Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

HÀNH TRÌNH TÌM NGHĨA CHO MỘT TỪ TRONG TRUYỆN KIỀU

Đắc Trung
Chủ nhật ngày 21 tháng 5 năm 2023 8:13 AM



Trong tâm hồn mỗi người Việt Nam chúng ta đều có một chút Nguyễn Du.

Bởi từ khi còn nằm trong nôi. Ta đã được nghe mẹ, nghe chị, nghe bà ầu ơ ru bằng những câu Kiều ngọt ngào. Rồi khi lớn lên. Từ bậc phổ thông đến đại học, ta học Kiều. Trên đại học nghiên cứu Kiều. Không chỉ người Việt Nam mà người nước ngoài cũng nghiên cứu Kiều. Ni-cô-lin, học giả người Nga bảo vệ luận án Tiến sĩ văn học Á Đông bằng đề tài:

"Hình tượng Từ Hải trong Truyện Kiều”.

Truyện Kiều rất hay. Nhưng cũng rất khó. Để phần nào thấy cái hay, cái khó, xin được dẫn...

Câu 97 Nguyễn Du viết:


"Một vùng cỏ áy bóng tà

Gió hưu hưu thổi một và bông lau"

Đó là ông tả cảnh buổi chiều. Ánh tà dương chiếu xuống thảm cỏ. Làm rực lên một màu vàng «áy».

Hãy tạm gác chuyện tả cảnh, tả tình. Mà chỉ xét một từ «áy» trong câu thơ trên ở góc độ ngôn ngữ.

Số phận từ vựng trong ngôn ngữ. Cũng tương tự số phận con người. Có quê hương, có hoàn cảnh ra đời, có sống và có chết. Chẳng hạn "bầm", "bủ" quê Phú Thọ. "Thầy", "bu" quê vùng châu thổ Sông Hồng. "Bọ", "mạ" quê Quảng Bình, Vĩnh Linh. "Ba", "má" quê Nam Bộ. "Thần sấm", "con ma", "bổ nhào", "tọa độ" ra đời trong thời kỳ miền Bắc chống chiến tranh phá hoại bằng không quân của giặc Mỹ. Có từ sống mãi, song có những từ mất dần khi không còn phù hợp. Như "làm chủ tập thể", "pháo đài cấp huyện", "con người mới xã hội chủ nghĩa"..vân..vân...

Theo các nhà ngôn ngữ thì từ «áy» quê Thái Bình.

Nguyễn Du người Hà Tĩnh. Sống vào thời cuối triều Lê đầu triều Nguyễn. Ngày ấy chưa có các phương tiện thông tin đại chúng. Việc giao lưu văn hoá rất hạn chế. Vậy bằng cách nào Nguyễn Du biết và lấy được từ «áy» quê mãi Thái Bình xa xôi để đưa vào tác phẩm của mình? Câu hỏi đó đặt ra với các nhà nghiên cứu.

Mãi đến năm 1968. Trong cuộc Tổng tấn công Mậu Thân. Một nhóm chiến sĩ Quân Giải phóng của ta đánh vào cố đô Huế. Tình cờ lấy được hộp tư liệu quý. Trong đó có một bản tựa đề "Mối hận tình của tôi" viết theo thể tự truyện. Không biết đó có phải bút tích của Nguyễn Du? Nhưng câu chuyện thì kể về mối tình dang dở của ông.

Ngày còn đi học, Nguyễn Du có người bạn vong niên là Nguyễn Thiếp

(Nguyễn Thiếp sau này làm quan to cho nhà Tây Sơn, là nhà thơ, bút danh La Sơn Phu Tử).

Họ thường qua sông bằng đò ngang. Cô lái rất xinh. Khiến chàng Nguyễn Du đa tình cảm mến và bày tỏ nỗi lòng bằng thơ:


"Ai ơi chèo chống tôi sang

Kẻo trời trưa trật lỡ làng tôi ra

Còn nhiều qua lại, lại qua

Giúp cho nhau với để mà...”

Cuối bài thơ Nguyễn Du thả ba dấu chấm lửng... Để ướm thử lòng người đẹp.

Đa tình nhưng nhút nhát. Nguyễn Du nhờ Nguyễn Thiếp chuyển giúp bài thơ ấy đến cô gái. Lúc đầu cô gái không nhận. Lấy cớ mình quê mùa không am hiểu thơ văn. Ngại Nguyễn Du buồn, Nguyễn Thiếp dấu kín việc đó. Cứ im lặng để Nguyễn Du chờ đợi.

Rồi không hiểu sao. Mấy ngày sau. Cô gái nói với Nguyễn Thiếp cho cô xin bài thơ đó. Rồi cũng khoảng mươi ngày sau. Cô gái nhờ Nguyễn Thiếp nói với Nguyễn Du rằng. Cô xin điền vào chỗ ba dấu chấm lửng hai chữ "quen nhau". Rồi cũng chẳng hiểu vì sao. Chừng mươi ngày sau cô lại nhờ Nguyễn Thiếp nói với Nguyễn Du rằng cô xin đổi từ "quen" thành từ "thương".

Được tin. Nguyễn Du mừng quá. Lấy ngay hai từ "quen" và "thương" làm tứ thơ. Ngồi xuống bên gốc đa cạnh bến sông viết một mạch:


"Quen nhau nay đã nên thương

Cùng nhau chắp mối tơ vương chữ tình

Bến xinh xinh, người xinh xinh

Trên trời, dưới nước, giữa mình với ta"

Bắt đầu từ đấy mối tình giữa chàng thư sinh Nguyễn Du với cô lái đò xinh đẹp nảy nở.

Những ai đã yêu, khỏi nói cũng đoán biết. Sau những ngày ấy hai người hạnh phúc thế nào.

Tưởng rằng mọi việc sẽ thuận buồm xuôi gió...

Nhưng cuộc đời đâu có đơn giản. Người mẹ kế của Nguyễn Du. Tức bà vợ lẽ của cụ đồ Nguyễn Nghiễm tôn kính là một người sắc sảo. Biết Nguyễn Du có đức có tài nên rất quý mến. Quê bà tận vùng lúa Thái Bình. Bà có người cháu gái gọi bằng rì cũng rất thục hiền xinh đẹp. Mà từ lâu bà có ý muốn tác thành cho Nguyễn Du. Nay biết Nguyễn Du nặng tình với cô lái đò. Sợ mong muốn của mình đổ bể. Bèn bàn với Nguyễn Khản là anh cả của Nguyễn Du. Khi ấy đang làm quan trong triều nhà Lê ở Đông Đô. Thu xếp để đưa Nguyễn Du ra Thái Bình quê bà tu học. Nguyễn Khản bằng lòng. Bấy giờ cụ Nguyễn Nghiễm đã qua đời. Quyền huynh thế phụ.

Vậy là Nguyễn Du phải chiều theo ý anh cả và kế mẫu.

Ba năm sau mới có dịp trở lại cố hương. Đến bến đò xưa tìm người trong mộng. Nhưng than ôi. Nàng đã "bỏ thuyền, bỏ lái, bỏ dòng sông" lên xe hoa về nhà người khác mất rồi.

Đau buồn, thất vọng. Chàng ngồi xuống lặng lẽ nhìn dòng nước trong xanh. Gửi lòng mình vào những dòng thơ man mác:


"Trăm năm dầu lỗi hẹn hò

Cây đa bến cũ con đò khác đưa

Cây đa bến cũ còn lưa

Con đò năm ngoái, năm xưa đâu rồi?”

Nguyễn Du đem theo nỗi buồn vô vọng ấy trở lại Thái Bình.

Rồi sau này ông lấy vợ quê Thái Bình. (Cô gái đó là em Đoàn Tuấn, một tài thơ khá nổi tiếng).

Như vậy phải chăng nhờ có thời tu học ở Thái Bình. Rồi lại làm trai tế đất ấy mà ông biết được từ “áy” để đưa vào tác phẩm của mình?

Đủ thấy Truyện Kiều hay và rất khó. Chứ đâu phải đọc thuộc từ câu đầu "Trăm năm trong cõi người ta". Đến câu cuối cùng "Mua vui cũng được một và trống canh". Là đã hiểu được Truyện Kiều.

Nghiên cứu, cảm thụ, thấu hiểu được Truyện Kiều là cả cuộc hành trình đầy vất vả.