Tuần báo Pháp L’Express ngày 01/11/2022 có bài phỏng vấn một chuyên gia tình báo kỳ cựu Mỹ, làm việc 34 năm cho CIA. Cựu Giám đốc CIA Douglas London chuyên phân tích về cách suy nghĩ và hành xử của giới tình báo, an ninh Nga hiện nay và Liên Xô trước đây (tính cách, niềm tin và kỹ năng hành động của Vladimir Putin về cơ bản đã được đào luyện trong môi trường nói trên).
Để xử sự đúng với PUTIN phải giải mã được cách tư duy của chủ nhân điện Kremlin: mục tiêu mà Douglas London đặt ra. Cũng giống như một số chuyên gia khác, cựu chuyên gia CIA, giảng viên môn tình báo tại Khoa Quan hệ Quốc tế, Đại học Georgetown (Hoa Kỳ), nhấn mạnh đến nguyên tắc phải cứng rắn với Putin.
Nhưng có lẽ hiếm người lại đẩy lời khuyến cáo đến mức như Douglas London: ‘‘Cách duy nhất để dừng tay Putin là làm cho ông ta phải THỰC SỰ SỢ HÃI’’.
***
LÀM CHO PUTIN THỰC SỰ SỢ HÃI CÓ NGHĨA LÀ THẾ NÀO?
Theo Douglas London, tham vọng và ám ảnh duy nhất của PUTIN là nắm giữ quyền lực.
Để làm gì? Để duy trì một nước Nga, cũng giống như Liên Xô trước đây, như trung tâm của thế giới, một đất nước tự cho đứng ở một đẳng cấp vượt lên trên phần còn lại của thế giới, về mặt tinh thần, và về mặt lịch sử, một nước Nga tự coi mang một nguồn ánh sáng có sứ mạng dẫn dắt nhân loại. Một nước Nga từng nhiều lần bị xâm hại trong các thế kỷ trước bởi nhiều thế lực, mà chủ yếu là phương Tây.
PUTIN tin tưởng vào sứ mạng mang tính tuyên truyền đó. Tin vào hình ảnh được hệ thống tuyên truyền dày công xây dựng trong xã hội Nga về một nhà lãnh đạo hùng mạnh, bất khả chiến bại. Duy trì hình ảnh bất khả chiến bại để duy trì sự trung thành của những người ủng hộ tại Nga.
Nỗi sợ hãi mất quyền có thể đẩy Putin đến các hành động ngày càng táo tợn hơn, tàn ác hơn để tìm cách duy trì hình ảnh của người bất khả chiến bại. ‘‘Dùng leo thang để buộc đối phương xuống thang’’, là triết lý của lãnh đạo Nga, được nhắc đến nhiều. Theo Douglas London, chừng nào ông ta nghĩ rằng ‘‘còn một phương tiện duy nhất để bảo tồn quyền lực, Putin sẽ sẵn sàng, kể cả sử dụng đến vũ khí hạt nhân, hóa học hay sinh học. Nếu ông ta cho rằng việc dùng đến các biện pháp cực đoan đến mức như vậy cho phép ngăn cản được mọi hậu thuẫn bổ sung của phương Tây và cho người dân Nga thấy ông ta vẫn rất hùng mạnh và bất khả chiến bại, thì ông ta vẫn sẽ làm’’.
NỖI SỢ THỨ NHẤT VỚI PUTIN
Vì vậy, theo Douglas London, điều căn bản phương Tây cần làm là cho thấy những hành động liều lĩnh như vậy ‘‘sẽ đe dọa chính tham vọng duy trì quyền lực của Putin’’. Cần phải cho ông ta thấy là nếu ông ta hành xử như vậy, chắc chắn ông ta sẽ nhận được những trừng phạt khốc liệt tương thích. Khuyến nghị của cựu chuyên gia CIA trên thực tế đã được thể hiện về mặt chiến lược thông qua Chiến lược Hạt nhân mới của nước Mỹ, vừa được công bố, sẵn sàng giáng trả bằng vũ khí hạt nhân với mọi đòn tấn công của Nga nhắm vào ‘‘các lợi ích chiến lược’’ của Mỹ hoặc đồng minh, đối tác.
Điều đáng chú ý là ‘‘các lợi ích chiến lược’’, chứ không phải mức độ công phá của vũ khí, và loại hình vũ khí. Việc Hoa Kỳ hạ thấp ‘‘ngưỡng hạt nhân’’ là một lời cảnh cáo sắc lạnh nhắm vào tham vọng duy trì quyền lực của Putin, nhắm vào triết lý dùng bạo lực leo thang để buộc đối phương xuống thang của Putin.
Hiện tại Putin chưa bị đẩy vào chân tường. Chiến thắng của quân đội Ukraina, dù đã có nhiều nhưng chưa đủ mạnh. Douglas London dự báo "lằn ranh đỏ" của chính quyền Nga sẽ là bán đảo Crimée.
Dù cái đích còn khá xa, nhưng không thể không tính tới.
Putin sẽ phản ứng ra sao, nếu bán đảo Crimée bị quân đội Ukraina đe dọa?
Cựu chuyên gia CIA dự báo, không chỉ phương Tây tránh trực tiếp đối đầu với quân đội Nga, mà Putin cũng không sẵn sàng có một cuộc chiến tranh tổng lực với NATO, bởi ông ta rất ít có cơ hội chiến thắng (trừ phi vũ khí hạt nhân được sử dụng. Mà đã sử dụng vũ khí hạt nhân sẽ không có bên chiến thắng).
Theo Douglas London, NATO không thể để PUTIN lấn át. Bất cứ động thái nào di chuyển vũ khí hạt nhân hay hóa học ra mặt trận Ukraina, phương Tây cũng cần phản ứng tương thích, đưa các phương tiện chiến tranh ra trận để chứng tỏ sự không khoan nhượng.
NỖI SỢ THỨ HAI VỚI PUTIN
Tuy nhiên, cựu chuyên gia CIA đặc biệt lưu ý: Cùng lúc với các hành động cứng rắn về quân sự, còn có một mặt trận quan trọng khác.
Giới thân cận với Putin phải là một đích ngắm. Cho đến gần đây, dưới sự kiểm soát tinh vi, nghiêm ngặt, giới thân cận với Putin dường như tỏ ra cơ bản trung thành với lãnh đạo tối cao. Nhiều phần do sợ bị trừng phạt. Tuy nhiên, một số rạn nứt đã xuất hiện. Theo Douglas London, cần tiếp cận với những người trong giới thân cận với Putin, để xem xem ''họ có cần một chiếc phao cứu mạng, hay chấp nhận chìm xuồng với Putin''. Nếu cần đến phao, đổi lại sẽ là các hỗ trợ, đặc biệt là thông tin. Theo cựu chuyên gia CIA, đây là ''điều khiến Putin rất lo sợ''.
Nếu quân đội Nga tiếp tục bị đẩy lùi trên chiến trường, bị thua trong chiến tranh, thì chắc chắn Putin không thể tại vị. Douglas London dự báo các quan chức cao cấp và những ai đang bị tổn hại do các quyết định sai lầm của Putin chắc hẳn không thể để tình hình hiện nay kéo dài.
***
Cuộc chiến phi nghĩa khiến nhiều người Nga dân tộc chủ nghĩa sẵn sàng hợp tác với phương Tây.
Douglas London cũng cho rằng, kể từ khi Putin khởi đầu cuộc xâm lăng tình hình ngày càng trở nên thuận lợi cho các hoạt động tình báo phương Tây. Sẽ ngày càng có nhiều người Nga, có khả năng tiếp cận với các lĩnh vực thông tin quan trọng, có thể sẵn sàng hợp tác với phương Tây, nhằm ''ngăn chặn Putin, cứu đất nước''.
''Một cách nghịch lý là tinh thần dân tộc chủ nghĩa Nga có thể thúc đẩy nhiều người chủ động hợp tác với các cơ quan tình báo phương Tây''. Trung thành với nước Nga không còn đồng nghĩa với trung thành với Putin.
Douglas London nhắc đến cố điệp viên Nga rất nổi tiếng những năm 1980, với bí danh ‘‘Farawell’’. Cố điệp viên Liên Xô, tên thật là Vladimir Vetrof, vốn hoạt động trong ngành tình báo công nghệ, công nghiệp của Liên Xô. Ghê tởm chế độ Xô Viết, ông đã quyết định cung cấp các thông tin mật của ngành tình báo Liên Xô cho các cơ quan tình báo phương Tây. Vladimir Vetrof được coi là một trong những người đã làm xoay chuyển cục diện của Chiến tranh Lạnh.
Một ‘‘Farawell’’ mới có thể chưa xuất hiện, nhưng đã có rất nhiều cộng tác viên khắp nơi, trên mọi cấp độ, từ các quân nhân trên chiến trường, các sĩ quan hay giới chính trị. Cựu chuyên gia CIA khép lại bài trả lời phỏng vấn báo Pháp L’Express, với nhận xét, Putin ‘‘rất khó ngăn lại xu thế này’’, và ''phương Tây đang ở vị trí rất thuận lợi, nếu sử dụng một cách thận trọng các thông tin. Tình hình sẽ tiếp tục cải thiện’’.
https://www.lexpress.fr/.../douglas-london-s-il-sent-la...