Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

LỜI CHIA TAY HƠN MUÔN LỜI TỎ TÌNH

Lưu Trọng Văn
Thứ sáu ngày 6 tháng 5 năm 2022 10:07 AM


Nhà văn Nguyên Ngọc viết về vợ: "Tâm còn là người bảo vệ, đủ sức nâng tôi dậy những khi tôi bị dập vùi hay vụng về tự vấp ngã."
Bất cứ ai đau đáu phận nước, phận người nên dừng lại ngẫm nghĩ những dòng cực kì sâu sắc, đúc kết cả cuộc đời của ông và cuộc đời của vợ ông:
"VÀ TÔI ĐÃ NHẬN RA Ở TÂM CỦA TÔI ĐIỀU KHÁM PHÁ LỚN: KHÔNG DỄ TỪNG SỐNG ANH HÙNG TRONG CHIẾN TRANH RỒI LẠI SỐNG BÌNH THƯỜNG TRONG HOÀ BÌNH ĐÂU. SỰ BÌNH THƯỜNG LÀ MỘT ĐỨC TÍNH CHỈ CÓ Ở NGƯỜI THẬT TRONG SÁNG."
Trên giường bệnh nhà văn Nguyên Ngọc viết lời chia tay người vợ, người đồng chí thân thiết của mình. Và ngồi trên xe lăn ông đã đọc lời chia tay hơn muôn lời tỏ tình ấy. Gã xin trích gửi bạn đọc lời chia tay này.
" Tôi gặp lại Tâm trong những ngày chiến trường biến động dữ dội của năm 1965, hai anh em chỉ ngồi được với nhau một buổi tối ở trạm giao liên đặt gần chân núi Cát Sơn. Tôi nhớ đêm ấy máy bay mô-hóc bay rất nhiều, sục vào các hẻm núi, loại máy bay nhọn dài đen trùi trũi này hoạt động kiểu đó là dấu hiệu sắp có B52. Thật tình lúc đó tôi rất sợ Tâm sẽ hy sinh sớm. Cô đang hăng hái quá, mà thành thạo chiến trường còn quá ít.
Tôi có kinh nghiệm những người mới vào chiến trường thường có ba nhược điểm lớn: chưa biết quy luật địch, chưa quen địa hình, lại chưa hiểu dân, lúc có biến nên dựa vào ai, nơi nào phải tránh xa. Lúc chia tay, chúng tôi cùng dặn: viết thư cho nhau nhé. Tâm cười bảo: nếu còn sống…
Cuối năm 1967, anh Hoài Nam ở báo cờ Giải phóng Khu 5 vừa đi Bình Định về kéo tôi ra ngoài cuộc họp, thì thầm một tin sét đánh: Con Tâm bị Mỹ bắt rồi! – Ở đâu? – Trên núi tây Đức Phổ.
Trường sư phạm của Tâm đóng tại đó để tiện đón học viên từ nam Bình Định ra, Quảng Ngãi lên, Tây Nguyên xuống. Cô bị lính sư đoàn Kỵ binh bay số 1 của Mỹ đổ trực thăng bắn bị thương rồi bắt trong một hang đá. Mấy năm sau, Đặng Thùy Trâm hy sinh cũng chính ở nơi này.
Tâm ở tù đúng 7 năm, từ 1967 đến 1973, đã qua hầu khắp các nhà tù miền Nam. Thoạt đầu bị đưa lên Pleiku, rồi chuyển về Phú Tài chân đèo Cù Mông, cạnh Quy Nhơn. Tất nhiên tôi ráo riết theo rõi.
Nhưng đến sau Mậu Thân thì mất tin, không biết Tâm bị chuyển đi đâu. Cũng có tin Tâm đã bị thủ tiêu.
Cho đến nỗi sau hiệp định Paris năm 1973 tôi gần như không có ý định đi tìm Tâm, tôi nghĩ tôi đã mất mãi mãi cô bé thân yêu của tôi rồi. Còn Tâm thì khi được trao trả, ra tới Sầm Sơn, gặp một người bạn thân của tôi, cô ấy chỉ yêu cầu anh ấy kể cho cô nghe trường hợp anh Ngọc hy sinh như thế nào. Một số bạn tù vào sau báo cho Tâm tin
tôi đã ngã xuống trận vượt đường 104 đoạn Cầu Chìm – Trà Kiệu.
Vậy đó, chúng tôi đã tìm lại được nhau. Và tình yêu không thể không đến. Nó nữa, tình yêu ấy, nó cũng đã thắng chiến tranh.
7 năm ở tù của Tâm là 7 năm của một cuộc chiến anh hùng. Mỗi lần cô được chuyển từ một nhà tù này tới một nhà tù khác, là tin đồn đã đến trước về một người tù binh kiên cường đến mức đã bị đám cai tù tra tấn đánh gãy dập xương cả hai cổ tay mà không biết vì trên khắp cơ thể không chỗ nào là không đau. Mãi sau ra tù rồi, đi chữa bệnh ở Đức các bác sĩ mới phát hiện ra và công phu nối ráp lại.
Một đại úy quân cảnh thẩm vấn tra tấn Tâm khốc liệt bao nhiêu ngày vẫn không moi được chút gì ở Tâm, ngoài sự kinh ngạc trước khí tiết của người nữ cách mạng. Mấy năm sau khi Tâm được trao trả qua sông Thạch Hãn và cầu Hiền Lương, tình cờ gặp lại chính viên đại úy ấy trong đoàn đại diện chính quyền miền Nam, anh ta trân trọng cúi đầu nói: “Hôm nay chị là người chiến thắng.”
Ở trong tù, ngoài việc đấu tranh căng thẳng từng ngày với địch, Tâm còn kiên trì và khôn khéo bí mật tổ chức các lớp học văn hóa cho chị em, thanh toán nạn mù chữ trong các nhà tù Tâm đã đi qua, có nơi thanh toán được cả cấp 2…
Sống với nhau mấy chục năm, tôi dần hiểu ra những người bạn thân thiết, thương yêu nhau như ruột thịt của Tâm là những người bạn tù. Giữa họ có một thế giới riêng, những ký ức, trải nghiệm đau khổ và hạnh phúc riêng, một ngôn ngữ riêng, một bầu khí quyển riêng, một thứ tình nghĩa sâu đậm riêng của những người từng cùng nhau đi qua một cuộc chiến đấu sinh tử đặc biệt, ngay cả tôi là người thân nhất của Tâm, cũng không thâm nhập và chia sẻ được.
Tâm ạ, chỉ còn 3 năm nữa là chúng mình sống được cùng nhau trọn nửa thế kỷ. Sao em, người phụ nữ quý nhất anh tìm được trên đời, em không nán sống cùng anh 3 năm nữa, em?
Thú thật nhiều lúc tôi muốn xem một người đã sống quyết liệt và kiên cường đến vậy trong chiến tranh, sẽ sống thế nào trong hòa bình?
Và tôi đã nhận ra ở Tâm của tôi điều khám phá lớn: không dễ từng sống anh hùng trong chiến tranh rồi lại sống bình thường trong hòa bình đâu. Sự bình thường là một đức tính, chỉ có ở người thật trong sáng. Tâm của tôi đã làm được điều đó, giản dị và tự nhiên, ở cơ quan, trong xã hội, và cả trong gia đình. ..
Rất thẳng thắn, công tâm, không tha thứ cho một giả dối nào, nhưng vẫn tự nhiên, nhẹ nhàng. Giữ một vị trí rất khiêm tốn, nhưng cô là trung tâm đoàn kết của tập thể, và lạ thế, Tâm nói thì thường được mọi người nghe.
Riêng đối với tôi cuộc vật lộn trong hòa bình khó nhọc hơn trong chiến tranh nhiều, cả ác hiểm nữa, dẫu trong chiến tranh tôi là kẻ lăn lộn không ít. Chắc bởi công cuộc làm mới văn học, làm mới xã hội và đất nước tất phải rất phức tạp, gian nan, cả nhiều hiểm nguy hơn. May thay luôn có Tâm ở cạnh, không chỉ là hậu phương như người ta thường nói. Tâm còn là người bảo vệ, đủ sức nâng tôi dậy những khi tôi bị dập vùi hay vụng về tự vấp ngã.
Hôm nay anh mất Tâm, con Phương mất mẹ, chỉ mong nỗi đau không cùng này cùng ký ức về em về mẹ sẽ giúp hai bố con nương vào nhau mà tiếp tục sống tốt như vẫn mãi mãi còn em trong gia đình hạnh phúc của chúng ta.
...Tâm ơi, Tâm thương yêu của anh, giờ phút không hề muốn có, giờ vĩnh quyết đã đến rồi. Từ đêm nay sẽ không còn có em. Hai cha con sẽ cô đơn biết chừng nào.
Thôi em đi, em nhé, đến chốn vĩnh hằng."