Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

ÔNG KHÔNG PHẢI "TƯỚNG HUYỀN THOẠI" cũng không phải "NAPOLEON CỦA VIỆT NAM"

Đắc Trung
Chủ nhật ngày 3 tháng 10 năm 2021 10:00 PM

Nhân kỷ niệm 8 năm Đại tướng Võ Nguyên Giáp đi xa (4/10/2013 - 4/10/2021)




Hiếm có vị tướng như Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Thắng kẻ thù mà lại được chính kẻ thù hết lời ca ngợi, thậm chí còn tự hào vì được ông đánh bại. Trong hồi ký của mình, Tướng Đờ Catxtơri (Christian de Castries) bị bắt ở Điện Biên Phủ, viết: "Tôi hân hạnh được làm đối thủ của Tướng Giáp, được làm kẻ chiến bại trực tiếp của một người tài giỏi như Tướng Giáp. Tôi ngưỡng mộ và kính phục ông".

Oét-mô-len (William Childs Westmoreland), Đại tướng - Tổng Tư lệnh quân đội Mỹ ở miền Nam Việt Nam, viết trong hồi ký: "Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người hội tụ được tất cả những phẩm chất làm nên một thống lĩnh quân sự vĩ đại" và gọi ông là "Vị tướng huyền thoại".

Đó là sự ngưỡng mộ đáng quý trọng. Tuy nhiên, suy ngẫm kỹ mới thấy cách gọi ấy không phù hợp với tư chất của ông.

Thứ nhất: Đại tướng Võ Nguyên Giáp rất khiêm nhường, không muốn đứng trước ai, trên ai, càng không muốn người khác đề cao ca ngợi mình.

Vào giữa tháng 8 năm 1998, Giôn Kennơdy (John Kennedy), con trai duy nhất của Tổng thống Mỹ Kennơdy (John F. Kennedy - Tổng thống thứ 35 của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, sinh ngày 29-5-1917, nhậm chức Tổng thống ngày 20-1-1961, bị ám sát ngày 22-11-1963 tại thành phố Dallas bang Texas, khi cùng phu nhân đi trên chiếc xe hở mui đến địa điểm diễn thuyết) trở lại thăm Việt Nam lần thứ hai. Giôn Kennơdy lên tận hang Pắc Bó, ở lại trong hang một đêm. Hôm sau ông xuôi thuyền theo sông Bằng Giang về thị xã Cao Bằng với mong muốn cảm nhận phần nào tâm trạng các lãnh tụ tiền bối cộng sản cùng thời với Hồ Chí Minh. Giôn Kennơdy khát khao được gặp và phỏng vấn Đại tướng Võ Nguyên Giáp, để tỏ lòng ngưỡng mộ một nhà quân sự mà tên tuổi lẫy lừng thế giới. Ông được toại nguyện. Buổi tiếp xúc diễn ra thân tình, để lại cho Giôn Kennơdy ấn tượng sâu sắc về một "Trí tuệ bậc thầy" như tên bài viết của ông đăng trên "Tạp chí Geogre", một tạp chí lớn của Mỹ tháng 11 năm 1998. Khi phỏng vấn, Giôn Kennơdy gọi Đại tướng Võ Nguyên Giáp là "Thiên tài quân sự", ông liền giơ tay, lắc đầu: "Không. Thiên tài quân sự là nhân dân Việt Nam". Đại tướng Võ Nguyên Giáp còn nói thêm: "Tại đất nước chúng tôi có một câu: "Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh". Vì vậy khi được hỏi: "Ai là vị tướng Việt Nam giỏi nhất?", tôi trả lời: "Đó là nhân dân Việt Nam".

Tạp chí "Times Asia" (Phiên bản "Tạp chí Time" của Mỹ ấn hành tại châu Á) đăng bài phỏng vấn Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi ông ở tuổi 95, rất ca ngợi sự khiêm nhường cao quý của ông. Đại tướng bác bỏ những nhận định cho rằng, chiến thắng quân sự đã đưa ông thành người anh hùng. Ông nhấn mạnh: "Chính dân tộc Việt Nam với tinh thần yêu nước sâu sắc mới là người làm nên những điều phi thường".

Ở đời, bất kể nhân danh gì, tổ chức hay cá nhân nếu không biết khiêm nhường, luôn coi mình hơn tất cả, đặt mình trên tất cả, thì không thể thu phục được cảm tình của cộng đồng và xã hội.

Tư chất của Đại tướng chẳng khiến chúng ta phải suy ngẫm hay sao?

Mắc Namara (Robert Strange Mc Namara), "người hùng" của quân đội Mỹ, hai nhiệm kỳ giữ chức Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Bước vào Lầu Năm Góc, Mắc Namara đã gây chấn động dư luận, bởi lần đầu tiên cho áp dụng hệ thống máy tính vào thu thập, phân tích, xử lý các dữ liệu chiến tranh. Ông cũng là tác giả chính các kế hoạch chiến lược của Hoa Kỳ đối với Việt Nam từ những năm 60 thế kỷ XX như: chuyển từ "Chiến tranh đặc biệt" sang "Chiến tranh cục bộ", cho không quân, hải quân đánh phá miền Bắc, trực tiếp giám sát việc tác chiến, đề nghị và được Chính phủ Mỹ chấp nhận chi 2 tỷ USD để xây dựng hàng rào điện tử mang tên mình ở bờ Nam sông Bến Hải. Cũng chính ông đã suýt bị chiến sĩ biệt động thành Sài Gòn Nguyễn Văn Trỗi đặt mìn ám sát trên cầu Công Lý ngày 2-5-1964 nhưng không thành khi dẫn đầu đoàn quân sự cấp cao của Mỹ sang gặp Chính phủ Việt Nam Cộng hòa. Năm 1968, Mắc Namara viết hồi ký. Trong sách, ông thừa nhận thất bại ở chiến trường Việt Nam và rút ra cho mình 11 bài học xương máu. Kết thúc chiến tranh, mấy lần Mắc Namara sang Việt Nam và ông hân hạnh được Đại tướng Võ Nguyên Giáp tiếp kiến tại nhà riêng số 30 phố Hoàng Diệu, Hà Nội. Cuộc trò chuyện cởi mở. Võ Nguyên Giáp lịch sự và hóm hỉnh. Mắc Namara nói: "Quân đội Mỹ đã thắng hầu hết các trận lớn trên chiến trường". Võ Nguyên Giáp cười: "Nhưng người Việt Nam lại thắng cả cuộc chiến tranh". Mắc Namara muốn tìm kiếm câu trả lời cho những thảm bại của mình, rằng "Vì sao không thể thắng được Việt Nam?". Võ Nguyên Giáp đáp: "Mỹ xâm lược Việt Nam là sai lầm. Mỹ không hiểu Việt Nam là dân tộc có tinh thần bất khuất hàng ngàn năm chống giặc ngoại xâm... Kẻ nào nhòm ngó tới biên giới Việt Nam hãy nên nhớ, nhân dân Việt Nam sẵn sàng đốt cháy cả dãy Trường Sơn để bảo vệ Tổ quốc". Trong chiến tranh, một quân đội nhất thời có thể thất bại chứ cả dân tộc thì không. Tại buổi tiếp kiến, ngoài Mắc Namara còn có tướng Smith. Sau câu hỏi của Smith, đại ý: Võ Nguyên Giáp là vị tướng được đánh giá cao nhất của Việt Nam? Đại tướng Võ Nguyên Giáp xua tay: "Quân đội nhân dân Việt Nam ở cả miền Nam và miền Bắc, như Chủ tịch Hồ Chí Minh nói, là quân đội anh hùng, có tinh thần chiến đấu rất cao, thông minh và sáng tạo. Còn vị tướng, dù công lớn đến đâu cũng như giọt nước trong biển cả. Chỉ nhân dân Việt Nam là người đánh thắng Mỹ. Có người gọi tôi là "Tướng huyền thoại", nhưng tôi nghĩ, tôi bình đẳng với mọi người lính của mình. Tôi hoàn thành nhiệm vụ cũng như những người lính hoàn thành nhiệm vụ. Trên bình diện nhiệm vụ thì tôi cũng như người lính, cho nên tôi rất tôn trọng họ".

Năm 1959, trong một bài chính luận, Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết: "Quân đội chúng ta các cấp bậc và chức trách khác nhau, có sự phân biệt cấp trên và cấp dưới, nhưng sự phân biệt ấy không bao giờ được làm hại đến những mối quan hệ bình đẳng về chính trị giữa con người với nhau... Tổng Tư lệnh thật sự của quân đội là Đảng. Chính Đảng và nhân dân quyết định đường lối chung mà quân đội tuân theo" ("Tổng tập luận văn" - Võ Nguyên Giáp - NXB Quân đội nhân dân, 2006).

Lý tưởng của ông, tâm hồn và tình cảm ông, luôn gắn quyện với lý tưởng, tâm hồn và tình cảm những người lính. Có lần đệm đàn piano cho nghệ sĩ Nhân dân Tường Vi hát bài ca ngợi người lính, ông rưng rưng xúc động.

11 giờ 35 phút, ngày 30 tháng 4 năm 1975, từ Tổng Hành dinh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhận được điện báo cáo: quân ta đã cắm cờ Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam trên nóc Dinh Độc Lập. Tiếp đó Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Dương Văn Minh, qua Đài phát thanh Sài Gòn, tuyên bố đầu hàng vô điều kiện. Đại tướng lặng đi nghẹn ngào, nước mắt tràn mi. Đó là những giọt nước mắt vui mừng khôn tả của vị Tổng Tư lệnh quân đội cả đời xả thân vì nước, xúc động khi giang sơn đã thoát nạn ngoại xâm. Cố nén lòng, Đại tướng gọi Tổ Cơ yếu và Điện đài sang phòng họp của Tổng Quân ủy, đem bánh kẹo, thuốc lá tiêu chuẩn của mình "khao" các chiến sĩ thông tin. Việc làm bình thường của Tư lệnh tối cao, nhưng bao hàm ý nghĩa rất sâu sắc. Điều ông muốn gửi gắm là: chiến công này, vinh quang này, trước hết thuộc về những người lính và ông luôn coi mình bình đẳng như họ.

Sau mấy phút liên hoan vui vẻ, các chiến sĩ được lệnh chuyển đi một bức điện, nội dung mang đầy tình nghĩa của Tổng Tư lệnh gửi tướng Lê Trọng Tấn, người chỉ huy hướng đột phá mở màn chiến dịch: "Anh Tấn ơi! Làm ăn tốt quá, phấn khởi quá. Chúc các anh khỏe và chuyển lời mừng chiến thắng của mình cho các tướng trong đó. Ký tên: VĂN" ("Tổng hành dinh trong mùa xuân toàn thắng" - Võ Nguyên Giáp - NXB Quân đội nhân dân, 2000).

Trong cuộc sống, người thông minh thường nhún nhường, khiêm tốn và ham học hỏi, kẻ ngu dốt lại thích khoe khoang, tìm mọi cách đề cao mình, cho mình là quan trọng, coi mình hơn tất cả, bản thân chẳng ra gì nhưng vẫn lên giọng giáo huấn người khác bằng thứ đạo đức giả và mớ kiến thức cổ hủ lỗi thời, kiêu căng không chịu nghe ai, thậm chí còn thâm thù và tìm cách xử lý những người nói trái ý mình. Kẻ xấu thường tự cho mình là tốt, người tốt lại luôn nghĩ mình còn xấu. Kẻ bất tài luôn coi mình nhiều tài, chẳng có công lao cống hiến gì nhưng luôn lập lờ kể công và tranh công. Người tốt tài giỏi thật nhưng không nhận mình tài giỏi, công lớn mà không nhận mình có công. Nhà văn John Wooden viết: "Tài năng do tạo hóa ban phát - hãy luôn khiêm tốn. Danh tiếng do người đời tôn tặng - hãy biết ơn. Tự phụ do bản thân phong - hãy cẩn thận". Giá trị cuộc sống mỗi người như một phân số, đức tài thực tế là tử số, tự đánh giá là mẫu số. Mẫu số càng to thì phân số càng nhỏ và ngược lại. Tự cao tự đại, háo danh lớn chừng nào thì nhân cách và trí tuệ bé chừng ấy. Có danh mà không có giá sao bằng có giá mà không cần danh. Giá đảm bảo cho danh có nghĩa. Có danh mà không có giá thì khác gì đống tiền thời lạm phát. Có giá tự nhiên sẽ có danh. Có giá mà không cần danh vẫn hơn có danh mà không có giá.

Những người coi nhẹ danh lợi thường có chí lớn.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp là thế. Ông quan tâm tới mục đích và kết quả sự nghiệp cách mạng, chứ không phải công trạng cá nhân, không xu nịnh ai và cũng không muốn người khác đề cao, tụng ca mình. Suy đến cùng sự xu nịnh bao giờ cũng hại nhiều hơn lợi và tổn thương nhân cách cả kẻ nịnh cũng như người được nịnh.

Cho nên ở đời, khi muốn tôn vinh ai, cần phải tính đến hai yếu tố: họ có xứng đáng được tôn vinh? Đồng thời họ có tiếp nhận sự tôn vinh? Với những kẻ nô tài hèn hạ thì bất kỳ ai chúng cũng sẵn sàng khúm núm xun xoe tâng bốc ca ngợi nếu có lợi. Với những gã háo danh thì bao nhiêu mỹ từ cũng không đủ. Nhưng với người khiêm tốn thì đó lại là sự tổn thương lòng tự trọng.

Phẩm chất cao quý ấy chỉ những người chí lớn, nhân cách lớn mới có.

Thứ hai: "Huyền thoại là chuyện huyễn hoặc, thần bí, do trí tưởng tượng hư cấu. Huyền thoại thường kể về các vị thần linh, các nhân vật siêu phàm, có những hành động kỳ vĩ, gắn ít nhiều với lịch sử, phần lớn không có cơ sở thực tế. Thí dụ: chuyện Lạc Long Quân lấy nàng Âu Cơ đẻ ra trăm trứng, hay Thánh Gióng bay lên trời..." ("Từ điển bách khoa Việt Nam" - Tập 2 - NXB Từ điển Bách khoa, 2005).

Huyền thoại là thế, không có thật. Trong khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp hoàn toàn thật. Người thật, nhân cách thật, đạo đức thật, tài năng quân sự thật và lập những chiến công to lớn thật.

Vậy thì ông không thể là huyền thoại.

Hữu Mai, nhà văn quân đội, gần gũi nhiều và được Đại tướng tin cậy giao chắp bút nhiều tác phẩm hồi ký. Khi viết cuốn tiểu thuyết lịch sử về Đại tướng, nhà văn cũng lấy tên "Không phải huyền thoại" - (Nhà xuất bản Trẻ).

Tôn trọng và ghi nhận sự ngưỡng mộ của ngài Oét-mô-len, nhưng gọi Võ Nguyên Giáp là "Tướng huyền thoại" e không hợp với tư chất và không đúng với sự nghiệp của Đại tướng.

Năm 1966, viết về cuộc chiến tranh chống Pháp của Việt Nam, đồng thời kỷ niệm 60 năm ngày ra số đầu tiên, "Tạp chí Times Asia" đã phát hành ấn phẩm đặc biệt giới thiệu các anh hùng châu Á, trong đó có Đại tướng Võ Nguyên Giáp và họ gọi ông là "Napoleon của Việt Nam". Cách so sánh ấy cũng không đúng. Bởi:

Về bản chất: Napoleon là tướng của đội quân xâm lược, đến đâu là đầu rơi máu chảy, đốt phá và tàn sát - tướng chiến tranh. Còn Võ Nguyên Giáp là tướng chống xâm lược - tướng hòa bình. Có lần trao đổi với Karnow - nhà sử học người Mỹ, ông nhấn mạnh: "Hãy ghi nhớ tôi là vị tướng chiến đấu vì hòa bình". Có lần phóng viên Dominique báo L' Humanite' (Nhân Đạo - Pháp) phỏng vấn Đại tướng Võ Nguyên Giáp: "Xin ngài cho biết chiến lược của ngài là gì?". Đại tướng trả lời: "Chiến lược của tôi là chiến lược của hòa bình. Tôi là vị tướng của hòa bình chứ không phải vị tướng của chiến tranh". Nhân chuyến thăm Liên hiệp quốc ở Giơnevơ (Thụy Sĩ), ông được mời ký vào một cuốn sách. Đại tướng viết: "Võ Nguyên Giáp - Đại tướng hòa bình".

Về tài: Napoleon thiên dụng binh chớp nhoáng, tập trung sức mạnh quân sự tối đa đánh nhanh, giải quyết nhanh, bất chấp tổn thất. Võ Nguyên Giáp theo phương châm "Trường kỳ kháng chiến" bằng "Chiến tranh nhân dân", dụng binh thận trọng, tổn thất ít nhất, mục đích giành chiến thắng cuối cùng. Napoleon đại bại bởi Kutuzov ở Bô-rô-di-nô trong cuộc chiến tranh Nga - Pháp năm 1812, bị Oen-linh-tơn (Anh) đánh tan trong trận Oa-téc-lô năm 1815 và kết thúc cuộc đời trong nhà tù trên đảo Xanh Hê-len (Sainte Hélene). Còn Võ Nguyên Giáp dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ huy quân đội đánh thắng hai đế quốc lớn, mà như nhà sử học Pháp An-phôn Sác-lơ (Alphonse Sacler) đã viết về ông: "Một vị tướng chưa hề biết thất bại". ("Võ Nguyên Giáp" - NXB Thế giới, 2012). Cuộc đời cầm quân của ông đã buộc 7 Đại tướng lừng danh của nước Pháp (Lơ-Clec, Va-Luy, C. Bơ-le-do, Các-păng-Chie, Đơ-lát Đơ-tát-xi-nhi, Ra-un Sa-lan, Hen-ri Na-va) và 4 Đại tướng nổi tiếng của nước Mỹ (Ha-kin, Oét-mô-len, Abơ-ram, Uây-oen) phải chịu thua và đều ngưỡng mộ kính trọng ông.

Ông là Danh tướng thế giới, là "một trong mười nhà quân sự lỗi lạc nhất của mọi thời đại" ("Tân bách khoa toàn thư Anh quốc" - tái bản lần thứ 15 - NXB London), là Đại tướng Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam, là sản phẩm của lịch sử dân tộc Việt Nam, là niềm tự hào của người Việt Nam, chứ không phải là bản sao Napoleon của nước Pháp.

(Trích Chương "Nhập đề" sách: "TỪ MỘT CUỘC ĐỜI SUY NGẪM VỀ ĐẠO LÀM NGƯỜI" - ĐẮC TRUNG - 660 trang - NXB Hà Nội mới ấn hành)