Trong xã hội có nhiều người sống dư thừa mọi thứ, nhưng lại rất thiếu lòng nhân ái. Dư thừa vật chất dễ gây tội ác, nhưng dư thừa lòng nhân ái thì ngược lại. Giàu lòng nhân ái nhưng ít tiền, hơn nhiều tiền mà ít lòng nhân ái.
Nhà văn Nam Cao từng viết: "Miếng ăn vào lúc không cần thiết là sự cướp giật trên tay người nghèo khó. Đó là tội ác".
Giáo lý Phật pháp dạy, trong được có mất, trong may có rủi, trong vinh có nhục... do "Luật nhân quả" chi phối. Nếu chúng ta thiếu tấm lòng nhân ái, cảm thông, chia sẻ, không lo làm việc đức, tích điều thiện, sẵn sàng giang tay giúp đỡ những người khó khăn hoạn nạn, chỉ tham lam vụ lợi, bon chen, keo kiệt, thậm chí bằng mọi thủ đoạn xấu xa để giành lấy những gì không đáng được, thì nhất định sẽ mất những gì không đáng phải mất, mất nhiều hơn được. Mất tiền mất của còn có thể làm ra, chứ khi danh dự và nhân cách đã mất là mất hết. Làm việc xấu dù sau đó có ăn năn hối hận thì cũng không thể xóa được vết nhơ. Vinh hay nhục là ở đấy.
Chúng ta nghĩ gì trước việc làm đầy lòng nhân ái của Bill Clinton. Ông là nhân vật nổi tiếng thế giới. Hai nhiệm kỳ liền làm Tổng thống, ông đã tạo ra một giai đoạn phát triển kinh tế ổn định lâu dài trong lịch sử hiện đại nước Mỹ. Là người có công lớn trong việc bình thường hóa quan hệ Việt Nam và Hoa Kỳ. Ông được đa phần người dân Mỹ rất khâm phục. Rời Nhà Trắng về nghỉ hưu, ông liền đứng ra vận động thành lập Quỹ từ thiện để giúp người nghèo trên thế giới bị bệnh AIDS, nhất là dân châu Phi. Quần bò, áo phông rất giản dị, ông đến đâu cũng được chính phủ và người dân gần gũi, nhiệt thành chào đón. Họ coi ông là "sứ giả của lòng nhân từ".
Bill Gates, Chủ tịch Tập đoàn Microsoft, hãng phần mềm khổng lồ, là người giàu nhất thế giới từ năm 1995-2016, đã quyên góp và ủng hộ số tiền lớn lập ra "Quỹ Bill & Melinda Gates" (Melind Gates là phu nhân của ông). Quỹ giúp hoạt động toàn cầu trên lĩnh vực giáo dục, y tế, nhất là nghiên cứu nhằm chữa trị các bệnh hiểm nghèo.
Carlos Slim, tỷ phú quốc tịch Mexico gốc châu Á, mười năm qua đã có lần xếp cùng hàng với "ông vua phần mềm" Bill Gates dẫn đầu danh sách những người giàu nhất thế giới. Tuy nhiên, ông được người ta đánh giá cao không phải bởi tài sản khổng lồ, mà chính là ở lối sống khiêm tốn, bình dị. Không bao giờ ông vênh váo khoe khoang sự giàu có của mình, không có những chiếc xe hơi đắt tiền hay đồ trang sức quý hiếm, ăn vận rất khiêm nhường, trên tay chỉ đeo chiếc đồng hồ xoàng có gắn thêm máy tính, phòng làm việc của ông được bố trí giống như bất cứ một nhân viên bình thường nào và cần mẫn tới 14 giờ trong ngày, có khi quên cả ăn. Carlos Slim vẫn giữ những cuốn sổ, mà trong đó, cha ông đã bắt ông ghi lại cách chi tiêu số tiền 5 peso mỗi tuần khi còn hàn vi. Ngôi nhà của gia đình ông ở Mexico City cũng chỉ gồm bốn phòng ngủ, một phòng ăn và một phòng khách. Ở đó treo mấy bức tranh của các họa sĩ mà ông yêu thích như: Renoir, Van Gogh, Rivera, Rodin. Ông thường dạy con cháu: "Hãy loại bỏ sự dư thừa ngay cả khi cuộc sống dồi dào nhất. Vì điều này sẽ giúp ta ổn định và vượt qua những lúc khốn khó".
Warren Buffet, vua chứng khoán, chủ tập đoàn Berkshire Hathaway. Hai chục năm qua ông luôn nằm trong danh sách những tỷ phú giàu nhất thế giới. Dư thừa tiền bạc nhưng ông sống rất khiêm tốn, bình dị trong căn nhà ngoài phòng ăn, phòng khách, thư viện, chỉ có ba phòng ngủ trị giá 32.500 USD mà ông mua khi mới lập gia đình 50 năm trước, không có tường bao, cổng sắt. Ông nói rằng, mọi thứ ông cần đều đã có trong ngôi nhà đó. Ông tự lái xe, không thuê vệ sĩ, không bao giờ đi bằng máy bay riêng mặc dù ông sở hữu một hãng hàng không lớn nổi tiếng thế giới. Có người hỏi về cách sống, ông chia sẻ: "Người hạnh phúc nhất không cần thiết phải có những thứ quý giá đắt tiền nhất. Mà chỉ đơn giản là tận hưởng những thứ mình cần nhất. Sống bình dị như thế một mặt là tiết kiệm, nhưng mặt khác cũng tạo điều kiện để mình có dịp hòa chung với những người bình thường khác".
Chuck Feeney, tỷ phú người Mỹ, đồng sáng lập ra hệ thống cửa hàng mua sắm miễn thuế (DFS) lớn nhất thế giới. Với khối tài sản khổng lồ nhưng ông sống rất bình dị, trên tay vẫn đeo chiếc đồng hồ 15 USD mua từ nhiều năm trước, đi máy bay hạng vé phổ thông, hòa mình với mọi nhân viên của mình không hề có sự cách biệt. Phương châm của ông là: "Sống để làm việc chứ không phải để làm giàu". Ông kiếm rất nhiều tiền nhưng không nhằm mục đích sở hữu chúng. Nhiều năm liền ông lặng lẽ và bí mật làm từ thiện với số tiền hàng tỷ USD. Chuck Feeney rất tâm đắc với câu tục ngữ của người Xentơ: "Không có túi đựng tiền trong tấm vải liệm".
Ông Nguyễn Vĩnh Nghiệp, Anh hùng Lao động, cựu Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo, một quan chức đức độ, mẫn cán được nhiều người quý trọng. Lần ấy đi khám bệnh, bác sĩ dè dặt thông báo ông bị ung thư. Nếu được chạy chữa và chăm sóc tốt thì tuổi thọ có thể kéo dài thêm hai năm. Vào trường hợp như thế có người sẽ "sốc" và lo lắng, rồi sau đó giấu kín tình trạng sức khỏe của mình, để "nguyện bám ghế đến hơi thở cuối cùng". Đang nắm chức vụ ấy, giữ thêm được ngày nào ông có lợi ngày đó. Nhưng không. Ông đón nhận tin dữ rất bình tĩnh như một người vô vi thấm nhuần triết lý đạo Lão: "Việc gì đến khắc đến". Ông báo cáo tổ chức và làm đơn đề nghị được nghỉ hưu trước tuổi quy định. Về nhà, vẫn lo điều trị, nhưng phần lớn thời gian ông đạp xe đến gặp mấy đồng chí đã từng gắn bó vào sinh ra tử trong chiến trường thời đánh Mỹ, đa số đã nghỉ hưu, hợp thành một nhóm đi vận động gây "Quỹ từ thiện mổ mắt cho người nghèo". Lúc đầu, vợ con ông phản đối. (Ông bà có 4 con gái, một con trai. Người con trai là liệt sĩ, hy sinh trên chiến trường Tây Nam). Sau nghe ông phân tích, rằng bệnh này dù là thần y cũng bó tay, việc "đi xa" lúc nào là mệnh Trời không thể cưỡng lại được. Từ giờ đến lúc ấy, ông cần phải làm việc gì có ý nghĩa tốt đẹp, góp phần đem lại hạnh phúc cho đồng bào mình, nhất là người nghèo. Vậy là cả nhà không chỉ đồng ý, mà rất ủng hộ ông.
Ngày ngày bất kể nắng mưa, cùng những người giàu tâm đức như ông cần mẫn đi vận động. Hiểu được ý nghĩa việc làm, cảm phục mấy cụ già đầy nhiệt huyết, cá nhân, tập thể, doanh nghiệp chung tay đóng góp. Quỹ mỗi ngày một tăng cùng với số người nghèo được mổ mắt tăng theo. Nhưng sức khỏe của ông thì ngày càng suy kiệt. Dầu vậy, tâm ông thanh thản, lòng ông tràn ngập niềm vui và mọi người đều kính trọng ông.
Gần hai năm sau, ông qua đời. Ở thời điểm ấy "Quỹ từ thiện mổ mắt cho người nghèo" do ông sáng lập đã đem lại ánh sáng cho hơn năm trăm người, cũng có nghĩa góp phần quan trọng đem lại cuộc sống hạnh phúc cho hơn năm trăm gia đình. Ân đức quả không nhỏ.
Lễ tang ông rất trọng thể và đông. Trọng thể bởi mọi người đến vĩnh biệt ông bằng tất cả thiện tâm và thành tâm. Đông bởi rất nhiều bà con dân nghèo, từ chị bán hàng rong, anh lái taxi, xe ôm, đến những người buôn bán ở chợ, vỉa hè, đường phố. Không phải họ hàng thân thích, chỉ nghe và biết việc làm tốt đẹp của ông mà tìm đến viếng ông, tỏ lòng kính trọng và biết ơn.
Chúng ta có bao giờ nghĩ tới khi mình qua đời đám tang sẽ ra sao? Có vinh dự được đón nhận lòng thương tiếc, sự ngưỡng mộ và kính trọng một cách tự nguyện của mọi người, nhất là những người nghèo như lễ tang ông Nguyễn Vĩnh Nghiệp hay không?
Người Nga truyền nhau câu chuyện rằng trước khi qua đời Aleksandr I (1801 - 1825), vị Hoàng đế lừng danh của họ căn dặn ba điều: một - khênh linh cữu ông là các thần y; hai - tiền bạc ông có bao nhiêu tung vãi hết khắp trên đường đến huyệt mộ; ba - quan tài đục thủng hai lỗ và để thò hai bàn tay của ông ra ngoài. Phải chăng thông điệp mà ông muốn truyền lại là: một - sống chết là mệnh, thần y cũng bó tay (thần y phải khênh thần chết); hai - sống có bao nhiêu tiền của thì chết cũng không thể mang theo được; ba - ra đời từ hai bàn tay trắng thì qua đời cũng trở về hai bàn tay trắng.
Quan trọng là phải giữ cho đôi bàn tay ấy luôn sạch.
Ý nghĩa triết lý nhân sinh sâu sắc trong trăng trối của ông cùng cách sống bình dị của những người nổi tiếng trên chẳng đáng để chúng ta suy ngẫm hay sao?