(Đọc tập thơ “Hoa vàng mấy độ” của nhà thơ Lê Thành Nghị, Nxb Hội Nhà văn, 2024)
-----------------------------------------------
Vừa lạ vừa quen, đó là cảm nhận đầu tiên khi trên tay tôi là “Hoa vàng mấy độ”, thi tập mới của nhà thơ, nhà phê bình văn học Lê Thành Nghị. 45 bài là những tiểu tự sự hiện lên giọng trầm từ bóng người, bóng chữ đời thường: Sương mù phía Sơn Tây, Vệt nắng buồn, Ga nhỏ, Suối nhỏ, Trước khi trời tối, Những nốt nhạc thầm lặng, Những bóng người đã qua… Các bài thơ thường được khai sinh với cái tên dung dị, nhưng rất gợi và thâm trầm chiêm nghiệm.
Như bóng với hình, trong thơ Lê Thành Nghị, cảm quan thiên nhiên gắn liền/ thể hiện cách nhìn đời sống. Nói tới thiên nhiên là nói đến con người. Tự nhiên và con người trở thành đồng nhất. Thế giới tự nhiên là nhân vật trữ tính trong thơ anh. Từ “hệ sinh thái” ấy, hiện lên nhiều cung bậc của những câu thơ xanh, “ý niệm xanh”, gợi lên được cả những điều thầm kín, nói lên được tình thế, trạng huống của tồn tại, khắc khoải trong suy tư ý vị: “Suối giữ những gì tận đáy sâu kia/ Làm đá đinh ninh giữa dòng nước chảy”, “Ngôi sao nào có bạn/ Ngôi sao nào còn lẻ loi trong đêm/… Ta yên lặng như sông mê chảy/ Ngoài kia là sóng vỗ đến chân mây”. Và đây là “Bản Lác”: “Tan chợ đá nằm như say rượu/ Mây mang chăn đến để đắp cùng/ Chừng mươi hôm nữa rồi qua chạp/ Gió đã thơm lừng xôi nếp nương”. “Những bóng người đã qua”, tác giả “ghi ở Nhà số 4 Lý Nam Đế - Hà Nội”: “Hoa đại khẽ rơi như tiếng thở li biệt/ Một dáng người vừa mất sau cây/ Người thưa thớt dù cây vẫn biếc!”. Nhà thơ tạm biệt Ngôi nhà số 4 ấy đã khá lâu. Đó là nơi lộng gió, nơi mà cây đại đã xanh lên bao cuộc đời, bao trang gió. Nơi bóng ai trở lại lặng thầm bên sách cũ. Và hoa vẫn rơi bên ngoài ô cửa…
Thơ là câu chuyện của cái nhìn và biểu đạt. Hiện sinh và nhị nguyên hiện trong thơ Lê Thành Nghị theo cách riêng, lối nói riêng. Đó là hiện sinh trong sương khói, nhị nguyên trong khổ lạc. Tàn phai và hiện hữu, hữu hạn và vô cùng, bất biến và vô thường…, “Hoa vàng mấy độ” thường ánh lên cái nhìn tuệ giác từ đường biên ấy. Không chỉ là mong manh, nỗi thao thức về thân phận, thơ anh còn là niềm vui, là khát vọng vượt lên khổ đau trong lẽ nhân sinh. Trên “con đường mùa lá rụng”, khi “hoàng hôn lấm láp nụ cười”, khi “hòn cuội nhỏ” đã mòn giữa dòng suối nhân gian, cỏ “gượng dậy sau vết giày giẫm nát/ nhô lên với gió ấm sau vườn”. Và “tôi vẫn chờ những chấm sao lên”. Không phải vô tình, “Hoa vàng mấy độ” hay nhắc tới sân ga, bờ bến. Ngôn từ đều có lý do riêng: “Đường từ đây về ga cuối”, “Mùa lá đỏ làm ga”, “Sân ga xa đã le lói ánh đèn”…, “Bờ sông sáng một ngọn đèn”, “Sóng lay bờ”, “Bờ sông chợt sáng”… “Ga nhỏ” nhưng chứa nhiều câu hỏi. Trên đường đời có ai quên ga xép, “một cõi trần sao ngổn ngang đến vậy?/ một kiếp buồn sao dai dẳng dường kia?/ mắt nhắm lại/ tàu đang lao tới/ ga nhỏ xa kia có ai chờ?!”. Đâu là xa, đâu là gần, “Vạt hoa vàng” là bài thơ của đường xa về lại trong tâm tưởng, về lại với trong xanh sông núi, với ký ức tuổi thơ. Dường như tất cả đều trong khoảnh khắc của thời hiện tại: “cát đang êm”, “sen đang mùa”, “ngày đang chiều”… Trong “thấp thỏm trăng ngàn gió nội” giữa vô thường ấy, “Đường xa mấy/ đi lâu rồi cũng đến/ cuối xa là vạt hoa vàng”. Trong thi tập mới này, người thơ hay nhắc đến “hoa vàng”. Dẫu không có gì liên quan, nhưng nhan đề tập thơ cũng bất chợt làm ta nhớ tới bài hát cùng tên của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn: “Đường trần em đi/ Hoa vàng mấy độ…”.
Vẫn giọng trầm lắng và tinh tế, vừa bảng lảng thiền tính, vừa như những kí tự cộng sinh, vượt qua phong nhiêu, “Hoa vàng mấy độ” hay là dòng sông thao thiết trước hoàng hôn, vẫn đỏ nặng phù sa chảy vào quê hương, chảy vào mùa người, chảy vào vô tận… Hư hay thực, thơ Lê Thành Nghị thường nhòe mờ giữa lở bồi nhân thế. Thời gian của thân phận, của sự đồng hiện, tĩnh trong động, động trong tĩnh, cái nhìn thấu cảm, cảnh vật quen thuộc mà trở nên sâu lắng, dư ba: “Mây phù du về miền không có thực/ Thời gian lướt qua phận người/ Sân ga dấu rêu phong quên lãng/ Cuộc giã từ quá vội/ Của đám hoa vàng rơi trên vạt nắng/ Để lại mênh mông khoảng trống không lời/ Chỉ có những buổi chiều trên sông Hồng tím thẫm/ Nhắc điều bình yên/ Của một ngày trôi lặng”.
Có thể nói, đặc điểm nổi trội của thơ Lê Thành Nghị, của “Hoa vàng mấy độ” là sự giao thoa giữa trữ tình nội tâm và suy tư triết luận, là sự hài hòa trí tuệ và cảm xúc. Vừa là nhà phê bình văn học, vừa là thi sĩ, nhưng tư tưởng trong thơ anh không hiện ra sống sít, không rơi vào tư biện “chặt chân cho vừa giầy”. Luôn đi tìm cái tinh trong, tìm sự thanh sáng dịu dàng của ngôn từ, nhiều bài thơ phảng phất như tranh lụa. Khi không còn ranh giới, đâu là lý trí, đâu là tâm hồn, nhiều câu thơ trở thành diễn ngôn của cảm xúc trí tuệ: “Hay quá trẻ nên người không thể biết/ Cây đã già lá mất ngủ trên cao?”. Đi sâu vào bản thể, bản ngã, sâu sắc nhưng không to tiếng, thơ anh trong và nhã, thường âm vang bởi sự cộng hưởng từ phía đời thường. Sức sống và vẻ đẹp chữ nghĩa ở chiều sâu của mạch ngầm suy tưởng. Như dòng “suối nhỏ”, thơ lặng lẽ thấm thía, lan tỏa vào đời sống: “Hoa thì cứ thơm, gió thì cứ thổi/… Ngày mênh mông gió/ Bay tan sương mù”, “Bây giờ suối chảy về đâu/… Nước trôi thì trôi, đá ngầm ở lại/ Lau xám một màu lút phía chân mây/… Nước chảy vô tư mà đau lòng suối”… Cái mới và sự sáng tạo luôn có xu hướng chống lại thói quen, dị ứng với sự lặp lại. Trữ tình cá nhân trong thi tập này không lạc/ lẫn sang trữ tình chính trị, một thói quen mà thế hệ anh, đâu đây vẫn lưu luyến. “Vệt nắng buồn”, anh viết trong ngày tiễn biệt người bạn thơ về miền mây trắng. Buồn mà đẹp. Vệt nắng mong manh hay bạn mình còn đó. Thần thức thơ buồn ám ảnh rưng rưng: “Quán cà phê chúng ta thường ngồi/ Nguyễn Hồng Công một bên/ Đoàn Văn Thanh một bên/ Bây giờ tôi không dám đến/… Chỉ còn một vệt nắng/ Như vẫn ấm hơi người/… Quán vắng/ Một vệt nắng buồn im lặng chờ tôi”.
Vừa mơ hồ vừa hiện hữu, thơ Lê Thành Nghị thường âm vang ở khoảng lặng sau lời. Dường như trong quá trình hiện đại hóa, mơ hồ trở thành một trong những đặc điểm cơ bản của thơ Việt thời hậu chiến. Thậm chí, nói như nhà thơ Trúc Thông “Thi sĩ, nếu không mơ hồ, anh sẽ chết!”. Mơ hồ, nhòe mờ thường song hành với cách viết mở. Vì thế, biểu đạt khó tìm ra nghiệm thực. Thơ nhiều nghiệm. “Đêm trên Quản Bạ” như một giấc mơ. Trầm tích của thời gian, xôn xao của tình tự, lưu luyến và nhớ thương, phôi pha mà ấm áp suy tư, chiêm nghiệm. Đêm, nhưng mang đến cho người đọc nhiều cảm xúc của ánh sáng, của tấm lòng từ thi ảnh: “Đá đứng im lìm trong ráng muộn/ Hoa thêm hoang dại lúc xế ngày/ Em buông khăn ấm làm mây nõn/ Một vệt ngang trời lau trắng bay/ Bóng người năm ngoái còn vương nhớ/ Những nét âm thầm giữa tàn phai/ Người đi tiếng vọng vùi trong đá/ Giữa tiếng thung xa – tiếng suối đầy/ Mùi hương mèn mén tan đầu chợ/ Có mấy ngôi sao xuống thật gần/ Gió lay kèn lá bờ ngô cũ/ Đá ngẩn ngơ buồn mỗi dấu chân/ Bốn phương quy tụ nơi đầu núi/ Môi cười như một thoáng trần gian”. Đây là bài thơ khá điển hình cho tạng người, tạng thơ của thi sĩ Lê Thành Nghị.
Không phải ngẫu nhiên, bên quán cà phê ven hồ, nơi lưu dấu ký ức và kỷ niệm với bạn văn, khi tặng sách, anh đã đọc cho chúng tôi nghe bài thơ ấy. Và khoảnh khắc này, tôi nhớ mãi: “Môi cười như một thoáng trần gian”
Khương Trung, 2/12/2014
LÊ ANH PHONG