câu cá cờ còn là thôi thúc riêng của tôi. Tôi đòi theo anh trai đi câu. Anh tôi hay câu được những con rô to tướng. Con cá rô mắc câu chạy lạng lạng dưới mặt nước một hồi làm cong cả chiếc cần tre nhỏ. Khi giật lên mặt nước, nó xoè hết cả vây lưng, vây bụng sắc nhọn. Tôi cầm bắt nó rất khó, dễ bị vây đâm vào tay chỉ to hơn một ít nhưng tôi vẫn tranh làm việc đó vì thích lắm. Còn tôi thì chỉ câu được những con cá rô cờ vằn vằn những đoạn xanh, đoạn đỏ. Cá cờ cắn câu bãm lắm, hay cắn chặt mồi y như cá rô nên câu rất dễ. Tôi câu cũng khá, nó lại bé giật không cần mạnh tay là có thể văng lên bờ, nếu có bị tuột khỏi lưỡi câu cũng vẫn vồ bắt được.
Chiều nào được anh cho đi câu, tôi cũng câu được một gần một bát ăn cơm đem về. Bà bác hớn hở đem nấu với dưa chua cho tôi ăn đỡ chán. Tôi thường giả vờ no bụng mà không ai biết, tôi giấu bớt cá kho dưa đem cho con mèo của tôi.
Bố tôi là người am tường về các loài vật, hay chỉ dẫn cho anh tôi bắt chim, bắt vịt trời. Một lần bố ở nhà nhiều ngày để sửa sang lại cái mái nhà bị dột. Lúc xong việc tôi thấy ông ra đứng ngắm nhìn xung quanh như để nghỉ ngơi. Đến chiều ông lại dẫn tôi và anh đi bắt diều hâu. Tôi được đi theo thích quá, nhưng lại bị ông cấm không được đến gần.
Con diều hâu cứ lượn tròn trên cao mà chẳng ai thèm để ý, thực ra nó đang rình bắt chuột. Rất nhanh chỉ cần xẹt một cái là lao vút xuống như tên, vồ được ngay một con chuột to ở dưới gò đất. Anh tôi cùng bố phải nằm sấp trên gò đất phủ đầy cỏ lên người, còn tôi buộc phaỉ nấp ở đoạn bãi đất cuối ao sau nhà cách một khoảng xa. Con chuột mồi chạy nhảy lung tung rồi có lúc dừng lại, đứng rung rung cái râu. Nó bị anh tôi buộc bằng một đoạn dây thép nhỏ, dài cỡ một mét qua người, một đầu buộc chặt vào cái cọc. Chỉ kịp nghe tiếng “choét” một cái mà không kịp nhìn, thì đã thấy nó lơ lửng giữa trời trong cặp móng sắc khoẻ của con diều hâu. Bố tôi ra hiệu, anh tôi lập tức lao nhanh ra từ chỗ nấp, cầm cây gậy tre vụt mạnh một cái nhưng trượt, làm quay cả người anh và gậy ra đằng sau. Rất may bố tôi đã lao lên, vụt tiếp trúng đích cái “bịch”. Bố chạy đến, lấy cái bao tải rất nhanh đè lên, vồ lấy nó. Tôi rất ngạc nhiên về việc bắt hiều hâu dễ đến thế. Tôi rất muốn được học như anh tôi lắm.
Khi mang con diều hâu về nhìn nó to như con gà sống nhỡ. Nhìn cặp mắt sáng rực sắc lẹm, cái mỏ khoằm như mũi dao nhọn. Còn cái bộ móng vuốt của nó toát ra sự khủng khiếp với tôi, bởi có thể bấu một cái là thủng cả mấy lớp vải bao bố dầy mà bố tôi dùng để bắt nó. Tôi ghê ghê cả người, không dám nghĩ rằng mình có thể làm được nếu không có bố hay có anh.
Bố bảo anh tôi làm như thế là chưa ăn thua gì, suýt hỏng ăn vì bị vụt trượt. Bố lại giảng giải cho anh về cái giống ấy là loài ăn thịt rất hung dữ, nhưng lại rất dại. Khi đã bay lên thì luôn quặp móng vào mà không sao bỏ con mồi ra được nên nó bị treo lơ lửng một lúc, phải nhanh và tập đánh cho trúng chỉ một lần gậy. Khi nó rơi xuống đất, tuy bị vụt một nhát mạnh, nhưng đừng chủ quan, hôm nay nếu không có bố vồ cho thì không khéo còn ăn đòn với nó. Phải chú ý tránh cái mỏ nhọn và bộ móng sắc có thể làm toác thịt ra, khi nó mổ hay đạp mạnh vào người, nhất là vào mắt thì thôi hết chuyện nhìn.
Lần ấy, tôi được thưởng thức món thịt diều hâu nướng than hồng. Trời, thịt trắng thơm mà ngọt đậm, ngon hơn thịt gà nhiều. Tiếc rằng ở chỗ tôi ở ít có diều hâu nên chưa đến lượt tôi được học bài săn loài chim ấy.
Lần tôi bắt được con mèo con, đúng là tôi trốn anh tôi đi câu một mình nên sợ tội không dám khai ra, đem dấu đi, buộc vào gốc cây sung ở sân nhỏ đằng sau sát góc bờ ao. Mãi sau lộ chuyện vì bố tôi về phát hiện ra nó đang tự học bắt chuột trong chỗ gốc cây làm sợi dây buộc cổ nó căng ra, mặc dù nó đã không kêu vì được tôi huấn luyện bằng đôi lần bạt tai nó.
Ông cầm nó trong tay, ngắm nghía nó hồi lâu rồi tự nhiên ông gọi tôi lại và hỏi :
- Con lấy đâu ra con mèo này?
Tôi hoảng lên lập bập:
- Con bắt được nó khi nó còn bằng này này - Tôi giơ bàn tay be bé xoè ra. Con thấy nó đói lả đi nên cho nó ăn thử cá sống bố ạ.
- À thì ra là đi câu trộm cá, phải không?
Cái con mèo này tự nhiên làm lộ chuyện của tôi, chưa biết nói sao thì bất ngờ tôi nghe bố bảo:
-  Đây là giống mèo hiếm lắm. Nó hơi giống mèo Xiêm của Thái lan. Khi nó lớn con sẽ thấy chân nó trắng chứ không đen như mèo Xiêm. Bây giờ bộ lông nó đã rõ màu đen dọc sống lưng và rất đều từ trên vàng da cam xuống đến trắng tinh dưới bụng, như người ta tô vẽ từ đậm đến nhạt rất đều từ trên xuống dưới, thêm cái đuôi cái đầu màu đen và mõm trắng mà môi đỏ hồng làm nó đẹp đến mức, xưa kia chỉ có ở trong cung đình.
Thế là coi như bố đã bỏ qua chuyện đi câu trộm. Tôi mừng rơn cả người, mà chẳng để ý gì mấy đến chuyện nó đẹp hay xấu, bởi với tôi mèo nào thì cũng thế thôi. May quá lúc ấy anh tôi đi đâu về, bố nói với anh tôi:
-  Nghe bố dặn đây. Con mèo này rất khôn. Con không được để mất nó, đừng cho nó ăn mặn nhé.
-  Sao thế bố?
-  Ăn mặn thì mèo không bắt chuột mà nhà mình có nó trông đồ trong nhà cũng tốt con ạ.
-  Thế sao có người bảo, có con mèo lười chỉ ngủ, lại có con hay ăn vụng mà không bắt được chuột.
-  Từ hàng ngàn đời nay, mèo là con vật được thuần dưỡng và nuôi trong nhà. Với một số gia đình, nó là con thú săn mồi, con người cần nuôi mèo để trị bắt lũ chuột ranh ma hay đục khoét, trộm cắp. Ai đã từng ở quê mới hiểu hết điều này, nếu không có loài mèo thì khó có thể trông giữ bảo quản lương thực ngoài ruộng hay trong bồ, mới hiểu được nỗi bực bội khi lũ chuột luôn gặm nhấm thóc lúa, ngô khoai, phá phách cắn quần, cắn áo mà không trị được.  
Thấy bố đang vui vẻ, tôi nhảy ngay vào lòng ngồi và đòi bằng được con mèo, thực ra đấy là lần đầu tôi ôm nó âu yếm đến vậy. Bố tôi hướng dẫn anh tôi tỷ mỷ những điều nuôi dạy nó, nhưng tôi không hiểu được hết.
Lần được về quê, thấy bố hướng dẫn anh tôi cách bắt chim mòng két, tôi quá tiếc là không thể được chứng kiến. Chẳng là quê tôi nhiều chim trời lắm nhất là mòng két. Mỗi lần trời trở đợt rét sau khi cầy ngả ruộng, nước mới về săm sắp là bố tôi cùng anh trai đi đánh mòng két bằng những nạnh lưới treo trên hai cột sào chôn chặt và neo chắc chắn, căng sẵn hai hay ba sợi dây thừng, ngăn giữa những ruộng có nước mới cày và ruộng chưa cày. Mòng két bay về vào lúc gần sáng theo hướng chiều gió, phải tính vừa tầm để chúng lao vào những ô lưới căng sẵn trên dây. Những ô lưới vuông cạnh nhưng có hình như cái giỏ, có cao su ở xung quanh, bật ra khỏi dây dễ dàng rơi xuống ruộng, chỉ việc nhanh tay vồ. Có con bắt không nhanh tay là chúng lại chui ra khỏi nạnh lưới tuy có cao su co các mép nhốt nó lại. Để dễ tìm trong đêm tối bắt mòng két, phải gắn mỗi ô lưới một cái nhạc như nhạc đeo cổ cho chó. Mòng két về từng đợt, nhiều đến nỗi, các ô lưới rơi liên tục không kịp căng lên để bẫy tiếp. Bắt được có khi hàng đống chim, nhốt vào hai cái bu đầy, được cả gánh nặng. 
Những khi ấy, y như là mẹ lại đem lên cho bác gái và tôi vài con mồng két. Lông chúng nâu sẫm lẫn đen mỏ bèn bẹt, giống y như con vịt trời nhưng nhỏ hơn. Mẹ tôi có dịp xắn tay nấu xôi nếp mòng két, xào với hành xanh. Mẹ lọc riêng thịt băm nhỏ, còn xương giã nhuyễn rồi mới băm thật nhỏ, lại trộn lẫn với thịt, xào với hành mỡ cứ thơm lừng. Nhìn đĩa xôi chín trắng bóc khói, xới ra, bên trên có một lớp thịt xào hay đã trộn đều lên thành một món xôi nếp có mầu nâu nâu ăn thì thôi rồi, sướng mê man cả người. Mẹ tôi vì thế luôn là nỗi nhớ khôn nguôi những ngày xa mẹ ở ngõ chợ Khâm thiên. Ngược lại khi về quê chơi vài ngài tôi lại lươn thấy nhớ đến con mèo.
Sau này khi lớn lên về quê đi học, nhìn thấy con mèo đang trèo cây tìm bắt chuột hay chú chó nằm úp bụng góc sân trông giữ nhà, thấy có cây cau góc sân, những hình ảnh an bình và quen thuộc. Điều đó thực sự làm ấm lòng ngưòi chủ nuôi, vốn vất vả nhiều lo toan, làm tôi cứ nhớ con mèo, nhớ câu ca dao mẹ vẫn hát :
Con mèo mà trèo cây cau 
Hỏi thăm chú chuột đi đâu vắng nhà 
      Chú chuột đi chợ đường xa 
Mua mắm, mua muối giỗ cha con mèo.
Con mèo gắn bó tình nghĩa, con mèo cũng đã vào ca dao, thành ngữ với nhiều sắc thái, cung bậc khác nhau. Người ta xem con mèo như là người bạn nhỏ đáng quý và được nghĩ theo một cách từ một chút thảo lòng của con người, cám ơn công lao con mèo, nhất là tại các gia đình ở thôn quê. 
Cũng như câu chuyện vui trong tranh Đông hồ vẽ đám cưới chuột, rước trạng chuột. chưa kể mèo và chuột là một cặp phạm trù tương phản hai mặt của một sự vật đối kháng nhưng dựa vào sinh tồn, mà cần thiết có nhau. Hay chuyện về lũ chuột bàn nhau về ý rất hay của ông chuột Nghè Cống nghĩ ra, là cách treo chuông vào cổ mèo hay ngủ ngày, để báo động cho họ nhà chuột lẩn tránh được mèo. Nhưng đến khi sai người đi làm việc đó quả thật phải ép buộc chuột Nhắt là loại thứ dân không đáng một miếng cho mèo, bắt phải đi đeo nhạc cho mèo. Các bậc chức sắc to lớn trong làng ai lại đi làm cái việc ấy. Cuối cùng lại giao cho chuột Chù là thứ cùng đinh trong làng, là thứ hôi mù đến mèo cũng phải tránh. Rốt cuộc chẳng ai dám đến gần mèo để làm việc ấy, cho thấy rõ cái uy của mèo.
Con mèo lại nhỏ nhắn xinh đẹp mà duyên dáng, ăn uống nhỏ nhẹ. Mèo có bộ lông mềm mại, pha nhiều màu từ vàng, trắng, đen, lông từng vùng như tam thể, hay nhị thể trắng vàng, mõm đen mũi màu rêu vằn đen ghi như mèo mướp hay đen tuyền lại thêm cái đuôi và bốn chân thật trắng tinh. Có gia đình nuôi con vật cảnh là mèo để làm sang. Mèo có lối sống của người bạn nhỏ, liên quan đến đặc điểm, tính cách vừa khéo léo nhưng cũng rất dũng mãnh. Dù nuôi với mục đích gì thì mèo cũng là con vật gần gũi, gắn bó, thậm chí là buồn vui cùng với chủ. Điều đó đến giờ vẫn càng làm tăng tôi rất nhớ con mèo của tôi khi bị mất nó và người bạn của nó.
Câu chuyện lần mất mèo ở nhà ngõ chợ. Khi đó tôi đã dành cho nó bao lời tốt đẹp cầu mong nó trở về, nhưng không được. Nó bỏ tôi, không biết bây giờ nó ở đâu?
Ở cái ngõ nhỏ nhiều ngóc ngách liền sát những căn nhà sống đời người, chạy sâu từ phố Khâm Thiên vào dài hun hút. Cái ngõ nhỏ bé ngoằn ngoèo che khuất dòng người xe cộ, bày bán các loại hàng thức ăn rau quả, lôm nhôm ướt át đầy rác và bụi bậm trưa hè trong ký ức tôi, lại có một người bạn nhỏ thân tình không thể quên được là con mèo đơn côi.
Nó bị bỏ rơi đói lả, những bước đi chập chờn như cái bóng bên ao nước ruộng rau muống. Nó thò tay xuống nước vớt một cái gì hay là bắt cá không biết. Nó không đủ sức để bắt, nhưng bản năng sống và cái bụng đói thúc đẩy nó đến bên mép nước.
Tôi cũng rất sợ nước mà lần ấy trốn nhà đi câu một mình, nên chỉ dám đến gần bờ chỗ nước nông, nên mãi mới câu được vài con cá con. Tôi tránh những người đi câu khác một đoạn để họ không dọa tôi, bắt tôi phải về vì không được đi câu một mình.
Chợt tôi thấy nó ngã ùm xuống nước, một tý nó ngoi cái đầu ướt lướt nước lên. Tự nhiên nó nhìn tôi kêu “ngao” một tiếng, rồi lại chìm xuống, tôi cũng không biết làm gì hơn, vô vọng vì không biết bơi. Tôi thò chiếc cần câu xuống chỗ nó. Nó không biết bám, có lẽ nó còn quá nhỏ hay quá ốm yếu. Rất may nó còn giẫy giẫy được mấy cái. Tôi không kịp nghĩ gì, lấy cái cần giật một cái như khi cá cắn câu như một việc tôi chỉ biết đến thế. Cái lưỡi câu bé tẹo vừa mồm con cá cờ móc vào một đám cây bèo tây nhỏ. Tôi rối rít quấn nhanh mấy vòng cái dây câu quanh người lẫn cả đám bèo, thế mà đủ chỗ cho nó bám và thở được một tí khi vừa kịp nhoi lên lần nữa. Tôi dong cần câu thật nhẹ để nó bám vào cái dây câu mỏng mảnh quấn vòng xung quanh và đám bèo bé tý ấy. Tôi từ từ kéo nó lại gần bờ và thật là lần đầu tiên tôi mới biết mình dũng cảm đến vậy. Tôi bước một chân đến sát bờ, dưới mép nước lần theo sợi dây. Tôi cố nín thở kéo nó vào rồi thò tay xuống. Giờ thì nó bấu được vào tay tôi nhưng không chắc lắm, chỉ có cái móng sắc của nó làm tay tôi đau nhoi nhói. Bất ngờ tôi ngã bệt xuống rồi tụt rất nhanh đến nỗi ra xa bờ mà tôi không kịp biết làm gì. Tôi hoảng lên dìm nó xuống và kêu “Ối, ối, ối!”. Những người đi câu bên cạnh thấy vậy vội kéo tôi lên bờ. Tuy tôi vẫn chưa bị ngập nước hết người, nhưng cũng được một phen hú vía. Tôi lại kêu “Cứu, cứu!”, “Con mèo, con mèo!”. Họ tưởng là con mèo ốm ấy là của tôi nên trả lại tôi và tôi có nó từ đó. Chuyện đó tôi dấu nhẹm anh tôi.
Con mèo bẩn và gầy khi nó bị ngập nước trông nó như nắm rẻ bẩn rách rưới, nâu nâu. Tôi mang về nhà, nó run run trong tay tôi, rồi tự nhiên nó đưa tay ra bám chặt hơn. Nhưng lần này không nhoi nhói nữa, nó đã biết ý, rụt lại cái móng. Về đến nhà, tôi vội lấy mấy con cá vừa câu được cho nó ăn. Nó ăn nhỏ nhẻ ít một rồi không động vào nữa.
Bố tôi về, lần này ông mang cho tôi một con chuột trắng lưng vàng, để trong một cái lồng sắt có vành tròn như cái hộp mứt to tròn, dựng đứng mà quay được. khi thấy chú chuột chạy bên trong, trên những thanh ngang của vành tròn. Nhìn không chán chú chuột bạch càng chạy cái lồng quay càng nhanh. Chú chỉ có mà mỏi chân, mà không sao trèo lên cao được, làm tôi thích thú vô cùng. Tôi hỏi bố :
- Bố ơi, con chuột gì mà lại trắng tinh thế này hở bố, mà sao nó không có đuôi?
-  Con ạ, nó là con chuột bạch, người ta nuôi chuột bạch cũng là để đuổi chuột đen. Khi nhà có chuột bạch mặc dù nó chậm chạp thì chuột đen không đến không phá phách nữa, chúng nó kị nhau. Nó có đuôi nhưng khi mới sinh ra, nhưng người nuôi đã cắt bỏ đuôi của chúng.
-  Để làm gì hở bố, cắt đuôi chắc nó đau lắm?
-  Cắt bỏ đuôi mà không làm nó đau bằng cách lấy dây chun quấn quanh chỗ gốc đuôi khi nó mới đẻ, chỉ hai hôm là nó rụng đi. Cắt đuôi sẽ làm cho nó đẹp va sạch hơn. Nó hay nghịch ngợm nếu có đuôi nó sẽ làm bẩn nhà, có khi còn làm đổ vỡ đồ đạc.
-  Bố bố, sao mèo lười lắm à bố? – Anh trai tôi xen vào hỏi bố.
-  Thực ra người ta nói lười như mèo hay “rửa mặt như mèo” thì mới chỉ thấy nó hay ngủ ngày thậm chí lúc nào cũng thấy ngủ như một kẻ lười biếng, đến mặt rửa cũng qua loa, nhưng thực ra mèo còn cần chuột để làm thức ăn mà chuột hay ăn đêm, nên để bắt chuột mắt của mèo thích hợp với việc để nhìn trong bóng đêm hơn là nhìn dưới ánh sáng ban ngày. Ai cũng thấy mèo mắt rất sáng, rực ánh xanh khi đi đêm là vì mèo cần có một chất giống như chất Ngưu hoàng là sỏi mật của trâu, nó lấy từ những thứ ấy từ trong mình họ nhà chuột, là loài không có túi mật. Muốn mèo chăm bắt chuột thì phải cho ăn nhạt, vì vậy mèo lười mắt không xanh bằng. Có câu “có ăn nhạt mới thương đến mèo”. Mèo cũng thích ăn cá nhưng đừng cho ăn sống bởi mèo dễ đau bụng, bỏ cơm.
-  Bố ơi, nhà ta con mèo lớn lắm rồi - Tôi khoe, khi chợt nhớ đến lần đầu cho con mèo ăn cá sống - Nó đẹp lắm lông nó mịn và rất đều từ trên xuống bụng bố ạ. Con vẫn cho nó ăn thêm cá kho. Từ nay con sẽ cho ăn nhiều cơm hơn để khỏi mặn, cho nó bắt chuột bố ạ. Nhưng bố ơi ngỡ nó lại bắt phải con chuột bạch thì làm sao?
-  Con để ý đến con chuột, không được để nó ra khỏi lồng nhé - Bố tôi dặn.
Nhưng những điều tưởng như dễ dàng ấy lại không phải lúc nào tôi cũng làm được. Một hôm đang ngủ buổi trưa, bà bác tôi kêu ầm lên:
-  Mèo mèo! - Rồi lấy cái quạt nan vụt lấy vụt để vào con mèo.
Con mèo của tôi bỏ chạy nhưng chỉ chạy ra một đoạn rồi đứng lại, nhìn con chuột. Con chuột lại hình như không biết sợ, nó từ từ đi lại trong nhà. Nó vừa được con mèo cạy cửa lồng thả nó ra. Nó đang tìm hiểu khoảng không gian mới lạ bằng những bước chân không vội vàng. Cái đuôi cộc làm cái lưng của nó cụp hẳn xuống trong như con thỏ con trắng thật đẹp.
Tôi dậm chân doạ con mèo, làm nó chạy biến ra sân. Tôi ôm con chuột như cụm bông vào lòng kiểm tra xem nó có bị mèo cắn hay không, nhưng không thấy gì. Bất ngờ con chuột phóng nhanh ra khỏi tay tôi chạy ra sân. Tôi đuổi theo và một cuộc trình diễn làm tôi thót tim.
Con mèo ôm lấy con chuột bằng hai tay nhìn thẳng vào mặt nó. Tôi đã định quát lên để doạ con mèo, nhưng có vẻ như không cần. Con mèo có những động tác rất nhẹ nhàng như đùa rỡn với con chuột, trong khi con chuột vẫn bình thản đi đi lại lại bên cạnh mỗi lần được con mèo thả ra mà không hề sợ sệt. Hình như vì nó bị cầm tù lâu ngày nên với nó khoái cái cảm giác ấy thật khoan khoái. Tôi đứng lặng một lúc, nhìn con mèo ôm con chuột vào lòng rồi nó nằm vật ngửa lên, hai tay vỗ vỗ vào lưng con chuột. Con chuột lúc đầu chắc rất sợ, nhưng khi thấy thế nó ngoan ngoãn không giẫy đạp, im lặng mặc cho con mèo vần nó. Tôi biết con mèo vẫn để ý đến tôi và nó biết, nó có thể sẽ nhận được cái gì sẽ đau hơn nhiều, không như cái bạt tai nó lần trước.
Chiều về, tôi không đùa với lũ mèo chuột nữa nhưng cũng bớt lo sợ con mèo sẽ cắn chết con chuột. Tôi đem con chuột nhốt vào lồng rồi quên đi câu chuyện ấy.
Bắng đi mấy hôm, một sáng tôi ngủ dậy chạy ra sau nhà. Bất ngờ tôi thấy được một việc mà suốt đời ai không quan tâm đến súc vật, không thể thấy được. Trong góc nhà, con mèo đang nằm nghiêng về một phía ngủ, sát bên cạnh con chuột bạch cũng chúi đầu ngủ một cách say sưa. Thì ra con mèo tinh khôn tìm cách mở lồng cho con chuột ra ngoài. Tôi lại gần và vỗ nhẹ vào lưng con mèo khen ngợi nó. Từ đó, khi tôi có mặt ở nhà tôi thả con chuột tự do đi lại trong nhà không nhốt vào lồng nữa.
Một lần tôi cùng anh trai đi ra bờ ao rau muống xem họ tát ao. Hàng năm cứ gần tết là người ta tát ao bắt cá. Người ở đâu đổ về đông nghịt chờ mua bán cá. Có cả những người sắn quần áo chờ sẵn để đi hôi cá. Anh tôi cũng chuẩn bị tham gia việc đó nhưng chỉ cho phép tôi đứng trên bờ. Con mèo vẫn lẽo đẽo theo tôi chắc nó cũng thích cái trò này, hay nó buồn phải chơi một mình vì tôi đã nhốt con chuột vào lồng. Khi anh tôi cùng với những người hôi cá, ào xuống cái ao toàn bùn loãng bắt những con cá còn sót. Tôi đi dọc bờ ao, gần anh để khi anh bắt được con nào là quảng lên bờ cho tôi bỏ vào cái túi vải cầm theo.
Bỗng tôi thấy con mèo nhảy một cái xuống bùn mép ao hai chân trước nó ngập sâu trong bùn. Nó quay mặt về phía tôi kêu “Meo. Meo!” tôi chạy đến tìm cách kéo nó lên, nhưng nó lại “Meo!” một tiếng nữa hai chân nó ấn sâu xuống bùn làm ngập cả một phần bụng nó. Một cái đuôi con cá chuối bên cạnh nhô lên trên mặt bùn quẫy quẫy. Tôi kêu tướng lên “ Anh ơi, lại đây!”. Khi anh đến được gần con mèo thì gần như cả phần sau người nó đã ngập hết trong thứ bùn loãng.
-   Được rồi, được rồi mày bỏ ra. Tao tóm được cá đây rồi!
Lần ấy nó được ưu tiên, sau khi tắm rửa bằng xà phòng sạch tinh, được chén hẳn cái đầu con cá chuối to. Nó ăn có vẻ khoái lắm, bởi nó chỉ thích ăn cá, xương xiếc cũng không coi ra gì, chén hết. Con chuột chỉ có phần cơm được chan nước cá nấu canh dưa chua vì nó thích cơm hơn, không thích cá lắm.
Thế rồi những ngày sau, thấy con mèo luôn đi kèm với con chuột, tôi bỏ cho con chuột tự do bởi tôi tin có con mèo trông nom nó, không biết rằng mình quá chủ quan.
Đến một hôm, cả nhà náo loạn vì tôi khóc ầm ỹ lên, khi cả một ngày trời không thấy cả hai con vật thân thiết của tôi đâu. Anh tôi vỗ về, bà bác tôi an ủi, nhưng không làm tôi im được cứ ti tỉ khóc. Mãi đến khi anh tôi hứa là sẽ tìm bằng được hai đứa ấy về, tôi mới chịu đi ngủ trong nức nở lúc đêm đã muộn. Anh tôi bỏ công đi tìm nó mãi mấy ngày không được. Tôi bỏ cơm làm bà bác không khuyên nhủ được tôi phải báo cho bố tôi về.
Ông vừa bước vào nhà bỏ cái mũ ra đã gọi :
-   Đâu cu con đâu rồi?
Tôi hơi hoảng, nhưng vẫn nằm bẹp ăn vạ trên giường, không chịu ăn cơm. Bà bác nhanh chóng bê bát cơm đã nguội đến bên khuyên bảo:
-   Ăn đi cháu, rồi bố sẽ tìm cho cháu mà.
Đúng lúc ấy, tôi nhìn thấy cả hai con vật thân yêu của tôi đang ở góc nhà. Tôi chạy ra ôm lấy cả hai đứa, mặt rạng rỡ lên :
-  Con cám ơn bố!
Bà bác lấy khăn lau mặt còn đầy nước mắt cho tôi. Không thấy bố nói gì, ông nhẹ nhàng đến bên tôi hỏi:
-   Chúng nó bỏ nhà đi à?
-   Vâng ạ, con tưởng chúng nó không về nữa.
-   Mình yêu quý nó thì nó yêu quý mình con ạ. Có đi đâu, nếu không gặp nạn thì rồi nó vẫn về con ạ.
Nói rồi ông nhìn tôi từ đầu xuóng chân như xem có gì khác nữa không rồi đi ra sau nhà. Còn tôi thì ôm cả hai đứa cứ nhẩy cẫng lên. Riêng con mèo mỗi lần tôi động mạnh vào nó nó lại “meo” lên một tiếng.
Buổi trưa anh đi học về cả nhà cùng ăn cơm. Anh tôi hỏi:
-  Bố giỏi thật đấy, con tìm chúng nó mấy hôm nay mà không thấy . Bố tìm thấy chúng nó ở đâu ạ?
-  Không phải bố tìm thấy mà chúng nó tự về đấy, đúng vào lúc bố vừa về thôi!
Tôi ngạc nhiên tròn xoe mắt cứ tưởng bố bắt được chúng ở đâu đem về cho tôi. Tôi bế con mèo đến đưa cho bố.
-  Bố xem nó đẹp không?
Bố tôi xem con mèo một lát, khi ông cầm vào nó, thấy nó “meo” lên, một chân trước thì nóng rực mà sưng to hơn bình thường. Ông bảo :
-  Nó bị trẹo một chân trước con ạ.
-  Ôi sao vậy, làm sao bây giờ, bố? – Tôi lo sợ hỏi.
-  Không sao bố sẽ bó chân cho nó, nhưng phải hạn chế nó đi lại ít ra là ba ngày.
-  Bố có biết tại sao không? – Anh tôi hỏi.
-  Bố chỉ đoán thôi. Giống mèo này đặc biệt hiếm vì nó không lai tạp với giống khác, nhưng chắc là con mèo cái này quý con chuột như con của nó nên nó bỏ công đi tìm theo. Cũng có thể ai đó đã bắt được con chuột đem về nuôi, nên nó đã cướp được đem về.
-  Ái chà! –Anh tôi kêu lên. 
-  Con không biết thế giới xưa kia, trước khi nhường lại cho loài người, họ nhà mèo nắm quyền thống trị cả thế giới động vật do đặc điểm thông minh nhanh nhẹn và rất khéo léo của chúng. Con người đã lợi dụng những sự hữu ích ấy thuần hoá mèo rừng thành mèo nhà để trông giữ đồ đạc, nên mèo nhà còn có tài bắt trộm. Con mèo này chắc là ôm con chuột nhảy từ trên cao xuống một chân nên bị trẹo chân. Bình thường nó nhảy xuống rất chính xác. Bởi ngay cả trong trạng thái rơi, mèo đã gần như tự lấy lại thăng băng lập tức nhờ có xoay người sang tư thế thích hợp và còn bởi đôi chân trước mèo giống như có đệm lò xo nên khi tiếp đất rất êm. – Ông xoa đầu con mèo - Nhưng lần này nó nhảy xuống chỉ có một chân trước. Bố thấy nó rất là tài.
Bố tôi lấy ra một đoạn vải xé ra thàng băng rồi bảo anh tôi và tôi giữ con mèo :
-  Các con giữ chắc, không nó đau sẽ cào bố đấy.
Ông cầm cái chân đau kéo mạnh một cái. Con mèo run lên kêu rõ to “meo, meo” mấy tiếng. Nó ruớn người lên định cào vào tay bố tôi nhưng bị anh tôi tóm chặt lại. Một lát bố băng bó xong, quay ra dặn tôi:
-  Con luôn ở bên nó đề phòng nó cắn băng. Nếu nó cắn con cứ đánh nhẹ vào mặt nó là nó biết, nó sẽ thôi.
-  Vâng ạ.
Sau ba ngày tôi cắt băng cho nó. Nó nhìn tôi, nhìn cả vào cái chân hiện ra dần dần dưới lớp băng vải. Nó đứng dậy đi đi lại lại rồi nhún nhảy như thử xem cái chân đã ổn chưa. Nhìn nó tôi cứ sướng tê cả người, con con chuột cũng chạy lại, ngước cái mõm lên hít hít nó, hít hít cả chỗ cái chân đau.
Căn nhà tôi bẵng đi những ngày anh tôi trở về quê, rồi anh không ra Hà Nội nữa. Bố tôi có ý định đưa tôi về quê để đi học. Nếu về quê, tôi sẽ đem theo hai đứa chúng nó.
Bỗng nhiên một hôm không thấy cá hai đứa chúng nó đâu. Lần này tôi không còn nhỏ để khóc nhưng tôi cứ cố chờ. Rồi tôi phải về quê, thỉnh thoảng mới được lên Hà Nội. Câu đầu tiên lần nào cũng thế, bao giờ tôi cũng hỏi bác gái tôi:
-   Bác ơi, con mèo với con chuột của cháu đâu rồi? Nó không về được nữa à?
Bây giờ không biết chúng đang ở đâu? Mèo ơi, chuột ơi sao không về nhà hả? Tao nhớ chúng mày lắm đấy!