Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

30-4-1975: LỜI KỂ CỦA NHÂN CHỨNG VÀ TỜ GIẤY MÀU XANH

Nguyễn Năng Lực
Thứ hai ngày 2 tháng 5 năm 2022 8:40 AM





Ngày 30 tháng Tư năm 1975 đánh dấu mốc son chói lọi trong lịch sử 4.000 năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Sau 30 năm trường kì kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mĩ, khát vọng hòa bình, thống nhất của cả dân tộc đã được thực hiện trọn vẹn, Bắc Nam sum họp một nhà, non sông liền một dải.

Về những sự kiện tại Dinh Độc Lập và Đài Phát thanh Sài Gòn buổi trưa ngày 30 tháng Tư, có 5 sự kiện được xác nhận từ đầu: 1/ Xe tăng 843 húc đổ cổng Dinh Độc Lập; 2/ Trung úy Bùi Quang Thận, Đại đội trưởng Đại đội 4 Xe tăng cắm cờ; 3/ Đại úy Phạm Xuân Thệ, Trung đoàn phó Trung đoàn Bộ binh 66, Sư đoàn 304, Quân đoàn 2 chỉ huy dẫn giải ông Dương Văn Minh sang Đài Phát thanh; 4/ Trung tá Bùi Văn Tùng, Chính ủy Lữ đoàn Xe tăng 203, Quân đoàn 2 thảo lời tuyên bố đầu hàng cho ông Dương Văn Minh đọc, và 5/ ông Tùng thay mặt Quân Giải phóng tiếp nhận sự đầu hàng của Chính quyền Sài Gòn. Những xác tín này đã được ghi vào sử sách. Hai ông Bùi Quang Thận và Phạm Xuân Thệ sau đó đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang.

Năm 1995, từ những bức ảnh của Nhà báo Pháp Francoise De Mulde, lịch sử ghi nhận lại rằng, xe tăng 390 đã húc đổ cánh cổng Dinh Độc Lập chứ không phải xe tăng 843.

Cuối những năm 1980, đầu những năm 1990, một số phương tiện truyền thông đưa thông tin theo lời kể của nguyên Đại úy Phạm Xuân Thệ, khác với thông tin đã được thừa nhận. Ngày 19/10/2005, Viện Lịch sử quân sự tổ chức cuộc "Tọa đàm khoa học trao đổi thông tin một số vấn đề xung quanh sự kiện đánh chiếm Dinh Độc Lập ngày 30 tháng Tư năm 1975". Lúc này ông Thệ đã là Trung tướng Tư lệnh Quân đoàn 2, rồi Tư lệnh Quân Khu 1. Ông Bùi Văn Tùng đã bị tai biến mạch máu não, ngồi xe lăn đến dự. Một số nhân chứng (kíp xe tăng 390, một số người thuộc Lực lượng thứ 3...) trực tiếp có mặt tại Dinh thời khắc ấy không được mời dự. Có 3 nội dung chính trong Kết luận của cuộc tọa đàm: 1 - Đại úy Phạm Xuân Thệ chỉ huy bắt Dương Văn Minh và Nội các Chính quyền Sài Gòn tại Dinh Độc Lập, áp giải đến Đài Phát thanh. Ông Bùi Văn Tùng không có mặt tại sự kiện này; 2/ Ông Thệ cùng một số bộ đội Trung đoàn 66 soạn văn bản đầu hàng, sau đó ông Tùng đến cùng soạn tiếp cho ông Minh đọc. 3/ Ông Tùng tuyên bố tiếp nhận đầu hàng. Kết luận của tọa đàm được đưa vào Thông báo cuộc Giao ban báo chí toàn quốc ngày 17/01/2006 do lãnh đạo Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương chủ trì, từ đó được coi là thông tin chính thống.

Gần đây, chúng tôi đã về tỉnh Thanh Hóa, gặp cựu chiến binh Nguyễn Văn Phúc. Ông Phúc sinh năm 1953, nhập ngũ tháng 12/1971 vào Binh chủng Xe tăng và làm liên lạc cho Chính ủy Bùi Văn Tùng từ tháng 10/1972 đến tháng 5/1976. Ông Phúc mới được đồng đội tìm thấy, chưa hề xuất hiện trên truyền thông. Nhắc đến Ngày 30 tháng Tư, ông bảo, trong cuộc đời có thể quên nhiều thứ, nhưng kí ức về ngày này thì ông nhớ suốt đời, nhớ đến từng chi tiết.

Ông Phúc kể:

"Đến cổng Dinh Độc Lập, tôi và Trợ lí Quý mang AK xuống xe K-63, cùng Chính ủy Bùi Văn Tùng chạy vào Dinh. Lúc đó bộ đội ta đã lên khá đông ngoài hành lang. Chính ủy Bùi Văn Tùng cao hơn mọi người một cái đầu, rẽ đám đông đi tới rồi vào phòng Nội các Dương Văn Minh đang ngồi. Đến trước những người trong Nội các, Chính ủy hỏi: "Ai là Dương Văn Minh?". Ông Minh đứng dậy. Chính ủy nói dõng dạc: "Ông Minh, các ông đã bị bắt. Các ông phải đầu hàng vô điều kiện". Dương Văn Minh nói: "Thưa quý thượng cấp, chúng tôi đã ngồi đây từ sáng để chờ quý thượng cấp đến để chúng tôi bàn giao chính phủ". Chính ủy Bùi Văn Tùng không đồng ý, ông nói: "Các ông chả còn gì để mà bàn giao. Giờ phút này, toàn bộ thành phố Sài Gòn - Gia Định đã nằm dưới sự kiểm soát của Quân Giải phóng. Các ông còn cái gì mà bàn giao?". Ông Minh lại nói: "Xin thưa, sáng nay tôi đã ra lệnh cho binh sĩ Việt Nam Cộng hòa đơn phương ngưng nổ súng để chúng tôi được thương thảo với Chính phủ Cách mạng Cộng hòa Miền Nam Việt Nam để bàn giao chính quyền". Chính ủy Tùng nổi nóng nói: "Thật là trớ trêu, một người đi bàn giao mà không có gì trong tay thì bàn giao bằng cái gì. Các ông phải đầu hàng vô điều kiện". Thấy Dương Văn Minh ngần ngừ, tôi chĩa thẳng súng vào ông ấy hô: "Các ông không khẩn trương đầu hàng tôi sẽ nổ súng". Một người trắng trẻo thư sinh ngồi bên phải Dương Văn Minh vội đứng dậy, chắp tay trước ngực và nói: "Thưa quý ngài, xin quý ngài đừng bắn ông Minh. Ông Minh là người theo đạo Phật. Ông Minh mà được sống thì sau này có lợi cho quốc kế dân sinh. Xin quý ngài đừng bắn". Nghe vậy, tôi hạ súng xuống nhưng Dương Văn Minh cũng cúi đầu nói với Chính ủy Bùi Văn Tùng: "Chúng tôi xin hàng". Chính ủy Bùi Văn Tùng yêu cầu ông Dương Văn Minh ra Đài Phát thanh để tuyên bố đầu hàng thì Dương Văn Minh xin được tuyên bố tại đây. Một vài người trong số đó được cử đi tìm máy móc. Nhớ lời dặn của Lữ trưởng Nguyễn Tất Tài ở Thủ Đức là khi nào tiếp cận được Dương Văn Minh thì phải báo cáo ông ngay, tôi ra ngoài tìm ông. Gặp Lữ trưởng, tôi báo cáo: "Đã bắt được Dương Văn Minh rồi". Lữ trưởng hỏi lại: "Bây giờ ở đâu?". Tôi nói: "Đang ở tầng hai và Chính ủy Tùng đang định đưa ông Minh ra Đài Phát thanh để tuyên bố đầu hàng". Lữ trưởng Tài gật gật đầu như đang suy nghĩ gì đó. Đột nhiên tôi quay đầu lại phía Dinh thì thấy một số người đã đưa Dương Văn Minh ra khỏi Dinh và lên một chiếc xe Jeep. Chính ủy Bùi Văn Tùng cũng lên một chiếc xe và hai xe bắt đầu chạy ra khỏi sân Dinh. Tôi vội báo với Lữ trưởng: "Họ đưa ông Minh sang Đài Phát thanh và Chính ủy Tùng cũng đi theo rồi". Lữ trưởng Tài có vẻ nổi nóng, ông nói to: "Ai bảo làm việc đó? Nếu họ giả danh Quân Giải phóng giúp Dương Văn Minh tẩu thoát thì ông Tùng chết". Lữ trưởng sai tôi đi tìm trợ lí, đuổi theo Chính ủy, truyền đạt ý kiến của Lữ trưởng: Phải kiểm tra mật danh của những người này. Tôi cùng anh Trịnh Duy Quý nhờ hai thanh niên Sài Gòn chở đi, nhưng họ chở nhầm đến Trung tâm Vô tuyến Truyền hình. Tại đây tôi gặp hai thanh niên đeo băng đỏ, nói là sinh viên Đại học Vạn Hạnh và cho biết đây không phải Đài Phát thanh. Không thấy anh Quý đâu, vì việc gấp nên tôi nhờ một thanh niên chở sang Đài Phát thanh.

Đến Đài Phát thanh, tôi thấy hai xe Jeep đỗ ở bên trái sân. Tôi ôm súng đi thẳng lên phòng tiếp khách trên tầng hai. Không khí trong phòng có vẻ hơi trầm lắng. Vào trong phòng, tôi thấy trên một dãy ghế có mấy người ngồi, ông Dương Văn Minh ngồi cách Chính ủy Tùng hai người. Trước mặt họ là một cái bàn thấp. Chính ủy Tùng ngả đầu vào thành ghế, đôi mắt lim dim như có vẻ rất mệt mỏi. Điều đó thì tôi biết vì đã mấy ngày đêm liên tục, Chính ủy chưa được giấc ngủ tử tế nào...

Đột nhiên, tôi thấy một người đeo xà cột chéo người tiến tới trước mặt Dương Văn Minh và đưa cho ông ta một tờ giấy. Ông Minh xem lướt qua và nói với người này: "Chữ thượng cấp viết thế này tôi không đọc được". Nghe vậy, Chính ủy như bừng tỉnh, với tay cầm lấy tờ giấy từ tay ông Minh. Chính ủy đọc lướt qua và dường như nổi nóng, ông dằn giọng: "Tại sao lại viết là Tổng thống Việt Nam Cộng hòa? Nếu viết như vậy hóa ra công nhận Việt Nam Cộng hòa là một quốc gia có chủ quyền. Thế là mình đi xâm lược à?”. Thấy hai người lời qua tiếng lại, ông Minh ngơ ngác nhìn như không hiểu chuyện gì. Người đeo xà cột lấy lại tờ giấy và nói: "Thôi, ta không làm được thì gọi cán bộ tuyên huấn lên để họ làm". Chính ủy Tùng hỏi: "Cán bộ tuyên huấn nào?". Người kia đáp: "Cán bộ tuyên huấn trung đoàn". Chính ủy Tùng lại hỏi: "Vậy anh là ai?". Người kia đáp: "Tôi là Phạm Xuân Thệ, Đoàn phó Đoàn Đông Sơn. Còn anh là ai?". Chính ủy Tùng trả lời: "Tôi là Bùi Văn Tùng, Chính ủy Lữ đoàn Xe tăng 203". Ngừng một lát, Chính ủy Tùng quay sang nói với Dương Văn Minh: "Bây giờ ông Minh sẽ nói theo ý của tôi". Ông Minh nói: "Thượng cấp muốn tôi nói thế nào thì thượng cấp viết ra giấy". Chính ủy lấy tờ giấy pơ luya màu xanh trên bàn, viết trong khoảng 10 phút rồi đưa cho ông Minh. Ông Minh xem, rồi lấy bút trong túi áo dưới bên phải, xóa hai chữ "Tổng thống" và thêm hai chữ "Đại tướng" vào sau chữ "Tôi" ở dòng đầu. Chính ủy không đồng ý, cuối cùng ông Minh phải chấp nhận đọc "Tôi, Đại tướng Dương Văn Minh, Tổng thống Chính quyền Sài Gòn...".

Lời kể của ông Phúc trùng khớp với tường thuật của Nhà báo Tây Đức Boerris Gallasch trong sách "Thành phố Hồ Chí Minh - Giờ khắc số 0" (xuất bản tại CHLB Đức tháng 9 năm 1975, chỉ sau sự kiện 30 Tháng Tư chưa đầy 5 tháng, dịch và xuất bản tại Việt Nam năm 2010) và trả lời phỏng vấn Đài Truyền hình Italia của nhà báo này sáng ngày 1/5/1975 tại trước cổng Dinh Độc Lập. Boerris Gallasch viết: "Sự lộn xộn chấm dứt khi người chỉ huy của Quân Giải phóng được giao nhiệm vụ của việc bàn giao chính quyền, Chính ủy Bùi Văn Tùng xuất hiện... Chúng tôi bước xuống cầu thang ra bãi cỏ, đến ngang chỗ vòi phun nước. Minh và Mẫu leo lên một chiếc xe Jeep được bảo vệ bởi hai chiến sĩ giải phóng. Chính ủy Tùng và một người lính lên chiếc xe thứ hai. Tôi đang đứng ngay cạnh chiếc xe Jeep, nói chuyện với ông Chính ủy bằng tiếng Pháp, cố gắng xin ông ta để được lên xe. Ông gật đầu đồng ý. Luật sư Đỉnh với bộ râu giống như của Hồ Chí Minh và tôi vội nhảy lên phía sau chiếc xe Jeep này và chúng tôi chạy đi ngay... đến một khu phụ của Đài Phát thanh trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm.

Chúng tôi đi vào phòng thu nhỏ trên lầu một. Minh và Tùng ngồi trên hai chiếc ghế bành và tôi ngồi giữa họ tại chiếc bàn nhỏ để bên cạnh, trong lúc đó Tùng thảo văn kiện đầu hàng trên một mảnh giấy màu xanh...".

Bộ chính sử "Lịch sử Nam bộ kháng chiến" - Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia - Sự thật, ra mắt năm 2011, được viết trong 10 năm, từ năm 2001, do Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt là Chủ tịch Hội đồng Chỉ đạo; Nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng là Chủ biên; Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết viết Lời giới thiệu, ghi Chính ủy Bùi Văn Tùng soạn văn kiện đầu hàng cho ông Dương Văn Minh đọc.

Khi tôi hỏi ông Phúc có biết việc Chính ủy Tùng vò tờ giấy vứt vào sọt rác, sau đó xé vụn đi, ông Phúc nói như reo: "Đó là tờ giấy tôi viết, đưa cho Chính ủy. Trong giấy tôi ghi lời dặn của Lữ trưởng là phải kiểm tra mật danh của những người này. Lúc bấy giờ đông người, không thể nói bằng mồm nên tôi viết ra giấy cho Chính ủy đọc. Còn văn bản viết tay, Chính ủy đút vào túi quần, sau đó đã giao lại cho Phòng Chính trị Quân đoàn 2".

Được biết, phóng viên báo Tuổi trẻ đã nhìn thấy tờ giấy màu xanh nhàu nát tại Bảo tàng Quân đoàn 2.

Theo chúng tôi, để xác định sự thật lịch sử "Ai là người soạn thảo văn kiện đầu hàng cho Tổng thống Chính quyền Sài Gòn", rất cần giám định chữ viết trên "tờ giấy màu xanh" hiện do Bảo tàng Quân đoàn 2 lưu trữ và bảo quản. Đó là cách làm khoa học, khách quan, có sức thuyết phục nhất.

(2.346 từ)