Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

QUẢ CHUÔNG ĐỀN CHÚC THÁNH VÀ BÀI THƠ BÌNH THANH TỰ SỰ, NHÀ THỜ NGUYỄN THIẾP Ở THANH OAI, HÀ NỘI.

Trần Quốc Thường
Thứ ba ngày 5 tháng 10 năm 2021 1:58 PM

 
Tư liệu lịch sử quý hiếm:
( Đã đăng số 181 Tạp chí Hồng Lĩnh-tháng 9/2021)
Tôi đã trực tiếp ra làng Phú Lương huyện Thanh Oai, Hà Nội gặp vị tộc trưởng dòng nguyên trưởng Nguyễn Vân Liên nhiều lần để trao đổi, thấy các tư liệu liên quan tới La Sơn Phu tử Nguyễn Thiếp ( LSPT) rất quý hiếm.
Đây là các hiện vật, tư liệu lịch sử rất quý hiếm để giúp các nhà nghiên cứu lịch sử biết thêm về quê quán, thân thế, sự nghiệp của anh em, cha con Quảng oai hầu La Sơn Phu tử Nguyễn Thiếp mà lâu nay lịch sử còn nhầm lẫn và đánh giá chưa đúng mực.
1- Quả chuông đồng ở đền Chúc Thánh.

Những dòng chữ Nôm được khắc trên quả chuông được đúc từ thời Cảnh Thịnh - Nguyễn Quang Toản (1793-1802) cho ta biết được nhiều điều. Quả chuông này do cha con, anh em ... La Sơn Phụ tử Nguyễn Thiếp góp tiền đúc nên. Họ là các Đại đô đốc (được vua Quang Trung phong) cùng ở ấp Vân Lôi trang Thắng Lãm.( Nay là xã Phú Lương, Thành Oai, Hà Nội)
Sau khi đúc xong, chuông được treo ở đền Thượng. Đền Thượng gồm 24 toà, được sơ tán đi các địa phương khác vào cuối thời vua Thành Thái (1907), nay chỉ còn nền đất cũ, ở giữa hai làng Quang Lãm và Văn Nội.
Hiện nay, quả chuông này được treo ở chùa Chúc Thánh thuộc làng Nhân Trạch (là một ấp của trang Thắng Lãm cũ) xã Phú Lương, huyện Thanh Oai, Hà Nội.
Dưới đây là đoạn mở đầu bài văn khắc trên quả chuông đó:
“Người cùng huyện, cùng làng, cùng xã hằng tâm, hằng sản góp tiền công đức đúc chuông:
-Đại đô đốc Quảng oai hầu tiền cổ năm quan.
-Đại đô đốc Đông lĩnh hầu tiền cổ năm quan.
-Đại đô đốc Phong đức hầu tiền cổ năm quan.
-Đại đô đốc Phó đề lĩnh Nhật đức hầu tiền cổ năm quan
-Đại đô đốc Tham lĩnh -Thái hoà hầu tiền cổ năm quan
-Đô ty Đạt ngọc hầu tiền cổ năm quan.
-Trưởng cơ Trấn vũ hầu tiền cổ năm quan.
-Tả quản lý Trịnh Tiệp tiền cổ năm quan.
..........................................”
2- Về bài thơ BÌNH THANH TỰ SỰ.
Bài thơ này do chính La Sơn Phu tử Nguyễn Thiếp viết sau chiến thắng Ngọc Hồi-Đống Đa mùa xuân Kỉ Dậu-1789, được ghi trong cuốn Thu tập. Đây là cuốn sách ghi chép các sự kiện, các bài viết từ năm 1802 ( Thời Gia Long) đến 1907 ( thời vua Thành Thái). Hiện do ông Nguyễn Vân Liên là tộc trưởng dòng đích ở Phú Lương, Thanh Oai, Hà Nội lưu giữ.
Bản chụp bài thơ gốc ( ảnh ) do ông Nguyễn Vân Liên gửi kèm bản dịch thơ cho chúng tôi. Gần đây tôi (Quốc Thường) có nhờ ông Đào Tam Tĩnh, nguyên Giám đốc Thư viện Nghệ An rà soát, dịch và phiên âm.( ảnh kèm theo)
Bản phiên âm:
Viết dã tòng chinh sơ nhất đông
Phật vương thảo tặc xuất tiên phong.
Tướng binh thiên vạn lưu thi lại.
Thiên tử vương sư chiến tặc đồn
Quân hành tưởng tự thiên nhi giáng
Tặc chúng tướng vong khủng thất hồn.
Tự kim nhi hậu đương từ nghịch
Cổ lai xâm lược kỉ nhân tồn.
Quảng Oai Hầu, La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp.
Bản dịch thơ như sau:
BÌNH THANH TỰ SỰ.
( Tạm dịch)
Luyện quân đánh giặc một mùa đông.
Giúp vua dẹp loạn xuất tiên phong.
Bình Thanh, ngàn vạn chôn thây lại.
Cha con năm đạo quét sạch đồn.
Quân đi tưởng tự trên trời xuống.
Lũ giặc nhìn nhau sợ mất hồn.
Hãy nhớ từ nay chừa bạo ngược.
Xưa nay cướp nước mấy ai còn?
Quảng Oai Hầu, La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp.
3- Nhà thờ, thờ LSPT ( ảnh)
a-Tại nhà thờ, ở chính giữa là nơi thờ Nguyễn Thiếp và bà bà vợ:
-Đại đô đốc Quảng oai hầu - tức LSPT Nguyễn Thiếp, tự Phúc Hiển và 3 bà vợ đó là:
-Đại đô đốc Quảng oai hầu LSPT phu nhân, hiệu Từ Đạt ( em vua Hiển Tông là cô ruột Ngọc Hân công chúa), hiệu Từ Niệm và hiệu Thục Thịnh (bà tên là Đặng Thị Nghi ở Nguyệt Ao, Can Lộc).
b- Ở bên trái thờ 3 con trai:
-Đại đô đốc Đông lĩnh hầu - Nguyễn Vân Long -Tự Trực Hệ (Con trai cả của Nguyễn Thiếp)
-Đại đô đốc Phong đức hầu -Tức Hám hổ hầu - Nguyễn Vân Hổ -Tự Trực Thiện. (-Con trai thứ của Nguyễn Thiếp )
-Thiếu bảo Hương quận công Nguyễn Nhẫn, hiệu Phúc Trung.( Con bà Từ Đạt)
c- Bên phải thờ 2 con trai và 1 con nuôi:
-Đại đô đốc Phó đề lĩnh Nhật đức hầu Nguyễn Vân Lộc (-Con trai Nguyễn Thiếp, chưa có bài vị)
-Đại đô đốc Tham lĩnh -Thái hoà hầu Nguyễn Vân Tuyết (-Con trai Nguyễn Thiếp, chưa có bài vị)
- Tả quản lý Trịnh Tiệp nghĩa tử.( Con nuôi Nguyễn Thiếp)
& Ghi chú:
-Tiền được góp từ thời vua Quang Trung còn sống, nhưng đến đời Cảnh Thịnh mới đúc chuông. Khi ấy, La Sơn Phu tử Nguyễn Thiếp (tức Đại đô đốc Quảng oai hầu) còn sống, 2 em trai không ở nhà nên không góp.
Khải và Chuyên là tên 2 em trai của LSPT, có lần ông đã lấy Khải Chuyên làm bút danh của mình.
-Đô ty Đạt ngọc hầu –Tức Nguyễn Vân Quang -con trai Đại đô đốc Nguyễn Khải (em kế LSPT)
-Trưởng cơ Trấn vũ hầu Tức Nguyễn Vân Giám -con trai Đại đô đốc Nguyễn Chuyên (em thứ 3 LSPT)
- Ông Nguyễn Vân Tằng ( là cháu đích tôn cụ Hương Quận công Nguyễn Văn Ý- Ông Ý là chắt đích tôn của LSPT) dịch, TS Lã Duy Lan ở Viện Văn học chấp bút.
Căn cứ vào các cứ liệu lịch sử nêu trên, ta có thể rút ra mấy kết luận sau đây:
1- Quê quán của Nguyễn Thiếp là ở Vân Nội, Phú Lương, Thanh Oai, Hà Nội sau mới vào làng Nguyệt Ao, xã Kim Song Trường, Can Lộc, Hà Tĩnh.
2- Ông có 3 bà vợ, bà thứ 2 Đặng Thị Nghi là ở làng Nguyệt Ao xã Kim Song Trường, Can Lộc, Hà Tĩnh.
3- Ông có 5 người con và 1 người con nuôi. Bốn con đầu mất sớm, con út Nguyễn Văn Nhẫn là Hương quận công kế thế.
4- Cả 5 người con đều là Đại đô đốc nhà Tây, cùng 2 em là người từng tham gia, góp công rất lớn trong trận Ngọc Hồi -Đống Đa lịch sử mùa xuân Kỉ Dậu- 1789. Câu nói : "Tây Sơn ngũ hổ" chính là để nói về 5 cha con Nguyễn Thiếp.
6- Đại đô đốc Long là Nguyễn Vân Long, con đầu của Nguyễn Thiếp chứ không phải là Đặng Tiến Đông như nhiều dòng họ đã ngộ nhận.
7- Nguyễn Thiếp có bút danh: Khải Chuyên là ông lấy tên 2 người em trai Nguyễn Khải và Nguyễn Chuyên gộp lại.